Rối loạn lipid máu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Phương Loan

08-02-2024

goole news
16

Rối loạn lipid máu là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh lý, biến chứng nguy hiểm về tim mạch. Bệnh khởi phát ở mọi độ tuổi và giới tính, tuy nhiên có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu là thuật ngữ chỉ sự mất cân bằng giữa cholesterol xấu và cholesterol tốt, khiến chất béo tích tụ gây xơ vừa động mạch, thu hẹp lòng động mạch dẫn đến giảm lượng máu lưu thông. Kéo dài tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tính mạng người bệnh.

Rối loạn lipid máu chỉ sự mất cân bằng giữa LDL-C với HDL-C

(Rối loạn lipid máu chỉ sự mất cân bằng giữa LDL-C với HDL-C)

Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu đúng về lipid máu hay mỡ máu, đây là thành phần quan trọng với cơ thể con người. Phần lớn các cơ quan đều cần sử dụng lipid máu, nhằm đảm bảo quá trình tổng hợp hormone, hoạt động sống được diễn ra bình thường.

Xem thêm: Mỡ máu là gì? Vai trò của mỡ trong máu đối với cơ thể

Triệu chứng rối loạn lipid máu

Thống kê trên thế giới có khoảng 17 triệu người tử vong liên quan đến bệnh lý tim mạch, trong đó xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu chiếm phần lớn. Vậy nên, nhận biết các triệu chứng bệnh từ giai đoạn đầu giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, phòng tránh biến chứng xảy ra.

Biểu hiện rối loạn lipid máu trên cơ thể

Rối loạn lipid máu không tiến triển nhanh, bệnh diễn ra từ từ và khó phát hiện trừ khi thực hiện xét nghiệm mỡ máu. Trường hợp cholesterol xấu tăng cao, bệnh chuyển nặng thì có thể xấu hiện một số triệu chứng trên cơ thể:

Những biểu hiện của bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

(Những biểu hiện của bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu)

- Xuất hiện cung giác mạc là hình tròn hoặc không tròn hoàn toàn, có màu trắng nhạt định vị quanh mống mắt.

- U vàng xuất hiện ở gân gót chân, gân duỗi các ngón hoặc khớp đốt tay.

- U vàng dưới màng xương ở vùng củ chày xương, đầu xương của mỏm khuỷu.

- Ban vàng xuất hiện ở vùng mí mắt trên hoặc dưới, hoặc nằm rải rác, hoặc khu trú một khu vực.

- Ban vàng lòng bàn tay thường xuất hiện ở lòng bàn tay lẫn các nếp gấp ngón tay.

- Thường xuyên vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, thở dốc, thở ngắn,...

- Dễ bị đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng.

Biểu hiện rối loạn lipid máu với nội tạng

Rối loạn chuyển hóa lipid máu tác động đến nội tạng tương đối sớm, tuy nhiên không biểu hiện rõ ràng ngay từ giai đoạn đầu. Một số ảnh hưởng của bệnh đến cơ quan bên trong như:

Rối loạn lipid máu ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng

(Rối loạn chuyển hóa lipid máu ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng)

- Xơ vữa động mạch xảy ra khi bị rối loạn lipid máu, tích tụ lâu khiến thành mạch yếu, xơ vữa và làm cản trở sự lưu thông của máu. Dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, tổn thương mạch máu não khiến thiếu máu cục bộ, nhồi máu não,...

- Gan nhiễm mỡ khởi phát khi mỡ chiếm lượng lớn trong gan, xâm nhập vào các tế bào gan khiến tăng nguy cơ viêm gan và tổn thương gan. Tình trạng này khiến chức năng gan suy giảm, dẫn đến viêm cấp tính.

- Viêm tụy cấp là tình trạng lượng chất béo trung tính trong máu tăng cao, người bệnh có thể mắc chứng viêm tụy cấp, kèm theo biểu hiệu đau bụng dữ dội, nôn và sốt.

Xem thêm: Tổng quan về bệnh xơ vữa động mạch - "Kẻ giết người" số một trên thế giới


Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Có 3 nguyên nhân chính gây rối loạn lipid máu:

- Rối loạn lipid máu do lắng đọng trong cơ thể: Người bệnh bổ sung không đủ các chất đào thải mỡ, tức HDL Cholesterol, khiến quá trình chuyển hóa bị rối loạn gây ứ đọng mỡ trong cơ thể.

- Rối loạn lipid máu do tăng huy động: Người thường xuyên căng thẳng, stress, mắc bệnh đái tháo đường khiến cơ thể huy động lượng lipid dự trữ, khi không giải phóng hết dẫn đến tính trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu.

- Rối loạn lipid máu do ăn uống: Người bệnh tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, rượu bia hay chất kích thích trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Nếu thuộc một hoặc cả ba nguyên nhân nêu trên, đồng thời xuất hiện các triệu chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác

(Phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác)

Hiện nay, phương pháp xác định rối loạn chuyển hóa lipid máu thường là xét nghiệm sinh hóa. Kỹ thuật xét nghiệm này giúp định lượng các thành phần cholesterol, triglycerid, HDL-C, LDL-C trong máu. Dựa vào kết quả bác sĩ có căn cứ đánh giá, phân loại và lên phác đồ điều trị phù hợp.

Cách điều trị rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là tác nhân hàng đầu gây bệnh về tim mạch, cũng như các cơ quan và bộ phận liên quan khác. Tuy nhiên, có thể khống thể sự gia tăng của các cholesterol xấu trong máu bằng cách thay đổi thực đơn, chế độ sinh hoạt hàng ngày hoặc sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh.

Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu

Đầu tiên, người bệnh cũng như người chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu cần xác định mục tiêu cần đạt, đưa ra các con số cụ thể trước khi bắt đầu thực hiện:

- Thời gian hoạt động thể dục thể thao: Vận động vừa phải, mạnh trong khoảng 2,5 - 5 giờ mỗi tuần, tức tối thiểu 30 - 60 phút mỗi ngày.

- Duy trì cân nặng: Chỉ số BMI 20 - 25 kg/m2, chu vi vòng eo dưới 94 cm với nam và dưới 80 cm với nữ.

- Huyết áp ổn định: Dưới 140/90 mmHg.

- Tiểu đường: Dưới 7% (hay dưới 53 mmol/mol).

- Hạ nồng độ cholesterol xấu (LDL Cholesterol):

  • Người có nguy cơ tim mạch rất cao: Giảm dưới 70 mg/dL hoặc giảm ít nhất 50% nếu mức ban đầu là 70 - 135 mg/dL.
  • Người có nguy cơ tim mạch cao: Giảm dưới 100 mg/dL hoặc giảm ít nhất 50% nếu mức ban đầu 100 - 200 mg/dL.
  • Người có nguy cơ trung bình, thấp: Giảm dưới 115 mg/dL.

- Mục tiêu thứ cấp non-HDL-C (cholesterol không HDL) dưới 100 mg/dL, 130 mg/dL, 145mg/dL, tương ứng lần lượt với đối tượng nguy cơ rất cao, cao và trung bình thấp.

- Nồng độ cholesterol tốt (HDL Cholesterol):

  • Nam giới trên 40 mg/dL.
  • Nữ giới trên 48 mg/dL.

- Nồng độ chất béo trung tính (Triglycerid): Dưới 150 mg/dL.

Đây là những mục tiêu cơ bản cần đạt được khi điều trị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu, đảm bảo sức khỏe người bệnh ổn định trở lại, đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ thấp đến cao.

Chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu

Người rối loạn chuyển hóa lipid máu cần tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt, hạn chế nạp cholesterol xấu như chất béo bão hòa, mỡ động vật, rượu bia, chất kích thích. Đồng thời tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như:

Chế độ ăn uống dành cho người rối loạn chuyển hóa lipid máu

(Chế độ ăn uống dành cho người rối loạn chuyển hóa lipid máu)

- Rau củ và trái cây tươi giàu chất xơ, chứa chất chống oxi hóa và ít calo, hỗ trợ duy trì cân nặng ổn định, giảm cholesterol hiệu quả.

- Sữa tách béo khoảng 83 calo, không có chất béo bão hòa và chỉ có 5 mg cholesterol, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, vừa hạn chế sự gia tăng của LDL Cholesterol.

- Tỏi là thực phẩm được khuyên dùng với người rối loạn chuyển hóa mỡ máu, giúp giảm huyết áp và cholesterol xấu. Mỗi ngày, nên sử dụng ít nhất nửa hoặc một tép tỏi để hạ lipid máu.

- Hành tây chứa chất chống oxi hóa, hợp chất chống viêm giúp giảm chất béo trung tính và cholesterol, ngăn ngừa biến chứng bệnh tim.

- Đậu nành chứa protein, chất xơ, chất béo không bão hòa cùng nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe, giúp cân bằng và làm giảm cholesterol.

- Rong biển có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, ngăn ngừa nguy cơ rối loạn lipid máu.

- Ớt đặc biệt có lợi cho tim, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch thông qua việc hạ mức cholesterol và chất béo trung tính.

- Súp lơ xanh và súp lơ trắng chứa nhiều chất xơ, giúp làm giảm chất béo trung tính và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Mướp đắng chứa kali, magie, canxi giúp làm giảm cholesterol xấu, duy trì nồng độ cholesterol tốt, hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu.

- Giá đỗ chứa ít calo, có khả năng cải thiện sức khỏe tim thông qua việc giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.

- Các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hồ đào, óc chó giàu omega-3 tốt cho tim mạch, hỗ trợ giảm khoảng 5% LDL-C và cholesterol toàn phần.

- Thịt trắng như gà, cá có khả năng giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần, giúp kiểm soát phần trăm cholesterol trong máu.

- Các loại nấm không chỉ có hương vị ngon mà còn chứa các chất dinh dưỡng thay thế thịt, đồng thời ức chế sản xuất cholesterol, ngăn chặn cơ thể hấp thụ quá mức cholesterol và giảm lượng mỡ trong máu.

Thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu có thể xuất phát từ di truyền hoặc do lối sống thiếu khoa học, trong trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng bằng các tăng cường vận động, thay đổi chế độ ăn uống. Nếu bệnh tiến triển nặng, xuất hiện các biến chứng nguy hiểm thì cần sử dụng thêm thuốc điều trị.

Điều trị bệnh bằng thuốc khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm

(Điều trị bệnh bằng thuốc khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm)

Một số nhóm thuốc được ứng dụng trong điều trị mỡ máu như:

- Nhóm Statin thường được sử dụng đầu tiên trong điều trị bệnh mỡ máu, cần kể đến simvastatin, atorvastatin, rosuvastatin, lovastatin, pravastatin, fluvastatin,...

- Nhóm Fibrat có tác dụng giảm chất béo trung tính, giảm LDL và tăng HDL, gồm fenofibrat, ciprofibrat, bezafibrat,...

- Nhóm acid nicotinic có tác dụng giảm mỡ máu như vitamin PP, vitamin B3, Niacin,...

- Nhóm renin gắn với acid mật như cholestyramine, colestipol,...

- Nhóm ức chế hấp thu cholesterol như ezetimibe, thường được phối hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp statin. Chống chỉ định sử dụng khi chất béo trung tính tăng cao.

Biến chứng rối loạn lipid máu gây ra

Rối loạn lipid máu gây ra những biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh như:

- Xơ vữa động mạch.

- Nhồi máu cơ tim.

- Đột quỵ.

- Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

- Viêm tụy.

- Gan nhiễm mỡ.

Bệnh rối loạn mỡ máu tiến triển âm thầm, để lại hậu quả nghiêm trọng với người bệnh. Vậy nên cần có kế hoạch và phác đồ điều trị kịp thời, người trưởng thành, người có nguy cơ khuyến cáo nên thực hiện khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần.

Chữa rối loạn lipid máu ở đâu?

Rối loạn mỡ máu là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng và hoạt động tim mạch, cùng các bộ phận liên quan khác. Dựa vào tình trạng cá nhân, chỉ số lipid máu mà các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ có phác đồ điều trị rối loạn lipid máu phù hợp.

Chữa rối loạn lipid máu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

(Chữa rối loạn lipid máu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)

Hỗ trợ đắc lực cùng đội ngũ y tế chẩn đoán bệnh là thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới như máy siêu âm Philips Affiniti, máy điện tâm đồ, máy chụp CT 128 lát cắt, máy holter huyết áp, máy holter điện tim.

Ngoài ra, khoa Tim mạch còn sở hữu hệ thống phòng nội trú hiện đại và tiện nghi, mang lại trải nghiệm thăm khám và điều trị nghỉ dưỡng 5 sao cùng tiện ích y tế chất lượng cao. Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được tư vấn, điều trị rối loạn lipid máu bởi chuyên gia Tim mạch hàng đầu Việt Nam.

Tổng kết lại, rối loạn lipid máu là tình trạng LDL cholesterol và chất béo trung tính tăng một cách bất thường, còn nồng độ HDL cholesterol giảm sâu. Người bệnh cần được điều trị kịp thời nhằm phòng tránh các bệnh lý tim mạch, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

718

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám