Sa tử cung là loại bệnh phụ khoa mà bất kỳ người phụ nào cũng có thể gặp phải. Đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh thường sẽ có nguy cơ cao hơn. Vậy phụ nữ sinh mổ có bị sa tử cung không? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông giải đáp thắc mắc này của nhiều chị em trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung về bệnh sa tử cung
Sa tử cung là tình trạng tử cung bị tụt xuống thấp hơn vị trí bình thường do sự suy yếu của các cơ và mô nâng đỡ ở vùng chậu. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ đã sinh nở, béo phì, hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.
Bệnh được chia thành nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng:
- Sa tử cung cấp độ 1: Là hiện tượng tử cung bị sa nhưng vẫn nằm trong âm đạo. Đây là mức độ sa nhẹ nhất.
- Sa tử cung cấp độ 2: Lúc này, phần cổ và thân tử cung ngày càng tụt xuống, có thể lồi ra ngoài âm đạo.
- Sa tử cung cấp độ 3: Đây là hiện tượng tử cung đã bị sa rất nghiêm trọng, toàn bộ tử cung đã tụt xuống khỏi âm đạo. Ở giai đoạn này có thể xảy ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Sa tử cung được chia thành các cấp độ tử nhẹ đến nặng
Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ sẽ to dần theo sự phát triển của thai nhi. Lúc này, các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung sẽ dần thích nghi theo sự thay đổi của tử cung. Sau khi sinh, tử cung co lại, tuy nhiên dây chằng và cơ nâng đỡ chưa quay lại trạng thái bình thường, từ đó gây ra sa tử cung.
Bất kỳ mẹ bầu nào cũng có thể bị sa tử cung sau sinh, tuy nhiên có một số trường hợp mà mẹ dễ bị sa tử cung hơn như:
- Thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc khó sinh
- Đa thai hoặc sinh con nhiều lần.
- Thai nhi quá lớn.
- Sau sinh, mẹ vận động quá sức hoặc mang vác nặng.
- Bị ho hoặc táo bón kéo dài sau sinh nhưng không can thiệp điều trị.
- Mẹ bị thừa cân, béo phì.
- …
Sinh mổ có bị sa tử cung không?
“Sinh mổ có bị sa tử cung không?” - là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ khi mang thai. Thông thường, các trường hợp sinh mổ, mẹ sẽ không phải trải qua những cơn gò kéo dài để đưa bé ra ngoài. Do đó, thành âm đạo của mẹ không bị tổn thương nhiều như sinh thường. Hơn nữa, dây chằng và các cơ nâng đỡ tử cung của mẹ cũng không bị co giãn quá nhiều. Những yếu tố này, sinh mổ sẽ giảm nguy cơ bị sa tử cung so với sinh thường.
Tuy nhiên, việc sinh mổ không có nghĩa là mẹ sẽ không bị sa tử cung. Với câu hỏi “Sinh mổ có bị sa tử cung không?” - Câu trả lời là “có” nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn so với sinh thường.
Nguy cơ dây chằng và cơ nâng đỡ tử cung bị co giãn khi sinh mổ là vẫn có. Đặc biệt, nếu sau sinh, mẹ không giữ gìn sức khoẻ; hoạt động, làm việc quá sức; bị táo bón kéo dài;.... thì vẫn có thể mắc sa tử cung sau khi sinh mổ.
Sinh mổ sẽ giảm nguy cơ bị sa tử cung so với sinh thường
Dấu hiệu bị sa tử cung sau sinh mổ
Nếu các mẹ có một số dấu hiệu sau thì có thể đã bị sa tử cung sau sinh mổ ở mức độ vừa hoặc nặng:
- Có cảm giác nặng, căng tức ở âm hộ.
- Khi tiểu gặp khó khăn, tiểu rắt hoặc đi tiểu không tự chủ.
- Bị táo bón kéo dài.
- Khi quan hệ tình dục có cảm giác đau, thành âm đạo lỏng.
- Đau vùng thắt lưng thường xuyên.
- Thấy mô mềm lồi ra ở cửa âm đạo.
Các triệu chứng thường nhẹ vào buổi sáng khi mới thức dậy và nặng dần lên trong ngày. Đặc biệt là khi đứng lâu hoặc vận động nhiều.
Xem thêm:
Cách phòng ngừa sa tử cung sau sinh mổ
Dù sinh thường hay sinh mổ, sau khi sinh mẹ bầu cần giữ gìn sức khỏe sẽ giúp tử cung hồi phục tốt hơn và tránh tình trạng sa tử cung. Một số biện pháp phòng ngừa sa tử cung sau sinh mổ có thể kể đến như:
- Tránh hoạt động mạnh: Vận động nhẹ nhàng giúp các các cơ nâng đỡ và tử cung sớm quay về trạng thái bình thường trước khi mang thai. Mẹ sinh mổ nên bắt đầu hoạt động nhẹ nhàng sau sinh 24 giờ và nên có sự giúp đỡ của người thân để đảm bảo an toàn.
- Xây dựng chế độ ăn khoa học: Mẹ nên ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Nên ăn nhiều loại rau củ, trái cây vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể mẹ sau sinh. Hơn nữa, chế độ ăn hợp lý sẽ hạn chế tình trạng táo bón có thể gây sa tử cung. Mẹ cũng không nên kiêng khem quá mức khi chưa có cơ sở khoa học.
- Uống đủ nước: Vì sau sinh mổ, cơ thể của mẹ có thể mất nhiều nước. Do đó, việc bổ sung nước rất cần thiết. Ngoài ra, uống đủ nước giúp tránh tình trạng táo bón sau sinh mổ. Bên cạnh uống nước lọc bình thường, mẹ có thể sử dụng thêm các loại nước trái cây, sữa,...
- Nuôi bé bằng sữa mẹ: Điều này có vẻ không liên quan đến cách phòng tránh sa tử cung sau khi sinh mổ. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho rằng hormone oxytocin được tạo ra khi cho bé bú mẹ sẽ giúp tử cung nhanh chóng phục hồi và giảm chảy máu sau sinh.
- Tập các bài tập phục hồi: Tập các bài tập Kegel giúp mẹ sau sinh nhanh chóng phục hồi và giảm thiểu tình trạng sa tử cung. Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thời gian tập và tư thế tập đúng.
Tập các bài tập Kegel giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa tử cung sau sinh
“Sinh mổ có bị sa tử cung không?” có lẽ là câu hỏi của nhiều mẹ bầu sau khi sinh mổ. Mặc dù sinh mổ không hoàn toàn tránh được tình trạng sa tử cung, tuy nhiên sinh mổ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Để giảm tối đa bị sa tử cung, mẹ nên chủ động thực hiện cách biện pháp phòng tránh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Mong rằng qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, các chị em đã câu trả lời cho thắc mắc “Sinh mổ có bị sa tử cung không?”. Dù sinh con theo hình thức nào, mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để được tư vấn chính xác nhất. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Mọi thông tin cần tu vấn, vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 để được giải đáp.