Cảnh giác với nguy cơ mắc thận nhiễm mỡ

Thiên Hương

14-01-2023

goole news
16

Thận nhiễm mỡ là căn bệnh có thể mắc ở nhiều lứa tuổi. Nếu không kịp thời phát hiện những dấu hiệu của bệnh, người bệnh sẽ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Thông qua bài viết dưới đây, bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh và cách phòng ngừa. 

Thận nhiễm mỡ là gì? 

Thận nhiễm mỡ là sự tích tụ các tế bào mỡ trong ống thận. Đây là bệnh tự miễn xuất phát do hệ thống miễn dịch của cơ thể. 

Khác với những người khoẻ mạnh, chức năng hoạt động của thận ở những người mắc hội chứng này sẽ suy giảm, dẫn đến chất đạm (protein) thoát ra ngoài qua đường tiểu. Những triệu chứng thường gặp bao gồm: giảm protein, tăng lipid máu, cơ thể bị phù kèm theo tình trạng tiểu ít, kén ăn và sụt cân. 

Hình ảnh thận nhiễm mỡ.

Hình ảnh thận nhiễm mỡ.

Các nguyên nhân gây ra bệnh thận nhiễm mỡ

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng thận này, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân do bệnh lý.

Hội chứng thận hư nguyên phát

Đây là hội chứng được chẩn đoán khi nguyên nhân gây ra thận nhiễm mỡ xuất phát từ chính cơ quan trong cơ thể, trong đó có cả thận. Khi đó, chức năng hoạt động của thận bị suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng thường gặp là viêm phù toàn thân, tiểu ra đạm, đạm trong máu giảm nhưng mỡ lại tăng. 

Hội chứng thận hư thứ phát

Khi nguyên nhân gây bệnh không phải do chính thận gây ra, nhưng có liên quan đến thận và gây tác động xấu cho toàn thân gọi là “hội chứng thận hư thứ phát”. Đây là trường hợp ống cầu thận có dấu hiệu nhiễm mỡ nhưng cầu thận hoàn toàn bình thường. Đến lúc xét nghiệm thì nồng độ protein (chất đạm) trong máu và niệu lại tăng cao. 

Đối với bệnh nhân thận hư thứ phát, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến chất đạm thoát ra bằng đường tiểu, dẫn đến phù nề. 

Dư thừa protein trong nước tiểu

Ở người bình thường, protein sẽ được thận tái hấp thụ nên có rất ít hoặc gần như không có sự xuất hiện của protein trong nước tiểu. Khi bị mắc bệnh lý này, chỉ số protein niệu cao hơn 3,5g/ 24 giờ.  

Nếu protein bị dư thừa trong nước tiểu sẽ khiến sức đề kháng bị suy giảm, dễ bị nhiễm trùng do protein trong máu bị giảm. Ngoài ra, nồng độ protein niệu cao hơn mức bình thường sẽ gián tiếp khiến bệnh nhân đi tiểu ít hơn. Từ đó, cơ thể bị ứ nước và gây hiện tượng phù. 

Chỉ số protein niệu cao hơn bình thường

Chỉ số protein niệu cao hơn bình thường.

Sinh hoạt kém khoa học

Việc có chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây bệnh thận nhiễm mỡ. Đặc biệt, với những ai thích đồ ăn mặn, đồ ăn dầu mỡ thì sẽ làm gia tăng áp lực làm việc cho thận.

Bên cạnh đó, nếu thường xuyên thức khuya, sử dụng rượu bia, chất kích thích và có chế độ nghỉ ngơi không điều độ sẽ khiến thận làm việc nhiều hơn. Để tình trạng trên tiếp diễn thường xuyên, chức năng hoạt động của thận sẽ bị suy giảm và dẫn đến những bệnh lý liên quan đến thận. 

Mỡ máu tăng

Chỉ số mỡ trong máu tăng làm giảm áp lực keo máu gây tình trạng rối loạn điều chỉnh tổng hợp protein, từ đó lipid máu tăng và xuất hiện các thể mỡ trong nước tiểu. 

Albumin máu giảm

Albumin là 1 loại protein quan trọng trong cơ thể, chỉ số này trong máu luôn được duy trì ổn định và biến động trong giới hạn cho phép. Ở trẻ sơ sinh hàm lượng albumin là 20-45g/L, ở trẻ nhỏ là 40-59g/L, ở người bình thường là 35-50g/L. 

Nếu hàm lượng albumin trong cơ thể giảm so với tiêu chuẩn thì rất có thể bạn đang mắc bệnh lý thận nhiễm mỡTrong nhiều trường hợp, di chứng của các bệnh khác như viêm thận, viêm cầu thận, xơ cầu thận,... cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh thận nhiễm mỡ

Những dấu hiệu nhận biết bệnh thận nhiễm mỡ

Cơ thể bị phù

Khi được chẩn đoán bị thận hư nhiễm mỡ, màng lọc cầu thận bị tổn thương dẫn đến sự gia tăng kích thước các lỗ lọc. Ngoài ra, các điện tích âm giảm thấp sẽ khiến albumin trong máu thoát ra bên ngoài. 

Chỉ số albumin thấp hơn bình thường sẽ gây lượng đạm trong máu giảm nhanh, cơ thể không kịp tổng hợp để bù lại lượng thiếu hụt. Khi protein bị thất thoát làm áp lực keo yếu dần, nước trong lòng mạch dễ dàng thoát ra ngoài gây bệnh phù toàn thân. Biểu hiện rõ nhất là tay chân bị phù lên nhanh chóng. 

Trong nhiều trường hợp, thận nhiễm mỡ còn biến chứng như tăng cholesterol, tăng triglycerid dẫn đến mỡ máu cao,và có nguy cơ đột quỵ. 

Biểu hiện rõ nhất là cơ thể bị phù lên nhanh chóng.

Biểu hiện rõ nhất là cơ thể bị phù lên nhanh chóng.

Chán ăn, sụt cân nhanh chóng

Thận được biết đến là cơ quan chuyên đào thải chất độc trong cơ thể. Nếu thận bị suy giảm, chịu nhiều tổn thương sẽ làm chức năng này suy giảm ảnh hướng đến quá trình bài tiết, loại bỏ độc tố. Khi cơ thể tích tụ nhiều chất độc dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống. 

Các bệnh nhân thường mất cảm giác ngon miệng, chán ăn. Nếu tình trạng này tiếp diễn báo động sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể, từ đó người bệnh sụt cân nhanh chóng. 

Đi tiểu ít, nước tiểu vàng sánh

Tần suất đi tiểu ít hơn bình thường là một trong những biểu hiện của hội chứng thận nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do cơ thể bị ứ nước trong gian bào nên lượng nước tiểu được bài tiết xuống bàng quang ít hơn. Bên cạnh đó, màu nước tiểu sẽ vàng đậm hơn người khoẻ mạnh do lượng nước ở bàng quang ít. 

Các triệu chứng cận lâm sàng

Khi tiến hành xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của những người bị mắc bệnh này sẽ có chung những đặc điểm sau: 

  • Chỉ số về protein niệu cao hơn mức bình thường (Tăng lên >=3,5g/24h).
  • Chỉ số protein trong máu giảm (Giảm xuống <60g/l).
  • Hàm lượng lipid và cholesterol trong máu cao hơn mức cho phép.

Những biến chứng của thận hư nhiễm mỡ

Nhiều người khi mắc bệnh này thường không chú trọng chăm sóc sức khỏe nên dễ dàng gặp những biến chứng nguy hiểm như:

Hàm lượng Cholesterol và Triglycerid tăng

Chỉ số albumin bị giảm thấp hơn tiêu chuẩn tạo sức ép lên gan hoạt động nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt albumin trong máu. Quá trình này sản sinh ra nhiều Cholesterol và Triglycerid gây hại cho tim mạch.  

Xuất hiện các cục máu đông

Hoạt động lọc máu ở cầu thận diễn ra không đúng cách khiến protein có tác dụng chống đông máu bị thất thoát ra bên ngoài. Tình trạng này làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch dẫn đến tắc nghẽn tĩnh mạch, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch.

Xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch.

Biến chứng thận cấp tính

Đây là một biến chứng nguy hiểm của thận nhiễm mỡ. Bệnh nhân nếu không được điều trị tốt sẽ gây ra những tổn thương cấp tính ở thận. Điều này làm giảm chức năng lọc máu ở thận dẫn đến người bệnh cần phải lọc máu để tránh nguy cơ tử vong.

Biến chứng bệnh thận mãn tính, suy thận

Nếu tình trạng hội chứng này kéo dài trong nhiều năm sẽ gây tổn thương mãn tính tại thân gây suy thận. Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân nên tiến hành chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận từ người hiến tặng để duy trì sự sống.

Bên cạnh đó, thận nhiễm mỡ còn làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng, cao huyết áp, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, u nang tuyến cận giáp thứ phát và viêm phúc mạc. 

Cách điều trị thận nhiễm mỡ bằng thuốc do bác sĩ kê đơn

Hiện nay, có nhiều cách điều trị những biến chứng do hội chứng thận hư gây ra như bệnh thận mãn tính, tắc nghẽn mạch máu,...Vì thế, để tránh bệnh kéo dài và nặng hơn bệnh nhân nên chủ động thăm khám tại cơ sở y tế khi phát hiện có dấu hiệu bệnh.

Sử dụng thuốc lợi tiểu

Người bệnh được chỉ định thuốc lợi tiểu sẽ hỗ trợ quá trình đào thải nước và muối tại thận. Khi sử dụng, triệu chứng phù nề sẽ giảm đáng kể và bệnh nhân thường xuyên đi tiểu nhiều hơn. Những thuốc lợi tiểu thường dùng là Lasix, Verospiron,... 

Truyền Albumin máu

Trong các trường hợp bị thiếu hụt trầm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm hoặc truyền albumin qua đường tĩnh mạch. Albumin có nhiệm vụ duy trì áp lực keo, giữ cho nước không bị rò rỉ qua thành mạch.

Sử dụng thuốc giảm huyết áp

Những ai mắc căn bệnh này thường bị tăng huyết áp, do đó cần sử dụng thuốc hạ huyết áp như Renitec, Zestril hay Coversyl,... để ổn định chỉ số huyết áp. 

Sử dụng thuốc kháng sinh

Đây phương pháp dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng, viêm đài bể thận, viêm đường tiết niệu. Kháng sinh sẽ ức chế hoạt động của vi khuẩn, làm lành những tổn thương bề mặt do các ổ viêm nhiễm gây nên.

Thuốc kháng sinh dành cho trường hợp bị nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh dành cho trường hợp bị nhiễm trùng.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Tây y, bệnh nhân được yêu cầu theo dõi lượng nước tiểu ra hằng ngày, trọng lượng cơ thể và chỉ số huyết áp trong 24 tuần. Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ để bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu, chỉ số protein niệu, creatinin, albumin hay lipid máu là điều cần thiết

Người bệnh thận nhiễm mỡ nên ăn gì? 

Nếu chỉ sử dụng thuốc được kê đơn mà không có thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ khiến việc điều trị thận hư nhiễm mỡ càng kéo dài. Vì vậy, sau đây là những thực phẩm cần được bổ sung hỗ trợ cải thiện chức năng của thận: 

Thực phẩm chứa nhiều chất đạm, trừ các loại thịt đỏ

Việc bổ sung chất đạm là điều cực kỳ quan trọng để duy trì hoạt động sống của cơ thể. Protein trong thịt đỏ sẽ làm tăng ure trong máu gây bất lợi cho thận. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng thịt nạc có màu nhạt như: thịt gà, thịt vịt, tôm, cua, cá, trứng,... trong mỗi bữa ăn để bù đắp lượng đạm bị thất thoát. 

Tuy nhiên, bệnh nhân cần tránh ăn quá nhiều vì thừa đạm sẽ khiến thận hoạt động nhiều hơn. 

Thực phẩm chứa nhiều các loại vitamin, khoáng chất

Những ai mắc bệnh nên bổ sung những rau xanh, hoa quả giàu chất khoáng, đặc biệt là vitamin D và sắt để thúc đẩy quá trình đào thải độc tố của thận. Những loại thực phẩm khuyên dùng là măng tây, rau chân vịt, rau cải xoăn, cam, xoài, đu đủ,...

Chất béo không bão hoà tốt cho thận

Bệnh nhân cần bổ sung chất béo có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là thận để tăng khả năng hoạt động của thận. Bên cạnh đó, chất béo này rất cần thiết cho sức khỏe hệ tim mạch. 

Những thực phẩm giàu chất béo không bão hoà này bao gồm: 

  • Trái cây: quả bơ
  • Các loại cá: cá trích, cá mòi, cá hồi,...
  • Dầu thực vật: dầu lạc, dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành
  • Các loại hạt: hạt điều, hạnh nhân, lạc, hồ đào,...

Cần bổ sung thực phẩm chứa chất béo không bão hoà.

Cần bổ sung thực phẩm chứa chất béo không bão hoà.

Ngoài chú ý chế độ ăn, người mắc bệnh thận nhiễm mỡ cần uống các loại sữa chứa thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ như sữa tươi, sữa chua để cải thiện chức năng bài tiết.

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải các độc tố của cơ thể ra bên ngoài. Khi chức năng thận bị tổn thương dẫn đến suy giảm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, chúng ta nên theo dõi sức khỏe thường xuyên và chủ động thăm khám bác sĩ khi phát hiện những triệu chứng bất thường của cơ thể. 

Bệnh viện Đa Khoa Phương Đông luôn đồng hành cùng các bạn trong quá trình thăm khám và sẵn sàng giải đáp những vấn đề mà bạn gặp phải. Nếu bạn cần tư vấn, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn đặt lịch hẹn.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,001

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám