Tổng quan về hiện tượng ho ở trẻ sơ sinh
Hệ hô hấp non yếu của trẻ sẽ được làm sạch nhờ phản xạ ho, giúp tống xuất chất bài tiết như nước mũi, đờm, dị vật, vi khuẩn... ra ngoài. Trẻ ho thường có 2 dạng:
- Trẻ sơ sinh ho khan: Thường gặp khi trẻ bị dị ứng hay cảm lạnh, hơi thở khò khè.
- Ho có đờm: Nguyên nhân do bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, trẻ ho ra đờm trắng hoặc xanh.
Trẻ có thể bị ho bởi một số nguyên nhân sau:
- Môi trường sống có khói thuốc và khói bụi ô nhiễm.
- Mẹ dùng than củi xông sau sinh dẫn tới không bị bị bụi than kích thích đường thở.
- Thời tiết giao mùa, thay đổi nhiệt độ, độ ẩm.
- Trẻ bị hóc dị vật, sặc.
- Bị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
- Bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV - respiratory syncytial virus.
Trẻ bị ho thông thường là phản ứng có lợi giúp tống xuất chất bài tiết khỏi đường thở
Nhận biết trẻ sơ sinh bị ho và cách chữa
Trẻ sơ sinh non nớt cần được chăm sóc tốt, bất cứ biểu hiện nào về sức khỏe đều cần được chữa trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là những bệnh khiến bé sơ sinh bị ho và cách chăm sóc, chữa trị mà cha mẹ có thể tham khảo:
Bé bị cảm lạnh/cảm cúm thông thường
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường có các triệu chứng như:
- Mũi nghẹt, trẻ phải thở bằng miệng.
- Ho khan.
- Có dấu hiệu viêm họng.
- Sốt nhẹ về đêm.
- Có thể ho có đờm nhớt.
Để điều trị trẻ sơ sinh bị ho do cảm lạnh/cảm cúm, cha mẹ thực hiện những lưu ý sau:
- Cho trẻ bú đủ cữ: Sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất trong giai đoạn sơ sinh, trẻ có thể bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhưng mẹ phải đảm bảo cho trẻ bú đủ cữ để trẻ đủ dưỡng chất cũng như làm loãng dịch đờm.
- Bạn nên dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi của bé.
- Tạo độ ẩm và dùng máy lọc không khí để làm sạch, ẩm không gian, giúp giảm kích thích đường thở và loại bỏ tác nhân như bụi bẩn, khói thuốc, vi khuẩn,...
- Có thể dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ nếu sốt cao hơn 38 độ C, đặc biệt lưu ý nếu trẻ dưới 4 tháng tuổi.
- Không dùng thuốc ho và trị cảm lạnh cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm thông thường có biểu hiện ho và sốt nhẹ về đêm
Trẻ ho do viêm thanh khí phế quản
- Trẻ bị viêm thanh khí phế quản cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ho nghiêm trọng. Khi thanh quản và khí quản bị viêm, lớp màng khí quản sưng lên gây chèn ép đường thở và thường xảy ra về đêm. Bệnh kèm theo sốt cao rất nguy hiểm. Dấu hiệu trẻ bị viêm thanh khí phế quản đó là:
- Hơi thở yếu.
- Bé sơ sinh bị ho mạnh, theo từng cơn ngắn.
- Thở nghe như tiếng ngáy hoặc tiếng huýt sáo.
- Da tái nhợt.
- Khó thở, trẻ phải cố hít thật mạnh, cố vận động cơ quanh mũi, cổ, cánh tay để thở dễ hơn.
Cách điều trị như sau:
- Làm dịu cơn ho bằng cách bế vác trẻ trên vai, vỗ nhẹ vào lưng trẻ.
- Dùng máy xông hơi ấm để trẻ hít được hơi ấm, nếu thời tiết tốt, có thể ẵm bé ra ngoài thoáng đãng.
- Thường trẻ sẽ giảm triệu chứng sau 3-5 ngày, tuy nhiên nếu không đỡ, bạn nên cho con đến viện để điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi gây ra do virus, vi khuẩn và thường gặp trong trường hợp trẻ bị cảm lạnh. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ sốt, ho kèm theo đờm màu xanh hoặc màu vàng.
Bệnh sẽ được điều trị dựa vào tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn nên trẻ cần được các bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán. Cha mẹ không được tự ý dùng kháng sinh và thuốc hạ sốt bởi trường hợp trẻ nhiễm virus thì kháng sinh sẽ không có hiệu quả, gây ra hiện tượng kháng kháng sinh.
Viêm phổi là tình trạng bệnh cần được theo dõi sát sao ở trẻ sơ sinh
Trẻ ho do viêm phế quản hoặc hen suyễn
Trường hợp trẻ bị viêm phế quản hoặc hen suyễn thường gặp sau khi bị cảm lạnh. Virus hợp bào hô hấp nếu xâm nhập vào cơ thể trẻ lớn hơn 3 tuổi chỉ gây bệnh cảm lạnh thông thường, tuy nhiên nếu tấn công vào hệ hô hấp của trẻ dưới 1 tuổi sẽ có thể gây nên những triệu chứng nghiêm trọng. Trẻ dưới 2 tuổi ít bị hen suyễn trừ trường hợp gia đình có người từng bị bệnh này.
Viêm phế quản gây ho và sốt, thường xảy ra vào mùa thu, đông khiến trẻ mệt mỏi, bỏ ăn. Mẹ nên cho trẻ bú đủ cữ, uống thêm chút nước ấm để làm loãng đờm và dùng máy phun sương tạo độ ẩm. Bên cạnh đó, nếu trẻ có biểu hiện thở yếu là nguy cơ cao bị suy hô hấp cần đưa đến bệnh viện ngay.
Với trẻ sơ sinh ho do bị hen suyễn, biểu hiện thường gặp là ho, sốt, thở khó khăn, ngứa cổ, chảy nước mắt,... Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị hen suyễn (kể cả trường hợp trẻ bị thở khò khè cũng có thể dùng thuốc này, xông albuterol bằng máy xông khí dung. Tuy nhiên tất cả các phương pháp này đều phải thực hiện dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Trẻ ho do viêm phế quản hay hen suyễn cần được điều trị kịp thời
Trẻ bị bệnh ho gà
Bệnh ho gà gây ra bởi vi trùng Bordetella pertussis và có khả năng gây tử vong nhiều nhất. Vi trùng này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tập trung tấn công vào niêm mạc đường thở, gây hẹp, chặn đường thở và gây viêm nặng. Trẻ bị ho gà ho từng cơn kế tiếp, cơn ho nhanh rồi yếu dần sau đó hít vào thật sâu như tiếng gà gáy. Trẻ ho tím môi, đỏ mặt, sưng mí mắt, tĩnh mạch tại cổ nổi lên. Không có triệu chứng sốt, chảy mũi.
Trẻ khi có những dấu hiệu này cần nhanh chóng đưa đến viện để được theo dõi và điều trị đúng cách. Các bác sĩ sẽ sử dụng máy móc để hỗ trợ trẻ thở oxy và sử dụng thuốc theo phác đồ. Để phòng tránh bệnh, cha mẹ nên cho con tiêm vắc xin ho gà, người chăm sóc trẻ cũng nên được tiêm chủng đầy đủ để tránh nhiễm bệnh và lây cho bé.
Trẻ ho do sặc hay hóc dị vật
Trẻ sơ sinh có thể bị ho do sặc sữa hoặc ho do lông của động vật, thú nhồi bông. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị hóc dị vật đường thở nguy hiểm có thể gây nghẹt thở. Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh bị ho do sặc sữa, khi bú, mẹ nên cho trẻ nằm đúng tư thế và có gối kê, không để trẻ tiếp xúc với động vật hay để thú nhồi bông xung quanh nơi nằm của trẻ.
Trường hợp trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần nhanh chóng cho bé nằm úp lên tay, vỗ mạnh vào vị trí giữa hai xương bả vai để trẻ ho mạnh, tống dị vật ra ngoài. Nếu không lấy được dị vật, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, các bác sĩ có thể chụp X-quang, nội soi phế quản để tìm vị trí và đưa dị vật ra khỏi cơ thể.
Trẻ ho do sặc hay hóc dị vật cần được xử trí kịp thời tránh nghẹt đường thở
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho
Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không nên dùng thuốc để điều trị ho, do đó cha mẹ không tự ý mua thuốc và cho trẻ sử dụng. Bởi một số loại thuốc khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì có khả năng gây nên tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm. Những phương pháp chăm sóc không cần dùng thuốc nên được áp dụng mẹ nên tham khảo:
Dùng dầu tràm
Trẻ sơ sinh có thể dùng dầu tràm để làm ấm cơ thể và giảm ho hiệu quả. Mẹ có thể nhỏ dầu tràm vào lòng bàn tay, xoa ấm rồi xoa đều lên cơ thể của trẻ, đặc biệt tại các vị trí như ngực, lưng, cổ, bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, bạn có thể nhỏ một vài giọt dầu tràm vào chậu nước tắm để trẻ hít được hơi ấm có chứa tinh dầu giúp vệ sinh, diệt khuẩn và ấm phổi. Sau khi tắm, nên thoa dầu tràm vào chân, massage để làm ấm cơ thể.
Dùng nước muối sinh lý để làm sạch
Trẻ có thể bị ho kèm theo chảy mũi, nghẹt mũi gây khó thở, mất ngủ, trẻ quấy khóc vào ban đêm. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để làm sạch đường mũi. Dung dịch sẽ loại bỏ chất nhầy, kích thích ho để tống đờm ra ngoài.
Dùng nước muối sinh lý để làm sạch đường thở cho trẻ
Cho bé bú nhiều sữa
Trẻ bị ho ảnh hưởng tới hô hấp nhưng mẹ vẫn cần cho trẻ bú đúng cữ. Sữa sẽ giúp làm loãng dịch nhầy, đồng thời cung cấp dưỡng chất và tăng sức đề kháng cho trẻ mà không cần dùng thuốc.
Cho trẻ ngủ nâng cao đầu
Khi trẻ sơ sinh bị ho, bạn nên dùng gối để nâng đầu bé cao hơn so với thân người. Điều này giúp trẻ thở dễ hơn và giảm cơn ho rất tốt. Giữ không khí trong phòng thoáng đãng nhưng không có gió lùa, mặc đồ thoải mái cho trẻ.
Tạo độ ẩm không khí
Trẻ bị ho nên được chăm sóc trong phòng có máy tạo sương ẩm và ấm giúp trẻ bớt khó chịu khi thở, giảm kích ứng ho. Đặc biệt trong phòng dùng điều hòa càng cần sử dụng máy tạo độ ẩm, nếu có điều kiện, bạn hãy dùng thêm máy lọc không khí trong phòng của con.
Dùng máy tạo độ ẩm để giúp trẻ sơ sinh thở dễ dàng hơn
Những điều cần lưu ý khi trẻ sơ sinh bị ho
Khi trẻ sơ sinh bị ho, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý những điều này:
- Không nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều người hay môi trường có khói thuốc, bụi bẩn.
- Thường xuyên vệ sinh đồ dùng chăm sóc trẻ.
- Không nên cho trẻ ốm tiếp xúc với các trẻ khác.
- Không cho động vật vào phòng hay thú bông để xung quanh bé.
- Luôn giữ ấm cho cơ thể bé.
Cho trẻ sơ sinh nghỉ ngơi trong phòng có không khí sạch sẽ
Ngoài ra, khi trẻ có những biểu hiện sau đây cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện ngay:
- Trẻ sơ sinh nhỏ hơn 4 tháng tuổi bị ho.
- Trẻ ho kèm các dấu hiệu khác, trẻ sơ sinh ho nhưng không sốt, kéo dài 5-7 ngày.
- Nhịp thở nhanh, gấp gáp hay thở khò khè.
- Da tái nhợt, tím tái.
- Ho thành từng cơn, ho theo đợt, đột ngột và dữ dội.
Cần đưa trẻ sơ sinh bị ho đến viện khi trẻ có kèm các triệu chứng nặng và kéo dài
Trẻ sơ sinh vừa rời khỏi môi trường an toàn và vô khuẩn là bụng mẹ, ra ngoài môi trường có rất nhiều tác nhân ảnh hưởng tới sức khỏe. Trẻ sơ sinh bị ho hay nhiễm bệnh cũng là cách để cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể để chống lại bệnh tật, hoàn thiện dần hệ miễn dịch. Tuy nhiên cha mẹ hãy bảo vệ con bằng cách thường xuyên theo dõi và nhận biết các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám ngay.