Nhận biết Hạ đường huyết và cách xử trí đúng cách

Đào Thị Huyền

22-02-2022

goole news
16

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu xuống dưới mức bình thường, có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến nhất là ở những người bị tiểu đường đang sử dụng thuốc hạ đường máu. Tụt đường huyết nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn tới hôn mê và gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Dấu hiệu nhận biết là gì? Xử lý hạ đường máu như thế nào mới đúng cách? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường của mỗi người, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl), cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động gây nên các rối loạn cho cơ thể. Đây là tình huống cấp cứu vì nó có thể diễn biến nhanh chóng dẫn đến hôn mê, gây tử vong nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ mang lại hiệu quả tốt mà không để lại di chứng. 

Hạ đường huyết là khi cơ thể hị thiếu hụt glucoseHạ đường huyết là khi cơ thể hị thiếu hụt glucose

Khi phát hiện bệnh nhân bị tụt đường huyết cần thực hiện ngay việc nâng nồng độ đường trong máu lên.

Hạ đường máu có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng những nhóm đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao nhất:

  • Người bị bệnh tiểu đường và đang điều trị bằng thuốc hạ đường
  • Đối tượng nghiện bia rượu
  • Người bị viêm gan hoặc mắc các bệnh về thận và đang được điều trị
  • Người có khối u làm tăng tiết insulin trong cơ thể
  • Người mắc bệnh rối loạn nội tiết như suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Nguyên nhân tụt đường huyết có thể là do:

  1. Đối với người bệnh tiểu đường và đang điều trị bằng thuốc
  • Quá liều Insulin: thường gặp ở người bị đái tháo đường tiêm insulin liều cao
  • Ăn quá chậm sau tiêm insulin, ăn không đủ hoặc thiếu bữa phụ, bỏ bữa, ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin.
  • Uống thuốc quá liều, uống xa bữa ăn chính, không ăn nhưng vẫn dùng thuốc
  • Tự động uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ
  • Hoạt động thể lực quá sức gây mất năng lượng.

Ăn kiêng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyếtĂn kiêng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết

  1. Đối với người bệnh không bị tiểu đường
  • Bị bệnh suy gan nặng, suy gan kèm theo nhiễm trùng nặng
  • Nhịn ăn trong thời gian dài sau phẫu thuật tiêu hóa
  • Suy thượng thận, tuyến giáp
  • Uống nhiều bia rượu dẫn tới mất cân bằng nội tiết
  • Ngộ độc thuốc hạ đường huyết, ngộ độc rượu
  • Hạ thân nhiệt, có u tiết insulinoma
  • Tụt đường huyết do thai nghén.
  • Không ăn đúng bữa, để bụng đói quá lâu
  • Tập thể dục khi bụng đang đói
  • Chế độ ăn hàng ngày không đủ lượng đường bột cần thiết
  • Ăn kiêng không hợp lý.

Triệu chứng khi bị hạ đường huyết

  1. Biểu hiện chung của bệnh
  • Người bệnh cảm thấy mệt đột ngột không rõ nguyên nhân
  • Đau đầu, chóng mặt và lo âu
  • Tay chân có cảm giác nặng nề, mất sức
  • Da tái xanh là dấu hiệu tụt đường huyết
  • Vã mồ hôi ở lòng bàn tay và nách
  • Hồi hộp đến mức đánh trống ngực, lo âu, hốt hoảng, mất bình tĩnh
  • Tăng tiết nước bọt
  • Cảm giác ớn lạnh trong người chạy dọc theo sống lưng
  • Run rẩy tay là một trong các biểu hiện của tụt đường huyết.

Một số dấu hiệu của hạ đường máuMột số dấu hiệu của hạ đường máu

  1. Dấu hiệu tim mạch
  • Nhịp tim đập nhanh bất thường là dấu hiệu bị hạ đường huyết
  • Có thể bị nặng ngực, đau thắt vùng ngực.
  1. Dấu hiệu tiêu hóa
  • Cảm giác bụng đói cồn cào, nóng rát vùng dạ dày
  • Có thể có cả cơn đau co thắt dạ dày, đau vùng thượng vị
  • Buồn nôn, nôn.
  1. Dấu hiệu thần kinh
  • Trường hợp nặng có thể gây co giật thần kinh hoặc co giật kiểu động kinh khu trú. Dấu hiệu thần kinh khu trú là liệt nửa người, tổn thương thần kinh sọ, rối loạn cảm giác, vận động
  • Nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt cũng là một trong các biểu hiện tụt đường huyết
  1. Dấu hiệu tâm thần

Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng kích động, rối loạn nhân cách, nói cười vô cớ, ảo giác.

  1. Hôn mê

Đây là giai đoạn nặng của tụt đường huyết, có thể xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nhưng rất ít khi gặp. Thường xuất hiện nối tiếp các triệu chứng kể trên do không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng tụt đường huyết đột ngột ở người cao tuổi và người bệnh đái tháo đường thường không rõ, người bệnh khó nhận ra mình bị tụt đường huyết nên không thể xử lý kịp thời. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu sớm sẽ giúp xử trí, điều trị trước khi mức đường trong máu giảm sụt đến mức nguy hiểm từ đó hạn chế được nguy cơ tổn thương não bộ.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

So với tăng đường huyết thì hạ đường huyết nguy hiểm hơn nhiều vì nó có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời:

Biến chứng nguy hiểm của tụt đường huyếtBiến chứng nguy hiểm của tụt đường huyết

  • Ở người già nếu tụt đường trong máu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất cao.
  • Sẽ ảnh hưởng đến tri giác, hoạt động của hệ thần kinh, gây tổn thương đến não bộ.
  • Bệnh còn có thể gây co giật, hôn mê. Đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Xử trí hạ đường huyết đúng cách

  1. Xử trí khi bị hạ đường máu tại nhà

Khi bị tụt đường huyết đột ngột, người bệnh hoặc người thân cần xác định nhanh chóng tình trạng và xử trí nhanh bằng cách ăn một viên kẹo ngọt, bánh hoặc hoa quả có sẵn. Nếu vẫn không đỡ thì cần pha nước đường uống, dùng 15g đường (tương đương 3 thìa cà phê) pha với 100ml nước. Nếu gặp phải tình trạng nặng thì cũng xử trí tương tượng như vậy rồi mới đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu, xử trí bằng y khoa.

Ăn đồ ngọt là cách đơn giản nhất để xử lý khi bị hạ đường máuĂn đồ ngọt là cách đơn giản nhất để xử lý khi bị hạ đường máu

  1. Xử trí khi bị tụt đường huyết trong bệnh viện
  • Ngưng dùng các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin đang sử dụng
  • Trường hợp nhẹ, người bệnh vẫn tỉnh táo thì có thể xử trí tương tự như trên.
  • Trường hợp nặng, ý thức không tỉnh táo, không thể ăn, uống bằng đường miệng thì cần truyền đường glucose.
  • Tiêm tĩnh mạch 20- 50ml glucose 30%, nếu bệnh nhân chưa tỉnh có thể nhắc.

Hạ đường huyết nặng sẽ cần truyền đường GlucoseHạ đường huyết nặng sẽ cần truyền đường Glucose

  • Tiếp đến là truyền đường Glucose 5% (hoặc Glucose 10%) để duy trì đường huyết ở mức > 5.6 mmol/l.
  • Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da Glucagon 1mg: chỉ định cho bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng, không có khả năng ăn bằng đường miệng hoặc không thể đặt đường truyền tĩnh mạch ngay khi cấp cứu.
  • Bệnh nhân tỉnh: cho uống nước đường hoặc ăn thêm bữa, để tránh đường huyết tăng quá cao thì cần kiểm tra đường huyết 4 giờ/ lần.
  • Duy trì đường trong máu bằng glucose 10%
  • Chống phù não.

Cách phòng hạ đường huyết hiệu quả

Tụt đường huyết rất dễ gặp và diễn biến của bệnh rất nhanh vì vậy ngoài việc nắm được cách khắc phục, xử trí thì mỗi người, nhất là người đang điều trị tiểu đường nên chủ động phòng ngừa, kiểm soát lượng đường trong cơ thể hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng một số biện pháp đơn giản sau đây:

Một số biện pháp phòng ngừa hạ đường máuMột số biện pháp phòng ngừa hạ đường máu

  • Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, trước khi tập luyện thể dục cần ăn đủ lượng carbohydrate và có thể ăn nhẹ trong lúc tập nếu cần thiết
  • Ăn thêm các bữa phụ ngay khi thấy lượng đường trong máu có dấu hiệu xuống thấp hoặc khi các dấu hiệu bệnh mới xuất hiện
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết, tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc không có đơn hoặc ngưng dùng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm
  • Tốt nhất nên trữ sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, socola trong người để đề phòng bị tụt đường huyết thì có thể dùng ngay.

Vậy tụt đường huyết nên ăn gì? Hãy bổ sung protein (giúp làm giảm triệu chứng của bệnh) có trong thịt trắng, gia cầm, cá, trứng (ăn lòng trắng), đậu, đậu hũ, sữa đậu nành,...

Trên đây là toàn bộ thông tin về nhận biết triệu chứng và xử trí khi bị hạ đường huyết đúng cách. Mong rằng sẽ giúp mọi người an tâm và chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao với mức giá tốt nhất. Liên hệ ngay đến số Hotline 1900 1806 để được hỗ trợ nhanh nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,851

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám