Cẩn trọng khi trẻ sơ sinh thở mạnh và cách xử trí tốt nhất

Hoàng Lan

23-10-2020

goole news
16

Mỗi bất thường xảy ra với con yêu đều là nỗi lo lắng của cha mẹ. Việc trẻ sơ sinh thở mạnh cũng là một trong những nỗi lo như thế. Tiếng thở, kiểu thở thế nào là mạnh bất thường? Xử trí đúng cách như thế nào? Nắm được những điều này sẽ giúp cha mẹ tự tin hơn trong quá trình nuôi dưỡng bé.

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh

Có thể cha mẹ chưa biết, nhịp thở của trẻ sơ sinh khác so với nhịp thở bình thường của người lớn. Nên khi thấy bé sơ sinh thở mạnh, thở không ổn định, hoặc tạm dừng lâu giữa các nhịp cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Nguyên nhân chủ yếu do cấu tạo sinh lý cơ thể trẻ không giống người lớn. Và hơn nữa, hệ hô hấp của trẻ khi mới chào đời còn rất non nớt, trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển đầy đủ, học cách vận hành phổi cũng như các cơ quan trong đường hô hấp. Cụ thể:

- Trẻ sơ sinh thở bằng mũi nhiều hơn miệng.

- Thành ngực của trẻ so với người lớn là mềm hơn vì cấu tạo chính từ sụn.

- Đường thở của trẻ sơ sinh cũng bé hơn nhiều so với người lớn, do đó, quá trình thở dễ bị cản trở hơn.

Vậy làm sao để nhận biết trẻ sơ sinh đang có nhịp thở bình thường? Thực tế, nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh khoảng 30 đến 60 nhịp/phút, nhiều trường hợp bé thở mạnh tầm 20 nhịp/phút (chủ yếu khi đang ngủ). Bước sang tháng thứ 6 trở đi nhịp thở của trẻ sẽ tương đối ổn định ở mức từ 25 đến 40 nhịp/phút. 

Đặc biệt, nhịp hít vào thở ra của trẻ sơ sinh được tuân theo một chu kỳ. Nghĩa là trong quá trình thở, bé có thể dừng tầm 5 giây giữa các nhịp. Điều này được coi là bình thường và sẽ mất dần khi trẻ lớn lên. Để chắc chắn nhịp thở của trẻ vẫn bình thường, các bố mẹ có thể kiểm tra theo những cách dưới đây:  

- Lắng nghe nhịp thở của trẻ: Bằng cách đặt tai cạnh mũi, miệng bé rồi tập trung nghe xem có gì nặng nhọc, khò khè không. 

- Quan sát: Phụ huynh đặt tầm mắt ngang ngực trẻ, nhìn kỹ các chuyển động lên xuống của hõm ngực theo từng nhịp khi con hít thở.  

- Dựa vào cảm giác: Thực hiện áp má mình vào cạnh miệng và mũi của con để cảm nhận hơi thở.

Khi đó, nếu thấy trẻ có triệu chứng thở mạnh và nhanh thường xuyên, lại kèm thêm sốt, khò khè thì rất có thể trẻ đang gặp vấn đề về hệ hô hấp. Cha mẹ cần đưa con đi khám để tránh các trường hợp trẻ bị viêm nhiễm nguy hiểm.  

Khi mới chào đời, trẻ thở mạnh chủ yếu do cấu tạo đường thở.

Khi mới chào đời, trẻ thở mạnh chủ yếu do cấu tạo đường thở.

Trẻ sơ sinh thở mạnh khi ngủ có sao không?

Trẻ sơ sinh ngủ thở mạnh là hiện tượng sinh lý rất phổ biến. Ngoài ra, trong lúc ngủ trẻ sơ sinh thở ra tiếng, nhịp thở gấp gáp, nặng nề,... cũng thường thấy. Bởi như đã nói ở trên, do cấu tạo đường thở của trẻ khác người lớn và trẻ cũng đang trong quá trình học cách vận hành bộ máy hô hấp. Để xác định việc trẻ thở mạnh khi ngủ có phải là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm không thì phụ huynh có thể định hình qua các âm thanh phát ra từ mũi hay vòm họng của trẻ khi đang ngủ cũng như trong hoạt động ăn uống, vui chơi hàng ngày.  

Một cách dễ dàng hơn để xem việc trẻ sơ sinh thở mạnh khò khè có bất thường hay không chính là đếm nhịp thở của trẻ khi ngủ. Cách đếm nhịp thở như sau: Mẹ ôm con vào lòng rồi từ từ vén áo con qua phần ngực; sau đó, mẹ chủ động đếm từng nhịp thở bằng việc đếm các cử động lên xuống ngực hay bụng trẻ. Chú ý, quá trình đếm nhịp thở muốn chính xác, mẹ cần:
- Thực hiện khi trẻ nằm yên (hoặc ngủ), không khóc, không bú.
- Mẹ đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút, có thể đếm lại khoảng 2, 3 lần để kiểm nghiệm kết quả chính xác nhất.
- Mẹ đếm xuyên suốt từng nhịp thở của trẻ trong 1 phút, không đếm nửa đường rồi dừng lại nhân lên bởi quá trình thở của trẻ sơ sinh không lặp lại đều đặn.

Bằng cách đếm nhịp thở khi ngủ, cha mẹ có thể xác định được tình trạng của trẻ.

Bằng cách đếm nhịp thở khi ngủ, cha mẹ có thể xác định được tình trạng của trẻ.

Theo thông số của Tổ chức Y tế thế giới, kết quả đếm nhịp thở sẽ được xác định như sau: Nhịp thở của em bé khỏe mạnh bình thường khoảng 40 - 50 lần/phút (1 tháng tuổi), khoảng 35 - 40 lần/phút (dưới 12 tháng tuổi). Còn nếu nhịp thở của trẻ nằm trong các trường hợp dưới đây rất có thể trẻ mắc chứng thở nhanh mạnh khi ngủ:
- Nhịp thở từ 60 lần trở lên/phút (Trẻ dưới 2 tháng tuổi).
- Nhịp thở của trẻ từ 50 lần/ phút (Trẻ trên 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi).
- Nhịp thở khoảng 40 lần/phút (Trẻ từ 1 đến 5 tuổi).
Trẻ thở mạnh khi ngủ kèm theo sổ mũi, ho thì khả năng bé bị cảm lạnh, cảm cúm. Thường các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn sau khoảng 1 tuần nếu cha mẹ chăm sóc bé đúng cách. Thêm điều nữa cha mẹ đặc biệt lưu ý, trường hợp trẻ sơ sinh thở mạnh khi ngủ xảy ra liên tục, kéo dài không ngoại trừ con bị viêm hô hấp dưới (viêm phổi, viêm phế quản,...). Hãy đưa con tới cơ sở Y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng.  

Nguyên nhân khiến bé thở mạnh khi ngủ 

Hiện tượng trẻ sơ sinh thở ra tiếng, trẻ khò khè khi ngủ hay bé sơ sinh thở nhanh,... bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh lý có thể giải thích do cấu trúc mũi, đường thở của trẻ mới sinh rất nhỏ và chưa hoàn thiện nên cơ thể chưa quen với việc điều chỉnh nhịp thở. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân dưới đây cũng khiến trẻ thở mạnh khi ngủ:  

Sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé còn yếu 

Ngay từ những ngày đầu mới chào đời, cha mẹ có thể cảm nhận được những hơi thở mạnh, có chút khò khè khi con đang trong giấc ngủ. Có thể bé còn chút dịch trong mũi. Bố mẹ cần vệ sinh mũi cho con hàng ngày sau khi tắm nhé. Hơn nữa, khi này hệ miễn dịch của con còn non nớt, rất dễ bị vi khuẩn, virus xâm nhập gây ra các chứng viêm đường hô hấp, dẫn đến biểu hiện bên ngoài là trẻ khó thở, thở khò khè, thở mạnh,...  

Trẻ sinh non và nhẹ cân dễ gặp các vấn đề về hô hấp.

Trẻ sinh non và nhẹ cân dễ gặp các vấn đề về hô hấp.

Hệ hô hấp của bé chưa hoàn thiện 

Rõ ràng là với một hệ hô hấp còn đang tiếp tục hoàn thiện thì việc bé chưa điều chỉnh được nhịp thở của mình là điều dễ hiểu. Và vì thế sẽ xuất hiện tình trạng thở mạnh, thở gấp, phập hồng ở bụng. Dần dần điều này sẽ thay đổi, nhịp thở của trẻ sẽ ổn định hơn.  

Bé bị dị ứng thời tiết 

Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, bụi bẩn, hay lông chó mèo,... khiến bé bị kích ứng dẫn đến các biểu hiện trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng thở mạnh.  

Lông chó, mèo có thể gây kích ứng, bít tắc đường thở khiến trẻ thở mạnh khi ngủ.

Lông chó, mèo có thể gây kích ứng, bít tắc đường thở khiến trẻ thở mạnh khi ngủ.

Bé đang bị một số bệnh lý 

Nếu việc bé thở mạnh bắt nguồn từ bệnh lý nào đó thì thường trẻ sẽ thể hiện sự khó chịu rõ ràng: Quấy khóc, bỏ bú,... Cha mẹ cần đặc biệt chú ý, nếu thấy trẻ thở rút lõm lồng ngực, nhịp thở gấp, nhanh, mạnh kèm theo da tím tái thì nguy cơ cao con đang bị mắc bệnh nghiêm trọng đường hô hấp. Có thể kể đến viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản,...  

Dấu hiệu để mẹ nhận biết bé thở mạnh khi ngủ 

Như đã nói từ đầu bài viết, việc nhận biết hiện tượng nhịp thở mạnh khi ngủ ở trẻ sơ sinh thực ra rất đơn giản nếu cha mẹ chịu khó quan sát, lắng nghe và cảm nhận tiếng thở của con. Trường hợp cha mẹ thấy bé sơ sinh thở mạnh, bụng phập phồng nhưng không thường xuyên, bé vẫn sinh hoạt, bú bình thường thì không cần quá lo lắng. Chỉ khi bé xuất hiện các dấu hiệu thở mạnh giống dưới đây được coi là nguy hiểm và phải theo dõi cho con đi thăm khám sớm:  

Ngực bé phập phồng thở mạnh 

Mẹ quan sát thấy bé thở mạnh kèm theo lồng ngực phập phồng. Vùng phập phồng lúc trẻ thở mạnh rồi hít vào xuất hiện tại phần ngực dưới tức là khoảng giữa ngực và bụng. Bình thường khi không khí vào phổi thì lồng ngực căng phồng ra chứ không hõm sâu vào trong. Vì thế, đây có thể là biểu hiện bất thường chứng tỏ trẻ đang khó thở. Khi bé thở càng nặng thì khả năng bé đã mắc bệnh viêm phổi, rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Cha mẹ nên ngay lập tức đưa con tới cơ sở Y tế gần nhất thăm khám, điều trị kịp thời. 

Trẻ sơ sinh thở mạnh ngực phập phồng có thể bé đã bị viêm phổi, viêm phế quản,...

Trẻ sơ sinh thở mạnh ngực phập phồng có thể bé đã bị viêm phổi, viêm phế quản,...

Bé thở khò khè, nặng nề 

Trẻ khò khè khi ngủ, tiếng thở nặng nề, khó khăn, nghe giống tiếng ngáy chứng tỏ rằng nắp thanh quản của bé bị phù nề khiến ống dẫn khí bị co thắt nên trẻ không thể thở bình thường được. Để kiểm tra chính xác xem tiếng thở của bé như thế nào, mẹ hãy ghé sát vào chỗ cánh mũi của con để nghe đồng thời quan sát nhịp thở. Ngoài ra, mẹ để ý thêm các biểu hiện khác của bé như: Ho, sốt, quấy khóc, chán ăn,... để khẳng định rằng trẻ đang gặp những khó chịu bên trong hay không và đưa trẻ đi thăm khám kịp thời.  

Ba mẹ cần làm gì khi thấy bé thở mạnh khi ngủ?

Tất nhiên là cha mẹ nào cũng sẽ cảm thấy bất an khi trẻ thở mạnh liên tục khi ngủ, nhất là trường hợp tiếng thở sâu và gấp. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể làm theo những cách sau để giúp con cảm thấy dễ chịu ngay tức thì.  

- Thay đổi tư thế ngủ cho con: Mục đích giúp hệ hô hấp của con hoạt động trơn tru hơn. Ngay khi mẹ thay đổi tư thế ngủ của bé, hãy lắng nghe xem tiếng thở của con còn mạnh nữa không. Nếu vẫn thấy bé thở mạnh, khò khè thì có thể bé đang có vấn đề gì đó về đường hô hấp.  

- Vệ sinh mũi cho con: Ngay từ khi con mới chào đời có thể bác sĩ đã hướng dẫn mẹ việc tự vệ sinh mũi cho bé tại nhà trong những ngày đầu sau sinh. Điều này giúp loại bỏ chất nhờn, bụi bẩn trong mũi, thông thoáng đường thở cho bé. Mẹ cũng nên nhớ luôn giữ khoang mũi của con sạch sẽ góp phần phòng ngừa các bệnh đường hô hấp nhất là trong thời tiết chuyển mùa, khó chịu. Để vệ sinh mũi cho con, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý, nhỏ trực tiếp vào mũi bé khoảng 2 giọt mỗi bên rồi lau khô; mỗi tuần làm 2-3 lần. Nếu bé liên tục thở mạnh khi ngủ, mẹ nâng số lần nhỏ nước muối sinh lý lên khoảng 2 lần/ngày. Lưu ý, thời tiết mùa đông lạnh thì mẹ nên ngâm để nước muối đủ ấm rồi hãy nhỏ cho con nhé.

Thói quen vệ sinh mũi giúp con thông thoáng đường thở.

Thói quen vệ sinh mũi giúp con thông thoáng đường thở.

Lưu ý rằng dù cha mẹ có tự tin về kỹ năng chăm sóc con nhưng vẫn không nên chủ quan nếu thấy trẻ thở mạnh và nhanh bất thường. Mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến việc trẻ bị biến chứng nặng, gặp nguy hiểm. 

Dấu hiệu nguy hiểm khi bé thở mạnh ba mẹ cần hết sức lưu ý 

Trẻ sơ sinh thở mạnh do yếu tố sinh lý, trẻ vẫn ngủ chơi ngoan thì hoàn toàn không đáng lo ngại. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây thì cha mẹ cần hết sức chú ý đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám cũng như điều trị đúng cách, tránh các hậu quả nặng nề. 

- Trẻ sơ sinh ngủ li bì, rất khó để đánh thức dậy. 

- Bỗng nhiên trẻ bỏ bú, bú kém (Chỉ bú được lượng rất nhỏ so với những ngày thường).

- Trẻ bị sốt liên tục, có lúc sốt cao.

- Da mặt trẻ tím tái, hơi thở mạnh kèm theo sự nặng nề kéo dài.

Trẻ thở mạnh, gấp kèm theo quấy khóc, sốt liên tục cần được đưa tới cơ sở Y tế thăm khám ngay.

Trẻ thở mạnh, gấp kèm theo quấy khóc, sốt cần được đưa tới cơ sở Y tế thăm khám ngay.

Rất nhiều phụ huynh vì sợ đến bệnh viện, không muốn cho con dùng kháng sinh mà cố gắng tự chữa cho con tại nha. Nhưng điều này sẽ khiến tình trạng sức khỏe của con trở nên xấu hơn và con có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Nên hãy là một người mẹ, người cha thông thái, bảo vệ con đúng cách, hãy đưa con tới bệnh viện ngay trong trường hợp này nhé.  

Những lúng túng trong lần đầu tiên thấy con thở mạnh khi ngủ sẽ mau chóng qua đi khi cha mẹ dần tích lũy được kinh nghiệm nuôi con. Cộng thêm những kiến thức trong bài viết này, chắc chắn cha mẹ sẽ càng tự tin hơn nữa để chăm sóc con khỏe mạnh. Nếu cần tư vấn thêm hoặc đặt lịch khám cho con với chuyên gia Nhi khoa, phụ huynh vui lòng nhắn tin tới m.me/benhviendakhoaphuongdong hoặc gọi hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

15,394

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám