Huyết khối tĩnh mạch cửa: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Nguyễn Phương Thảo

30-12-2024

goole news
16

Huyết khối tĩnh mạch cửa là tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong con đường vận chuyển máu quan trọng từ các cơ quan tiêu hóa về gan. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chức năng gan mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy dấu hiệu nào giúp nhận biết sớm tình trạng này? Phương pháp điều trị ra sao để bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm rõ tất cả thông tin cần thiết.

Khái quát về huyết khối tĩnh mạch cửa 

Huyết khối tĩnh mạch cửa (Portal Vein Thrombosis - PVT) là sự hình thành của các cục máu đông khiến cho một trong nhiều nhánh của tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch nhận máu từ ống tiêu hoá, tuỵ, lá lách để nuôi gan) bị tắc nghẽn nghiêm trọng. 

Phân biệt huyết khối tĩnh mạch cửa ác tính và lành tính

Phân biệt huyết khối tĩnh mạch cửa ác tính và lành tính 

Đối tượng nào dễ bị huyết khối tĩnh mạch cửa?

Những người bị xơ gan, viêm gan B, viêm gan C, ung thư biểu mô tế bào gan có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cửa và các biến chứng cao hơn. Bên cạnh đó, các đối tượng mắc các bệnh lý khác cũng có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch cửa như: 

  • Rối loạn đông máu; 
  • Nhiễm trùng huyết ổ bụng; 
  • Viêm tuỵ cấp
  • Do di truyền;
  • Bị Lupus ban đỏ;
  • Người uống nhiều bia rượu, dùng thuốc gây nhiễm độc gan do không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. 

Huyết khối tĩnh mạch cửa có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch cửa có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí, mức độ tắc nghẽn, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Cụ thể: 

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây ra tình trạng giãn hoặc vỡ tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày, dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tính mạng nghiêm trọng.
  • Rối loạn tuần hoàn ở ruột bởi tắc nghẽn tĩnh mạch cửa có thể làm giảm lưu lượng máu đến ruột, dẫn đến hoại tử hoặc viêm ruột mạn tính, gây đau bụng dữ dội và ảnh hưởng chức năng tiêu hóa.
  • Nếu huyết khối ảnh hưởng đến tuần hoàn máu qua gan, bệnh nhân có thể bị suy gan, dẫn đến vàng da, tích tụ dịch ổ bụng (cổ trướng) và giảm khả năng giải độc của gan.
  • Tắc nghẽn tĩnh mạch cửa có thể liên quan đến tắc nghẽn tĩnh mạch gan, gây tăng áp lực và dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc suy gan.

Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ như đau bụng, nôn ra máu, vàng da hoặc mệt mỏi kéo dài nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bị huyết khối tĩnh mạch cửa trong ung thư gan

Nguyên nhân phổ biến của huyết khối tĩnh mạch cửa ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào. Gan là một cơ quan giàu mạch máu do đó tĩnh mạch cửa gan dễ bị xâm lấn, di căn vào tĩnh mạch cửa. Mặt khác, đây cũng chính là một trong những yếu tố lớn dẫn tới ung thư da.

Ngoài ra, huyết khối tĩnh mạch cửa còn có thể xảy ra trong các trường hợp như: viêm tuỵ, u tuỵ, viêm đại tràng ruột hoại tử, rối loạn đông máu, viêm túi mật,...Đồng thời, chế độ sinh hoạt không lành mạnh cũng là một yếu tố góp phần gây bệnh huyết khối ở gan như thường xuyên thức khuya, sử dụng đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn,...

Nhận biết triệu chứng huyết khối tĩnh mạch cửa 

Tuỳ vào tình trạng bệnh mà huyết khối tĩnh mạch cửa được chia thành dạng cấp tính hay mãn tính.

  • Đối với giai đoạn cấp tính: Chưa có biểu hiện rõ ràng, trừ khi có liên quan tới các bệnh lý khác như viêm tụy hoặc biến chứng huyết khối tĩnh mạch mạc treo ruột. Sự lan rộng của huyết khối tĩnh mạch cửa vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên có thể khiến cho người bệnh ở giai đoạn này có thể phải đối diện với các tình trạng đau bụng, buồn nôn, sút cân, đầy hơi, tiêu chảy. 
  • Đối với giai đoạn mãn tính: Sau một thời gian bệnh tiến triển thành thứ phát, dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch ở thực quản, tăng áp lực tĩnh mạch dẫn tới lách to, cổ trướng, vàng da, tuần hoàn bàng hệ,...  

Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cửa 

Bước đầu chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cửa có thể là chẩn đoán lâm sàng thông qua việc thu thập các thông tin về tiền sử bệnh, triệu chứng của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để xác định tình trạng bệnh. Cụ thể: 

Xét nghiệm chức năng gan

Chức năng gan bình thường hoặc gần bình thường khi huyết khối tĩnh mạch cửa xảy ra ở bệnh nhân bị xơ gan. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa do huyết khối tĩnh mạch cửa mạn tính có thể gây giảm tiểu cầu do lách to. Bệnh nhân bị bệnh lý mật tĩnh mạch cửa có thể biểu hiện tăng phosphatase kiềm hoặc bilirubin. 

Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler là một xét nghiệm được lựa chọn với độ nhạy và độ đặc hiệu dao động từ 80-100% với độ chính xác từ 88-98%. Đây là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn cho thấy các cấu trúc bên trong cơ thể bạn bằng sóng âm cường độ cao. Siêu âm sẽ cho thấy vật liệu rắn đẳng âm hoặc giảm âm trong tĩnh mạch cửa hay lấp đầy một phần hoặc toàn bộ lòng tĩnh mạch mà không giảm lưu lượng tĩnh mạch cửa. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI)/chụp cắt lớp vi tính (CT)

Cách chẩn đoán này giúp cung cấp thông tin bổ sung, chẳng hạn như sự mở rộng của huyết khối, bằng chứng nhồi máu ruột và tĩnh trạng của các cơ quan lân cận.

Chụp CT hay MRI được ứng dụng phổ biến trong việc xác định tình hình bệnh

Chụp CT hay MRI được ứng dụng phổ biến trong việc xác định tình hình bệnh

Chụp CT có cản quang giúp phân biệt huyết khối lành tính với huyết khối ác tính. Huyết khối lành tính thường coi là khiếm khuyết có mật độ thấp, không tăng cường trong tĩnh mạch cửa. Ngược lại, huyết khối ác tính thường tăng cường sau khi tiêm thuốc cản quang với sự giãn nở của thành mạch hoặc tương cường độ tương phản trong huyết khối do tân mạch hoá. 

Độ nhạy và độ đặc hiệu của MRI lần lượt là 100% và 98% trong việc xác định khả năng cắt bỏ khối u liên quan đến hệ thống tĩnh mạch cửa và theo dõi sau các thủ thuật điều trị. 

Nội soi

Nội soi là điều cần thiết ở những bệnh nhân mắc PVT, vì bệnh lý dạ dày tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường xuất hiện ở PVT cấp tính với ung thư hoặc xơ gan. Các tĩnh mạch giãn lạc chỗ, thực quản hoặc dạ dày lớn thường xuất hiện nhiều ở những bệnh nhân mãn tính. 

Kiểm tra chất đông máu 

Sau khi chẩn đoán PVT, cần tiến hành điều tra mở rộng các rối loạn prothrombotic và các yếu tố tại chỗ, bao gồm hội chứng kháng Phospholipid, protein C, S, nồng độ antithrombin III, yếu tố V và đột biến Leiden cùng nhiều yếu tố khác. 

Xem thêm:

Điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa

Dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, dưới đây chính là cách phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa gan:

Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa gan

Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa gan

Phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch cửa 

Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông được chỉ định khi huyết khối tĩnh mạch cửa xảy ra ở giai đoạn cấp tính và vị trí tắc nghẽn giới hạn tại thân chính hoặc các nhánh đầu tiên phân chia từ tĩnh mạch cửa ở gan, bao gồm nhánh phải hoặc nhánh trái. Những trường hợp này, cục máu đông cần loại bỏ để tránh nguy cơ xơ hóa tĩnh mạch. 

Các trường hợp chống chỉ định thực hiện phẫu thuật bao gồm: 

  • Huyết khối tĩnh mạch cửa mãn tính; 
  • Cục máu đông đã lan rộng đến tính mạch màng treo trên, tĩnh mạch lách,...;
  • Ung thư giai đoạn cuối di căn đến phục mạc hoặc xa hơn;
  • Bệnh nhân có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp,...

Loại bỏ đoạn tĩnh mạch cửa và thay bằng mạch nhân tạo 

Đối với những trường hợp u tuỵ hay u đường mật xâm lấn tĩnh mạch cửa, bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật cắt - thay - nối tĩnh mạch cửa. 

Phương pháp được bác sĩ chuyên khoa chỉ định kẹp hai đầu trên, dưới của đoạn mạch bị khối u xâm lấn gây tắc nghẽn cần cắt bỏ. Sau đó, sẽ nối một đoạn mạch nhân tạo với chiều dài và đường kính tương đương vào để thay thế đoạn mạch cũ. 

Các trường hợp chống chỉ định thực hiện phẫu thuật này bao gồm: 

  • Khối u di căn xa, di căn phúc mạc; 
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý nội khoa năng như tim mạch hay hô hấp,...

Xạ trị chiếu chọn lọc 

Đối với những bệnh nhân bị ung thư gan di căn tĩnh mạch cửa, xạ trị chiếu chọn lọc (hay tắc mạch xạ trị) là một phương pháp được đánh giá là có lợi thế hơn so với cách điều trị hoá tắc mạch qua động mạch cũ. Bởi hiện nay, các chuyên gia vẫn thống nhất chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp này. 

Xạ trị được thực hiện thông qua động mạch đồng vị phóng xạ đưa trực tiếp vào khối u nhằm tạo liều chiếu xạ tập trung tại chỗ, hạn chế nguy cơ gây tổn thương các nhu mô gan lành lân cận. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp của nhiều chuyên gia cùng thiết bị máy móc hiện đại. Chính vì thế, phương pháp này có chi phí điều trị khá lớn. 

Cách phòng tránh huyết khối tĩnh mạch cửa 

Cách phòng tránh huyết khối tĩnh mạch cửa tập trung vào việc duy trì sức khỏe tổng thể, quản lý các bệnh nền và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây hình thành cục máu đông. Dưới đây là các biện pháp hiệu quả:

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa được huyết khối tĩnh mạch cửa

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa được huyết khối tĩnh mạch cửa

  • Tăng cường vận động thể chất thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Ví dụ, đi bộ, yoga, hoặc bơi lội là những bài tập phù hợp;
  • Hạn chế sử dụng rượu bia để tránh gây tổn thương gan, làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cửa, đặc biệt ở những người bị xơ gan
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt giúp cải thiện tiêu hóa, giảm áp lực lên gan và tĩnh mạch cửa;
  • Tăng cường axit béo omega-3 có trong cá hồi, cá mòi, và quả óc chó có tác dụng giảm viêm và hỗ trợ lưu thông máu;
  • Hạn chế thực phẩm nhiều muối và chất béo bão hòa có trong đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thịt nguội, thịt chế biến sẵn,...;
  • Không tự ý dùng thuốc không kê đơn có thể làm tổn thương gan, tăng nguy cơ xơ gan và huyết khối;
  • Khuyến khích người bệnh nên thường xuyên đi kiểm tra chức năng gan định kỳ. Đặc biệt quan trọng ở những người có tiền sử viêm gan, xơ gan hoặc nghiện rượu.

Mọi thắc mắc cần giải đáp chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được hỗ trợ thăm khám sớm nhất.

Kết luận

Huyết khối tĩnh mạch cửa là một bệnh lý không thể xem nhẹ bởi những nguy cơ và biến chứng mà nó mang lại. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và áp dụng đúng phương pháp điều trị sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe, khám định kỳ và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ hệ sức khoẻ một cách toàn diện.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

67

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám