Tìm hiểu thông tin từ A đến Z về bệnh hen suyễn

Dương Minh Ngọc

16-07-2022

goole news
16

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh mãn tính, khó điều trị khỏi hoàn toàn. Người bệnh được điều trị kịp thời có thể kiểm soát tốt tình trạng và sống như người bình thường. Dưới đây là toàn bộ những thông tin khoa học về bệnh hen suyễn.

Bệnh hen suyễn là gì?

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản hoặc viêm niêm mạc phế quản mạn tính (tiếng Anh là Asthma) - một tình trạng đường thở bị thu hẹp, phù nề, niêm mạc phế quản tăng tiết đờm dãi và cơ trơn phế quản bị co thắt.

Hiện tượng này khiến người bệnh thấy thở khó, thở khò khè. Nặng ngực và kích thích các cơn ho xuất hiện. Mỗi khi thở ra, hít vào thì người bệnh nghe thấy âm thanh như tiếng huýt sáo.


Tình trạng phổi và đường thở của người hen suyễn 

Với một số trường hợp, bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn tính chỉ gây bất tiện cho người mắc. Nhưng với nhiều trường hợp có tình trạng bệnh nặng đến mức làm cản trở các hoạt động thường ngày. Khó khăn trong việc thở và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp và gia tăng tính phản ứng của phế quản trước các tác nhân gây kích thích. Mức độ hen được chia làm 4 cấp độ tương ứng với 4 tình trạng cơn hen. Mức độ hen của người bệnh được bác sĩ xác định gồm: cơn hen nhẹ, cơn hen trung bình, hen nặng và hen nguy kịch.

Các loại bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn được chia thành nhiều loại với đặc điểm và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Dưới đây là các loại bệnh hen suyễn:

Hen suyễn dị ứng (hen suyễn ngoại sinh)

Khi người bệnh tiếp xúc với các chất gây dị ứng thì sẽ kích hoạt loại hen suyễn phổ biến này. Các chất thường gây dị ứng là lông thú cưng, phấn hoa, bụi, đồ ăn,... Bệnh này thường xuất hiện khi gặp chất gây dị ứng. Hoặc theo mùa vì hen suyễn dị ứng thường đi đôi với dị ứng theo mùa.

Dị ứng phấn hoa dễ dẫn đến viêm niêm mạc phế quản mạn tínhDị ứng phấn hoa dễ dẫn đến viêm niêm mạc phế quản mạn tính

Hen suyễn không dị ứng (hen suyễn nội tại)

Các chất kích hoạt loại hen bao gồm: khói đốt củi, khói thuốc lá, không khí lạnh, sản phẩm tẩy rửa, ô nhiễm không khí, nước hoa,... Các chất kích ứng có trong không khí không liên quan đến dị ứng kích hoạt loại hen suyễn này.

Bệnh hen suyễn nghề nghiệp

Loại bệnh này do các tác nhân gây ra tại nơi làm việc. Như thuốc nhuộm, hóa chất công nghiệp, mủ cao su, bụi bặm,... Những chất kích thích này có thể tồn tại trong nhiều ngành công nghiệp.

Co thắt phế quản do tập thể dục (EIB)

Sau khi bắt đầu thể dục hoặc hoạt động thể chất từ 10 - 15 phút. Người tập xuất hiện các cơn co thắt phế quản. Nhưng không phải ai bị EIB cũng mắc phải các loại hen phế quản khác.

Hen phế quản do Aspirin (AIA)

Hay còn gọi là hô hấp cấp do Aspirin (AERD). Bệnh này được kích hoạt bằng cách người bệnh dùng thuốc chống viêm không steroid, naproxen hoặc aspirin. Trong vài phút hoặc vài giờ sau khi dùng thuốc, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng. 

Hen suyễn về đêm

Nhiều người bị hen có triệu chứng nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Các tác nhân gây ra triệu chứng vào ban đêm bao gồm ợ nóng, lông thú cưng, mạt bụi…

Hen phế quản dạng ho (CVA)

Loại bệnh hen này thường có đặc điểm ho khan dai dẳng. Nếu người bệnh bị hen phế quản dạng ho không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến bùng phát cơn hen cùng các triệu chứng khác.

Bệnh hen suyễn khởi phát ở người lớn

Dù người bệnh dùng thuốc giãn phế quản cũng không làm cơn hen biến mất. Đây là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu y tế ngay lập tức. 

Bệnh hen phế quản ở trẻ em

Một đợt hen xảy ra với các triệu chứng khác nhau. Trẻ có thể các vấn đề như ho liên tục, dai dẳng nhất là khi vui chơi vào buổi tối hoặc khi cười.

Hen phế quản ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ emHen phế quản ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em

Dấu hiệu cảnh báo bệnh hen suyễn

Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn rất đa dạng và có thể diễn ra không thường xuyên. Một số triệu chứng lâm sàng giống với một số bệnh về phổi như lao, COPD, giãn phế quản,... Những triệu chứng bệnh này có thể chỉ xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày. Hoặc khi người bệnh tiếp xúc với các chất kích thích. Sau đây là các dấu hiệu phổ biến của bệnh hen phế quản:

Khó thở và thở khò khè

Khò khè là âm thanh không bình thường có dạng tiếng rít phát ra mỗi khi thở. Khi đường hô hấp bị thu hẹp làm không khí khi đến phổi bị cản trở nên gây ra hiện tượng này. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản. 

Thở nhanh, thở gấp

Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh này. Triệu chứng sẽ càng nặng khi người bệnh vận động nhiều như tập thể dục, leo cầu thang,...

Da nhợt nhạt, đổ nhiều mồ hôi

Khó thở khiến cơ thể người bệnh không được cung cấp đủ lượng oxy. Dẫn đến da mặt nhợt nhạt và ra nhiều mồ hôi.

Lên cơn hen điển hình với biểu hiện sổ mũi, ho

Ho khan, ho nhiều, đặc biệt vào ban đêm. Ho là phản ứng khi cơ thể muốn đẩy các chất gây kích ứng ra ngoài. Tình trạng ho kéo dài vào ban đêm là dấu hiệu cần chú ý của bệnh hen phế quản.

Ho nhiều là dấu hiệu của hen phế quản

Theo Bộ Y tế, mức độ cơn hen được chia làm 4 cấp với những dấu hiệu cụ thể như dưới đây:

  • Bậc 1, hen nhẹ: Khó thở khi đi bộ, thở khò khè khi thở ra; Nói bình thường, trọn vẹn câu; Tần số thở chậm; Tần số tim < 100 lần/phút; SpO2 > 95%; PaCO2 bình thường: < 45mmHg.
  • Bậc 2, hen trung bình: Thở khó khi nói chuyện, nuốt khó; Chỉ nói được từng câu ngắn; Cơ thể khó chịu, mệt mỏi; Nhịp thở và tiếng thở khò khè tăng; Xuất hiện co kéo cơ hô hấp phụ và phần hõm xương ức ít; Tần số tim 100-120 lần/phút; SpO2 ở khoảng 91-95%; PaCO2 < 45mmHg.
  • Bậc 3, hen nặng: Thở khó khi nghỉ; Chỉ nói được từng từ; Tiếng thở khò khè to; Xuất hiện co kéo cơ hô hấp phụ và phần hõm xương ức nhiều; Tần số tim > 120/phút; SpO2 < 90%; PaCO2 > 45mmHg, cơ thể có thể tím tái và suy hô hấp.
  • Bậc 4, hen nguy kịch: Khó thở mỗi khi ngáp; Không thể nói chuyện; Rối loạn ý thức; Nhịp thở chậm; Nhịp mạch chậm; Huyết áp tụt.

Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản

Hen phế quản là bệnh lý phổ biến thường xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt với những đối tượng dưới đây có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn như là: dị ứng cơ địa; tái nhiễm khuẩn đường hô hấp nhiều lần; gia đình có tiền sử bị hen; người làm việc hoặc tiếp xúc nhiều với môi trường bị ô nhiễm.

Có nhiều nguyên nhân khởi phát cơn hen phế quản do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân như:

  • Khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường, khói đốt gỗ hoặc cỏ: Khói thuốc lá có hại với tất cả mọi người. Nhất là người bị thường xuyên bị ho hen. 
  • Mạt bụi: Chúng thường có trong thú nhồi bông, chăn, thảm, rèm cửa, đệm,... Do đó, khi giặt đồ nên giặt bằng nước nóng để loại bỏ tối đa mạt bụi. 
  • Nấm mốc: Nấm mốc thường xuất hiện ở môi trường có độ ẩm cao.
  • Dị ứng với gián, lông vật nuôi, phấn hoa, hương thơm.
  • Một số nguyên nhân khác là: Viêm xoang, nhiễm trùng do cảm cúm, trào ngược dạ dày thực quản, chất bảo quản thực phẩm trong đồ ăn đóng gói sẵn. 

Mạt bụi là tác nhân gây kích hoạt cơn hen phế quảnMạt bụi là tác nhân gây kích hoạt cơn hen phế quản

Biến chứng của bệnh hen suyễn

Người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh mạn tính và khi kiểm soát bệnh kém. Người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng hoặc bị trầm cảm.
  • Trẻ bị hen có thể bị chậm phát triển hoặc dậy thì muộn.
  • Cơn hen xuất hiện cản trở giấc ngủ, hoạt động sinh hoạt lẫn công việc.
  • Tác dụng phụ của thuốc corticoid gây hội chứng giả cushing.
  • Biến dạng lồng ngực hoặc mắc bệnh suy hô hấp mạn tính.
  • Tràn khí màng phổi. Trường hợp này rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm hoặc khi phát hiện đã quá muộn làm tăng nguy cơ tử vong.
  • Cơn hen nặng có thể đe dọa đến tính mạng.

Hen kéo dài không được điều trị có thể khiến phế quản bị tắc nghẽnHen kéo dài không được điều trị có thể khiến phế quản bị tắc nghẽn

Cách chẩn đoán bệnh hen suyễn

Để chẩn đoán bệnh được chính xác và loại trừ những bệnh lý hay nhầm lẫn, bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá mức độ cơn hen, đồng thời xem xét tiểu sử bệnh của bạn và gia đình bằng các câu hỏi liên quan đến triệu chứng. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra khác.

  • Đo chức năng phổi: Để xác định lượng không khí vào và ra khi người bệnh hít thở. Đo chức năng phổi được chỉ định thực hiện trước và sau khi người bệnh được dùng thuốc giãn phế quản. Nếu sau khi dùng thuốc, chức năng phổi được cải thiện thì khả năng cao là bạn đã bị bệnh hen suyễn.

Người bệnh thực hiện đo chức năng phổiNgười bệnh thực hiện đo chức năng phổi

  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang giúp bác sĩ chẩn đoán và phân biệt hen với các bệnh hô hấp khác như giãn phế quản, lao nội phế quản,...
  • Thử nghiệm oxit nitric (FENO): Người bệnh thở vào ống nối với một máy đo lượng oxit nitric trong hơi thở. Nếu mức độ oxit nitric cao tức là đường thở đang bị viêm và có nguy cơ bị hen suyễn.
  • Kiểm tra dị ứng: Test định lượng nồng độ immunoglobulin E (lgE) trong huyết thanh hoặc test lẩy da giúp phát hiện tình trạng quá mẫn với các yếu tố gây dị ứng.

Phương pháp điều trị bệnh hen suyễn

Mục tiêu của điều trị hen phế quản là cắt cơn hen và dự phòng cơn hen xuất hiện để các cơn hen càng thưa ra càng tốt. Dù bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng người bệnh vẫn cần khám chuyên khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc mỗi năm 1 lần để điều chỉnh loại thuốc và liều lượng thuốc.

Thuốc kiểm soát bệnh hen dài hạn, như Corticosteroid hít, Thuốc kích thích beta tác dụng dài, Thuốc đường hít kết hợp, Theophylline, Thuốc điều biến leukotriene (Leukotriene modifier). Người bệnh dùng hàng ngày giúp giảm tình trạng viêm đường hô hấp và giảm khả năng lên cơn hen cấp.

Điều trị bằng thuốc cắt cơn. Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của cơn hen, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho các cấp độ như sau:

  • Mức độ nhẹ, các cơn hen cách quãng (bậc 1, 2): Bệnh được kiểm soát tốt. Bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc kiểm soát cơn hen khi xuất hiện triệu chứng hoặc điều trị bằng thuốc kiểm soát (ICS liều nhẹ, chromone, kháng thụ thể leukotriene (LTRA)).
  • Mức độ trung bình, cơn hen dai dẳng (bậc 3): Bệnh nhân được điều thuốc kiểm soát (ICS) hoặc thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (LABA) với liều lượng thấp.
  • Mức độ nặng, cơn hen dai dẳng (bậc 4,5): Người bệnh ở mức độ này được điều trị bằng thuốc kiểm soát ưu tiên với ICS liều thấp cùng liệu pháp cắt cơn hoặc LABA liều trung bình cùng thuốc cắt cơn dạng xịt (SABA) khi cần.

Thuốc điều trị hen suyễn. (Ảnh minh hoạ)Thuốc điều trị hen suyễn. (Ảnh minh hoạ)

Ngày nay với sự tiến bộ của y học, bệnh hen suyễn được điều trị với các loại thuốc tốt, an toàn và bệnh hoàn toàn kiểm soát được, có nghĩa là người mắc bệnh hen có thể trở về cuộc sống bình thường như người không mắc bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tự theo dõi và thăm khám sức khỏe định kỳ.

Cách ngăn chặn sự phát triển của bệnh

Để bệnh hen không gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên chú ý:

  • Tránh các yếu tố khởi phát cơn hen theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Chế độ ăn phù hợp: Đây là điều kiện tiên quyết giúp người bệnh kiểm soát tốt và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hen đạt hiệu quả. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh ăn nhiều rau, trái cây tươi và không dùng thực phẩm có nguy cơ gây kích ứng.
  • Cai thuốc lá: Người bệnh hen cần ngừng hút thuốc và tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá.
  • Rèn luyện thể lực: Khuyến khích người bị hen tích cực vận động giúp cải thiện sức khỏe chung.

Nhà cửa sạch sẽ giúp cải thiện tình trạng ho henNhà cửa sạch sẽ giúp cải thiện tình trạng ho hen

  • Giữ gìn môi trường xung quanh nơi ở sạch sẽ: như giặt giũ rèm cửa, ga gối thường xuyên.
  • Tránh hít phải không khí ô nhiễm: hạn chế đến những nơi đang bùng phát virus gây bệnh về đường hô hấp hoặc đến nơi có độ ẩm quá thấp, không khí lạnh. 
  • Tiêm vắc-xin phòng cúm 1 lần/năm, vắc-xin phòng phế cầu 5 năm/lần giúp giảm các cơn hen cấp tính. 

Bài viết trên đã tổng hợp thông tin khoa học về bệnh hen suyễn. Nếu Quý khách cho nhu cầu khám và điều trị hen suyễn cũng như cần được tư vấn dịch vụ, giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,150

Bài viết hữu ích?

Chủ đề bệnh hô hấp

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám