1.Sinh thiết thận là gì?
Sinh thiết thận là một kỹ thuật được thực hiện nhằm lấy một mẫu mô nhỏ của thận. Sau đó thực hiện quan sát dưới kính hiển vi, nhuộm hóa mô miễn dịch để chẩn đoán chính xác các bệnh lý đặc trưng của thận. Từ đó, đánh giá tính chất của chúng là lành tính hay ác tính. Đồng thời, việc này giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng bệnh và có phương án điều trị bệnh phù hợp.
Sinh thiết là một thủ thuật có xâm lấn nên cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu để đảm bảo sự an toàn đối với người bệnh.
Sinh thiết thận là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về thận
2. Tại sao cần thực hiện xét nghiệm sinh thiết thận?
Không phải người bệnh nào đều cần thực hiện sinh thiết thận. Việc sinh thiết chỉ là một trong những phương pháp giúp bác sĩ thêm thông tin có giá trị để chẩn đoán các bệnh lý phức tạp của thận. Có thể kể đến các trường hợp dưới đây:
- Có tình trạng trong nước tiểu xuất hiện nhiều protein (tiểu đạm) nhưng không thuyên giảm khi điều trị bằng thuốc.
- Trong nước tiểu có máu (tiểu máu) không có dấu hiệu giảm khi đã thực hiện điều trị.
- Suy chức năng của thận tiến triển.
- Có dấu hiệu của các bệnh lý ác tính của hệ thận - niệu tiết qua chẩn đoán hình ảnh.
Lấy mẫu sinh thiết để giải phẫu bệnh lý còn có vai trò quan trọng như:
- Đánh giá mô thân của người bệnh có đọng lại protein bất thường như immunoglobulin, nhiễm trùng, xơ sẹo mô thận, dấu hiệu của viêm thận,...
- Đánh giá chức năng còn lại của phần mô thận đang suy.
- Người bệnh ghép thận nhưng mô mới không hoạt động, sinh thiết sẽ tìm ra nguyên nhân vì sao không hoạt động.
- Phát hiện ra khối u ở thận thông qua hình ảnh nhưng chưa rõ bản chất là lành tính hay ác tính thì sinh thiết sẽ trả lời cho câu hỏi đó.
3. Chỉ định và chống chỉ định sinh thiết thận
3.1. Trường hợp chỉ định thực hiện sinh thiết
Có một vài trường hợp được chỉ định sinh thiết thận như:
- Tiểu ra máu nhưng không rõ nguyên nhân.
- Tiểu đạm kéo dài và không có phản ứng cải thiện với phương pháp điều trị.
- Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc một biểu hiện của bệnh lý như: Hội chứng GoodPasture, bệnh thận do Lupus,....)
- Bệnh lý viêm thận mô kẽ
- Bệnh lý cầu thận chưa tìm ra nguyên nhân hoặc không đáp ứng liệu trình điều trị.
- Tình trạng thận hoạt động không đạt hiệu quả sau khi cấy ghép.
- Phát hiện khối mô bất thường tại thận sau khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định sinh thiết thận
3.2. Trường hợp chống chỉ định thực hiện sinh thiết
Bên cạnh những chỉ định sinh thiết thận, có một số các tình huống chống chỉ định sinh thiết như sau:
- Bệnh nhân chỉ có một thận duy nhất.
- Người bệnh có bệnh lý rối loạn chảy máu.
- Kết quả xét nghiệm đông máu kém (Prothrombin < 70%)
- Kết quả định lượng tiểu cầu thấp ( <150.000 G/L)
- Người bệnh đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu để điều trị các bệnh lý khác (sau đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,...)
- Người bệnh có tình trạng tăng huyết áp nặng, đa nang thận,thận ứ nước, bệnh lý viêm mạch, phình mạch, tình trạng nhiễm trùng nặng,...
Các chống chỉ định sinh thiết thận này chỉ mang tính tương đối. Dựa theo đặc điểm của mỗi bệnh nhân và cân nhắc lợi ích cho người bệnh nhiều hơn nguy cơ do thủ thuật gây ra, các bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết sau khi kiểm tra chặt chẽ các điều kiện trên. Trong một vài trường hợp, giải phẫu bệnh học từ mô ở thận mang ý nghĩa quyết định quan trọng trong quá trình điều trị.
4. Các phương pháp sinh thiết thận
Thận là cơ quan nằm ở mặt sau của ổ bụng, ở phía hông lưng. Tại vị trí này, có hai phương pháp để thực hiện sinh thiết thận là: Chọc sinh thiết qua da vùng hông lưng (sinh thiết bằng kim) và sinh thiết qua nội soi từ vùng bụng.
4.1. Chọc sinh thiết qua da vùng hông lưng
SInh thiết qua da hay sinh thiết bằng kim lõi là phương pháp sử dụng kim chuyên dụng để tiếp cận vị trí lấy mẫu mô ở thận.
Vùng sinh thiết sẽ được thăm khám và chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, chụp CT,... Sau đó được đánh dấu vị trí trước khi thực hiện sinh thiết. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ trong quá trình thực hiện sinh thiết. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng một mũi kim lớn, rỗng ống và đưa vào vùng mô thận đã được đánh dấu. Sau đó, kim sẽ lấy một mảnh mô thận và đưa ra ngoài. Một lần thực hiện có thể lấy từ 2-6 mẫu bệnh phẩm tại nhiều vùng khác nhau của thận, việc này giúp lấy đủ số lượng và tăng độ chính xác cao hơn.
Xem thêm:
Siêu âm thận có phát hiện suy thận, ung thư thận không?
Chọc sinh thiết thận qua da vùng hông lưng (sinh thiết bằng kim lõi)
4.2. Sinh thiết qua nội soi ổ bụng
Sinh thiết qua nội soi là một cuộc phẫu thuật nhỏ, phương pháp này được chỉ định khi không thể thực hiện sinh thiết qua da. Ví dụ như người bệnh mắc rối loạn đông máu nặng, bệnh lý dễ chảy máu,...thì lúc này bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi vùng bụng để sinh thiết thận.
Phương pháp này có thể vừa đảm bảo an toàn với người bệnh mắc bệnh lý liên quan đến đông máu vừa giúp bác sĩ quan sát được mô thận bằng hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp thường được sử dụng với mọi người bệnh.
5. Quy trình thực hiện kỹ thuật sinh thiết
5.1. Chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết
Dựa vào chỉ định sinh thiết mô thận qua da hay qua nội soi mà quy trình chuẩn bị cũng sẽ khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn có những điều mà người bệnh cần chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết như:
- Thông báo với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng như: Thuốc có đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin,... Đặc biệt là thuốc hỗ trợ chống đông máu. Bác sĩ có thể yêu cầu tạm ngưng sử dụng trong vài ngày trước khi thực hiện sinh thiết.
- Thực hiện các xét nghiệm trước khi tiến hành sinh thiết như: Xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu.
- Người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn trong vòng từ 6-8 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật.
Nếu bệnh nhân được chỉ định thực hiện sinh thiết thận qua nội soi sẽ phải nhập viện để chuẩn bị cho quy trình thực hiện sinh thiết.
Xét nghiệm máu và nước tiểu trước khi thực hiện sinh thiết
5.2. Quy trình thực hiện sinh thiết
Lấy mẫu sinh thiết qua da (sinh thiết kim lõi) là phương pháp được ứng dụng nhiều nhất khi cần lấy mẫu mô ở thận để sinh thiết. Đây là một số bước thực hiện sinh thiết bằng kim lõi:
- Bệnh nhân được yêu cầu nằm ở tư thế nghiêng về một bên hoặc nằm sấp.
- Qua quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ đánh dấu những vị trí cần lấy mẫu sinh thiết trên da.
- Sau đó thực hiện sát khuẩn vùng da đã được đánh dấu, trải săng mổ có lỗ, tiêm thuốc tê vào vùng cơ sau của hông lưng.
- Khi thuốc tê ngấm, bác sĩ sẽ tiến hành dùng kim lõi đưa vào điểm đã đánh dấu. Theo sự hướng dẫn của siêu âm, kim sẽ được định hướng và đến mô thận một cách cẩn thận, tránh các cơ quan khác lân cận.
- Khi thực hiện, bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau vì đã được gây tê cục bộ. CHỉ có cảm nhận được từ lúc bấm kim ở phía hông lưng.
- Sau khi thực hiện lấy mẫu xong tại một vị trí, người bệnh được yêu cầu giữ hơi thử trong 5-10 giây khi bác sĩ rút kim ra.
- Thao tác này sẽ lặp đi lặp lại trong vài lần tại một lỗ kim để lấy đủ số mô cần thiết.
- Sau khi hoàn thành, bác sĩ sẽ ép miếng băng lên lỗ kim và yêu cầu người bệnh nằm yên trước khi thực hiện băng bó vết thương.
Đối với phương pháp sinh thiết qua nội soi ổ bụng, người bệnh sẽ được gây mê như một cuộc phẫu thuật. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị phẫu thuật nội soi để tiếp cận mô từ phía trước. Sau khi quan sát qua màn hình, dụng cụ nội soi sẽ lấy một mẫu mô thận để phục vụ cho quá trình phân tích mẫu bệnh phẩm.
5.3. Sau khi thực hiện sinh thiết
Sau khi thực hiện kỹ thuật qua da, bệnh nhân có thể về nhà sau 12-24 giờ. Trong thời gian nghỉ ngơi, người bệnh sẽ được theo dõi để đảm bảo an toàn:
- Nằm nghỉ yên tĩnh, không đi lại trong khoảng 6 tiếng sau khi thực hiện sinh thiết.
- Trong thời gian đầu, sẽ có cảm giác đau tức hông, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu thêm một lần nữa để xem có tình trạng chảy máu hay không.
- Sau khoảng thời gian này, người bệnh được về chăm sóc tại nhà.
- Mẫu mô thận sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để giải phẫu bệnh ngay khi quy trình sinh thiết kết thúc.
Theo dõi và kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi ra về
6. Những câu hỏi thường gặp khi sinh thiết thận
Sinh thiết thận có nguy hiểm không?
Sinh thiết thận bằng phương pháp sinh thiết qua da là một kỹ thuật an toàn cao. Tuy nhiên vẫn sẽ có một số nguy cơ xảy ra sau khi sinh thiết như: Chảy máu, đau tức hông lưng, dò động tĩnh mạch, hoặc một vài biến chứng khác như tụ máu quanh thận, nhiễm trùng,....
Tuy nhiên người bệnh không cần quá lo lắng, các biểu hiện trên chỉ tạm thời có thể xảy ra. Nếu cảm thấy khó chịu hãy liên hệ ngay với bác sĩ để có phương án điều trị hợp lý.
Bao lâu có kết quả sinh thiết thận?
Kết quả giải phẫu bệnh thường có trong khoảng 7 ngày kể từ khi thực hiện xong quy trình lấy mẫu mô bệnh phẩm. Thông thường, bác sĩ sẽ thông báo kết quả với lịch hẹn tái khám tiếp theo. Dựa vào kết quả giải phẫu mẫu bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp với người bệnh.
Sinh thiết thận có chính xác không?
Sinh thiết thận là một trong những thủ thuật chẩn đoán mang tính chính xác cao, thường ít xảy ra sai sót. Chính vì vậy, lấy mẫu mô ở thận đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý.
Chi phí thực hiện sinh thiết thận bao nhiêu?
Tùy theo cơ sở y tế mà chi phí sinh thiết thận sẽ có sự khác nhau. Thông thường, để thực hiện sinh thiết sẽ dao động từ 1.500.000 VNĐ trở lên tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (chưa bao gồm phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh).
*Giá dịch vụ chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn về chi phí tại thời điểm sử dụng dịch vụ.
Thực hiện sinh thiết thận tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Sinh thiết thận ở đâu?
Sinh thiết thận không phải là một kỹ thuật quá phức tạp, tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có thể đáp ứng được tiêu chí của người bệnh như:
- Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, dày kinh nghiệm về thăm khám, tư vấn, chẩn đoán, sinh thiết, xét nghiệm,... trong lĩnh vực Thận - Tiết niệu.
- Trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến, được nhập khẩu từ các nước có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật Bản,...
- Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, chuẩn theo mô hình Bệnh viện - Khách sạn.
Để Đặt lịch khám và xét nghiệm sinh thiết, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!