Bổ sung canxi cho bé bú mẹ như thế nào?

Phạm Duyên

08-06-2022

goole news
16

Cùng với các vi chất dinh dưỡng khác, canxi giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Do đó, việc bổ sung canxi cho trẻ như thế nào ngay từ giai đoạn đang bú mẹ là mối quan tâm của hầu hết phụ huynh với mong muốn con được cao lớn và đạt tầm vóc tốt nhất khi trưởng thành. 

Vai trò của canxi đối với sự phát triển của trẻ 

Thực tế, canxi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng gần 2% trọng lượng cơ thể. Với 99% tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân và chỉ có 1% ở trong máu; các tổ chức tế bào và dịch nội bào, dịch mô kẽ. Nhưng đây lại là một trong những vi khoáng chất vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói riêng, cơ thể con người nói chung. 

Có thể kể đến một vài vai trò chính của canxi như: Tạo xương, răng; làm chắc xương, răng; chống còi xương, loãng xương; dẫn truyền tế bào thần kinh, giúp tiết chế một số kích thích tố; tham gia vào quá trình đông máu hay chức năng co cơ, duy trì hoạt động cơ bắp… Đối với sự phát triển của trẻ, việc cung cấp đủ canxi giúp trẻ khỏe mạnh; đạt chiều cao, tầm vóc và hệ miễn dịch tốt trong giai đoạn trưởng thành.  

Thiếu hụt canxi có thể dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ.

Thiếu hụt canxi có thể dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ

Theo đó, nếu cơ thể trẻ không được đáp ứng đủ canxi (theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe) sẽ dẫn tới nhiều hậu quả:

  • Nguy cơ mắc bệnh còi xương, xương nhỏ và biến dạng.
  • Bị thấp lùn, suy dinh dưỡng.
  • Răng mọc không đều, răng yếu hoặc dễ bị xỉn màu, sâu răng.
  • Các hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ức chế. Biểu hiện ra bên ngoài như: Trẻ hay quấy khóc, giật mình khi ngủ, táo bón; biếng ăn hoặc nặng hơn là rối loạn chức năng vận động.  

Nguyên nhân gây thiếu canxi ở trẻ  

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con, việc nắm bắt chính xác nguyên nhân gây thiếu canxi ở trẻ nhỏ sẽ giúp các bậc cha mẹ dễ dàng giải quyết được vấn đề trẻ thiếu hụt canxi. Giúp con phát triển toàn diện, đạt chiều cao và tầm vóc tối đa. Vậy nguyên nhân gây thiếu canxi ở trẻ nhỏ là gì?

Các nghiên cứu chuyên sâu đều chỉ ra rằng, không có nguyên nhân nhất định nào mà có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gồm: 

  • Bắt nguồn từ chế độ ăn uống thiếu canxi của người mẹ trong quá trình mang thai. Hoặc mẹ bầu bị ngộ độc thai nghén, tiểu đường thai kỳ. 
  • Tình trạng thiếu canxi dễ xảy ra ở những trẻ bị ngạt, bị thiếu oxy trong khi sinh.
  • Thiếu vitamin D (dưỡng chất giúp cơ thể hấp thụ canxi) cũng khiến trẻ bị thiếu canxi.
  • Trẻ không được bú mẹ hay uống sữa đầy đủ, chế độ ăn uống thiếu canxi. 

Biểu hiện của trẻ thiếu canxi 

Thường trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh đang giai đoạn bú mẹ bị thiếu canxi sẽ có từ một đến nhiều các dấu hiệu dưới đây:  

  • Trẻ hay quấy khóc và giật mình về đêm. Đổ mồ hôi nhiều nhất là khi đang ngủ.
  • Trẻ vặn mình nhiều kèm theo hiện tượng nôn trớ sữa.
  • Tóc bị rụng thành hình vành khăn sau gáy. Tuy không phải tất cả các trường hợp trẻ rụng tóc vành khăn đều do thiếu canxi. Nhưng nếu thấy con bị như vậy, cha mẹ vẫn cần lưu ý theo dõi.
  • Các trường hợp thiếu canxi trầm trọng khiến trẻ bị còi cọc, chậm lớn; chậm mọc răng, răng mọc không đều và dễ mủn, yếu.
  • Ở trẻ lớn hơn, thiếu canxi thể hiện ở việc chậm tăng chiều cao; táo bón hay biếng ăn, chân vòng kiềng,...

Trẻ bị thiếu canxi rất hay quấy khóc, giật mình về đêm.

Trẻ bị thiếu canxi rất hay quấy khóc, giật mình về đêm

Cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh bú mẹ, trẻ nhỏ 

Có thể nhiều cha mẹ chưa biết rằng canxi tuy rất quan trọng nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà tất cả đều phải sử dụng từ nguồn bên ngoài. Cùng với đó, nhu cầu canxi của trẻ tăng dần theo đội tuổi.

Ví dụ, trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần khoảng 300 mg canxi/ngày; nhưng trẻ trên 1 tuổi lại cần tới 800mg canxi/ngày và trẻ 18 tuổi cần khoảng 1.000 mg canxi/ngày. Điều này cũng có nghĩa rằng việc thiếu hay thừa canxi ở giai đoạn sơ sinh đều có thể gây hệ lụy cho các giai đoạn phát triển sau của trẻ. Do đó, bổ sung canxi đúng cách cho trẻ là vô cùng quan trọng.  

Bổ sung canxi cho bé bú mẹ

Với bé bú mẹ, đặc biệt trong các tháng đầu bé bú mẹ hoàn toàn thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính. Khi con bú mẹ canxi từ mẹ sẽ được chuyển qua sữa sang con. Vì thế, trước khi nghĩ đến việc bổ sung canxi cho con thì mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân. Một chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên ăn các thực phẩm giàu canxi sẽ giúp mẹ có nguồn canxi dồi dào cho con.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia dinh dưỡng, mẹ sau sinh cho con bú cần khoảng 1.000mg canxi/ngày. Nên nếu mẹ không ăn được nhiều, chế độ ăn kiêng khem, có thể bổ sung canxi dạng viên (Tốt nhất hãy xin ý kiến từ bác sĩ). 

Cách đơn giản nhất để bổ sung canxi cho bé bú mẹ chính là chế độ ăn uống đảm bảo của mẹ.

Cách đơn giản để bổ sung canxi cho bé bú mẹ chính là chế độ ăn uống dinh dưỡng của mẹ

Muốn biết bé đang bú mẹ có được cung cấp đủ canxi không thì mẹ cần theo dõi các cữ bú, lượng sữa bú mỗi ngày của con. Thường trẻ sơ sinh cần bú khoảng 900ml sữa/ngày mới có đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Và mỗi cữ bú của bé có thể kéo dài khoảng 10 đến 20 phút.

Trẻ mới sinh dạ dày chứa được lượng sữa rất ít nên cần được bú liên tục nhiều cữ hơn trẻ nhỏ. Để giúp bé hấp thụ canxi tốt nhất thì việc bổ sung vitamin D là vô cùng quan trọng. Tắm nắng hàng ngày vào mỗi buổi sáng là cách hiệu quả nhất để bổ sung vitamin D tự nhiên. Mẹ có thể thực hiện cùng con nhé. Trường hợp bác sĩ có kê thêm vitamin D hay vitamin D3; mẹ nhớ cho con dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý cho con uống nhiều hay ít hơn hướng dẫn. 

Nói tóm lại, bé bú mẹ hoàn toàn, bú tốt, đủ cữ, đủ lượng sữa; tăng cân, tăng chiều cao đều thì không cần phải bổ sung thêm canxi theo bất cứ hình thức nào khác. Riêng trẻ sinh non thì cần bổ sung nhiều canxi hơn bởi trường hợp này trẻ có nguy cơ cao bị còi xương, chậm lớn. Nên chỉ lấy canxi từ sữa mẹ có thể chưa đủ.

Việc bổ sung canxi cho trẻ với liều lượng, thời gian như thế nào. Mẹ cần đưa con đi khám và xin ý kiến từ bác sĩ chứ tuyệt đối không tự ý mua thuốc, thực phẩm chức năng cho con dùng.  

Trẻ cần bú đủ cữ, đủ lượng sữa để có canxi cần thiết cho sự phát triển.

Trẻ cần bú đủ cữ, đủ lượng sữa để nhận đủ lượng canxi cần thiết cho sự phát triển

Bổ sung canxi cho trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ từ 7 tháng tuổi trở lên, ngoài bú sữa đã có thể ăn dặm; thì mẹ nên tìm hiểu để xây dựng các thực đơn vừa phù hợp với con; vừa phải đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu (tinh bột, đạm, mỡ, chất xơ) trong từng bữa ăn. Lưu ý khi trẻ mới tập ăn dặm thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên mẹ vẫn phải theo dõi lượng sữa trẻ bú hàng ngày.

Khi trẻ đã ăn dặm quen thì mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi không chỉ trong bữa chính mà cả các bữa phụ. Có thể kể đến: Các loại phô mai, sữa chua, lòng đỏ trứng gà; ngũ cốc, các loại hạt,các loại rau cải thìa, cải xoăn, hải sản,... 

Tăng cường các thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn của trẻ.

Tăng cường các thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn của trẻ

Cẩn thận hơn, phụ huynh có thể cho con đi xét nghiệm vi chất để xem cơ thể con có đang thiếu loại chất nào không. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn và kê đơn giúp bé bổ sung đúng cách. Ở nhà, cha mẹ cũng nên theo dõi chiều cao, cân nặng của con định kỳ. Để đánh giá sự tăng trưởng, phát triển của con kịp thời.

*Tìm hiểu thêm: Bé 6 tháng tuổi ăn được những gì? Thực đơn cho bé tập ăn dặm 

Nguy hại sức khỏe khi trẻ bị thừa canxi

Không ít cha mẹ vẫn lầm tưởng rằng canxi tốt cho sự phát triển của trẻ thì bổ sung càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế bổ sung canxi dư thừa, không đúng cách sẽ gây ra nhiều nguy hại sức khỏe; tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. 

Đầu tiên, tình trạng thừa canxi làm ức chế việc hấp thụ sắt, kẽm, phốt pho khiến cho cơ thể trẻ có thể bị thiếu các chất này; khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Canxi dư thừa cũng gây quá tải cho thận. Kéo dài dễ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, vôi hóa thận,...  

Cha mẹ nên biết rằng nếu sự dư thừa canxi bắt nguồn từ thực phẩm mà trẻ ăn uống hàng ngày thì phần thừa sẽ được đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Còn với canxi thừa do thuốc, thực phẩm chức năng thì rất khó thải ra ngoài. Lâu dần sẽ dẫn tới quá tải cho thận; gây sỏi thận, vôi hóa thận, tăng canxi máu, táo bón, đau xương,...  

Nghe hơi vô lý nhưng trẻ có thể bị lùn khi thừa canxi. Có nghĩa dư thừa canxi làm hàm lượng canxi trong máu tăng cao. Canxi vào xương nhiều hơn cần thiết dẫn đến xương cứng sớm. Hạn chế sự phát triển xương khiến trẻ ngừng phát triển chiều cao sớm, có thể bị lùn.  

Trẻ bị thừa canxi có thể dẫn đến tình trạng táo bón.

Trẻ bị thừa canxi có thể dẫn đến tình trạng táo bón

Một số cách để giúp hấp thụ canxi 

Việc bổ sung canxi cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào tốt nhất nên có ý kiến và hướng dẫn từ bác sĩ. Bên cạnh đó, để giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả nhất thì bạn nên chú ý các vấn đề dưới đây:

  • Cần bổ sung vitamin D song song với bổ sung canxi. Bởi đây là vitamin giúp quá trình hấp thụ canxi diễn ra thuận lợi hơn. Vitamin D có nhiều trong các loại bơ, sữa, trứng,... Đồng thời tăng cường cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều sau 4 giờ) để có đủ vitamin D thúc đẩy quá trình cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. 
  • Khi dùng thực phẩm giàu canxi hay uống canxi nên hạn chế ăn chung với các loại rau củ quả vị chát; ngũ cốc nguyên vỏ; socola, cà phê, chè; nước ép hoa quả vì chúng sẽ làm hạn chế sự hấp thụ canxi. Các bữa ăn nhiều đạm cũng có khả năng làm gia tăng lượng bài tiết canxi.
  • Chế độ ăn cũng ảnh hưởng tới sự hấp thụ canxi. Bữa ăn nhiều đạm, chất béo có thể làm gia tăng lượng bài tiết canxi khiến canxi không được hấp thụ vào đường ruột mà đào thải qua đường tiểu. Do đó để hấp thụ canxi tốt, bạn nên có chế độ ăn thanh đạm, ít béo, đồ muối chua,...
  • Nên uống canxi vào buổi sáng đến trưa, tránh uống buổi chiều tối; nên uống sau bữa ăn khoảng 1 tiếng.  
  • Không uống canxi kèm với sữa hay ăn cùng các chế phẩm từ sữa (Bơ, phô mai, sữa chua). 

Hai mẹ con cùng tắm nắng thường xuyên để tăng khả năng hấp thụ canxi.

Hai mẹ con cùng tắm nắng thường xuyên để tăng khả năng hấp thụ canxi

Những lầm tưởng về thiếu canxi ở trẻ  

Trẻ khó ngủ do thiếu canxi đúng hay sai?

Do một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu canxi là hay quấy khóc, giật mình về đêm; khó ngủ nên khá nhiều phụ huynh thấy con gặp tình trạng này đã quy kết ngay rằng con bị thiếu canxi. Đây là một suy nghĩ phiến diện bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ ở trẻ. Do trẻ thay đổi về giấc ngủ, ban ngày ngủ quá nhiều; hoặc thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. 

Việc cơ thể trẻ thiếu hụt vi chất như: Vitamin D, Magie, Protein, Vitamin B12, Vitamin C, Kẽm, Sắt,... đều có thể dẫn tới tình trạng trẻ khó ngủ; ngủ không sâu giấc chứ không chỉ riêng thiếu canxi. Để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ của con. Cha mẹ nên đưa con đi thăm khám sức khỏe, xét nghiệm vi chất và nghe những tư vấn chính xác từ bác sĩ. 

Rụng tóc vành khăn là bị thiếu canxi

Tình trạng rụng tóc vành khăn rất thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ chưa biết ngồi, biết đi. Rụng tóc vành khăn cũng là một trong những dấu hiệu của trẻ thiếu vitamin D hoặc thiếu canxi, ngoài ra còn kèm theo các dấu hiệu khác. Nên nếu chỉ thấy con bị rụng tóc vành khăn đã kết luận do con thiếu canxi là thiếu căn cứ. 

Trường hợp bé bị rụng tóc nhiều hình vành khăn; kèm theo hay quấy khóc, giật mình, vặn mình nhiều, hay đổ mồ hôi, nôn trớ,... thì khả năng cao bé đang thiếu canxi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên tự ý phán đoán rồi mua thuốc bổ sung ngay. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để nhận được các tư vấn phù hợp nhất. 

Không phải tất cả các trường hợp trẻ rụng tóc vành khăn đều do thiếu canxi.

Trẻ rụng tóc vành khăn có thể do xoay đầu quá nhiều khi nằm

Chậm mọc răng là do bé thiếu canxi

Chậm mọc răng là một trong những dấu hiệu trẻ bị thiếu canxi. Nhưng không có nghĩa tất cả trẻ mọc răng sớm là đủ canxi và trẻ mọc răng muộn đều do thiếu canxi. Thực tế cho thấy thời gian mọc răng ở mỗi trẻ là không giống nhau. Đa số trẻ thường bắt đầu mọc răng khi được 6 tháng tuổi. Một số trường hợp trẻ mọc răng muộn hơn vào tháng thứ 8, thứ 9, thậm chí tháng thứ 12. Điều này hoàn toàn bình thường do yếu tố cơ địa từng trẻ. Nếu trẻ mọc răng quá muộn sau 1 tuổi thì cha mẹ nên đưa con đi khám bởi lúc này có thể cơ thể trẻ đang gặp vấn đề gì đó khiến thiếu hụt canxi để tạo răng. 

Tóm lại, việc nắm rõ các dấu hiệu thiếu canxi của trẻ chỉ là cơ sở để cha mẹ tham khảo, theo dõi sức khỏe trong quá trình chăm sóc con. Còn việc chẩn đoán tình trạng thiếu canxi hay bổ sung canxi cho trẻ bú mẹ; trẻ nhỏ như thế nào nhất định cần có sự thăm khám và chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,836

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

PHI NGA

TRƯỞNG KHOA NHI

BS.CKII

PHI NGA

TRƯỞNG KHOA NHI
19001806 Đặt lịch khám