Mỗi năm, ở Việt Nam ghi nhận khoảng 700.000 trường hợp bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có tới 90% trẻ bị suy dinh dưỡng nặng nhưng không được điều trị. Một trong những thể suy dưỡng dinh cấp tính mà nhiều trẻ gặp phải là suy dinh dưỡng thể kwashiorkor (thể phù). Vậy sinh dinh dưỡng thể kwashiorkor là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh là gì và phương pháp điều trị bệnh như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor là gì?
Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor (thể phù) là hội chứng rối loạn dinh dưỡng khiến cơ thể tích nước gây phù nề ở các cơ quan, bộ phận trong và ngoài cơ thể.
Đối với bệnh nhân mắc suy dinh dưỡng thể phù, màng tế bào bị rò rỉ gây thất thoát hoặc tràn dịch chất lỏng nội mạch cùng protein, từ đó gây phù nề ở các bộ phận trên cơ thể.
Ngoài suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus) thì suy dinh dưỡng thể phù cũng là một trong những thể suy dinh dưỡng cấp tính khá hiếm gặp tại Việt Nam. Ngoài ra, trẻ mắc suy dinh dưỡng thể phù thường có thân hình to nên các triệu chứng cận lâm sàng ban đầu thường rất khó phát hiện hiện.
Đối tượng thường mắc bệnh suy dinh dưỡng thể phù hầu hết là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (từ 1-3 tuổi).
Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor là rối loạn dinh dưỡng khiến cơ thể tích nước gây phù nề
Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng thể phù
Chế độ dinh dưỡng thiếu protein là nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor ở trẻ. Cụ thể:
- Trong cơ thể, mỗi tế bào đều cần một lượng protein để sửa chữa và sản sinh ra các tế bào mới.
- Cơ thể nếu thiếu protein, sự tăng trưởng và chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng, gây ra chứng suy dinh dưỡng thể phù.
Bệnh thường dễ bắt gặp ở khu vực vùng sâu vùng xa của các quốc gia nghèo đói và lạc hậu. Bởi vì phần lớn thực phẩm hàng ngày chủ yếu là khoai, sắn, chuối xanh,... những loại thực phẩm chứa ít protein.
Ngoài ra, hội chứng suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor còn có thể gặp ở một số nhóm trẻ như:
- Trẻ không được bú, phải dừng sữa mẹ từ sớm.
- Trẻ có tiền sử mắc chứng rối loạn suy dinh dưỡng Protein-Năng lượng, mắc cả những bệnh cấp tính như viêm dạ dày, viêm ruột,...
Trẻ phải dừng bú mẹ từ sớm có nguy cơ mắc hội chứng suy dinh dưỡng thể phù
Biểu hiện của trẻ khi bị suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor
Một số dấu hiệu của hội chứng suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor ở trẻ, bao gồm:
- Xuất hiện tình trạng phù nề từ mắt cá chân đến bàn chân và lan rộng đến bụng và toàn cơ thể.
- Vùng phù nề có màu da nhợt nhạt, tái hoặc trắng mềm, khi ấn vào sẽ lõm và có cảm giác mọng nước.
- Vùng cơ thể không gặp tình trạng phù nề sẽ gầy gò, hốc hác.
- Tóc dần chuyển sang vàng nâu, giống bị cháy nắng.
- Vùng da ở cẳng tay, bẹn và mông xuất hiện ban đỏ, sau đó chuyển dần sang màu thâm đen và bong da, vùng da đó sẽ mỏng và dễ bị nhiễm trùng.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc viêm phổi.
Biến chứng của suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor
Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, hội chứng suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ thường đi kèm với sự thiếu hụt vitamin A, thiếu sắt, suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ dễ nhiễm trùng và nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng khiến bạch cầu trong máu sản sinh nhiều kháng thể cytokine, làm giảm cơ thể yếu và giảm nồng độ albumin (một protein có nhiệm vụ duy trì sự cân bằng nước trong máu và gây phù nề).
Do đó, khi mắc suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor kèm các bệnh cấp tính sẽ khiến trẻ chậm hoặc không phát triển bình thường, cân nặng không đạt tiêu chuẩn và gây còi cọc vĩnh viễn.
Nếu thiếu hụt protein trong thời gian dài, trẻ có thể bị hôn mê, suy đa tạng và có tác động xấu đến thể chất và tinh thần của trẻ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc suy dinh dưỡng có thể cao hơn 5-20 lần so với trẻ khỏe mạnh bình thường.
Suy dinh dưỡng thể phù có thể khiến trẻ chậm phát triển
Phương pháp chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng thể phù
Để xác định trẻ có bị mắc suy dinh dưỡng thể phù hay không, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Gan và thận là hai cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh:
- Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm, chụp X-quang hoặc MRI để tầm soát gan và thận.
- Đo hàm lượng protein, khoáng chất, ure, creatinin và lượng đường huyết của trẻ qua xét nghiệm máu và nước tiểu.
Phương pháp điều trị bệnh
Phần lớn trẻ mắc suy dinh dưỡng thể phù có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị sớm bằng cách bổ sung thêm năng lượng (calo) và lượng đạm (protein) vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Trong thời gian đầu, lượng calo bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của trẻ sẽ tăng dần. Lúc này, chế độ ăn của trẻ ưu tiên những thực phẩm đa dạng, đủ chất như tinh bột, chất béo và protein. Không chỉ tập trung bổ sung một nhóm chất vào bữa ăn của bé.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp trẻ khắc phục tình trạng
Biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ
Để phòng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng thể kwashiorkor ở trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ nên bú mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, từ tháng thứ 6 trở đi, ngoài bú mẹ, trẻ sẽ bắt đầu kết hợp ăn dặm để theo kịp nhu cầu dinh dưỡng. Do đó, mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ lúc này. Cụ thể như:
- Đảm bảo bổ sung hàm lượng calo phù hợp: Mẹ nên bổ sung trong mỗi gam thức ăn của trẻ chứa tối thiểu 2 calo.
- Đảm bảo độ đặc thích hợp: Khi pha bột, nên để bột nguội bớt sau đó cho một ít dầu ăn để đảm bảo độ đặc của bột đồng thời tăng hàm lượng protein và năng lượng trong bữa ăn.
- Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng: Mẹ nên bổ sung đầy đủ nhóm chất trong chế độ ăn hàng ngày như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, kéo dài ít nhất 2 năm và có thể cho trẻ uống sữa công thức.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hơn nữa, trong sữa mẹ có globulin miễn dịch, lysozyme, lactoferrin,... tốt cho hệ thống đường ruột, tăng sức đề kháng và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng của trẻ.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ
Để ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ, ngoài việc cho trẻ bú mẹ thường xuyên và đảm bảo dinh dưỡng, mẹ cần chú ý những điều sau:
- Bổ sung đủ vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là vitamin D và Axit folic (vitamin B9) và sắt.
- Nên bổ sung 2 đợt vitamin A liều cao và tẩy giun định kỳ 6 tuổi trở xuống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Xây dựng thực đơn phong phú để kích thích trẻ ăn ngon miệng.
- Cho trẻ tham gia những hoạt động thể chất thường xuyên.
- Đưa trẻ đi khám sức khỏe và thực hiện xét nghiệm vi chất định kỳ.
Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để phát hiện các bệnh lý từ sớm
Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor là một thể suy dinh dưỡng ít phổ biến ở Việt Nam tuy nhiên chúng có thể ảnh hưởng nhiều đến thể chất của trẻ. Khi mắc bệnh, trẻ có dấu hiệu sưng phù ở các bộ phận trên cơ thể kèm theo những bệnh liên quan đến gan, thận, đường tiêu hóa,... Vì các triệu chứng cận lâm sàng của bệnh không quá rõ ràng nên rất khó phát hiện.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng cha mẹ có thêm thông tin về suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor. Mặc dù bệnh không phổ biến tại Việt Nam nhưng chúng có thể gặp ở trẻ nếu không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và thăm khám, kiểm tra vi chất định kỳ.
Nếu Quý khách quan tâm đến Xét nghiệm vi chất định kỳ cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có thể liên hệ số Hotline 1900 1806 hoặc điền thông tin tại Đặt lịch khám để được nhân viên liên hệ và tư vấn nhanh chóng.