Tổng quan về xuất huyết giảm tiểu cầu và phương pháp điều trị

Thiên Hương

26-12-2022

goole news
16

Các căn bệnh về máu luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bởi những biến chứng mà bệnh gây nên. Một trong số đó, xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây nên hàng loạt các hệ luỵ sau này. Vậy bệnh lý này nguy hiểm đến mức độ nào? Biểu hiện dễ nhận biết của bệnh ra sao và hiện nay y học đang chữa trị bằng cách gì? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ cùng bạn trong nội dung sau đây.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu là một thành phần tế bào của máu, được tạo ra từ tủy xương và theo máu đi khắp các bộ phận trên cơ thể. Tiểu cầu có vai trò tham gia vào quá trình đông máu, giúp cầm máu trong các trường hợp cơ thể bị tổn thương, giúp các mạch máu được nguyên vẹn. Tiểu cầu còn có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài và hỗ trợ hoạt động của các tế bào bạch cầu trong việc tiêu diệt vi khuẩn, virus.

Thông thường, tiểu cầu trong cơ thể sẽ nằm trong khoảng từ 150-450 G/l (đo lường bằng các thiết bị xét nghiệm huyết học). 

Xuất huyết giảm tiểu cầu là cách là gọi tắt của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là tình trạng chảy máu do tiểu cầu bị giảm sinh tại tủy xương hoặc bị phá hủy ở vùng máu ngoại vi. Theo cơ chế thông thường, khi cơ thể có vật lạ xâm nhập, tế bào bạch cầu sẽ sinh ra kháng thể để xử lý chúng. Khi bị bệnh, cơ thể sẽ nhầm tưởng cơ quan trong cơ thể là vật lạ và sinh ra kháng thể để chống lại bộ phận đó, trường hợp này, cơ thể thể tự sản sinh ra kháng thể để phá hủy tiểu cầu tại lách, làm giảm lượng tiểu cầu trong máu.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý miễn dịch.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý miễn dịch.

Căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (hình thành các cục máu nhỏ khắp cơ thể) khá nguy hiểm, gây nên nhiều biến chứng như chảy máu đường tiêu hoá, xuất huyết não, chảy máu tiết niệu,... và ảnh hưởng tới khả năng cầm máu. Bệnh cần được điều trị một thời gian dài, ảnh hưởng tới thời gian, sức khỏe và chi phí điều trị. Bệnh diễn biến với các mức độ khác nhau ở trẻ em, người trưởng thành, nữ giới hay người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu trước đây được gọi với một tên gọi là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn để chỉ việc không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, hiện nay sự hình thành và phát triển của bệnh được đánh giá là có sự liên quan mật thiết đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Do đó đây là một loại bệnh lý miễn dịch.

Xuất huyết giảm tiểu cầu được chia thành bệnh nguyên phát hoặc thứ phát. Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em, bệnh cấp tính (kéo dài ít hơn 6 tháng - cấp tính) thường xuất hiện sau đợt nhiễm virus. Ở người lớn (bệnh thường kéo dài trên 6 tháng - mạn tính), bệnh diễn ra ở thời điểm bất kỳ, nhưng thường là sau khi bị nhiễm trùng, mắc bệnh lý miễn dịch, có thai, dùng thuốc hoặc mắc bệnh ung thư.

Đối tượng có nguy cơ cao bị giảm tiểu cầu miễn dịch

Các trường hợp có khả năng cao bị bệnh đó là:

  • Người bệnh điều trị bằng thuốc, hoá chất gây nên tình trạng tiểu cầu bị ức chế sản sinh.
  • Do tia xạ, thuốc độc tế bào, đa u tủy xương, rối loạn sinh tủy, xơ tủy, thâm nhiễm tủy, nhiễm HIV… khiến giảm sinh tủy.
  • Sử dụng thuốc, hoá chất, virus, sốt rét, sau truyền máu,... ảnh hưởng tới miễn dịch.
  • Rối loạn đông máu nội mạch.

Triệu chứng của bệnh giảm tiểu cầu gây xuất huyết

Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh nhân sẽ dễ bị chảy máu với mức độ nhẹ đến nặng. Các biểu hiện của bệnh đó là:

  • Vết thương cắt da chảy máu kéo dài, không cầm được.
  • Chảy máu răng lợi, máu mũi thường xuyên.
  • Nước tiểu hoặc phân có máu.
  • Mệt mỏi thường xuyên.
  • Chảy máu kinh nguyệt kéo dài.
  • Dễ bị bầm tím.
  • Xuất hiện các nốt đỏ hoặc tím li ti, nhát là tại vùng cẳng chân.

Người bệnh có thể chưa có dấu hiệu nào bất thường, chỉ tình cờ xét nghiệm máu phát hiện số lượng tiểu cầu giảm thấp. Chỉ số tiểu cầu dưới 100 G/l được xem là giảm tiểu cầu.

Chảy máu chân răng là một triệu chứng lâm sàng của bệnh giảm tiểu cầu

Chảy máu chân răng là một triệu chứng lâm sàng của bệnh giảm tiểu cầu.

Biến chứng của bệnh giảm tiểu cầu gây xuất huyết

Xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không? Lượng tiểu cầu khi giảm quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng xuất huyết ngay cả khi va chạm rất nhẹ hoặc tự nhiên bị xuất huyết. Bệnh dẫn đến hàng loạt các biến chứng như xuất huyết đường tiết niệu, đường tiêu hoá, sinh dục, xuất huyết não ảnh hưởng tới tính mạng.

Khi có những dấu hiệu sớm chưa có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như chảy máu nướu, chảy máu cam, xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân,... Bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và kiểm tra số lượng tiểu cầu, từ đó điều trị can thiệp để trị dứt điểm.

Bệnh tiến triển mãn tính có thể kéo dài trong vài năm nhưng người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh nếu biết cách kiểm soát bệnh. Các biến chứng vẫn có khả năng xảy ra nhưng với tình trạng xuất huyết não chỉ chiếm khoảng 0.5-1% trong tổng số ca bệnh. 

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ nhỏ có tới 70% trường hợp tự khỏi sau 3 tháng, vẫn có khoảng 30% chuyển thành mãn tính nhưng vẫn có thể hồi phục sau vài năm. Xuất huyết giảm tiểu cầu ở người lớn có xu hướng diễn biến thành mãn tính và dễ bị tái phát.

Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?

Để chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các chẩn đoán gồm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm phết máu ngoại biên và xét nghiệm tủy đồ. Trong đó, xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu tủy đồ được thực hiện bằng cách rút dịch tủy xương thông qua một kim lớn đâm xuyên vào vùng chậu. Dịch tủy sẽ được lấy và soi bằng kính hiển vi để quan sát tế bào máu. Quá trình này được dùng thuốc gây mê nên bệnh nhân sẽ không phải chịu cảm giác đau đớn.

Ngoài ra, một số các xét nghiệm khác được dùng để chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em và cả người lớn đó là:

  • Xét nghiệm vi sinh: Gồm anti HCV, anti HIV, HBsAg, huyết thanh chẩn đoán H.Pylori…
  • Xét nghiệm miễn dịch: Gồm FT3, FT4, TSH, kháng thể kháng tiểu cầu trực tiếp và gián tiếp.
  • Các xét nghiệm khác nếu bệnh nhân bị thiếu máu: Gồm hồng cầu lưới, Sắt huyết thanh, LDH, Bilirubin, Haptoglobin, Ferritin, nghiệm pháp Coombs trực tiếp…

Các xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán tình trạng giảm tiểu cầu gây xuất huyết.

Các xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán tình trạng giảm tiểu cầu gây xuất huyết.

Phương pháp điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu có chữa được không? Mục đích của các phương án điều trị căn bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch đó chính là giữ cho số lượng tiểu cầu ở trong mức ổn định bình thường. Bệnh nhân đa số sẽ được chỉ định điều trị khi số lượng tiểu cầu dưới 20 x 109/L hoặc số lượng 30 x 109/L có kèm theo triệu chứng xuất huyết da niêm nhiều. Để chữa trị, các phương pháp điều trị hiện nay đó là:

Dùng thuốc nhóm Corticoid

Thuốc được dùng với liều cao và kéo dài với mục đích ức chế miễn dịch nhằm nâng cao số lượng tiểu cầu. Tuy nhiên, thuốc Corticoid khi dùng kéo dài sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như tăng đường huyết, tăng huyết áp, loãng xương, giữ nước, đục thuỷ tinh thể, viêm dạ dày,... Bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu cần tuân thủ phác đồ điều trị, thăm khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi các biến chứng có thể xảy đến và giảm liều dùng để phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh.

Dùng thuốc nâng tiểu cầu trong cấp cứu

Những trường hợp xuất huyết nghiêm trọng cần cấp cứu, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc nhóm corticoid liều cao, anti D truyền tĩnh mạch, Gamma globulin truyền tĩnh mạch,... Những loại thuốc này có tác dụng tăng lượng tiểu cầu trong thời gian ngắn, tuy nhiên sẽ nhanh chóng giảm trở lại sau đó.

Cắt lách để điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

Thực hiện cắt lách bằng phương pháp nội soi hiện nay được đánh giá là khá an toàn với tỷ lệ tăng tiểu cầu khoảng 70-80% và tỷ lệ lâu dài lên tới 60-70%. Tuy nhiên, hệ quả sau khi cắt lách là hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị suy yếu. Do đó, nếu bị mắc bệnh nhiễm trùng thì tình trạng bệnh sẽ rất nặng. 

Chính vì lý do này mà trước khi cắt lách, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm phòng ngừa nhiều bệnh lý và cần uống kháng sinh phòng ngừa bệnh trong ít nhất 2 năm sau khi thực hiện cắt lách. Với bệnh nhi, phương pháp cắt lách sẽ được trì hoãn đến khi trẻ lớn hơn 5 tuổi.

Phương pháp cắt lách có độ an toàn và tỷ lệ đáp ứng lâu dài cao.

Phương pháp cắt lách có độ an toàn và tỷ lệ đáp ứng lâu dài cao.

Một số loại thuốc mới được dùng để trị bệnh

  • Rituximab: Đây là loại dược phẩm mới với tỷ lệ đáp ứng điều trị là 60%, tỷ lệ đáp ứng lâu dài là 40%. Chi phí sử dụng thuốc khá đắt và cần thời gian để có đáp ứng tốt. Thuốc Rituximab được lựa chọn để thay thế cho nhóm thuốc Corticoid và người bệnh không thể cắt lách.
  • Thuốc Eltrombopag: Đây là loại thuốc có tác dụng kích thích làm tăng tạo tiểu cầu được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thuốc đắt tiền và cần sử dụng lâu dài, khi ngừng thuốc thì lượng tiểu cầu sẽ giảm thấp trở lại nên cần được cân nhắc.
  • Các nhóm thuốc ức chế miễn dịch khác: Bác sĩ sẽ kê loại thuốc ức chế miễn dịch khác nếu người bệnh không đáp ứng điều trị với tất cả các phương pháp khác. Tuy nhiên, sẽ cân nhắc về hiệu quả điều trị và tác dụng phụ để sử dụng cho bệnh nhân.

Các bệnh nhân cần được theo dõi sát sao tình trạng bệnh thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu bệnh có tiên lượng xấu đi thì sẽ cần có các biện pháp điều trị thay thế phù hợp hơn.

Lưu ý với người bị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Đối với người bị xuất huyết giảm tiểu cầu cần chú ý những điểm sau đây để giữ được trạng thái sức khỏe tốt nhất:

  • Hạn chế vận động mạnh như chơi các môn thể thao có tính va chạm nhiều như bóng chuyền, bóng rổ, đá bóng,...
  • Khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn, phẫu thuật hay nhổ răng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh để lên phương án can thiệp an toàn.
  • Với nữ giới trong thời kỳ có kinh nguyệt cần theo dõi lượng máu hàng tháng để can thiệp nếu lượng máu chảy quá nhiều.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nên tránh mang thai nếu tình trạng bệnh chưa được kiểm soát để tránh băng huyết và các biến chứng khi sinh.
  • Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và hỏi ý kiến của bác sĩ khi thấy dấu hiệu bất thường của sức khỏe.

Nữ giới bị bệnh trong thời gian có kinh nguyệt cần theo dõi lượng máu kinh.

Khám bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở đâu?

Để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác và điều trị mang lại hiệu quả cao, bạn hãy đến với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông - Nơi quy tụ các chuyên gia y tế đầu ngành cùng các thiết bị hiện đại, các loại thuốc điều trị mới nhất trên thế giới. Bệnh viện cam kết về chất lượng dịch vụ cũng như tối ưu chi phí và thời gian điều trị tại viện, giúp bệnh nhân nhanh chóng kiểm soát được bệnh tật và phục hồi sức khỏe nhanh nhất.

Người bệnh hoàn toàn có khả năng kiểm soát được bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy đến. Do đó việc dự phòng và điều trị sớm bệnh sẽ mang ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, tránh suy giảm chất lượng sống.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,141

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám