Bệnh sốt rét: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nguyễn Thị Vân Anh

26-07-2022

goole news
16

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của người mắc và cộng đồng. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh sốt rét để độc giả cũng tham khảo.

Bệnh sốt rét là gì?

Sốt rét nằm trong danh sách những loại bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện nay, bệnh dễ lây truyền từ người này sang người khác, gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium thông qua việc bị muỗi đốt.

Theo thống kê, hằng năm trên thế giới ghi nhận tới 515 triệu người mắc bệnh, trong đó khoảng 1 - 3 triệu người tử vong và phần lớn là trẻ em sống ở lục địa Châu Phi và Nam sa mạc Sahara.

Tại Việt Nam bệnh sốt rét hoành hành quanh năm, tuy nhiên tập chung chủ yếu vào đầu và cuối mùa mưa ở các tỉnh rừng núi phía Bắc. Tương tự ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sốt rét gây bệnh trong suốt mùa mưa dài.

Sốt rét nằm trong danh sách bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện naySốt rét nằm trong danh sách bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện nay

 

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét

Hiện nay có 5 loại ký sinh trùng phổ biến gây ra sốt rét ở người được Phương Đông sắp xếp theo mức độ tử vong từ cao xuống thấp đó là:

  • Plasmodium falciparum: loại này cực kỳ nguy hiểm.
  • Plasmodium vivax: loại này nguy hiểm ngang hàng với loài Plasmodium falciparum.
  • Plasmodium malariae: loại này có nguy cơ tử vong thấp hơn.
  • Plasmodium ovale: loại này gây bệnh nhưng ít biến chứng dẫn đến tử vong.
  • Plasmodium knowlesi: loài này hoạt động mạnh ở Đông Nam Á vẫn có thể lây bệnh cho con người nhưng rất ít, chủ yếu gây sốt rét trên loài khỉ.

Các loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét tồn tại trong cơ thể muỗi và trong máu người chứ không lưu lạc tự do bên ngoài môi trường. Theo nghiên cứu, tổng cộng có tới hơn 422 loài muỗi Anopheles, trong đó có 40 loài là trung gian chính truyền bệnh.

 Loài muỗi Anopheles là trung gian chứa ký sinh trùng gây bệnhLoài muỗi Anopheles là trung gian chứa ký sinh trùng gây bệnh

Đường lây truyền bệnh sốt rét

Ở thời điểm hiện tại, về cơ chế gây bệnh sốt rét có 4 phương thức lây truyền bệnh chủ yếu đó là:

  • Muỗi truyền bệnh.
  • Mẹ bầu truyền sang thai nhi.
  • Truyền mẫu máu bị nhiễm bệnh.
  • Sử dụng bơm tiêm chích ma túy chung với người bị nhiễm sốt rét.

Thời gian ủ bệnh sốt rét

Mỗi loài ký sinh trùng khác nhau sẽ có thời gian ủ bệnh và triệu chứng lâm sàng khác nhau. Cụ thể:

  • Plasmodium falciparum: Thời gian ủ bệnh từ 9 - 14 ngày (Trung bình là 12 ngày).
  • Plasmodium malariae: Thời gian ủ bệnh của loại này từ 20 đến vài tháng.
  • Plasmodium vivax: Thời gian ủ bệnh của loài này từ 12 - 17 ngày (Trung bình là 14 ngày).
  • Plasmodium ovale: Thời gian ủ bệnh của loại này lâu nhất so với 5 loại, từ 11 ngày thậm chí đến 10 tháng.

Ký sinh trùng Plasmodium ovale có thời gian ủ bệnh từ 11 ngày thậm chí đến 10 thángKý sinh trùng Plasmodium ovale có thời gian ủ bệnh từ 11 ngày thậm chí đến 10 tháng

 

Triệu chứng của bệnh sốt rét là gì?

Biểu hiện sốt rét thông thường

  • Cơn sốt sơ nhiễm: Người bệnh phát giác cơn sốt đầu tiên có thể bị sốt cao kéo dài trong khoảng vài ngày.
  • Cơn sốt điển hình: Người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn sốt gồm sốt run, sốt nóng, vã mồ hôi. Lúc này, cơ thể người bệnh toàn thân rét run, nổi da gà, sau đó giảm dần. Thay vào đó cơ thể nóng lên kèm theo các biểu hiện như thở nhanh, mặt đỏ, đau đầu, da khô nóng. Thời gian giai đoạn này kéo dài từ 1 -3 giờ, rồi chuyển qua vã mồ hôi, thân nhiệt hạ nhanh khát nước, người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Cơn sốt thể cụt: Cơn sốt hay gặp ở bệnh nhân đã từng bị sốt rét nhiều năm trước đó. Đặc điểm là sốt không thành cơn, chỉ thấy rét run và mỗi lần bị sốt trong khoảng 1 - 2 giờ.
  • Thể ký sinh trùng lạnh: khi xét nghiệm máu người bệnh phát hiện có ký sinh trùng, tuy nhiên không có biểu hiện sốt. Bệnh nhân vẫn có khả năng sinh hoạt bình thường. Thể này gặp nhiều ở khu vực dịch sốt rét đang bùng phát ở mức độ cao.
  • Sốt do Plasmodium vivax: người bệnh cứ cách 1 ngày lại lên cơn sốt 1 lần.
  • Sốt do Plasmodium falciparum: loài này cực kỳ nguy hiểm, gây sốt liên tục và cơn sốt thường ác tính, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.
  • Sốt do Plasmodium ovale và Plasmodium malariae: người bệnh cách 3 ngày lại sốt 1 lần.

Xem thêm:

Sốt run, sốt nóng, vã mồ hôi là triệu chứng điển hình của sốt rétSốt run, sốt nóng, vã mồ hôi là triệu chứng điển hình của sốt rét

Dấu hiệu sốt rét ác tính

  • Thể não: đây là triệu chứng chiếm 80 - 95% trong số các ca sốt ác tính hiện nay.
  • Rối loạn ý thức: người bệnh mất ngủ nhiều, sốt cao, đau đầu, nôn mửa gây mê sảng, li bì hoặc vật vã, nói nhảm.
  • Thể giá lạnh: biểu hiện của thể khiến người bệnh toàn thân lạnh, tụt huyết áp, da xanh tái, đau đầu.
  • Thể tiểu huyết sắc tố: thể này diễn biến nặng, người bệnh sẽ gặp những biểu hiện như nôn nao, sốt cao, đau lưng, vàng da, nước tiểu có màu đỏ, lượng nước tiểu giảm dần, hồng cầu, huyết sắc tố giảm.
  • Thể phổi: ở thể này bệnh nhân khó thở, đôi khi thở nhanh, cơ thể tím tái và đáy phổi có nhiều ran ngáy.
  • Thể gan mật: trường hợp này người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng như vàng mắt, vàng da, buồn tiểu, buồn nôn, hôn mê.
  • Thể tiêu hóa: xuất hiện các triệu chứng sốt rét buồn nôn, tiêu chảy cấp, đau bụng, hạ thân nhiệt.

Bên cạnh đó, cách nhận biết bệnh sốt rét của một số đối tượng đặc biệt khi có những biểu hiện:

  • Phụ nữ khi mang thai bị sốt rét có thể dẫn đến lưu thai, sảy thai, sinh non.
  • trẻ em bị sốt rét có những biểu hiện như sốt cao liên tục, gan lách to biểu, tiêu chảy, bụng chướng, đôi khi có thể lên cơn co giật nên tỷ lệ tử vong cao hơn so với người lớn.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt rét

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốt rét là:

  • Phụ nữ có thai
  • Trẻ nhỏ
  • Những vùng có tỷ lệ bệnh sốt rét cao.
  • Người bị HIV/AIDS.
  • Di cư, công tác hoặc du lịch tới những vùng sốt rét đang hoành hành.
  • Tập quán lên rừng canh tác, ngủ qua đêm trên rừng.
  • Du khách tù những quốc gia không có dịch sốt rét đến vùng có dịch.

Bệnh sốt rét dễ mắc và tỷ lệ nhiễm bệnh caoBệnh sốt rét dễ mắc và tỷ lệ nhiễm bệnh cao

Các phương pháp chẩn đoán sốt rét 

Chẩn đoán lâm sàng

Các chẩn đoán lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh sốt rét:

  • Hiện đang sốt hoặc sốt trong 3 ngày gần đây.
  • Trường hợp không giải thích được nguyên nhân gây sốt.
  • Đang qua lại hoặc ở vùng sốt rét trong vòng 9 tháng trở lại.
  • Điều trị bằng thuốc sốt rét trong 3 ngày được đáp ứng tốt.

Chẩn đoán ký sinh trùng học

Để chẩn đoán ký sinh trùng học, trước đây thường chỉ dựa vào chẩn đoán hình thể sinh trùng. Tuy nhiên, ngày nay do sự phát triển không ngừng của y học, đặc biệt là ngành sinh học phân tử và miễn dịch học, việc chẩn đoán ký sinh trùng đã trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn.

  • Phương pháp nhuộm Giemsa: Cho đến nay, phương pháp nhuộm giemsa vẫn được coi là phương pháp chẩn đoán ký sinh trùng sốt rét chính xác nhất.
  • Phương pháp nhuộm nhanh Acridine Orange (AO) soi kính hiển vi huỳnh quang.
  • Phương pháp Quantitative Buffy Coat (QBC) soi kính hiển vi huỳnh quang.
  • Các test chẩn đoán nhanh dựa trên phương pháp miễn dịch sắc ký phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng sốt rét trong máu.
  • Phương pháp sinh tử học phân tử polymerase chain reaction - PCR: Có độ đặc và độ nhạy cao, dễ dàng phát hiện 1 ký sinh trùng/mm3 máu, chẩn đoán được sốt rét tái nhiễm hay tái phát.
  • Phương pháp phát hiện kháng thể kháng sinh trùng sốt rét: Phương pháp huỳnh quang gián tiếp và phương pháp miễn dịch gắn men đều phát hiện kháng thể trong huyết thanh người bệnh.

 

Muỗi là đường lây truyền chính của sốt rét Muỗi là đường lây truyền chính của sốt rét 

Cách xử trí khi bị sốt rét

Bệnh nhân sốt rét tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, tránh trường hợp lây nhiễm sang người khác. Bên cạnh đó, nếu tình trạng bệnh kéo dài không thuyên giảm sẽ xuất hiện biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị riêng biệt như:

Điều trị cắt cơn sốt

Trong trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax có thể được chỉ định dùng các thuốc:

  • Chloroquine tổng liều 25mg/kg cân nặng cho 3 ngày điều trị: ngày 1 và ngày 2 uống khoảng 10 mg/kg cân nặng, ngày 3 uống 5 mg/kg.
  • Có thể sử dụng Artesunat dùng trong 7 ngày, không chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu trừ khi bệnh nhân bị sốt rét ác tính.
  • Hoặc Quinin sulfat liều 30 mg/kg/24 giờ cho 3 lần uống trong ngày, điều trị khoảng 7 ngày.

Nếu người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum:

  • Điều trị bằng thuốc phối hợp có dẫn xuất artemisinin như CV artecan hoặc thuốc viên Arterakine.

Liều lượng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh sốt rét, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng khác nhau.

Điều trị chống lây lan và tái phát

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh bị nhiễm ký sinh Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp Plasmodium falciparum (bệnh nhân sốt rét thể thông thường) cần sử dụng thuốc điều trị chống lây lan và tái phát. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định:

  • Điều trị bệnh sốt rét khi nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum:
    Người bệnh cần sử dụng 40mg Dihydroartemisinin cùng với 320mg Piperaquine phosphate.
    + Liều dùng đối với trẻ em dưới 3 tuổi, ngày đầu dùng 1 viên,hai ngày tiếp theo mỗi ngày 1⁄2 viên.
    + Liều dùng trẻ từ 3-8 tuổi, ngày đầu tiên dùng 2 viên, hai ngày tiếp mỗi ngày 1 viên.
    + Liều dùng trẻ từ tuổi 8-15, ngày đầu dùng 3 viên, hai ngày sau mỗi ngày 1,5 viên.
    + Liều dùng từ 15 trở đi, ngày đầu 4 viên, hai ngày sau mỗi ngày dùng 2 viên.
    + Phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu tuyệt đối không sử dụng thuốc này.
  • Khi người bệnh sốt rét nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum:
    Bệnh nhân sử dụng thuốc Dihydroartemisinin - Piperaquine phosphat
    + Liều uống 3 ngày kết hợp cùng với Primaquin 0,25 mg base/kg cân nặng dùng trong 14 ngày và điều trị từ ngày đầu tiên.

Bệnh nhân bị sốt rét cần sử dụng thuốc điều trị chống lây lan và tái phátBệnh nhân bị sốt rét cần sử dụng thuốc điều trị chống lây lan và tái phát

Điều trị sốt rét ác tính

Đối với người bệnh bị sốt rét ác tính, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng Artesunat theo đường tiêm tĩnh mạch. Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện co giật, bị sốc hoặc phù phổi cấp thì tuyệt đối không được di chuyển người bệnh.

Giờ đầu tiêm mũi Artesunat tĩnh mạch 2,4mg/kg cân nặng cho bệnh nhân, sau 24h tiêm nhắc lại 1,2mg/kg cân nặng. 

Sau đó tiêm mỗi ngày 01 liều 1,2mh/kh cân nặng đến khi người bệnh có thể uống thuốc được thì chuyển sang sử dụng thuốc uống trong 7 ngày.

Những lưu ý cần nắm rõ trong quá trình điều trị sốt rét

Điều đầu tiên người mắc bệnh cần làm là tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh trường hợp lây nhiễm bệnh sang người khác. 

Đồng thời người bệnh và gia đình lưu ý cần nắm rõ nguyên tắc như sau:

  • Người bị bệnh tuyệt đối không tự điều trị tại nhà tránh lây nhiễm bệnh qua sang người khác
  • Điều trị sớm: Nhận biết dấu hiệu bệnh sớm, ngay sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện (trẻ em trong vòng 12 giờ, người lớn trong vòng 24 giờ) để điều trị càng sớm càng tốt.
  • Điều trị đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian (theo đúng phác đồ): Phải đảm bảo người bệnh uống được và đủ liều thuốc cần thiết.
  • Điều trị chống lây lan và chống tái phát: Diệt thể ngủ trong gan với thuốc Plasmodium vivax, Plasmodium ovale.
  • Theo dõi chặt chẽ kết quả điều trị để có biện pháp xử lý thích hợp và kịp thời.

Các biến chứng nguy hiểm do sốt rét gây ra

Để giải đáp câu hỏi “Bệnh sốt rét nguy hiểm như thế nào?” thì sau đây là một số tác hại của bệnh sốt rét do biến chứng gây ra:

  • Đối với gan: bệnh nhân sau sốt rét có thể bị rối loạn chức năng gan, viêm gan mãn tính với các biểu hiện gan to, bờ cạnh gan sắc, xơ gan,...
  • Đối với tiêu hóa: bệnh nhân ăn uống kém tiêu, rối loạn tiêu hóa và thường xuyên mệt mỏi.
  • Đối với lá lách: biến chứng có thể xảy đến là lách sưng to và hội chứng cường lách có thể xuất hiện.
  • Đối với thận: bệnh nhân có thể gặp biến chứng viêm thận tạm thời do ký sinh trùng P.falciparum gây nên. Ngoài ra còn có thể gặp biến chứng tổn thương ống thận cấp tính.

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên giúp phòng bệnh sốt rét
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên giúp phòng sốt rét

Một số biện pháp phòng bệnh sốt rét bạn nên biết

Sốt rét là bệnh vô cùng nguy hiểm chính vì thế cần áp dụng các biện pháp phòng chống bảo vệ sức khỏe như:

  • Sử dụng kem chống muỗi.
  • Bảo đảm nguồn nước vệ sinh.
  • Phun thuốc diệt muỗi định kỳ.
  • Đảm bảo an toàn trong tiêm chích, truyền máu.

Hy vọng bài viết về bệnh sốt rét đã cung cấp cho bạn đọc thông tin bổ ích, cần thiết để phòng ngừa và điều trị bệnh. Việc sử dụng thuốc trong điều trị sốt rét cần có chỉ định về liều lượng cụ thể của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể. Để được thăm khám, hỗ trợ khi bản thân có những triệu chứng bệnh lý bất thường, Quý khách vui lòng gọi số 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,003

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

ThS. Bác sĩ

LÊ THỊ HẰNG NGA

Khoa Khám Bệnh

ThS. Bác sĩ

LÊ THỊ HẰNG NGA

Khoa Khám Bệnh
19001806 Đặt lịch khám