Tìm hiểu về Block nhánh phải
Block nhánh phải (Right Bundle Branch Block - RBBB) là một rối loạn về dẫn truyền điện trong tim, xảy ra khi sự truyền tín hiệu điện dọc theo nhánh phải của bó His (một phần của hệ thống dẫn truyền tim) bị chậm hoặc bị tắc. Kết quả là, tâm thất phải co bóp chậm hơn so với tâm thất trái, dẫn đến sự không đồng bộ trong hoạt động co bóp của tim.
Cấu tạo và phân biệt block nhánh phải của tim
*Ghi chú:
- Sinoatrial node: Nút xoang nhĩ
- Atrioventricular node: Nút nhĩ thất
- Bundle branches: Block nhánh
- Right bundle branch block: Block nhánh phải
Tiên lượng của Block nhánh phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và sự hiện diện của các bệnh lý tim mạch khác. Ở những bệnh nhân không có triệu chứng và không có bệnh lý tim đi kèm, bệnh thường không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nghiêm trọng, bệnh có thể là dấu hiệu của sự tiến triển bệnh lý và cần được theo dõi chặt chẽ.
Phân loại các dạng block nhánh phải
Có 2 loại Block nhánh phải, cụ thể:
Block nhánh phải hoàn toàn
Dựa theo kết quả đo điện tâm đồ ECG, bác sĩ có thể xác định được người bệnh có bị block nhánh phải hoàn toàn hay không. Theo đó, phức bộ QRS ở đối tượng này lớn hơn hoặc bằng 0,12s. Ngoài ra, tình trạng bệnh lý còn được xác định thông qua một vài chỉ số khác như:
- QRS 3 pha ở V1, V2 (tai thỏ) dạng RSr’, rsR’
- S rộng ở V5, V6, aVL, DI.
- ST chênh xuống và T âm từ V1 đến V3.
Người bị block nhánh phải hoàn toàn có biểu hiện triệu chứng khá rõ ràng. Trong đó, nhịp tim thấp hơn 40 lần/phút, cơ thể choáng váng, ngất xỉu, tim ngừng đập tạm thời,...là một số triệu chứng phổ biến và vô cùng nguy hiểm.
Nhìn chung, việc cách điều trị block nhánh phải hoàn toàn sẽ tuỳ vào đánh giá bệnh lý của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng của tim. Trong một số nghiêm trọng hơn có thể cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để kiểm soát bệnh.
Block nhánh phải không hoàn toàn
Block nhánh phải không hoàn toàn sẽ ít nguy hiểm hơn so với block nhánh phải hoàn toàn. Khi đo điện tâm đồ ECG, phức bộ QRS ở bệnh nhân có thể dao động trong khoảng 0,09 đến 0,11s.
Ở người bình thường, block nhánh phải không hoàn toàn không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng rõ ràng, không gây nguy hiểm đáng kể. Vì vậy, bệnh nhân chỉ cần thường xuyên đi theo dõi định kỳ từ 6 tháng - 1 năm.
Với những trường hợp mắc block nhánh phải không hoàn toàn nhưng không kiểm soát được các bệnh lý kèm theo như nhồi máu cơ tim, hở van tim,....theo thời gian bệnh sẽ phát triển thành bệnh tim block nhánh phải hoàn toàn và gây ra những biến chứng nguy hiểm về sau.
Đối tượng có nguy cơ cao bị block nhánh phải
Tỷ lệ mắc block nhánh phải được biết là tăng theo độ tuổi và đặc biệt cao hơn ở nam giới. Một nghiên cứu của Thuỵ Điển ở nam giới trong dân số nói chung đã báo cáo tỷ lệ mắc tích lũy là 1% ở độ tuổi 50 và 18% ở độ tuổi 80.
Một nghiên cứu khác của Đan Mạch cho biết, với những người tham gia trong dân số nói chung không mắc bệnh tim mạch trước đó, tỷ lệ mắc là 1,4% ở nam giới và 0,5% ở nữ giới. Nghiên cứu này cũng chứng minh rằng block nhánh phải phụ thuộc đáng kể vào độ tuổi, dao động từ 0,6% phụ nữ dưới 40 tuổi đến 14,3% ở nam giới trên 80 tuổi.
Bệnh block nhánh phải không hoàn toàn có định nghĩa khác với block tim nhánh phải hoàn toàn và thường thấy ở những cá nhân khỏe mạnh. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh này có vẻ cao gấp 3 lần hoặc hơn so với block nhánh phải hoàn toàn nhưng mối liên hệ của nó với tuổi tác thấp hơn.
Block nhánh phải thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới so với nữ giới, và ở những người có tiền sử bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp hoặc tăng huyết áp.
Mức độ nguy hiểm của block nhánh phải
Trong hầu hết trường hợp, bệnh block nhánh phải đều lành tính và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Đặc biệt là đối với những người không mắc hay có tiền sử về bệnh tim mạch khác thì không cần phải điều trị chuyên sâu. Ngược lại, với những người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan tới tim, phổi có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như ngất xỉu hay ngừng tim đột ngột.
Chính vì vậy, những người bị block nhánh phải càng không được chủ quan, cần cẩn trọng theo dõi tình trạng bệnh và đi thăm khám định kỳ 6 tháng - 1 năm để có thể kịp thời phát hiện những bất thường cũng như đưa ra những phác đồ điều trị sớm, tránh hậu quả nghiêm trọng về sau.
Nguyên nhân gây ra block nhánh phải thường gặp
Nguyên nhân gây ra tình trạng block nhánh phải thường là hậu quả của một bệnh lý, biến cố tim mạch, bệnh phổi hoặc di chứng từ các thủ thuật can thiệp phẫu thuật ở tim. Cụ thể:
- Bệnh lý tim mạch: Bệnh cơ tim, suy tim phải, cao huyết áp, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh,...có thể tổn thương trực tiếp hoặc kéo căng bó nhánh phải, gây nên block tim nhánh phải.
- Bệnh phổi: Điển hình là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng áp động mạch phổi, thuyên tắc phổi.
- Do các thủ thuật can thiệp hoặc phẫu thuật trên tim: Quá trình đặt ống thông, đốt ethanol để giảm vách ngăn trong bệnh cơ tim phì đại.
- Kali trong máu tăng: Nguyên nhân này khiến cho quá trình dẫn truyền xung điện qua mô tim bị chậm lại gây block nhánh phải.
- Một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn: Bao gồm suy nút xoang, bệnh Lenegre gây xơ hoá, vôi hoá hệ thống dẫn truyền,...thường gặp ở những người cao tuổi.
Triệu chứng của block nhánh phải
Trên thực tế, có nhiều trường hợp bị block nhánh phải trong nhiều năm cũng không hề xuất hiện biểu hiện gì. Bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện được tình trạng bệnh thông qua việc đi đo điện tâm đồ thăm khám bệnh khác.
Những dấu hiệu mà người bệnh bị block tim nhánh phải có thể gặp bao gồm:
- Đánh trống ngực, hồi hộp;
- Đau tức ngực;
- Mệt mỏi;
- Khó thở;
- Choáng váng, chóng mặt.
So với Block nhánh phải không hoàn toàn, các triệu chứng của block nhánh phải hoàn toàn sẽ rõ rệt hơn. Nhịp tim có thể xuống 40 nhịp/phút khiến bệnh nhân bị ngất hay ngưng tim kịp thời.
Cách chẩn đoán block nhánh phải
Tiêu chuẩn chẩn đoán block nhánh phải ECG bao gồm:
- Thời gian phức bộ QRS > 0,12s;
- Phức bộ QRS có dạng rsR (tai thỏ) ở các chuyển đạo trước của chuyển đạo trước ngực (V1-V3);
- Sóng S nhỏ ở DI, aVL (thường thấy ở V5, V6).
Trước khi chẩn đoán, bác sĩ phải xác minh rằng nhịp tim bắt nguồn từ đâu (có thể là nút xoang, tâm nhĩ hoặc nút nhĩ thất) phía trên tâm thất để kích hoạt hệ thống dẫn truyền. Các phát hiện ECG đặc trưng là phức hợp QRS mở rộng và các thay đổi trong vector định hướng của sóng R và S trên ECG 12 chuyển đạo. Điều này phản ánh sự khử cực nhanh chóng của tâm thất trái, tiếp trong block nhánh phải, người ta cần có hiểu biết cơ bản về các vector liên quan tới ECG, cũng như các quy ước cơ bản về danh pháp được sử dụng trong điện tâm đồ
Hình thái QRS sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào vị trí tim trong lồng ngực, cung như dựa trên các tình trạng tim khác làm thay đổi dẫn truyền.
Điển hình dạng rsR trong V1
Sóng S rộng trong DI
Điển hình sóng T đảo ngược trong V1-V3 với block nhánh phải
Xem thêm:
Phương pháp điều trị block nhánh phải
Điều trị còn tùy thuộc vào các bệnh lý đi kèm, triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp khác nhau. Cụ thể:
- Đối với người trẻ, khoẻ mạnh, không có tiền sử bệnh lý về tim mạch hay phổi: Block nhánh phải không được xem là bệnh, không ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim, vì thể chưa cần điều trị. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, người bệnh cần đi khám định kỳ 1-2 lần/năm và đo điện tâm đồ ECG để theo dõi quá trình diễn biến của bệnh.
- Đối với người mắc bệnh lý về tim mạch, phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính): Trường hợp block nhánh phải không hoàn toàn, bệnh dễ phát triển nặng hơn thành block nhánh phải hoàn toàn. Lúc này, việc điều trị cần tập trung vào các bệnh lý bởi đó chính là nguyên nhân gây bệnh.
- Các trường hợp bệnh nặng kèm theo rối loạn nhịp tim (sau nhồi máu cơ tim, hội chứng nút xoang,...) gây chậm nhịp tim có nguy cơ tử vong cao, cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Cách kiểm soát và phòng ngừa block nhánh phải
Nhìn chung, bệnh sẽ ít nguy hiểm nếu người bệnh biết chủ động kiểm soát tình trạng bệnh. Để có thể giúp tim hoạt động ổn định, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thì dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần biết để phòng ngừa bệnh có những diễn biến phức tạp hơn:
- Theo dõi các triệu chứng và thường xuyên đi tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đến ngay cơ sở gần nhất để thăm khám nếu nhận thấy các dấu hiệu khó thở, đau ngực, ngất,...gây ảnh hưởng tới sức khoẻ;
- Không được hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích có hại, hạn chế uống bia rượu;
- Giữ cân nặng ở mức ổn định, an toàn. Thực hiện giảm cân nếu nhận thấy tình trạng thừa cân;
- Ưu tiên những thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây tươi, rau xanh vì chúng chứa nhiều chất xơ có lợi, giúp giảm cholesterol, giảm mỡ máu, giảm nguy cơ tim mạch;
- Dành 30 phút/ngày để tập luyện thể dục nhẹ nhàng. Một số bài tập người bệnh có thể áp dụng như đi bộ, yoga, đạp xe,...
- Lựa chọn sử dụng những sản phẩm hỗ trợ dành riêng cho người bị rối loạn nhịp tim. Các nhà khoa học đã chứng minh khổ sâm giúp điều hoà nhịp tim ổn định, giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, vì vậy bệnh nhân có thể cân nhắc sử dụng.
>>> Tại Bệnh viện Phương Đông là nơi hội tụ của những chuyên gia, y bác sĩ đầu ngành về tim mạch. Vì vậy, nếu quý khách hàng cần tìm kiếm địa chỉ thăm khám block nhánh phải uy tín hoặc có thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ theo hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được đội ngũ tư vấn hỗ trợ sớm nhất
Kết luận
Việc kiểm soát block nhánh phải đòi hỏi sự kết hợp giữa theo dõi y tế thường xuyên và lối sống lành mạnh. Bằng cách điều trị đúng phương pháp và duy trì thói quen tốt cho tim mạch, người bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng và giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.