Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là giai đoạn đầu tiên của ung thư cổ tử cung, khi các tế bào ung thư chỉ giới hạn ở trong cổ tử cung và chưa lan rộng sang các mô lân cận hoặc các cơ quan khác.
Đây là giai đoạn có tỷ lệ sống sót sau điều trị cao nhất, lên đến 90% nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung chủ yếu là do virus HPV. Có hơn 99% ca mắc bệnh đều có sự xuất hiện của virus này trong cơ thể người bệnh. Loại virus này có khoảng hơn 100 type, trong đó có 5 type HPV phổ biến gây nên ung thư cổ tử cung, bao gồm: HPV 16, HPV 18, HPV 31, HPV 33 và HPV 35. Những type HPV này chính là “thủ phạm” của hơn 80% các trường hợp được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới.
Nhiễm virus HPV chủ yếu là lây qua đường tình dục (quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, không vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ,...). Ngoài ra, virus HPV còn lây truyền qua tiếp xúc da với da, sử dụng đồ lót chung,...
Các trường hợp bị lây nhiễm HPV thường không có triệu chứng cụ thể. Người bệnh có thể tự khỏi sau vài tháng nhưng một số type virus HPV có nguy cơ cao sẽ tồn tại lâu trong cơ thể. Từ đó, gây biến đổi gen tế bào cổ tử cung, tổn thương sơ khởi và dẫn đến ung thư.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là virus HPV
Diễn biến của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là giai đoạn sớm của bệnh, các dấu hiệu sẽ không xuất hiện rõ ràng và được chia thành những giai đoạn nhỏ dựa vào mức độ tiến triển của bệnh.
Giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung
Giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung hay còn gọi là giai đoạn 0, đây là giai đoạn các tế bào biểu mô có những biểu hiện bất thường, chỉ bắt đầu xuất hiện trong cổ tử cung, chưa xâm lấn tới các mô chính, chưa xâm lấn tới các cơ quan trong cơ thể.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Đây là giai đoạn các tế bào ung thư trong cổ tử cung chưa xâm lấn sang các mô lân cận và các các cơ quan khác. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 được chia thành hai giai đoạn IA và IB.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA
Lúc này, sự phát triển của các biểu mô bất thường rất nhỏ, chỉ có thể phát hiện thông qua kính hiển vi hoặc kính soi cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA được chia thành 2 nhóm nhỏ, bao gồm:
- Giai đoạn IA1: Các tế bào ung thư phát triển nhỏ hơn 3mm ở các mô của cổ tử cung.
- Giai đoạn IA2: Tế bào ung thư phát triển từ 3-5mm trong các mô ở cổ tử cung.
Tế bào ung thư ung thư cổ tử cung giai đoạn IA thường có kích thước 3-5mm
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB
Trong giai đoạn này, khu vực ung thư đã phát triển lớn hơn nhưng vẫn chỉ ở trong các mô của cổ tử cung và chưa lan rộng. Các tế bào ung thư có thể nhìn thấy mà không cần sử dụng kính hiển vi. Giai đoạn IB1 được chia thành 3 nhóm, bao gồm:
- Giai đoạn IB1: Khối ung thư sâu hơn 5mm nhưng kích thước chưa to quá 2cm.
- Giai đoạn IB2: Khối ung thư lúc này có kích thước tối thiểu 2cm và không lớn hơn 4cm.
- Giai đoạn IB3: Khối u phát triển lớn hơn 4cm trở lên nhưng chưa lan rộng ra các mô lân cận.
Kích thước tế bào ung thư cổ tử cung trong giai đoạn IB
Những dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Ung thư cổ tử cung thường diễn biến âm thầm, không có những triệu chứng rõ ràng. Chính vì vậy, người bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn này bởi chúng không có bất kỳ triệu chứng nào. Dù vậy, nếu các chị em phụ nữ xuất hiện một số dấu hiệu sau có thể là ung thư cổ tử cung giai đoạn một, cụ thể như:
Chảy máu âm đạo bất thường
Một trong những dấu hiệu thường gặp ở người bệnh bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là chảy máu âm đạo bất thường. Đây là tình trạng âm đạo chảy máu nhưng không trong chu kỳ hành kỳ, lượng máu nhỏ, lẫn với dịch âm đạo.
Dấu hiệu này thường gặp khi người bệnh mắc bất kỳ các bệnh lý phụ khoa nào, trong đó có ung thư cổ tử cung. Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định rõ nguyên nhân gây chảy máu.
Các rối loạn kinh nguyệt mà người bệnh có thể gặp phải như: Chu kỳ kinh nguyệt dài, ngắn bất thường, kinh nguyệt không đều, lượng máu kinh có thể rất nhiều hoặc rất ít,.... Đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện có thể là do các tế bào ung thư cổ tử cung phát triển có liên quan tới nội tiết tố nữ, khiến người bệnh xuất hiện tình trạng trên.
Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung
Dịch âm đạo bất thường
Từ ảnh hưởng của khối ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ gặp hiện tượng dịch âm đạo có những dấu hiệu khác thường: Dịch âm đạo có màu trắng đục, xanh hoặc vàng, trong dịch có lẫn máu, xuất hiện mùi hôi bất thường,...
Đây có thể là những dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung mà chị em phụ nữ cần quan tâm, hãy đi khám sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nào để xác định nguyên nhân và can thiệp điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ khoa để được thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm giúp xác định chính xác có phải mắc ung thư cổ tử cung hay không. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh như:
Việc thực hiện xét nghiệm Pap có thể phát hiện hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Đây phương pháp thu thập các tế bào cổ tử cung, sau đó tiến hành kiểm tra để tìm các dấu hiệu tiền ung thư, ung thư hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.
Nếu kết của của Pap có bất thường, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm HPV. Đây là phương pháp giúp đánh giá các tế bào cổ tử cung có nhiễm HPV hay không.
Bác sĩ sẽ thực hiện bằng sử dụng dụng cụ giống bàn chải để lấy tế bào ở cổ tử cung hoặc nong và nạo cổ tử cung lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV.
Xét nghiệm HPV giúp phát hiện tế bào cổ tử cung có nhiễm HPV hay không
Sinh thiết
Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung và lấy mẫu mô làm sinh thiết khi có những nghi ngờ đó là các tế bào ác tính. Có thể thực hiện kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm bằng nhiều phương pháp như: Sinh thiết kim, khoét chóp,...
Các chẩn đoán hình ảnh khác
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh để đánh giá giai đoạn bệnh nếu xác định được đó là những tế bào ác tính. Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
- MRI vùng tiểu khung
- Chụp CT ngực – bụng – chậu hay PET/CT
- Nội soi bàng quang, trực tràng
- Các xét nghiệm về huyết học, sinh hóa,…
Phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Phẫu thuật thường được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi tác, giai đoạn,....
Phẫu thuật
Khoét chóp cổ tử cung
Bằng phương pháp này, có thể áp dụng với người bệnh mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1 mong muốn có thể sinh con. Phần mô bị tổn thương sẽ được loại bỏ và các phần mô xung quanh sẽ được giải phẫu để đánh giá sự lây lan của tế bào.
Nếu không sót lại tế bào ung thư tại các mô cổ tử cung, người bệnh sẽ không cần thực hiện điều trị bổ sung. Nếu các tế bào ung thư ở diện cắt, trong mạch máu, mạch bạch huyết hoặc u lớn thì người bệnh cần điều trị bổ sung.
Khoét chóp cổ tử cung là phương pháp điều trị đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn IA1
Phẫu thuật cắt cổ tử cung
Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung gồm: Cắt bỏ cổ tử cung, phần trên âm đạo, một số cấu trúc và mô xung quanh, các hạch bạch huyết vùng chậu. Phương pháp này thường chỉ định đối với người bệnh mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IA2 và giai đoạn IB1 với kích thước nhỏ (<2cm) khi người bệnh có mong muốn sinh đẻ.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Cắt bỏ tử cung có thể là: Cắt tử cung bán phần hoặc cắt tử cung toàn phần, có thể kèm nạo vét hạch, cắt tử cung toàn phần và hai phần phụ (buồng trứng, vòi tử cung), cắt tử cung triệt căn.
Với phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung thường áp dụng phổ biến với người bệnh mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn I không có nguyện vọng sinh sản.
Sinh thiết hạch cửa
Sinh thiết hạch cửa là phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm hạch bạch huyết từ chặng hạch gần nhất mà tế bào ung thư có thể di căn đến. Sau đó thực hiện giải phẫu, đánh giá bệnh phẩm để xác định hạch có chứa tế bào ác tính hay không. Đây sẽ giúp bác sĩ quyết định mức độ nạo vét hạch.
Xạ trị
Khi người bệnh không thể phẫu thuật thì xạ trị sẽ là phương pháp điều trị triệt căn cho ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xạ trị cũng được áp dụng điều trị sau phẫu thuật trong trường hợp các tế bào ung thư vẫn còn sót lại, các tế bào ung thư đã xâm nhập vào mạch máu, mạch bạch huyết dựa trên kết quản phân tích giải phẫu mẫu bệnh phẩm.
Ngoài ra, xạ trị chiếu ngoài đơn thuần hoặc kết hợp xạ trị áp sát được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung. Xạ trị chiếu ngoài sẽ được thực hiện 5 ngày/tuần, kéo dài từ 6-7 tuần. Điều trị xạ trị áp sát thường được áp dụng vào những tuần điều trị cuối của xạ trị chiếu ngoài hoặc khi đã kết thúc xạ trị chiếu ngoài.
Xạ trị là phương pháp giúp điều trị triệt để ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Hoá - xạ trị kết hợp sẽ được ứng dụng nếu người bệnh không thể thực hiện phẫu thuật. Hoá - xạ trị cũng là phương pháp điều trị chính của ung thư cổ tử cung từ giai đoạn IB2 trở lên. Ngoài ra, phương pháp này cũng được chỉ định sau khi mổ (trường hợp có nguy cơ tái phát bệnh).
Biện pháp phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung sẽ có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm, khả năng thoái lui bệnh cao. Nếu bệnh tiến triển giai đoạn muộn sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tiên lượng xấu.
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn nhưng người bệnh có thể ngăn chặn những nguy cơ có khả năng gây bệnh. Một số cách phòng tránh ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Chủ động tiêm vaccine ngừa HPV để ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus HPV, bác sĩ khuyến cáo nên tiêm trước tuổi 25 và chưa từng quan hệ tình dục.
- Thăm khám phụ khoa và thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ sẽ phát hiện được tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
- Quan hệ tình dục an toàn: Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm,... để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là virus HPV.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ.
Chủ động tiêm vaccine HPV giúp ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là giai đoạn có tiên lượng bệnh tốt, người bệnh có khả năng thoái lui bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm. Chính vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa bệnh bằng nhiều cách khác nhau, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hãy đến cơ sở y tế để thăm khám.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Nếu có mong muốn khám phụ khoa hoặc thực hiện xét nghiệm Pap, hãy hoặc gọi số hotline 1900 1806 để được Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tư vấn sớm nhất.