Viêm dây thần kinh thị giác là gì?
Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ, có nhiệm vụ mang dữ liệu hình ảnh từ mắt (võng mạc) về thuỳ chẩm ở não để xử lý và phân tích. Mỗi người sẽ có 2 dây thần kinh thị giác để dẫn truyền hình ảnh của từng mắt về phía bán cầu não.
Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn trên một bộ phận, một điểm hoặc toàn bộ dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh cũng có liên quan đến bệnh đa xơ cứng - bệnh gây viêm và tổn thương các dây thần kinh não và tủy sống. Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, nhưng cũng có những trường hợp bệnh xảy ra ở cả 2 mắt.
Hầu hết những người mắc viêm dây thần kinh thị giác lần đầu đều có thể hồi phục thị lực gần như hoàn toàn nếu điều trị sớm.
Hình ảnh dây thần kinh thị giác vị viêm
Nguyên nhân gây bệnh viêm dây thần kinh thị giác
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm dây thần kinh thị giác hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều giả thiết cho rằng đây là hệ quả khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu vào myelin - chất bao phủ dây thần kinh thị giác dẫn đến tổn thương và viêm, làm ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu đến não, ảnh hưởng đến thị lực.
Nhiễm trùng khiến dây thần kinh thị giác bị viêm
Những bệnh lý sau được chứng minh là có liên quan đến tình trạng viêm dây thần kinh thị giác:
- Bệnh đa xơ cứng: Nếu bạn từng có tiền sử mắc đa xơ cứng - bệnh lý mãn tính khiến chức năng thần kinh suy giảm thì đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm thần kinh thị giác.
- Nhiễm trùng: Nhiều bệnh nhân được ghi nhận nhiễm virus đường hô hấp đều mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập qua cơ thể khi bị sốt mèo cào, giang mai (một bệnh lây qua đường tình dục), nhiễm virus sởi, quai bị cũng gây ra viêm thần kinh ở mắt.
- Tiểu đường: Đây là bệnh lý làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn thần kinh thị giác. Nếu bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát lượng đường nạp trong cơ thể sẽ khiến dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.
- Bệnh viêm động mạch nội sọ: Bệnh này sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên mắt và não. Những người từ 70 - 80 tuổi có nguy cơ mắc bệnh này cao.
Những triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác
Nếu một dây thần kinh bị viêm nhiễm thì một bên mắt sẽ chịu ảnh hưởng, bên còn lại không xuất hiện triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác. Viêm dây thần kinh thị giác có những biểu hiện thường gặp sau đây:
Giảm thị lực
Dù cho bị tổn thương một bên mắt hay cả hai bên thì khả năng thị lực bị suy giảm là điều chắc chắn. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Tuỳ vào mức độ của bệnh mà thị lực suy giảm khác nhau. Tình trạng này xuất hiện trong vài giờ, vài ngày và có thể được phục hồi nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan khiến bệnh kéo dài dẫn đến thị lực suy giảm vĩnh viễn.
Đau nhức
Bệnh nhân đang mắc bệnh sẽ có cảm giác đau mắt. Cơn đau âm ỉ xuất hiện ở phía sau, nếu chuyển động thì cơn đau sẽ tăng lên. Điều này gây bất tiện trong làm việc và sinh hoạt.
Mất khả năng nhận biết màu sắc
Khi dây thần kinh của mắt bị nhiễm trùng gây viêm, độ nhạy của tế bào thần kinh trên võng mạc sẽ suy giảm. Điều này biểu hiện rõ khi khả năng phân biệt màu sắc trở nên yếu đi. Lúc này, người bệnh sẽ thấy hình ảnh xung quanh kém sinh động và bị mù màu.
Giảm tầm nhìn
Nhiều người bệnh cảm nhận không quan quan sát xung quanh bị ảnh hưởng, cụ thể là bị thu hẹp lại hoặc biến mất hoàn toàn do dây thần kinh ở mắt bị tổn thương.
Ánh sáng nhấp nháy
Người bệnh khai nhận khi họ cử động mắt sẽ thấy sự nhấp nháy liên tục của ánh sáng hoặc thường xuyên nhìn thấy đèn sáng chớp tắt liên tục. Điều này khiến họ cảm thấy khó chịu và khó khăn trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nếu bệnh chuyển biến nặng nề, ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh khác, gây tê hoặc yếu ở một thậm chí nhiều chi. Trong nhiều ca mắc bệnh ghi nhận sự rối loạn tri giác.
Biểu hiện cụ thể của viêm thần kinh thị giác là suy giảm thị lực.
Đối tượng dễ mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác:
Những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dây thần kinh ở mắt bao gồm:
- Tuổi tác: căn bệnh này thường gặp ở những người độ tuổi thanh niên đến trung niên (khoảng từ 20 - 45 tuỏi). Độ tuổi khởi phát nhiều nhất là 30 tuổi. Những người trên 45 tuổi thường hiếm bị viêm dây thần kinh thị giác.
- Giới tính: Viêm thần kinh ở mắt xảy ra ở mọi giới tính, trong đó nữ giới là đối tượng mắc bệnh cao nhất so với nam giới.
- Di truyền: Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, đột biến gen khiến cơ thể người bệnh nhạy cảm với tác nhân gây bệnh viêm thần kinh thị giác hoặc bệnh đa xơ cứng (đa xơ cứng rải rác).
- Màu da: Các chuyên gia nhận định người da trắng dễ mắc viêm dây thần kinh thị giác.
Biến chứng nguy hiểm của viêm dây thần kinh thị giác:
Thị lực là bộ phận ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt của chúng ta rất nhiều. Khi dây thần kinh ở mắt bị tổn thương sẽ khiến hoạt động trở nên khó khăn và bất tiện. Vì vậy, chúng ta không nên lơ là những triệu chứng sơ khai liên quan đến mắt. Nếu không, chúng ta có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
Biến chứng nguy hiểm nhất là mất thị lực vĩnh viễn.
Tổn thương thần kinh thị giác
Hầu hết những tổn thương trên dây thần kinh thị giác đều tồn tại vĩnh viễn sau một đợt viêm cấp tính. Khi đó, những triệu chứng lâm sàng xuất hiện nhưng phụ thuộc vào mức độ tổn thương nhiều hay ít.
Giảm thị lực
Đây là biến chứng không thể tránh khỏi khi mắc căn bệnh này. Thị lực của bệnh nhân hoàn toàn cải thiện trong vài tháng sau đợt viêm cấp tính. Bên cạnh đó, khả năng nhận biết màu sắc kém lại khó phục hồi và vẫn kéo dài. Đáng chú ý là nhiều người còn bị mất thị lực vĩnh viễn mặc dù viêm dây thần kinh đã thuyên giảm nhiều.
Dễ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc điều trị
Nhiều bác sĩ sẽ kê toa thuốc Steroid - một loại thuốc được sử dụng để ức chế hệ thống miễn dịch hỗ trợ ngăn chặn viêm dây thần kinh thị giác. Khi sử dụng thuốc này, bệnh nhân sẽ gặp các tác dụng phụ như tăng cân, loãng xương, chảy máu đường tiêu hoá, tâm trạng thay đổi bất thường.
Phương pháp chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác
Khi đến thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh án để xem bệnh nhân có từng bị đa xơ cứng, bệnh tiểu đường hay các bệnh khiến dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi về những dấu hiệu viêm dây thần kinh thị giác lâm sàng của người bệnh như khả năng thị lực giảm, khó phân biệt màu sắc, đau nhức mắt khi chuyển động… Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành các nghiệm pháp, xét nghiệm sau:
- Kiểm tra khả năng thị lực bằng bảng chữ cái.
- Soi đồng tử và nhận xét phản ứng của mắt bạn với ánh sáng trực tiếp.
- Soi đáy mắt.
- Tiến hành chụp CT để thấy hình ảnh cắt ngang của bộ não.
- Chụp MRI não cho thấy hình ảnh sọ não
- Chụp cắt lớp quang học cho thấy rõ hình ảnh các dây thần kinh ở mặt sau mắt.
Cách điều trị viêm dây thần kinh thị giác:
Trước khi chữa trị, bác sĩ sẽ khám toàn diện cho bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân khiến viêm thị thần kinh. Tuỳ vào mức độ của bệnh, nhẹ hay nặng mà bác sĩ sẽ vạch ra phương pháp điều trị thích hợp. Những cách để điều trị tổn thương dây thần kinh ở mắt bao gồm:
- Đối với trường hợp nhẹ, bạn không cần điều trị mà cứ đợi trong vài tuần, các triệu chứng bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, trong thời gian đó, cần thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh để vi khuẩn không tấn công vào cơ thể gây viêm.
- Dùng thuốc corticoid - một loại thuốc có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng gây ức chế hệ thống miễn dịch. Bệnh nhân có thể dùng cả dạng tiêm hoặc uống.
- Để tăng hiệu quả cao, bác sĩ sẽ chỉ định thêm kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc giãn mạch trong quá trình điều trị. Những thuốc có thể được sử dụng khác bao gồm thuốc chống viêm corticosteroid, truyền tĩnh mạch immunoglobulin, tiêm interferon.
Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thuốc trên những tác dụng khác thường gặp như rối loạn giấc ngủ, tâm trạng thay đổi thất thường, đau dạ dày…
Thuốc corticoid được chỉ định điều trị các bệnh liên quan đến thị lực.
Phòng ngừa viêm dây thần kinh thị giác
Bệnh viêm dây thần kinh thị giác bị gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và di chứng của nhiều bệnh khác. Vì vậy, cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh như vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đối với những ai bị đa xơ cứng cần thăm khám định kỳ sau khi chữa khỏi để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh viêm thần kinh thị giác.
Những câu hỏi thường gặp
Viêm thần kinh thị mắt có khỏi hoàn toàn không?
Nhìn chung, bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ngay sau khi nhận được kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn và vạch ra lộ trình điều trị phù hợp với sức khỏe người bệnh và mức độ phát triển của bệnh. Nếu còn do dự, căn bệnh kéo dài mà không được điều trị dứt điểm sẽ gây mất thị lực khiến cuộc sống trở nên bất tiện. Những dấu hiệu đau mắt, giảm thị lực mất dễ dàng chữa khỏi những triệu chứng khó phân biệt màu sắc lại còn kéo dài cần có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, viêm dây thần kinh thị giác đã thuyên giảm nhưng nhiều người lại bị mất thị lực vĩnh viễn do nhiều nguyên nhân.
Thuốc chữa viêm dây thần kinh thị giác gồm loại nào?
Khi tiến hành chữa trị, thuốc corticoid được áp dụng với liều lượng cao, dùng được cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, tuỳ theo tác nhân gây bệnh cho bác sĩ sẽ chỉ định những kháng sinh phù hợp. Nhiều trường hợp cần dùng tới thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giãn mạch cho cả đường uống và đường tiêm.
Mắt là giác quan phát triển cao nhất của con người. Mọi tổn thương ở mắt hoặc dây thần kinh thị giác đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Viêm dây thần kinh thị giác xuất hiện khi bị vi khuẩn tấn công và do biến chứng của nhiều bệnh lý khác như đa xơ cứng, tiểu đường…Do đó, nếu phát hiện những biểu hiện ở mắt nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức để tránh để lại những biến chứng nguy hiểm, trong đó bao gồm mất thị lực vĩnh viễn.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang đến thông tin tổng quan về bệnh viêm dây thần kinh thị giác. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông chúng tôi tự tin với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trong việc khám chữa các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Hệ thống thiết bị được trang bị hiện đại hứa hẹn sẽ mang đến kết quả chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho quý khách.