Sinh thiết gan: Những điều cần biết trước và sau khi thực hiện

Bích Ngọc

19-02-2024

goole news
16

Sinh thiết gan là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác những bệnh lý về gan, đặc biệt là ung thư gan. Vậy sinh thiết gan là gì? Cần lưu ý gì trước và sau khi thực hiện sinh thiết? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông giải đáp những điều cần chú ý khi thực hiện sinh thiết gan qua bài viết dưới đây. 

1. Sinh thiết gan là gì?

Gan là một cơ quan có chức năng rất quan trọng, giúp cho cơ thể hoạt động và tồn tại:

  • Hỗ trợ đào thải các chất gây ô nhiễm trong máu. 
  • Giúp cơ thể phòng chống và ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng. 
  • Sản xuất protein và enzyme cần thiết trong quá trình vận hành trao đổi chất quan trọng. 
  • Lưu trữ vitamin và các dưỡng chất thiết yếu. 

Sinh thiết gan là thủ thuật lấy mô gan có kích thước nhỏ vừa đủ ra khỏi cơ thể để thực hiện kiểm tra, đánh giá trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi. Thủ thuật chọc sinh thiết được ứng dụng để hỗ trợ bác sĩ tìm ra các bệnh lý về gan. Dựa vào kết quả đó, bác sĩ sẽ có phương án điều trị bệnh phù hợp

Sinh thiết gan hỗ trợ trong chấn đoán các bệnh lý về ganSinh thiết gan hỗ trợ trong chẩn đoán các bệnh lý về gan

2. Khi nào cần thực hiện sinh thiết gan

Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm sinh thiết gan để giúp cho việc phát hiện và xác định mức độ gây tổn thương, tình trạng viêm, ung thư gan (nếu có). Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra nếu bệnh nhân gặp các biểu hiện sau:

  • Tình trạng đau bụng kéo dài.
  • Hệ thống tiêu hoá có những tổn thương bất thường. 
  • Vùng bụng trên phía bên phải xuất hiện khối u. 
  • Sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân. 

Bác sĩ thường yêu cầu thực hiện sinh thiết nếu xuất hiện khối u hoặc có khối trên gan, kết quả từ những kỹ thuật xét nghiệm gan khác có biểu hiện bất thường. 

Kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp CT, chụp X-quang có thể hỗ trợ bác sĩ vị trí cần kiểm tra, thăm khám. Tuy nhiên, chẩn đoán bằng hình ảnh sẽ không thể đưa ra kết luận chính xác và có phương án điều trị tối ưu. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện sinh thiết để có kết quả chính xác nhất. 

Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết khi có những nghi ngờ các bệnh về ganBác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết khi có những nghi ngờ các bệnh về gan

3. Chỉ định và chống chỉ định thực hiện sinh thiết gan

3.1. Chỉ định sinh thiết gan

Dưới đây là những trường hợp được chỉ định khi thực hiện sinh thiết

  • Mắc viêm gan nhiễm mỡ nhưng không phải do rượu bia. 
  • Xơ gan
  • Viêm gan B, C
  • Bệnh wilson di truyền (Gan bị ứ đọng đồng)
  • Gan bị ứ đọng sắt. 
  • Chứng viêm gan tự miễn. 
  • Các bệnh u gan điển hình như: U tuyến gan, ung thư đường mật, u máu, ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư di căn gan,...
  • Xơ gan mật nguyên phát. 

Thông thường, u gan hay được chỉ định thực hiện xét nghiệm sinh thiết, Gan có nhiều hình thức tổn thương dạng khối hay tổn thương lan toả. Có thể nhìn thấy thông qua các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp MRI (cộng hưởng từ), chụp CT (chụp cắt lớp vi tính). Trong một vài trường hợp không thể nhìn thấy rõ hình ảnh, bác sĩ sẽ khó khăn trong việc xác định tính chất của khối u là lành tính hay ác tính. Vì vậy, sinh thiết u gan là phương pháp cần thiết trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư. 

Ghi chú:

Sinh thiết là phương pháp tìm ra các bệnh lý của một cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư. Tuy nhiên không có nghĩa mắc bệnh ung thư nên bác sĩ mới chỉ định sinh thiết. Thủ thuật này còn giúp các vấn đề khác ngoài ung thư mà có phương pháp chẩn đoán không thể xác định chính xác. 

 

3.2. Chống chỉ định sinh thiết gan

Các trường hợp chống chỉ định sinh thiết gan, bao gồm có:

  • Bị nhiễm trùng máu. 
  • Tình trạng rối loạn đông máu: Tiểu cầu < 70 G/L, PT% < 70%, APTT > 40s, INR > 1,5. 
  • Bệnh nhân mắc bệnh suy hô hấp hoặc chứng rối loạn huyết động. 
  • Bệnh nhân không hợp tác thực hiện sinh thiết.

4. Các phương pháp sinh thiết gan

Hiện tại, kỹ thuật sinh thiết gan gồm có 3 loại là: Sinh thiết nội soi, sinh thiết qua đường tĩnh mạch tại cổ và sinh thiết qua da. Phương pháp được ứng dụng nhiều nhất đó sinh thiết qua da. 

4.1. Sinh thiết bằng nội soi

Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ, sau đó đưa ống nội soi vào. Trên đầu ống nội soi có gắn nguồn sáng và camera kết nối trực tiếp với màn hình. Lúc này, hình ảnh phía bên trong bụng sẽ hiện ra trên màn hình để bác sĩ tiếp cận đúng vị trí cần lấy mẫu. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật luồn kim qua một ống khác để lấy mẫu ra ngoài. 

4.2. Sinh thiết qua da

Trước khi thực hiện sinh thiết, người bệnh sẽ được gây mê cục bộ. Một loại kim chuyên dụng được bác sĩ dùng để đâm vào các mô dưới da, đi qua cơ liên sườn và phúc mạc đến tiếp cận với gan. Khi đó, bác sĩ sẽ lấy một mảnh gan nhỏ để tiếp hành thực hiện xét nghiệm sinh thiết.

Phương pháp sinh thiết gan qua daPhương pháp sinh thiết gan qua da

4.3. Sinh thiết qua đường tĩnh mạch tại cổ

Với phương pháp sinh thiết qua đường tĩnh mạch, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở cổ của bệnh nhân. Sau đó, đưa một ống nhựa thông qua đường đã rạch để luồn xuống gan và lấy mẫu mô ở gan. Phương pháp này thường được thực hiện đối với những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu dưới chỗ gây tê. 

5. Quy trình thực hiện sinh thiết

5.1. Những lưu ý trước khi thực hiện sinh thiết

Trước khi thực hiện sinh thiết gan, bệnh nhân cần có sự chuẩn bị tốt để giúp sinh thiết diễn ra an toàn, thuận lợi, cụ thể như: 

  • Bệnh nhân sẽ được các y bác sĩ tư vấn về quy trình thực hiện sinh thiết. Nếu có bất kỳ câu hỏi, thắc mắc nào người bệnh có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ. 
  • Người bệnh phải cung cấp về tiền sử bệnh lý, đặc biệt là chứng rối loạn chảy máu. Bác sĩ cần được biết về tiền sử dị ứng, nhạy cảm với mủ cao su, băng dán, thuốc gây mê hay bất kì thành phần nào của thuốc. 
  • Nếu đang mang thai hoặc có đang nghi ngờ đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ để đảm bảo trong quá trình sinh thiết. 
  • Cung cấp thông tin về các loại thuốc đang sử dụng kể cả thuốc có kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin,... Trước khi thực hiện sinh thiết, có thể bạn sẽ được yêu cầu tạm ngưng sử dụng một vài loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trước khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân có thể được chỉ định làm xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp CT, chụp MRI,... Điều này hỗ trợ các bác sĩ xác định được vị trí chính xác khu vực tổn thương và vị trí phù hợp để đưa kim sinh thiết vào. 
  • Trước khi sinh thiết, bệnh nhân được yêu cầu không ăn uống gì trong khoảng từ 6-8 tiếng.

Chụp MRI hỗ trợ bác sĩ xác định vị trí cần thực hiện sinh thiếtChụp MRI hỗ trợ bác sĩ xác định vị trí cần thực hiện sinh thiết

5.2. Quy trình thực hiện sinh thiết gan

Thực hiện sinh thiết gan diễn ra khoảng từ 30-120 phút, nếu thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm trong phòng phẫu thuật. Vị trí cần lấy mẫu sẽ được xác định thông qua siêu âm. 

Trước khi đưa kim sinh thiết thì khu vực da xung quanh sẽ được sát trùng sạch, lông sẽ được cạo nếu cần. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Kế tiếp, sử dụng kim sinh thiết chuyên dụng xuyên qua da vào gan để lấy mẫu hoặc dùng dao mổ để thực hiện lấy một mảnh nhỏ của gan. Sau đó sẽ dùng gạc để băng vết thương. 

Mẫu bệnh phẩm sẽ được đem đi giải phẫu và mất khoảng từ 5-10 ngày. 

5.3. Sau khi thực hiện sinh thiết gan

Mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy ra sẽ được giải phẫu ở phòng thí nghiệm. Bệnh nhân được di chuyển đến phòng hồi sức sau khi thực hiện xong quá trình sinh thiết. Nhân viên y tế sẽ theo dõi nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của bệnh nhân. 

Người bệnh cần nghỉ ngơi sau khi sinh thiết xong trong khoảng 2-4 tiếng. Vài giờ sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu máu để kiểm tra, đánh giá tình trạng mất máu bên trong. 

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe và vết thương sau khi sinh thiết. Hình thức chăm sóc sẽ khác nhau tùy theo phương pháp sinh thiết. 

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bệnh nhân có những biểu hiện như: Đau ngực, khó thở, vị trí sinh thiết chảy máu hoặc tiết dịch lạ, sốt trên 38°C, xuất hiện các cơn ớn lạnh, đau bụng,...

Kết quả sinh thiết sẽ được bác sĩ thông báo vào ngày hẹn tái khám lần tiếp theo. Nếu gặp các bệnh lý về gan, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp vào ngày thông báo kết quả. 

Kết quả sinh thiết sẽ được thông báo sau 5-10 ngày sau khi sinh thiết ganKết quả sinh thiết sẽ được thông báo sau 5-10 ngày sau khi sinh thiết gan

6. Những rủi ro khi thực hiện sinh thiết gan

Sinh thiết gan là thủ thuật an toàn khi được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao. Tuy nhiên, sinh thiết vẫn sẽ tiềm ẩn một số những rủi ro, biến chứng như: 

  • Đau: Vị trí thực hiện sinh thiết bị đau là biến chứng khá phổ biến. Điều này khiến bệnh nhân hơi khó chịu, để giảm bớt cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau. 
  • Xuất hiện tình trạng chảy máu: Sau khi sinh thiết có thể bị chảy máu. Trường hợp người bệnh bị chảy máu nhiều thì cần đến các cơ sở y tế để cầm máu hoặc tiến hành truyền máu. 
  • Bị nhiễm trùng: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu hoặc khoang bụng. 
  • Các cơ quan lân cận bị tổn thương: Kim sinh thiết có thể tác động đến cơ quan nội tạng khác trong lúc thực hiện lấy mẫu. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xảy ra. 

Thực hiện sinh thiết gan tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông Thực hiện sinh thiết gan tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông 

7. Kết luận

Sinh thiết gan là một thủ thuật y khoa để xác định chính xác bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải. Vì vậy, lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao để có phương án điều trị bệnh phù hợp.

Để Đặt lịch khámsinh thiết gan, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời.

1,271

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám