Muỗi gây sốt xuất huyết lây truyền như thế nào?
Trên thực tế, muỗi gây sốt xuất huyết chỉ là vật trung gian, lây truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Loại virus này gồm 4 chủng huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), làm tăng tỷ lệ tái nhiễm sau khi đã được điều trị.
Sơ đồ lây truyền virus của muỗi vằn Aedes
Đầu tiên, muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus này nằm dưới tuyến nước bọt và ủ bệnh trong cơ thể chúng từ 10 - 12 ngày. Sau thời gian này, nếu bị muỗi vằn đốt thì nguy cơ nhiễm bệnh tương đối cao, không chỉ một mà có thể gồm nhiều người.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì?
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thuộc chi Aedes, gồm 2 loài Aedes Albopictus và Aedes Aegypti, trong đó Aedes Aegypti chiếm tỷ lệ cao hơn. Vậy nên, có thể nói muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên Aedes Aegyti.
Muỗi Aedes Aegypti có khả năng lây truyền virus Dengue là giống muỗi cái, có màu đen sẫm, trên thân và chân có các đốm trắng. Chúng thường tập trung ở khu vực tối, ánh sáng yếu, sinh sôi nhanh chóng trong các dụng cụ, đồ vật hoặc nơi có nước đọng.
Đặc điểm muỗi gây sốt xuất huyết Aedes Aegypti
Muỗi Aedes Aegypti nhận dạng dễ dàng bằng các vằn trắng, đốt bàn chân sau có những khoang trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Vòng đời của chúng trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Hình thành trứng trong 2 - 5 ngày.
- Giai đoạn 2: Phát triển từ trứng thành lăng quăng chỉ 1 - 2 ngày.
- Giai đoạn 3: Từ lăng quăng diễn tiến thành nhộng trong 3 - 4 ngày.
- Giai đoạn 4: Từ nhộng thành muỗi trưởng thành trong 1 - 2 ngày.
Hình ảnh con muỗi gây sốt xuất huyết
Loài muỗi này thích hút máu người, có khả năng đánh hơi người nhanh và đốt ngay lập tức. Chúng thường trú trong các đồ vật gia đình, quần áo sẫm màu, lọ hoa, trong hốc cây, thân tre, vỏ ốc, lu, lốp xe, thùng xe,...
Nhìn chung, nơi sinh sống của muỗi Aedes tương đối đa dạng, thường do con người tạo ra xung quanh hoặc trong nhà. Đặc biệt những nơi, bề mặt có nước, chứa nước, đây cũng là lý do vì sao gia đình cần thường xuyên vệ sinh, giữ môi trường nhà ở luôn được sạch sẽ và khô thoáng.
Muỗi vằn sốt xuất huyết hoạt động khi nào?
Sau khi nở khoảng 48 giờ, muỗi vằn cái sẽ bắt đầu hút máu người, trong một chu kỳ sinh thực* chúng có thể hút máu nhiều lần. Thời gian tính từ khi hút máu đến lúc đẻ trứng chỉ khoảng 2 - 5 ngày, mỗi đợt trung bình 100 - 200 trứng, có thể đẻ tới 5 lần trong vòng đời.
Thời gian hoạt động chính của muỗi Aedes Aegypti là ban ngày, cao điểm vào sáng sớm khi mặt trời mọc và chiều tối trước hoàng hôn. Dẫu vậy, chúng vẫn có thể hoạt động vào ban đêm, nhưng với số lượng ít.
Muỗi gây ra sốt xuất huyết lưu hành mạnh mẽ ở vùng khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Thời tiết ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta, không phân biệt nông thôn hay thành thị, đều tạo điều kiện cho muỗi Ae. Aegypti sinh trưởng, bùng dịch vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10.
Thời gian hoạt động của muỗi vằn
Khi bước vào mùa khô, trứng muỗi vằn sẽ không chết đi mà sẽ tiếp tục tồn tại, ước tính khoảng 1 năm. Tuy nhiên trong thời gian này, nếu trứng được ngập trong nước sẽ nở ngay lập tức, sinh trưởng và gây bệnh như bình thường, nhưng không quá mạnh mẽ.
Để phòng tránh muỗi truyền bệnh, người dân nên hạn chế, không đến hoặc vui chơi ở những nơi tối tăm, rập rạp. Trong trường hợp bắt buộc, phải đến vì công việc thì cần mặc quần áo dài tay, sử dụng kem thoa chống muỗi để hạn chế nguy cơ nhiễm virus Dengue.
*Chu ký sinh thực là thời gian muỗi vừa đốt máu, trú đậu tiêu máu, hình thành trứng chín, tìm nơi sinh đẻ và bay đi tìm thực thể đốt máu.
Xem thêm:
Phân biệt muỗi Aedes với muỗi Anophen
Nhằm rõ ràng hơn về loài muỗi gây sốt xuất huyết, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ phân biệt muỗi Aedes với muỗi Anophen trong bảng sau:
|
Muỗi Aedes
|
Muỗi Anophen
|
Gây bệnh
|
Sốt xuất huyết
|
Sốt rét
|
Đặc điểm nhận dạng
|
Màu đen sẫm, thân và chân có những đốm trắng.
|
Màu nâu sẫm, đen, khi nghỉ ngơi phần bụng sẽ hướng lên trên, không hướng xuống dưới. Trên cánh có vẩy màu đen trắng.
|
Thời gian hoạt động
|
Hoạt động mạnh vào ban ngày, sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn.
|
Hoạt động mạnh về ban đêm, khi mặt trời lặn đến trước mặt trời mọc.
|
Thời gian sống
|
3 tháng trong điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều.
|
Vài tuần đến 1 tháng.
|
Thời gian bùng phát mạnh
|
Tháng 7 - Tháng 10.
|
Tháng 4 - 5 và Tháng 9 - 10.
|
Muỗi Aedes và muỗi Anophen có chung đặc điểm trú ngụ và sinh sản thuận lợi ở vùng nước ngọt. Đồng thời, hai loài muỗi này đều là vật trung gian lây truyền virus, gây bệnh cho con người.
Vì sao muỗi vằn đốt nhưng không bị sốt xuất huyết?
Muỗi vằn đốt nhưng không bị sốt xuất huyết có thể đến từ hai nguyên nhân:
- Khi bị đốt, muỗi Aedes chưa nhiễm virus Dengue hoặc vẫn đang trong thời gian ủ bệnh nên chưa có khả năng truyền nhiễm.
- Người từng mắc sốt xuất huyết, lần đốt tiếp theo cùng chủng huyết thanh với lần nhiễm bệnh trước, cơ thể đã sản sinh miễn dịch, sẽ không bị sốt xuất huyết.
Trong một số trường hợp, tại các quốc gia đã áp dụng tiêm phòng vaccine sốt xuất huyết, người dân bị muỗi Aedes đốt mà không khởi phát bệnh. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa cấp phép lưu hành vaccine, nên cơ bản gồm 2 lý do nêu trên.
Biểu hiện khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết
Muỗi gây sốt xuất huyết có thể làm khởi phát bệnh ở người khỏe mạnh, bạn có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như:
- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ bằng các loại thuốc.
- Đau đầu dữ dội.
- Nổi mẩn, phát ban.
Trong trường hợp xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm tím do tiêm, nôn ra máu, đại tiện phân đen, đau bụng, buồn nôn, hốt hoảng, vật vã thì người bệnh cần đến cơ sở y tế lập tức, kịp thời ngăn chặn nguy cơ tử vong.
Cách phòng tránh muỗi truyền sốt xuất huyết
Bởi vì muỗi Aedes Aegyti có thể sống lên tới 3 tháng, khả năng sinh sôi mạnh mẽ nên cách phòng tránh tối ưu nhất là tiêu diệt chúng. Đồng thời chủ động phòng chống muỗi đốt theo các gợi ý sau:
Biện pháp phòng tránh muỗi gây sốt xuất huyết
- Đậy kín dụng cụ, đồ vật chứa nước để ngăn muỗi không trú ngụ và đẻ trứng.
- Với những bể cá, bể chứa nước lớn nên thả cá để diệt lăng quăng, bọ gậy.
- Dọn dẹp môi trường sống, úp các đồ vật có thể chứa nước khi không dùng đến.
- Khi ở nhà nên mặc quần áo dài tay, ngủ màn ngay cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, tinh dầu, nhang muỗi, vợt diệt muỗi,... để bảo vệ cơ thể.
- Phối hợp với chính quyền, cơ quan y tế trong phun hóa chất phòng, chống dịch.
Nếu gia đình có người mắc bệnh sốt xuất huyết, cần cách ly trong màn ngủ để tránh muỗi Aedes hút máu, lây truyền cho người trong gia đình, cộng đồng xung quanh. Trong thời gian nhiễm bệnh, bạn cũng nên nghỉ làm, nghỉ học để tập trung hồi phục sức khỏe.
Kết lại, muỗi gây sốt xuất huyết là loài muỗi cái Aedes Aegypti, hay còn gọi muỗi vằn nhiễm virus Dengue. Chúng có khả năng sinh sôi mạnh mẽ vào mùa mưa, hoạt động chủ yếu vào ban ngày, từ khi mặt trời mọc đến trước lúc mặt trời lặn.