Viêm túi lệ (viêm lệ đạo): Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thu Hiền

29-09-2023

goole news
16

Viêm túi lệ hay còn gọi là viêm lệ đạo, xuất hiện ở mọi lứa tuổi với các triệu chứng như: Giảm thị lực, đau mắt, khó chịu...  Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể chữa khỏi mà không gây biến chứng nguy hiểm. Các bạn hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.

Viêm túi lệ là gì?

Túi lệ là một trong những bộ phận quan trọng thông với khoang mũi và nhãn cầu. Khi bị viêm, túi lệ bít tắc làm cho việc lưu thông dịch xuống mũi bị hạn chế. Điều này, khiến vi khuẩn, bụi bẩn và nước mắt tích tụ lại. Hay nói cách khác, viêm túi lệ (viêm lệ đạo hay viêm tuyến lệ) là bệnh lý ống lệ hoặc túi lệ xuất hiện tình trạng viêm.

Viêm túi lệ là tình trạng xuất hiện viêm ở túi lệ

Vi khuẩn không được loại bỏ khỏi túi lệ sẽ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiễm trùng, sưng viêm và tổn thương. Đây là bệnh lý khó can thiệp ngoại khoa bởi vị trí phẫu thuật thường có nhiều dây thần kinh và mạch máu. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng gây nên biến chứng nặng nề. Vì thế, người bệnh cần tìm hiểu thật kỹ về viêm lệ đạo để có biện pháp điều trị từ sớm.

Nguyên nhân gây ra viêm túi lệ

Viêm túi lệ không cố định ở một độ tuổi nhất định mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc. Một số nguyên nhân điển hình của bệnh bao gồm:

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh 

  • Những người bị chấn thương ở vùng đầu mặt bên trong có ảnh hưởng trực tiếp đến mũi và để lại mô sẹo sau khi phục hồi. Nếu chủ quan mà không có hướng xử lý kịp thời sẽ rất dễ gây viêm túi lệ và tắc lệ đạo.
  • Người có khuôn mặt hoặc hộp sọ phát triển bất thường sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn ống lệ đạo. Nhất là bệnh nhân mắc dị tật bẩm sinh Down.
  • Bệnh nhân bị ảnh hưởng của quá trình xạ trị, hóa trị trong điều trị ung thư.
  • Người bị polyp hoặc khối u bất thường trong mũi, gây chèn ép đường ống dẫn lưu của nước mắt. Các tổ chức này thường xuất hiện ở những người viêm mũi dị ứng mãn tính.

Một số nguyên nhân khác gây viêm túi lệ

  • Trẻ mắc viêm túi lệ bẩm sinh thường xuất hiện tình trạng tắc nghẽn tuyến lệ do hệ thống thoát nước mắt của trẻ sau khi sinh phát triển bất thường hay không đầy đủ.
  • Do các vi sinh vật gây bệnh lý ở xung quanh vùng mắt không được điều trị và loại bỏ kịp thời. Vết sẹo trong các mô xuất hiện ở người bị viêm xoang mãn tính làm cho hệ thống ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn.
  • Tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu được cho là gây viêm túi lệ. Người trên 40 tuổi bắt đầu lão hóa ở các lỗ dẫn lưu khiến chúng thu hẹp lại, lâu dần dẫn đến tình trạng viêm, tắc.

Những dấu hiệu nhận biết viêm túi lệ

Triệu chứng viêm lệ đạo của mỗi người sẽ có sự khác biệt tùy từng mức độ viêm. Bệnh càng nặng, triệu chứng sẽ trầm trọng và ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết điển hình:

Xuất hiện triệu chứng sưng đỏ, nóng, đau ở túi lệ

Mức độ sưng đỏ, đau nóng và khó chịu thường nặng dần tùy từng mức độ viêm. Khi thay đổi tầm nhìn, liếc mắt, thậm chí là thay đổi tròng mắt, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhiều hơn bình thường.

Viêm túi lệ gây sưng đỏ ở túi lệViêm túi lệ gây sưng đỏ ở túi lệ

Chảy nước mắt kèm dịch mủ

Tuyến lệ được thông suốt sẽ không bị ứ đọng nước mắt. Khi bị viêm tắc, dịch lệ tích tụ lâu ngày trong túi lệ mà không xuống được mũi sẽ tràn ra ngoài khi hết sức chứa. Vì thế, người bệnh lúc nào trông cũng như đang khóc.

Triệu chứng sốt

Viêm túi lệ khi bị nhiễm trùng có thể gây sốt nhẹ đến sốt vừa, làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, triệu chứng này không điển hình nên thường dễ bỏ sót và nhầm lẫn với bệnh lý khác.

Triệu chứng khi chuyển nặng

Các dấu hiệu như: Rò rỉ dịch mủ, áp xe túi lệ hay các biến chứng làm tổn thương vùng mắt có thể xuất hiện ở những người bị viêm cấp tính thể nặng. Các triệu chứng không quá ồ ạt khi chuyển sang mãn tính. Thế nhưng, tình trạng bệnh kéo dài gây khó chịu và mệt mỏi cho người mắc.

Viêm lệ đạo không được điều trị có thể dẫn đến viêm giác mạc và viêm kết mạc. Thậm chí, viêm các tổ chức hốc mắt, áp xe túi lệ và một số triệu chứng ngoài da vùng mắt khác.

Chẩn đoán viêm túi lệ 

Viêm túi lệ có thể chẩn đoán dựa vào tình trạng lâm sàng và các chỉ số cận lâm sàng của người bệnh. Cụ thể:

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng

Viêm lệ đạo cấp tính và mãn tính có những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Cụ thể như sau:

Viêm túi lệ cấp tính

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm lệ đạo cấp tính nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sưng nóng đỏ vùng túi lệ.
  • Khu vực túi lệ đau nhức, đau lan ra sau tai, nửa đầu cùng bên. Có thể đau răng.
  • Áp xe túi lệ nếu xuất hiện nhiễm trùng nặng.
  • Toàn thân mệt mỏi, nổi hạch trước tai và kèm theo sốt nhẹ.

Chẩn đoán viêm túi lệ dựa vào lâm sàngChẩn đoán viêm túi lệ dựa vào lâm sàng

Viêm túi lệ mãn tính

Đối với những người bị bệnh mãn tính sẽ có biểu hiện sau:

  • Kết mạc bị viêm góc trong, mi mắt bị dính do có mủ nhầy.
  • Nước mắt chảy khó kiểm soát, nước trào ra lỗ lệ đối diện khi bơm lệ đạo.
  • Túi lệ có khối căng, nề.

Chẩn đoán kết hợp với cận lâm sàng

Với bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm không cần phải làm thêm cận lâm sàng mà có thể chẩn đoán viêm túi lệ. Tuy nhiên, để nhìn rõ hình ảnh tổn thương của lệ đạo và viêm hay u, bác sĩ sẽ cho chỉ định chụp cắt lớp, cùng với đó là một số xét nghiệm khác giúp xác định bệnh, có thể kể đến như:

  • Kết hợp bơm chất cản quang vào lệ đạo khi chụp xquang, CT, MRI để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm vi sinh vật bằng phương pháp lấy dịch, mủ ở lệ đạo đem nhuộm soi, nuôi cấy phân lập. 
  • Khám sinh hiển vi kết hợp với các triệu chứng lâm sàng để đánh giá tình trạng kết mạc, đánh giá điểm lệ với một số bệnh lý khác.
  • Tiến hành nội soi thanh quản kết hợp nội soi tai mũi họng.
  • Kiểm tra hệ thống dẫn lưu của tuyến lệ bằng phương pháp bơm thăm dò. Người được chẩn đoán là tắc tuyến lệ khi dịch bơm vào không xuống tới họng và chảy ngược ra ngoài.

Điều trị viêm túi lệ như thế nào?

Viêm túi lệ nên được điều trị ở những cơ sở uy tín bằng phương pháp thích hợp với từng giai đoạn bệnh. Đối với bệnh nhân cấp tính nên được điều trị nội khoa để phòng ngừa nhiễm trùng. Viêm lệ đạo mãn tính cần phẫu thuật để loại bỏ ổ viêm hoặc cắt bỏ túi lệ nếu không thông được túi lệ. Phác đồ cụ thể như sau:

Điều trị viêm túi lệ cấp tính

Viêm túi lệ giai đoạn cấp tính muốn cải thiện hiệu quả cần phải điều trị dự phòng sau khi khỏi bệnh. Các loại thuốc được dùng trong trường hợp này gồm:

Kháng sinh toàn thân để chống nhiễm trùng. Tùy mức độ nặng, nhẹ của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê kháng sinh phổ rộng, kết hợp… sau khi nhận kết quả kháng sinh đồ để loại trừ tác nhân gây bệnh. Các loại thuốc và liều dùng cụ thể để điều trị bệnh gồm:

  • Kháng sinh: Uống Cefuroxim 500mg 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, trong vòng 5 – 7 ngày với người lớn. Trẻ em áp dụng liều tối đa 10mg/kg x 2 lần/ ngày. Kết hợp với Ciprofloxacin 500mg: Uống ngày 2 lần từ 5 – 7 ngày và không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.
  • Kháng viêm, giảm phù nề: Alphachymotrypsin 1 – 2 viên/ lần x 2 lần/ ngày tùy cân nặng từng người.
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol 10mg/kg/ lần x 2 lần/ ngày. Có thể uống ngày 3 lần nhưng không được uống cách nhau dưới 4 giờ đồng hồ để tránh gây tác dụng phụ.
  • Có thể có kháng sinh nhỏ mắt: Moxifloxacin hoặc Levofloxacin, nhỏ ngày 4 lần trong vòng 10 – 14 ngày.

Điều trị viêm túi lệ với kháng sinh nhỏ mắt

Trong trường hợp người bệnh có ổ áp xe lớn ở lệ đạo sẽ được trích rạch tiểu phẫu để lấy mủ làm kháng sinh đồ. Điều trị dự phòng tái phát cần được thực hiện khi tình trạng viêm cấp tính đã ổn định bằng cách phẫu thuật thông túi lệ.

Điều trị viêm túi lệ mãn tính

Khi bị viêm túi lệ mãn tính, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Phẫu thuật để tạo ra đường thông mới giữa túi lệ với ngách mũi giữa. Bác sĩ có thể phẫu thuật rồi đặt ống silicon xuống mũi từ lệ đạo qua trích rạch bằng đường mũi.
  • Thông lệ đạo được áp dụng cho những người mắc bệnh bẩm sinh. Phương pháp này giúp phục hồi lưu thông nước mắt bằng cách tác động trực tiếp vào ống lệ đạo ở chỗ tắc. Các tình trạng viêm, ứ dịch trong túi lệ sẽ hết sau khi thông.

Nếu cả hai phương pháp trên đều không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định cắt bỏ hoàn toàn túi lệ để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.

Điều trị viêm lệ đạo mãn tính bằng phương pháp phẫu thuậtĐiều trị viêm lệ đạo mãn tính bằng phương pháp phẫu thuật

Phòng ngừa viêm lệ đạo

Viêm túi lệ không thể phòng ngừa ở trẻ sơ sinh, thế nhưng bệnh có thể tự khỏi sau 1 năm từ khi sinh. Với những trẻ không tự khỏi hoặc người lớn sẽ được điều trị bằng phác đồ thích hợp. Ngoài ra, một số trường hợp trong nhóm yếu tố nguy cơ nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn.
  • Duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Không nên tiếp xúc với người đang mắc bệnh. Nếu có thì nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể để tránh lây bệnh.
  • Không dụi mắt và chạm tay lên mắt khi có các biểu hiện cộm ngứa, đau nhức.
  • Sau khi trang điểm cần tẩy trang cẩn thận vùng mắt.
  • Không sử dụng chung đồ cá nhân với người khác, nhất là bút kẻ mắt, khăn mặt.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa những người hút thuốc lá bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trầm trọng, khó điều trị hơn.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về viêm túi lệ. Việc điều trị bệnh khá đơn giản nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Các bạn có các triệu chứng của bệnh hãy đến với Khoa MắtBệnh viện Đa Khoa Phương Đông để được các y bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,602

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám