Đi tiểu có máu là tình trạng dễ gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Nhưng tiểu ra máu ở nữ giới thì nguyên nhân là gì và làm sao điều trị dứt điểm không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản?
Đi tiểu có máu là tình trạng dễ gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Nhưng tiểu ra máu ở nữ giới thì nguyên nhân là gì và làm sao điều trị dứt điểm không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản?
Tiểu ra máu ở nữ giới là tình trạng chị em đi tiểu có lẫn máu (hồng cầu) trong nước tiểu. Khi đó, nước tiểu có màu hơi ngả vàng hoặc màu đỏ, màu hồng, màu coca. Một số trường hợp chị em có thể cảm thấy tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu lợn cợn hoặc bị đau bụng dưới,...
Nước tiểu là chất thải của thận giúp phản ánh một phần tình trạng sức khỏe nên nếu gặp hiện tượng đi tiểu ra máu bất thường (không phải trong kỳ kinh nguyệt) thì khả năng chị em đang gặp bệnh lý nào đó. Để biết chính xác căn nguyên chứng tiểu ra máu cần đi thăm khám trực tiếp với bác sĩ và làm các xét nghiệm cần thiết.
Hình ảnh nước tiểu có chứa hồng cầu (máu) mà chị em cần lưu ý.
Dựa vào nồng độ hồng cầu và mức độ hiện diện của máu trong nước tiểu mà người ta phân ra làm 2 loại tiểu ra máu gồm: Tiểu ra máu đại thể và tiểu ra máu vi thể.
- Về tiểu ra máu đại thể: Nghĩa là lượng máu trong nước tiểu khá nhiều hòa quyện làm thay đổi màu sắc nước tiểu hoặc dạng tia sợi trong nước tiểu nên chị em dễ dàng quan sát thấy bằng mắt thường. Tùy thuộc mức độ nặng nhẹ mà nước tiểu sẽ có màu đỏ sẫm, màu hồng hoặc máu cục, lắng cặn.
- Về tiểu ra máu vi thể: Nước tiểu chứa lượng hồng cầu nhất định nhưng không đủ để thể hiện sự hiện diện của mình nên bằng mắt thường sẽ không nhìn thấy sự khác biệt so với nước tiểu bình thường. Nhưng khi xét nghiệm nước tiểu thì có tới trên 10.000 hồng cầu/ml nước tiểu.
Tiểu ra máu đại thể (bên trái) và tiểu ra máu vi thể (bên phải).
Ngoài ra, hiện tượng tiểu ra máu ở phụ nữ do sinh lý bình thường dễ bị ngộ nhận là bất thường như:
- Đến kỳ kinh nguyệt: Chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt, chị em cũng có thể thấy xuất hiện chút máu khi đi tiểu. Trong suốt kỳ kinh đến những ngày cuối kỳ kinh, nước tiểu của chị em cũng hay lẫn máu.
- Sau khi quan hệ: Tiểu ra máu sau khi quan hệ ở nữ nghĩa là trong nước tiểu của chị em có thể dính chút máu do quá trình quan hệ cọ xát mạnh gây tổn thương âm đạo.
- Màu nước tiểu thay đổi do màu thực phẩm: Nếu chị em có ăn các loại quả như thanh long đỏ, mâm xôi, dâu đen hay củ dền,... thì màu sắc của các loại quả này cũng có thể làm thay đổi màu nước tiểu.
Đi tiểu ra máu ở nữ giới là bệnh gì? Đây hẳn là điều mà các chị em muốn biết khi bỗng dưng thấy nước tiểu lẫn máu. Ngoại trừ các trường hợp sinh lý kể trên (Đến kỳ kinh nguyệt, ăn các loại quả màu đậm, vừa quan hệ xong) thì đa số trường hợp đều bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý.
Đây là nguyên nhân chính khiến nước tiểu có lẫn máu kéo dài bởi thận là bộ phận bài tiết nước tiểu. Nước tiểu chứa máu thường do thận có sỏi; sỏi này hình thành khi cơ thể bị dư thừa khoáng chất, lắng đọng ở thận, bàng quang, niệu quản,... Theo thời gian kích thước sỏi to dần lên với các cạnh sắc có thể làm trầy xước niêm mạc các cơ quan bộ phận liên quan. Từ đó dẫn đến máu chảy ra hòa lẫn vào nước tiểu hay còn gọi là hiện tượng tiểu ra máu. Nếu bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, chị em sẽ kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu như: Tiểu nước đục, tiểu thường xuyên, tiểu buốt, đau hai bên sườn,...
Bên cạnh đó, chứng thận đa nang, viêm thận - bể thận, viêm cầu thận cấp, lao thận,... cũng gây ra hiện tượng tiểu ra máu ở phụ nữ. Nghiêm trọng hơn là tiểu ra máu cảnh báo nguy cơ cao bị ung thư thận (Tỷ lệ 70%). Lúc này, chị em đi tiểu không thấy đau rát nhưng máu ra nhiều và nước tiểu đậm màu; khi siêu âm sẽ thấy hố chậu có khối u.
Bệnh lý về thận, đặc biệt sỏi thận là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng tiểu ra máu ở nữ giới và cả nam giới.
Nhiễm trùng đường tiết niệu hay các bệnh lý về niệu đạo khá phổ biến ở nữ giới, khoảng 40-60% chị em từng bị mắc bệnh (Theo thống kê của Viện Tiểu đường Bệnh tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ).
- Chị em thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn từ ruột xâm nhập vào niệu đạo, ống dẫn tiểu. Các dấu hiệu cảnh báo là: tiểu ra máu, tiểu buốt, nước tiểu có mùi, xuất hiện các cơn đau vùng thắt lưng, đau bụng, đau bụng dưới.
- Polyp xuất hiện tại niệu đạo cũng gây ra tổn thương chảy máu, từ đó, máu lẫn vào nước tiểu gây ra hiện tượng tiểu máu. Bệnh có thể được phát hiện nhờ kỹ thuật nội soi.
Các vấn đề thường gặp ở bàng quang như: viêm bàng quang do virus, ung thư bàng quang, sỏi bàng quang,... Biểu hiện ban đầu của bệnh về bàng quan không liên tục, ngày có ngày không nhưng chị em sẽ thấy: Tiểu ra máu, nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó, sưng bàn chân,... Bệnh được phát hiện dễ dàng qua siêu âm, nội soi. Do đó, nếu cảm thấy cơ thể có những bất thường, chị em nên đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Như đã nói ở trên, tình trạng nước tiểu lẫn máu cảnh báo nguy cơ ung thư thận, ung thư bàng quang,... Bởi 70% các trường hợp ung thư này đều bị đi tiểu ra máu. Khi đi thăm khám, thực hiện chụp x-quang, nội soi sẽ phát hiện khối u đang phát triển.
Bệnh xảy ra ở ống dẫn trứng, buồng trứng, lớp lót ngoài của tử cung,... do các mô đột nhiên phát triển bên ngoài tử cung trong khi đáng lẽ ra chúng phải phát triển bên trong tử cung. Rất nhiều chị em bị bệnh này với biểu hiện tiểu ra máu, đau nhức dưới lưng. Bệnh có thể điều trị triệt để nếu phát hiện sớm, để lâu dễ dẫn đến vô sinh.
Phụ nữ bị lạc lội mạc tử cung dễ gặp hiện tượng tiểu ra máu.
Các bệnh xã hội như: Rộp sinh dục, giang mai, sùi mào gà,... cũng có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng tiểu ra máu ở nữ giới. Chị em hãy quan hệ tình dục an toàn và thăm khám phụ khoa định kỳ để hạn chế những hiện tượng khó chịu hàng ngày và nguy cơ xấu cho sức khỏe bản thân nhé.
Tai nạn giao thông hay chấn thương do vận động mạnh, va chạm khi chơi thể thao gây chấn thương gần khu vực bàng quang, thận, vùng chậu,... cũng có thể khiến chị em gặp tình trạng tiểu ra máu. Tùy vào mức độ tổn thương mà khả năng hồi phục sẽ nhanh hay lâu. Nhưng đa số trường hợp này thường tự mất triệu chứng đái ra máu sau khoảng vài ngày.
Chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây tiểu ra máu ở nữ giới là bước quan trọng nhất giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, nhanh chóng. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi thăm các thông tin về tiền sử sức khỏe, bệnh tật của chị em; tiền sử mắc bệnh của gia đình, thông tin chu kỳ kinh nguyệt,... Sau đó, tùy từng trường hợp sẽ được chỉ định tiếp các bước kiểm tra dưới đây:
Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của cơ quan sinh sản nữ, bao gồm: âm đạo, hậu môn, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể kiểm tra bàng quang và trực tràng xem có phát hiện bất thường hay không.
Xét nghiệm phân tích nước tiểu giúp phát hiện protein, tế bào máu và các chất thải trong nước tiểu. Nó có thể xác định một loạt các tình trạng y tế ảnh hưởng đến đường tiết niệu, chẳng hạn như bệnh thận và nhiễm trùng tiểu.
Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp đơn giản và nhanh chóng xác định nguyên nhân tiểu ra máu.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chẩn đoán sỏi, khối u lạc nội mạc tử cung và u nang trong đường tiết niệu và khung chậu. Xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm: siêu âm, chụp MRI, chụp CT, soi bàng quang.
Làm thế nào để điều trị dứt điểm triệu chứng này chính là điều chị em quan tâm hàng đầu khi gặp phải triệu chứng khó chịu này. Thực ra, tùy nguyên nhân gây bệnh sẽ quyết định khả năng điều trị dứt điểm triệu chứng này hay phương pháp điều trị như thế nào. Nhưng có 2 phương pháp hay được bác sĩ chỉ định trong điều trị đái ra máu là dùng thuốc và phẫu thuật.
Với phương án này, bác sĩ có thể chỉ định chị em dùng thuốc cầm máu; cụ thể, thuốc Transamin để uống hoặc truyền qua tĩnh mạch, thuốc kháng sinh nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nhân đái ra máu nhiều khiến cơ thể thiếu máu thì còn được chỉ định truyền thêm máu. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng tư vấn kỹ cho bệnh nhân về việc dùng phối hợp với các loại thuốc khác để điều trị.
Phương pháp điều trị tiểu ra máu chủ yếu là dùng thuốc.
Thường được chỉ định trong trường hợp chị em bị đi tiểu ra máu do bệnh lý nghiêm trọng với biểu hiện nước tiểu có cục máu đông. Tình trạng cục máu đông có thể khiến đường tiết niệu bị tắc nghẽn và lúc này bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông rồi mới tiếp tục quá trình điều trị hay tìm hiểu tiếp các nguyên nhân chính xác gây ra bệnh.
Lưu ý, nếu người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ ung thư thận hoặc ung thư bàng quang cần được chuyển tới chuyên khoa ung bướu điều trị với bác sĩ chuyên khoa ung bướu và thực hiện nhiều phương pháp điều trị một lúc: Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Để tránh chứng tiểu ra máu, điều đầu tiên mỗi chị em cần làm đó là bảo vệ cơ quan sinh sản phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu, viêm phụ khoa,... Cụ thể:
- Uống nhiều nước mỗi ngày: Không có nghĩa là chị em phải uống quá nhiều hay liên tục nhưng cần nhấn mạnh “uống nhiều nước mỗi ngày” vì đa số chị em có thói quen thấy thật khát mới đi uống nước; trong khi cơ thể chúng ta cần khoảng 2,5 lít nước/ngày để đảm bảo các hoạt động trơn tru, tránh các hiện tượng viêm nhiễm,...
- Đi tiểu ngay khi thấy cảm giác buồn tiểu: Hãy từ bỏ thói quen nhịn tiểu do công việc bận rộn hay do ngại đi nhà vệ sinh vì quá xa,... Bởi vì việc bạn nhịn tiểu thường xuyên sẽ khiến nước tiểu bị ngưng đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm đường tiết niệu cùng triệu chứng đái ra máu.
- Sau khi quan hệ hãy đi tiểu và rửa sạch sẽ để tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Vào những ngày có kinh nguyệt nên thay băng vệ sinh khoảng 4 tiếng/lần, tránh vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
- Mặc đồ lót thoáng mát, chất liệu cotton thấm hút tốt. Hạn chế các đồ bó sát, chất liệu bí không thoát mồ hôi.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Chế độ ăn uống cân bằng, sinh hoạt điều độ. Ví dụ, bổ sung thường xuyên thực phẩm giàu vitamin C, tăng cường rau củ.
- Chị em nên hạn chế các môn thể thao quá sức, dễ gây chấn thương.
- Nếu đã từng bị sỏi thận hay sỏi tiết niệu và điều trị khỏi rồi thì chị em vẫn cần đi thăm khám định kỳ để xem tình trạng hiện tại như thế nào, nghe thêm những tư vấn từ bác sĩ, tránh tình trạng bệnh bị tái phát. Nữ giới nếu đã từng bị hoặc đang bị sỏi thận - tiết niệu phải thường xuyên khám và tầm soát nhiễm trùng tiểu để điều trị sớm, can thiệp lấy sỏi khi có chỉ định của bác sĩ.
Cũng giống bất kỳ vấn đề nào khác về sức khỏe, tiểu ra máu dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào đi nữa thì đều khiến chất lượng cuộc sống của chị em giảm sút trầm trọng. Bởi hiện tượng này xảy ra thường xuyên khiến chị em mệt mỏi, khó chịu, làm việc kém tập trung, không có cảm hứng khi sinh hoạt vợ chồng, gây rạn nứt tình cảm. Nếu tiểu ra máu do bệnh lý nguy hiểm, trì hoãn thăm khám điều trị còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể kể đến:
- Nguy cơ suy thận, viêm bể thận.
- Nguy cơ ung thư thận, ung thư bàng quang.
- Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, khiến chị em khó có con, thậm chí vô sinh.
Hệ lụy đầu tiên do chứng tiểu ra máu gây ra chính là những bất tiện, mệt mỏi trong sinh hoạt hàng ngày.
Thực ra rất nhiều bệnh nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết ban đầu rất mông lung nhưng thăm khám điều trị sớm sẽ tăng khả năng khỏi bệnh dứt điểm, hạn chế các biến chứng nguy hiểm, giảm gánh nặng tài chính. Nếu bị tiểu ra máu bất thường để an tâm chị em có thể đi khám ngay. Đặc biệt, nếu gặp dấu hiệu dưới đây thì không nên trì hoãn việc thăm khám với bác sĩ hơn nữa:
- Bị tiểu ra máu kèm đau quặn dữ dội ở lưng dưới hoặc bụng dưới, vùng xương chậu.
- Nước tiểu thỉnh thoảng có máu, bị vẩn đục, màu khác thường ngày.
- Cảm thấy đau buốt, khó đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi.
- Nước tiểu lẫn máu kèm theo bị sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.
- Bị chóng mặt, xanh xao, sụt cân trong thời gian ngắn.
Hãy đi thăm khám bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu khác thường.
Như vậy, tiểu ra máu ở nữ giới thực ra không nghiêm trọng hơn ở nam giới hay có gì quá khác biệt về phương pháp điều trị. Điều căn bản nhất để chữa dứt điểm triệu chứng này chính là thăm khám sớm, tuân thủ đúng những y lệnh từ bác sĩ. Nếu vẫn còn băn khoăn hoặc thăm khám ngay, hãy gọi hotline 19001806 để đặt lịch.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.