Suy thận là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Suy thận nói chung là tình trạng suy giảm chức năng thận. Thận lọc chất độc ra khỏi máu rất kém hoặc không còn khả năng lọc máu khiến các chất độc tích tụ bên trong cơ thể. Theo các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết. suy thận được chia ra thành:
- Suy thận mạn là bệnh suy giảm chức năng thận từ từ và không có khả năng phục hồi. Các giai đoạn suy thận mạn bao gồm từ 1- 5. Thông thường, bệnh không có dấu hiệu nhận biết điển hình nên người bệnh chỉ phát hiện và đến Bệnh viện khi đã mắc suy thận giai đoạn 4,5.
- Suy thận cấp là hiện tượng chức năng của thận suy giảm đột ngột và có thể phục hồi được. Bệnh dễ nhận biết hơn suy thận mạn với 4 giai đoạn suy thận chính và các triệu chứng lâm sàng đái nhiều, đái ít, không đi tiểu được nữa,...
(Hình 1 - Suy thận có thể xảy ra trong thời gian dài hoặc diễn biến thành bệnh mãn tính)
Mặc dù các bác sĩ Khoa Thận - Tiết niệu đều nhận định phát hiện dấu hiệu suy thận là nhân tố nghiêm trọng để điều trị bệnh thành công. Nhưng đứng trước diễn biến từ từ, biểu hiện suy thận giai đoạn đầu dễ gây nhầm lẫn khiến bệnh nhân lâm vào cảnh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối mới được điều trị. Khi đó, hai quả thận đã mất chức năng hoàn toàn, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém nhiều chi phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân, gia đình.
Thực trạng bệnh nhân trong các giai đoạn suy thận ở Việt Nam
Tình trạng điều trị cho bệnh nhân suy thận ở Việt Nam có thể gói gọn như sau:
Bệnh nguy hiểm nay trở thành “bệnh thường gặp”
Theo nguồn tin từ Báo Quân đội Nhân dân (2023), Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc bệnh thận mãn tính. Mỗi năm có thêm khoảng 8000 người được chẩn đoán mới. Suy thận hiện nay đứng vị trí thứ 8 trong số 10 bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Điều đáng nói là vào năm 2024, số lượng người trẻ (dưới 30 tuổi) đang điều trị bệnh suy thận ở các cơ sở y tế ngày càng tăng. Các bác sĩ Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Việt Đức cho hay: “Trong khoảng 1800 bệnh nhân đã được ghép thận có 33% là nữ, 67% nam, với bệnh nhân nhỏ nhất là 27 tuổi.”
(Hình 2 - Bệnh nhân điều trị lọc máu tại Bệnh viện công)
Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất cũng cho biết, trong số các bệnh nhân bị suy thận đang điều trị người trẻ chiếm tới 20%. 60% số này đã mắc suy thận mạn giai đoạn cuối.
Cơ hội điều trị mong manh
Hiện nay, chưa có cách điều trị dứt điểm suy thận mạn. Ngay cả suy thận cấp, trên thực tế lâm sàng, nhiều ca suy thận cấp sau khi phải lọc máu cấp cứu. Nhưng sau đó, chức năng thận vẫn không thể phục hồi mà diễn biến thành các suy thận mạn 2,3,4.
Như đã nhắc đến ở trên, đa số bệnh nhân suy thận bị bỏ sót chẩn đoán và chỉ khoảng 4,5 -15,5% bệnh nhân mắc được phát hiện ở suy thận giai đoạn 3. Khi đó, bệnh nhân buộc phải điều trị lọc máu nhân tạo và ghép thận. Đối với lọc máu nhân tạo, các cơ sở y tế như BV Việt Đức, BV Bạch Mai,.. thường quá tải vì số ca bệnh cần lọc máu ước tính khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng chỉ có 5.500 máy phục vụ cho 33.000 người bệnh.
Với ghép thận thì người bệnh phải tìm được quả thận thích hợp để ghép, trong khi nguồn thận từ người chết não hiến tạng rất hiếm hoi. Mặt khác, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cũng chia sẻ nhiều trường hợp ghép thận chỉ được vài năm, sau đó quả thận mới cũng hư.
(Hình 3 - Ngay cả khi được ghép thận mới, cơ hội sống của người bệnh cũng như đi trên dây)
Chi phí điều trị rất cao
Chi phí điều trị cho bệnh nhân mạn có thể lên đến 14 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Đồng thời, chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí điều trị bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.
Các giai đoạn suy thận mạn: Mức độ nghiêm trọng và Dấu hiệu nhận biết
Các bác sĩ chuyên khoa thường căn cứ theo Hội Thận học Quốc tế và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ để chia các giai đoạn suy thận ra thành 5 cấp độ. Các giai đoạn được phân loại dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) như sau:
(Hình 4 - Các giai đoạn suy thận theo Hội Thận học (Mỹ))
Suy thận mạn giai đoạn 1 và 2
Bệnh nhân có GFR >90ml/ phút là người bệnh mắc suy thận giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, GFR của họ giảm xuống còn 60 - 89mL/phút. Tổn thương thận ở giai đoạn này thường chưa nghiêm trọng, dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu không rõ ràng, chỉ xuất hiện thoáng quá theo đợt như sau:
- Chán ăn
- Thiếu máu nhẹ
- Tiểu đêm nhiều
- Mệt mỏi
- Đau tức hai bên thắt lưng
Đây là giai đoạn vàng để điều trị vì bệnh chưa diễn biến phức tạp. Bạn có thể điều trị theo phác đồ suy thận mạn tính giai đoạn đầu bằng thuốc, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt đã có thể kiểm soát tình trạng bệnh lý,
Suy thận mạn giai đoạn 3
Với độ lọc cầu thận giảm mạnh giai đoạn 3A GFR TỪ 45 - 59mL/ phút và giai đoạn 3B GFR khoảng 30 - 44 mL/ phút, chức năng của thận đã suy giảm rất nhiều so với trước. Triệu chứng của suy thận giai đoạn 3 có phần “rõ ràng hơn” như sau:
- Thiếu máu
- Mệt mỏi
- Nôn, buồn nôn
- Ăn kém
- Đau lưng
- Phù mí mắt
- Sưng tay chân
- Đi tiểu với lượng nhiều hay ít hơn bình thường
- Gặp các vấn đề về xương khớp: đau nhức xương khớp,...
Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu hiện này vẫn không được coi như dấu hiệu suy thận giai đoạn cuối. Vì chúng không điển hình, dễ khiến người bệnh lơ là và nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.
(Hình 5 - Thiếu máu có thể là một trong số dấu hiệu của bệnh suy thận)
Suy thận mạn giai đoạn 4
Đa số các bệnh nhân sẽ phát hiện bản thân mắc bệnh trong giai đoạn 4,5. Bệnh đã diễn biến nặng, trở nên nghiêm trọng hơn và bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động mà thận tham gia. Mức lọc cầu thận GFR của người bệnh chỉ còn 15 - 29 mL/ phút và thường sẽ được chỉ định thay thận.
Một số dấu hiệu suy thận giai đoạn 4 bao gồm:
- Da xanh xao
- Tăng huyết áp
- Xuất huyết đường tiêu hoá
- Chán ăn
- Tiểu đêm nhiều lần
- Buồn nôn
- Phù nề và ngứa toàn thân
- Đau nhức đầu, đau xương khớp
(Hình 6 - Ngứa ngáy toàn thân cũng cảnh báo các bệnh về thận)
Khả năng lọc máu giảm mạnh khiến cơ thể tích tụ càng nhiều chất độc, người bệnh có thể bị nhiễm độc và gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Suy tim
- Phù phổi
- Phù não
- Đái tháo đường….
Suy thận mạn giai đoạn 5
Giai đoạn 5 là thời điểm bệnh thận đã trở nên nghiêm trọng nhất, mức lọc cầu thận <15mL/ phút gần như không lọc được chất độc ra khỏi cơ thể nữa. Tổn thương đa tạng của bệnh nhân nghiêm trọng hơn giai đoạn 4 rất nhiều, đó là:
- Tăng huyết áp
- Thiếu máu
- Tăng kali máu
- Nhiễm toan chuyển hoá
- Bệnh lý về tim mạch, hệ tiêu hoá, thần kinh
(Hình 7 - Người bệnh suy thận cũng có thể bị tăng huyết áp)
Các dấu hiệu suy thận giai đoạn cuối bạn có thể tham khảo được liệt kê dưới đây:
- Nhức đầu, mệt mỏi kéo dài
- Sưng cánh tay, bàn tay, bàn chân hoặc chân
- Đạm niệu, thiểu niệu hoặc vô niệu
- Yếu cơ, chuột rút cơ bắp
- Buồn nôn, nôn
- Ít khi hoặc không có cảm giác đói
- Khó thở, rối loạn nhịp tim
- Da, niêm mạc nhợt nhạt
- Hệ miễn dịch suy giảm
Tiên lượng của người bệnh ở giai đoạn cuối không hề khả quan, phụ thuộc rất lớn vào khả năng đáp ứng điều trị và các yếu tố như thời điểm phát bệnh, sức khỏe người bệnh,...
Chỉ định điều trị cho các giai đoạn suy thận tương ứng
Suy thận giai đoạn 1 - 4
Tuỳ thuộc vào tình trạng cơ thể, từng người bệnh sẽ được điều trị nguyên nhân gây bệnh và các biến chứng do suy thận gây ra. Điều trị bằng thuốc sẽ được kết hợp đồng thời.
Mất khoảng 85 - 90% chức năng vốn có, đa số người bệnh suy thận giai đoạn 4 phải điều trị suy thận, kết hợp với điều trị tăng huyết áp, thiếu máu, biến chứng tim mạch - chuyển hoá,...
- Điều trị huyết áp: Thận hoạt động không hiệu quả khiến lượng dịch tích tụ trong cơ thể tăng, huyết áp tăng. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ổn định huyết áp, ưu tiên nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể nếu không có chống chỉ định cho bệnh nhân. Các loại thuốc này sẽ giúp giảm huyết áp và tăng cường chức năng cho thận.
- Điều trị rối loạn lipid máu - biến chứng tim mạch: Người bệnh sẽ được uống thuốc Statin để giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa thành mạch,...
- Điều trị ứ dịch: Thuốc lợi tiểu sẽ được kê để giúp bệnh nhân đào thải nước dư thừa trong cơ thể qua đường tiểu
- Điều trị thiếu máu: Cơ thể không sản xuất đủ EPO khiến số lượng hồng cầu của người bệnh sụt giảm. Khi đó, bác sĩ buộc phải tiêm chất kích thích sinh EPO vào cơ thể người bệnh hoặc chỉ định uống hoặc tiêm thêm sắt.
- Điều trị yếu xương: Để khắc phục tình trạng mất canxi trong xương, xương biến dạng, sưng khớp thì chỉ định dùng thuốc gắn photpho sẽ được đưa ra.
- Cân bằng lượng axit trong cơ thể: Bắt nguồn từ thực trạng thận không loại bỏ được canxi ra khỏi máu khiến cơ thể rơi vào hội chứng toan chuyển hoá dẫn đến biến chứng tim mạch, hệ thần kinh sau đó. Lúc này, người bệnh cần được điều trị bằng các loại thuốc kháng axit.
- Xử lý kali bị dư thừa: Bạn cần bổ sung các loại thuốc lợi tiểu và thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và kali.
(Hình 8 - Tuỳ vào các giai đoạn suy thận mà sẽ có biện pháp điều trị phù hợp)
Suy thận giai đoạn 5
Phương pháp điều trị chủ đạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là lọc máu định kỳ, chờ ghép thận. Điều trị nội khoa chỉ mang tính chất hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát các biến chứng liên quan như huyết áp cao và đái tháo đường.
Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện lọc máu định kỳ 2- 4 lần/ tuần và chạy thận khoảng 4 - 6 tiếng/ lần. Ngoài lọc máu bằng máu, bệnh nhân cũng có thể được lọc màng bụng để dọn các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu lọc màng bụng, người bệnh luôn cần mang ống thông trên người nên tỷ lệ nhiễm trùng khá cao và cần người nhà hỗ trợ chăm sóc.
Cách chữa trị có thể đem lại nhiều hy vọng hơn là có tìm thấy quả thận bình thường để thay thận. Nhưng nếu số lượng người chờ ghép tim, gan chỉ khoảng vài trăm thì số người chờ ghép thận đã lên tới 5358 người (Theo Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia).
Việc điều trị các biến chứng do suy thận gây ra sẽ được căn cứ dựa trên diễn biến của bệnh nhân.
Lời khuyên của bác sĩ cho các bệnh nhân suy thận
Đây cũng được coi như cách điều trị cho các giai đoạn suy thận, được áp dụng cho cả các đối tượng có nguy cơ cao và đang điều trị các bệnh về thận.
Cải thiện thói quen sống
- Ổn định huyết áp dưới 130/80 mmHg, ít hơn 2300 mg Na/ ngày
- Kiểm soát tốt nồng độ đường trong máu nếu bạn có tiền sử bệnh tiểu đường
- Duy trì cholesterol trong máu trong phạm vi an toàn bằng cách tăng cường vận động, duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì
- Tuyệt đối không hút thuốc
- Tăng cường các hoạt động thể chất, nhẹ nhàng với cường độ phù hợp như kiểm soát tốt huyết áp, mức độ glucose và cholesterol trong máu
Thay đổi chế độ ăn uống
- Hạn chế lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, nên duy trì 2 - 3 g muối/ ngày. Nếu bạn có tiền sử bệnh huyết áp thì cần cắt giảm muối đến mức thấp nhất có thể
- Giảm lượng đạm có trong khẩu phần ăn: Cân bằng đạm động vật và đạm thực vật, hạn chế dùng dầu mỡ, không xào nấu nhiều, ưu tiên các món ăn hấp, luộc
- Không tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng Kali cao như chuối, nho, trái cây khô, chocolate, cá hồi,...
- Hạn chế ăn các đồ ăn có photpho như phomai, da, nội tạng động vật
- Tập trung xây dựng chế độ ăn giàu năng lượng, đầy đủ đường bột, chất đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin, tăng khoảng 30% năng lượng so với người bình thường. Ưu tiên chia nhỏ thành 4 - 6 bữa ăn/ ngày.
- Theo dõi kỹ lượng nước vào trong cơ thể
(Hình 9 - Dù trong giai đoạn suy thận nào thì cần ăn nhiều các loại rau củ, hoa quả tươi, chế biến nhạt)
Chủ động phòng tránh các bệnh về thận
Để đối phó với các bệnh diễn biến thầm lặng như suy thận mạn, chúng ta nên chủ động phòng chống bệnh, bằng cách:
- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: Ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế thức khuya và sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,...
- Giảm tải cho hoạt động lọc máu của thận: hạn chế ăn uống các thực phẩm có chứa nhiều đường, muối và phụ gia như nước ngọt, trà sữa, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn,...
- Không lạm dụng các loại thuốc giảm đau có thành phần corticoid, steroid,.... và các thực phẩm trà, thực phẩm chức năng,... không rõ nguồn gốc xuất xứ
- Uống đủ nước, 2 lít nước/ ngày
- Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khoẻ mạnh
- Đi khám sức khỏe định kỳ
Nếu bạn đang gặp các vấn đề về thận hoặc muốn kiểm tra chức năng thận định kỳ thì gợi ý bạn nên đến Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Phương Đông. Với đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên môn cao kết hợp cùng trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp bệnh nhân chẩn đoán hiệu quả và xét nghiệm chính xác tình trạng thận - tiết niệu - nam học.
Có thể nói, các giai đoạn suy thận đã trở thành ác mộng đối với toàn thể cộng đồng. Để bảo vệ sức khoẻ của mình và những người xung quanh, hãy chủ động thay đổi nhịp sống khoa học và chế độ ăn uống phù hợp. Trong trường hợp đã được chẩn đoán bệnh suy thận, hãy đến Bệnh viện kịp thời để điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và thực hiện các biện pháp làm chậm diễn biến bệnh.