Nhịp nhanh kịch phát trên thất (PVST) là một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến, có thể khiến người bệnh bất ngờ đối mặt với các triệu chứng nguy hiểm như tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. Vậy phác đồ điều trị PSVT có vai trò như thế nào trong việc khôi phục nhịp tim ổn định và bảo vệ sức khỏe lâu dài? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất là gì? Cơ chế và phân loại
Nhịp nhanh kịch phát trên thất (Paroxysmal supraventricular tachycardia - PSVT) - một thuật ngữ được dùng để mô tả một tình trạng rối loạn nhịp tim khiến nhịp tim đập nhanh hơn so với bình thường, do khởi phát cơn nhịp nhanh xuất phát từ tầng trên của buồng thất. Chúng còn được gọi là nhịp tim nhanh trên thất, xảy ra phổ biến với người trẻ tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất thường khởi phát và kết thúc rất đột ngột, gây ra các rối loạn như rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp tim nhanh,... Chúng là kết quả của hoạt động điện bất thường ở tâm nhĩ, khiến tâm nhĩ co bóp nhanh và liên tục. Tùy vào tình trạng bệnh thực tế mà việc điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất không phải lúc nào cũng cần thiết và bệnh thường không đe dọa tới tính mạng.
Nhận biết nhịp nhanh kịch phát trên thất ECG
Cơ chế và phân loại
Nhịp nhanh kịch phát trên thất được chia thành 2 loại chính, cụ thể:
Nhịp nhanh kịch phát trên thất đều
|
Nhịp nhanh kịch phát trên thất không đều
|
- Nhịp nhanh xoang;
- Cuồng nhĩ;
- Nhịp nhanh hỗ tương nhĩ thất (bao gồm dạng xuôi chiều và ngược chiều);
- Nhịp nhanh nhĩ với dẫn truyền cố định.
|
- Rung nhĩ;
- Cuồng nhĩ với dẫn truyền nhĩ thất thay đổi;
- Nhịp nhanh nhĩ đa ổ;
- Nhịp nhanh nhĩ với block AV thay đổi;
- Nhịp xoang với nhiều ngoại tâm thu nhĩ.
|
- Cơ chế của nhịp nhanh kịch phát trên thất đều: Liên quan đến các vòng dẫn truyền bất thường, điển hình là hiện tượng vòng vào lại (reentry loop). Trong tình trạng này, tín hiệu điện tim bị kẹt trong một vòng dẫn truyền khép kín giữa nút nhĩ thất và các đường dẫn truyền phụ, từ đó gây ra nhịp tim nhanh bất thường.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất đều thường khiến nhịp tim đạt từ 140-280 lần/phút, gây giảm hiệu quả bơm máu của tim và giảm tưới máu tới các cơ quan quan trọng. Người bệnh thường có biểu hiện hồi hộp, chóng mặt, đau ngực, khó thở, thậm chí ngất xỉu nếu không được xử trí kịp thời.
- Cơ chế của nhịp tim nhanh kịch phát trên thất không đều: Liên quan đến sự rối loạn dẫn truyền tín hiệu điện trong hệ thống nút nhĩ thất (AV node) hoặc các đường dẫn truyền phụ nằm ngoài đường dẫn truyền bình thường. Sự gia tăng kích thích tự phát từ các tế bào nhĩ hoặc nút nhĩ thất cũng có thể dẫn đến tình trạng nhịp nhanh không đều. Điều này thường xảy ra ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hoặc các rối loạn điện giải như hạ kali, hạ magie.
Nguyên nhân gây ra nhịp nhanh kịch phát trên thất
So với nam giới, nữ giới có tỷ lệ bị nhịp nhanh kịch phát trên thất cao hơn, phổ biến nhất là ở độ tuổi 20-30 tuổi. Một số nguyên nhân kịch phát có thể kể đến như:
Hội chứng này xảy ra khi xuất hiện một sợi cơ nối giữa buồng trên và dưới của tim. Sự hiện diện của đường phụ này có thể gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim, cụ thể là nhịp tim nhanh qua lại nhĩ thất (AVRT). Để ngăn ngừa nguy cơ tử vong, bệnh nhân bị hội chứng WPW đều được khuyên nên cắt bỏ ống thông để chữa bệnh.
Nhịp tim của người bệnh bị hội chứng WPW
Nhịp tim nhanh vào lại nút nhĩ thất (AVNRT)
Xảy ra khi có một đường nhỏ bổ sung trong hoặc gần khu vực nút AV, gửi điện từ các buồng trên (tâm nhĩ) đến các buồng dưới (tâm thất). Khi xung điện đi vào con đường này sẽ xoay tròn nhanh chóng, gây ra nhịp tim nhanh đột ngột ở cả tâm nhĩ và tâm thất.
Nhịp tim nhanh nhĩ
Đây chính là nguyên nhân gây ra khoảng 5% nhịp tim nhanh kịch phát trên thất (PSVT). Nó xảy ra khi một xung điện phát ra nhanh từ một vị trí bên ngoài nút xoang và vòng quanh tâm nhĩ, thường là do đoản mạch. Tương tự như các loại rối loạn nhịp tim khác, PSVT có thể được di truyền, hoặc các nguyên nhân khác như:
- Tuổi tác;
- Thiếu máu;
- Mệt mỏi, uể oải;
- Thực phẩm không lành mạnh, không đủ chất. Uống đồ chứa caffeine, đường hoặc carbohydrate;
- Tổn thương do từng phẫu thuật tim trước đó;
- Cao huyết áp;
- Căng thẳng, stress;
- Béo phì, thừa cân;
- Hút thuốc, sử dụng chất kích thích gây hại;
- Các vấn đề liên quan tới cấu trúc của tim, tuyến giáp;
- Thay đổi nội tiết tố;
- Sử dụng thuốc thông mũi có chứa Pseudoephedrine.
*Ghi chú:
- AVNRT (Atrioventricular nodal reentrant tachycardia): Nhịp tim nhanh vào lại nút nhĩ thất.
- Nút AV (Atrioventricular node): Là khu vực mô nhỏ có trách nhiệm truyền tín hiệu điện tim từ buồng trên (tâm nhĩ) đến buồng dưới (tâm thất).
- AVRT (Atrioventricular reentrant tachycardia): Nhịp nhanh vào lại nhĩ thất.
- PSVT(Paroxysmal supraventricular tachycardia): Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất.
- ECG/EKG (Electrocardiogram): Điện tâm đồ, hay còn gọi là đo điện tim.
Biểu hiện của nhịp nhanh kịch phát trên thất
Cách nhận biết người bệnh bị nhịp nhanh kịch phát trên thất thông qua những biểu hiện sau:
- Nhịp tim tăng đột ngột, khó bắt mạch cổ tay vì quá nhanh, tần số từ 150-180 nhịp/phút hoặc hơn, nhịp nhanh nhưng đều đặn. Tim có thể đập nhanh trong vài giây, vài phút đến nhiều giờ từ từ rồi bình thường trở lại.
- Xuất hiện cảm giác lo lắng, hồi hộp như có trống đánh trong ngực;
- Tiếng tim có thể cảm nhận được khi đập ở cổ, mạch đập ở thái dương;
Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi bị nhịp nhanh kịch phát trên thất
Ngoài ra, một số triệu chứng lâm sàng khác có thể là:
- Lo lắng, bối rối;
- Buồn nôn;
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải;
- Ngất xỉu, mất ý thức;
- Choáng váng, đau đầu, chóng mặt;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi nhiều.
Nếu để tình trạng trên không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Theo thời gian, PSVT có thể dẫn đến suy tim, nguy hiểm hơn là ngừng tim đột ngột.
Tham khảo:
Chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất
Để chẩn đoán tình trạng nhịp nhanh kịch phát trên thất, bước đầu bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng, bao gồm: Thông tin tiền sử bệnh, triệu chứng. Tiếp theo, để loại trừ các nguyên nhân khác sẽ thực hiện các xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh của bệnh nhân:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra và phân tích tình trạng như bệnh tim;
- Điện tâm đồ: Phân tích xung điện của tim;
- Máy theo dõi Holter 24h hoặc 48h: Theo dõi các hoạt động của tim;
- Chụp X-quang: Quan sát hình ảnh tim và phổi;
- Siêu âm tim: Kiểm tra kích thước, sức mạnh cũng như khả năng bơm máu của tim.
Phác đồ điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất
Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp được khuyến nghị, cụ thể:
Trường hợp nhịp nhanh kịch phát trên thất có huyết động không ổn định
Bệnh nhân bị tụt huyết áp: Huyết áp tâm thu <90mmHg.
Bệnh nhân tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu giảm ≥ 40mmHg so với huyết áp trước cơn được coi như rối loạn huyết động.
Cấp cứu nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng cách chuyển nhịp bằng sốc điện đồng bộ ngay: Năng lượng khởi đầu 50J -> 100J
Trường hợp huyết động ổn định
Thực hiện các thủ thuật cường phế vị như:
Xoa xoang cảnh:
- Không thực hiện nếu bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não thoáng qua, các bệnh lý liên quan động mạch cảnh, người bị nhồi máu cơ tim trước đó 6 tháng và >65 tuổi;
- Khi thực hiện, bệnh nhân nằm ngửa, quay mặt về đối bên, xoa nhẹ nhàng từng bên từ 10-20s. Sau đó chuyển sang bên còn lại;
- Lưu ý: Không tiến hành xoa đồng thời hai bên cùng lúc.
Nghiệm pháp Valsalva:
- Hít thở thật sâu rồi thở ra thật mạnh, cho khí ra ngoài bằng đóng nắp thanh môn. Thủ thuật này có thể thực hiện bằng cách cho bệnh nhân thổi thật nhanh và mạnh vào đầu ống cao su của máy đo huyết áp đồng hồ sau khi quả quả bơm ra và buộc chặt băng quấn của máy đo. Thổi khi kim chỉ áp lực lên hơn 40mmHg là đạt yêu cầu.
Tác dụng của thủ thuật xoa xoang cảnh và Valsalva sẽ có hiệu quả nếu bệnh nhân đã được dùng digitalis và thuốc chống loạn nhịp trước đó. Trong quá trình thực hiện cần theo dõi trên monitoring điện tâm đồ, ghi lại hoặc nghe tim xử lý các trường hợp nhịp quá chậm hoặc vô tâm thu sau cơn nhịp nhanh, khi cần đấm vào trước tim để kích thích tim đập trở lại, tránh cơn ngừng kéo dài nguy hiểm.
Sử dụng thuốc cắt cơn
- Adenosin: Tác dụng gây cường phế vị mạch, chậm quá trình dẫn truyền, gây block ở nút nhĩ thất phá vỡ được vòng vào lại cắt cơn nhanh trên thất.
- Verapamil: Tiêm tĩnh mạch chậm trong 2-3 phút, liều lượng chỉ từ 2,5mg/lần. Nếu cần thiết có thể tiêm thêm 2,5mg/lần sau 15-30 phút, khi tình trạng huyết động ổn định. Chống chỉ định với bệnh nhân bị suy tim, huyết áp thấp, người có tiền sử bị hội chứng nhịp nhanh chậm, hội chứng WPW.
- Diltiazem: Liều 0,25mg/kg. Thuốc này ức chế sự co bóp cơ tim ít hơn Verapamil.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Esmolol, Metoprolol, Propranolol, Amiodarone, Dronedarone, Digitalis
Biện pháp cắt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất khác
- Tạo nhịp: Phương pháp này thường được sử dụng khi các cách trên không mang lại hiệu quả. Máy tạo nhịp sẽ phát ra một loạt các xung động với mục đích xâm nhập được vào vòng lại và như vậy sẽ phá vỡ vòng vào lại làm cắt được cơn tim nhanh.
- Sốc điện chuyển nhịp: Được chỉ định khi các cơn tim nhanh trên thất có huyết động không ổn định. Hay các loại thuốc Adenosin, Verapamil chống chỉ định hoặc không có hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến khuyến cáo điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất của tim mạch. Quý khách cần giải đáp thêm có thể liên hệ hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám ngay tại website Bệnh viện Phương Đông, đội ngũ hỗ trợ sẽ tư vấn sớm nhất.
Kết luận
Việc nắm rõ phác đồ điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng mà còn là chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm trong tương lai. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị hiệu quả. Một trái tim khỏe mạnh không chỉ mang lại sự an tâm mà còn giúp bạn tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc trong cuộc sống.