Bệnh nhân sốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi?

Dương Minh Ngọc

22-07-2022

goole news
16

Câu hỏi sốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi được rất nhiều người bệnh quan tâm. Hiện nay bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị, người bệnh thường được khuyên dùng Paracetamol để điều trị triệu chứng. Cụ thể về việc dùng thuốc điều trị trong sốt xuất huyết sẽ có trong bài dưới đây.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này thường xảy ra ở những quốc gia có điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Trong đó, muỗi vằn cái được cho là vật chủ trung gian lây bệnh từ người sang người với tốc độ nhanh chóng.

Muỗi vằn cái là vật chủ lây truyền sốt xuất huyếtMuỗi vằn cái là vật chủ lây truyền sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết được chia thành 3 giai đoạn bệnh tương đương với các triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Các triệu chứng ở từng giai đoạn bệnh sốt xuất huyết là:

Giai đoạn sốt: Diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu của bệnh với biểu hiện:

  • Sốt cao 39 - 40 độ C.
  • Mệt mỏi, đau nhức vùng đầu, hốc mắt, các khớp.
  • Viêm long đường hô hấp trên.
  • Buồn nôn, nôn nhiều, chán ăn.
  • Một vài trường hợp xuất huyết dưới da.

Giai đoạn nguy hiểm: Bệnh tiến triển vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Nếu người bệnh ở giai đoạn này không được điều trị kịp thời có nguy cơ cao bị biến chứng. Trong giai đoạn này, triệu chứng sốt thuyên giảm hoặc sốt nhẹ và có dấu hiệu xuất huyết rất đa dạng từ nhẹ đến nặng, cùng các biểu hiện khác như:

  • Chảy máu đường tiêu hoá, chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu hơn hoặc rong kinh. Nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết não hoặc trong ổ bụng.
  • Hạ đường huyết.
  • Cơ thể mệt mỏi, vật vã, đau đầu dữ dội, đau bụng, nôn ngày càng nhiều, đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, người bệnh sốt xuất huyết cần được đưa tới cơ sở y tế khẩn cấp để điều trị kịp thời.

Giai đoạn phục hồi: Người bệnh hết sốt sau 48 giờ, có cảm giác thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn, cơ thể đỡ mệt và xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.

Sốt xuất huyết không có triệu chứng đặc hiệu, do đó người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm cúm, Covid, sốt rét hay sốt siêu vi. Nhiều trường hợp chủ quan khi tự chữa tại nhà và khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy người bệnh sốt xuất huyết uống thuốc gì, điều trị như thế nào để nhanh khỏi và không để lại biến chứng được rất nhiều quan tâm. 

Sốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi được nhiều người bệnh quan tâmSốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi được nhiều người bệnh quan tâm

Bệnh nhân sốt xuất huyết uống thuốc gì để mau khỏi?

Một trong những vấn đề được người bệnh quan tâm hàng đầu là khi bị sốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi? Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết là điều trị triệu chứng, hạn chế tối đa các diễn biến xấu.

Với trường hợp người lớn bị sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc nghỉ ngơi tại nhà, uống nhiều nước, ăn các món được chế biến dạng mềm hoặc lỏng để dễ hấp thu. Khi có triệu chứng sốt, người bệnh dùng khăn ấm lau người và uống Paracetamol để hạ sốt. 

Dùng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyếtDùng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết

Thuốc Paracetamol thường được bác sĩ hướng dẫn sử dụng để hỗ trợ hạ sốt và giảm đau hiệu quả cho người bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh với triệu chứng nhẹ không cần thiết phải tới bệnh viện điều trị, họ có thể chủ động uống thuốc Paracetamol để kiểm soát triệu chứng sốt do sốt xuất huyết. Chúng ta không chỉ cần tìm hiểu về vấn đề sốt xuất huyết uống thuốc gì mà còn cần phải biết cách sử dụng thuốc sao cho đạt hiệu quả cao. Khi dùng thuốc Paracetamol, người bệnh phải dùng với liều lượng phù hợp. 

Liều dùng Paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết phù hợp cho người lớn và trẻ em: Uống 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần 15mg/kg thể trọng (ví dụ 750mg cho người 50kg), mỗi lần phải cách nhau từ 4 - 6 tiếng để đảm bảo thuốc phát huy tối đa tác dụng và tránh biến chứng xảy ra và nên uống từ 2 - 5 ngày. Vì Paracetamol độc với gan và thận nên nếu uống quá liều (15g/ngày với người lớn), người bệnh có nguy cơ ngộ độc Paracetamol .

Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nên cho con uống liên tục Paracetamol để nhanh hạ sốt. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây ngộ độc thuốc.

Sau thời gian tự theo dõi và dùng thuốc Paracetamol, nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu lạ thường, người bệnh cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và được điều trị kịp thời.

Bên cạnh uống thuốc Paracetamol để điều trị triệu chứng, người bệnh sốt xuất huyết cũng cần bù nước bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây hoặc oresol. Khi dùng oresol, người bệnh lưu ý pha đúng tỷ lệ và pha bằng nước đun sôi để nguội.

Người bệnh sốt xuất huyết cần bù nước bằng oresol pha với nước đun sôi để nguộiNgười bệnh sốt xuất huyết cần bù nước bằng oresol pha với nước đun sôi để nguội

Khi bệnh có dấu hiệu trở nặng, người bệnh cần được truyền dịch. Biểu hiện của người bệnh cần truyền dịch đó là huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, thể tích máu trong lòng mạch giảm, huyết áp tụt, máu bị cô đặc, tim đập nhanh, cơ thể mất nước do sốt cao. Loại dịch truyền cho người bệnh sốt xuất huyết là dung dịch chứa ít muối. Dung dịch ringer lactat (chứa natri clorid + canxi clorid + kali clorid + natri lactat) thường được bác sĩ chỉ định dùng cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được truyền dung dịch glucose đẳng trương (5%) với dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) mỗi loại 50%. Nếu tình trạng bệnh nhân không chuyển biến tích cực, huyết áp người bệnh không tăng thì bác sĩ sẽ xem xét dùng các dung dịch cao phân tử.

Các thuốc không được dùng khi bị sốt xuất huyết

Người bệnh không chỉ cần quan tâm đến vấn đề sốt xuất huyết uống thuốc gì để nhanh khỏi mà còn cần lưu ý những thuốc nào không được uống trong quá trình điều trị. Những loại thuốc đó là:

Aspirin: Thuốc Aspirin cũng thường được sử dụng trong trường hợp giảm đau, hạ sốt nhưng được khuyến cáo không được dùng trong điều trị sốt xuất huyết. Bởi Aspirin có vai trò là ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nhiều hơn để hạ sốt. Nếu người bệnh sốt xuất huyết dùng Aspirin sẽ tăng nguy cơ chảy máu không cầm được, nhất là người bệnh bị xuất huyết đường tiêu hoá hay nội tạng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Điều này khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn. Ngoài nguy cơ gây nguy hại cho người bệnh sốt xuất huyết, Aspirin cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như khó chịu ở thượng vị, đau dạ dày hoặc loét dạ dày, buồn nôn,...

Không nên dùng Aspirin trong điều trị sốt xuất huyết

Đối với trẻ em, dùng loại thuốc này thúc đẩy hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ) với nguy cơ tử vong cao, nếu không cũng để lại di chứng tổn thương ở não. Hơn nữa, Aspirin còn làm tăng acid gây xuất huyết hoặc viêm đường tiêu hoá. Do đó, thuốc Aspirin không được dùng cho cả trẻ em và người lớn bị sốt xuất huyết.

Thuốc kháng viêm không steroid: Loại thuốc này không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin, nhưng vẫn có tính này nên cũng khiến máu chảy trong sốt xuất huyết không cầm được. Vì vậy, người bệnh cần tránh dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid khi điều trị sốt xuất huyết. Một số loại thuốc kháng viêm không steroid hiện đang bán trên thị trường như Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Celecoxib, Mefenamic acid, Etoricoxib, Indomethacin.

Để điều trị bệnh hiệu quả người bệnh nên chủ động đi thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ nhằm biết rõ khi bị sốt xuất huyết uống thuốc gì và không được uống thuốc gì. Từ đó, người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn để cải thiện và điều trị triệu chứng Nếu bạn đọc cần được tư vấn thêm các vấn đề về bệnh sốt xuất huyết, vui lòng liên hệ tổng đài 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,616

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám