Nhồi máu thận là bệnh lý khá hiếm gặp, vô cùng nguy hiểm bởi biến chứng suy thận, tử vong nhưng không dễ phát hiện bởi không có các biểu hiện lâm sàng cụ thể. Bệnh liên quan nhiều đến các nguyên nhân tim mạch, tổn thương động mạch thận,... Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhồi máu thận là chụp cắt lớp vi tính có cản quang.
Nhồi máu thận là bệnh gì?
Nhồi máu thận là tình trạng thiếu máu cấp tính đến một hoặc hai quả thận do động mạch thận bị tắc nghẽn. Điều này khiến dòng máu đến thận bị gián đoạn, các tế bào thận không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến tổn thương hoặc suy thận.
Đây là bệnh lý nguy hiểm cần phát hiện kịp thời và cấp cứu càng sớm càng tốt để bảo tồn chức năng thận. Theo các bác sĩ của Viện Tim mạch Việt nam, Bệnh viện Bạch Mai tình trạng tắc động mạch thận (nhồi máu thận) dễ bị bỏ sót trên lâm sàng bởi không có triệu chứng đặc hiệu. Bệnh khá hiếm gặp với tỷ lệ từ 0,004 - 0,007% và tỷ lệ 1,4% trên khám nghiệm tử thi.
(Hình 1 - Nhồi máu thận là hiện tượng máu tắc nghẽn động mạch hoặc mạch nhánh trong thận)
Bệnh lý ở thận này có thể bắt gặp ở bất cứ giới tính nào. Độ tuổi bệnh nhân trung bình từ 30 - 80, thường gặp hơn ở độ tuổi trung niên (<50 tuổi). Tình trạng động mạch thận bị tắc nghẽn có thể gặp ở 1 hoặc cả 2 bên thận. Tuy nhiên, nhồi máu thận 1 bên thường gặp hơn 2 bên và nhồi máu thận phải hay gặp hơn nhồi máu thận trái.
Bệnh nhồi máu thận có nguy hiểm không?
Có. Nhồi máu thận là bệnh lý rất nguy hiểm. Các nghiên cứu khoa học dựa trên thực tế điều trị bệnh thận này cho thấy tiên lượng bệnh nhân không quá khả quan. Biến chứng nặng nề nhất là tử vong và không ít ca bệnh phát triển thành suy thận mạn, mắc bệnh thận hoặc bị tổn thương nặng nề.
- Nghiên cứu của Hazanov và cs trên 44 BN nhồi máu thận kèm rung nhĩ cho thấy tỷ lệ tử vong trong 30 ngày là 11,4%.
- Nghiên cứu của Bourgault và cộng sự cho thấy suy giảm chức năng thận ở 40,4% trường hợp được chẩn đoán thận bị nhồi máu.
- Yang và cộng sự cho biết 34,8% BN nhồi máu thận có tổn thương thận cấp và 27,1% phát triển thành bệnh thận mạn
(Hình 2 - Tiên lượng của bệnh nhân mắc bệnh lý này không quá khả quan)
Cụ thể, các biến chứng của bệnh lý được bao gồm:
- Suy thận cấp: Đây là biến chứng phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất của NMT. Khi dòng máu đến thận bị gián đoạn, các tế bào thận có thể bị tổn thương, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Người bị suy thận sẽ có lượng lớn các chất độc bị tắc nghẽn trong cơ thể, cơ thể bị quá tải dịch tiết, rối loạn điện giải,... khiến các cơ quan nội tạng đồng thời bị tổn thương gây ra biến chứng tim mạch, phù phổi, viêm phổi, thiếu máu, rối loạn lipid máu,... rất nguy hiểm cho người bệnh.
- Hoại tử thận: Khi dòng máu đến thận bị gián đoạn quá lâu, các mô thận có thể bị tổn thương hoặc hoại tử vĩnh viễn. Hoại tử thận có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận vĩnh viễn và có thể cần phải lọc máu hoặc ghép thận.
- Nhiễm trùng thận: Bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận do giảm lưu lượng máu đến thận. Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến suy thận cấp và các biến chứng nguy hiểm khác.
- Tăng huyết áp: Nhồi máu thận có thể dẫn đến tăng huyết áp do giảm lưu lượng máu đến thận. Huyết áp cao có thể khiến bệnh nhân lên cơn đau tim, đột quỵ. suy tim,...
- Tử vong: Nếu không được phát hiện và có phương án điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự nghiêm trọng của biến chứng nhồi máu ở thận như: tuổi tác, tiền sử bệnh lý tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, thời gian điều trị,...
Nguyên nhân của bệnh nhồi máu thận
Theo Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhồi máu thận.
Nguyên nhân từ tim
Theo các báo cáo lâm sàng, bất thường từ tim là nguyên nhân thường gặp nhất (chiếm 45 - 55%) gây ra hiện tượng gián đoạn lưu lượng máu đến thận. Trong nhóm này, có ¾ ca bệnh có liên quan đến rung nhĩ (rối loạn nhịp tim nhanh và không đều). Một số bệnh lý tim mạch khác cũng có thể là nhân tố thúc đẩy tình trạng nhồi máu thận như:
- Hẹp van hai lá do thấp
- Nhồi máu cơ tim
- Mảng sùi trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Thuyên tắc do huyết khối từ động mạch chủ/ thất trái,...
(Hình 3 - Người có bệnh lý tim mạch dễ mắc các bệnh liên quan đến huyết khối)
Các bệnh lý về tim mạch thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi (60 - 80 tuổi) hoặc người có bệnh tim bẩm sinh đã được can thiệp thay van tim nhân tạo,...
Động mạch thận bị tổn thương
Tình trạng động mạch thận bị tổn thương cũng có thể là lý do khiến các mạch máu đến thận bị tắc nghẽn như sau:
- Người bệnh bị chấn thương bụng gây đụng dập, tắc mạch
- Lóc tách động mạch thận
- Bệnh lý loạn sản xơ cơ, HC Marfan, HC Ehler Danlos, viêm động mạch nút,...
Ngoài ra, các thủ thuật như can thiệp ở động mạch chủ, can thiệp mạch thận,... cũng có thể khiến động mạch thận bị tổn thương.
(Hình 4 - Nếu các bác sĩ phát hiện tổn thương ở động mạch thận cũng có thể nghi ngờ tắc nghẽn mạch máu thận)
Bệnh lý tăng đông và vô căn
- Thiếu hụt protein C và protein S, AT III
- Tăng homocystein máu, hội chứng thận hư
- Bệnh đa hồng cầu nguyên phát, đột biến Yếu tố V Leiden
- Người mắc Covid-19, Phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống kéo dài.
- Nhóm vô căn chiếm khoảng 20-30%, thường gặp ở nhóm trẻ tuổi (50) hơn so với nhóm nguyên nhân nguồn gốc từ tim.
Triệu chứng của bệnh nhồi máu thận
Khi quan sát bệnh lý trên lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy đa số các bệnh nhân bị nhồi màu thận đều có biểu hiện như:
- Đau bụng vùng mạn sườn đột ngột
- Các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, tiểu máu, sốt, THA
- Triệu chứng thường cải thiện khi được điều trị
- Một số bệnh nhân không có triệu chứng
Vì trên lâm sàng các triệu chứng này không đặc hiệu nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hay gặp khác hoặc bị chẩn đoán muộn. Trung bình có hơn 50% trường hợp được chẩn đoán sau 2 ngày. Trong số các triệu chứng trên, tam chứng đau hạ sườn, tăng huyết áp và đái máu rất hữu ích trong chẩn đoán tắc động mạch thận cấp.
(Hình 5 - Đau bụng mạn sườn là một trong các triệu chứng điển hình)
Cách chẩn đoán bệnh lý nhồi máu thận
Khi được nghi ngờ mắc các bệnh lý về thận, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cho thấy tăng bạch cầu, nồng độ lactate dehydrogenase huyết thanh tăng gấp 2 - 4 lần, phát hiện protein niệu. Chỉ số ure, creatinin trong máu cũng tăng ca
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm ổ bụng, siêu âm Doppler mạch máu
- Chụp CT có thuốc cản quang là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh
- Điện tâm đồ để tìm kiếm bất thường tim mạch có liên quan đến sự hình thành huyết khối
- Siêu âm tim
(Hình 6 - Chụp động mạch thận trước và sau điều trị bệnh nhồi máu thận)
Cách điều trị cho bệnh nhân bị nhồi máu thận
Các biện pháp điều trị tắc động mạch thận cấp tập trung vào khôi phục dòng chảy động mạch thận giúp giảm triệu chứng, cải thiện chức năng thận và kiểm soát huyết áp.
Điều trị nội khoa
Các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân các loại thuốc chống huyết khối để làm giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch thận chính hoặc các mạch nhánh máu nhỏ hơn.
Điều trị can thiệp
Căn cứ trên tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện hút huyết khối qua đường ống thông, nong và đặt stent động mạch thận, tiêu sợi huyết qua đường ống thông, tiêu sợi huyết toàn thân,....
Trong đó, thủ thuật tái thông sẽ được đưa ra dựa trên các nhân tố thời gian, triệu chứng, chức năng thận của bên không bị nhồi máu, vị trí tắc động mạch thận,... Điều trị tái tưới máu có thể xem xét ở bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch thận chính hoặc nhánh phân thuỳ lớn và tắc nghẽn một phần động mạch thận chính hoặc nhánh phần thuỳ lớn trong vòng 24h. Phương pháp này giúp bảo tồn chức năng thận trong 30 phút khi thiếu máu, áp dụng cho bệnh nhân khi xuất hiện triệu chứng đến khi bắt đầu tổn thương thận là 3 giờ. Tuy nhiên, Viện tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại chưa có khuyến cáo cụ thể trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị tắc động mạch thận cấp tính.
(Hình 7 - Bệnh nhân có thể được chỉ định uống thuốc và điều trị kết hợp)
Khoa Nội thận Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là địa chỉ chuyên thăm khám, điều trị, chẩn đoán và điều trị bệnh lý ở thận uy tín cho cả nam, nữ giới, người lớn và trẻ nhỏ. Chuyên khoa Nội thận cung cấp đầy đủ các dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lý về thận như tầm soát, phát hiện sớm và điều trị các bệnh thận như viêm cầu thận, suy thận, bệnh thận tiểu đường,.... Với hệ thống cơ sở vật chất chất lượng cao, khuôn viên cảnh quan đẹp và nhiều chính sách hỗ trợ viện phí sẽ tạo cho khách hàng trải nghiệm thăm khám an toàn, an tâm và thoải mái.
(Hình 8 - Mổ nội soi điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)
Có thể nói, nhồi máu thận là bệnh lý rất hiếm gặp và thường dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán muộn. Để phát hiện bệnh sớm nhất, người bệnh cần đến các Bệnh viện uy tín để thăm khám và được hỗ trợ y tế kịp thời.