Xì mũi ra máu là bị bệnh gì? Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Phạm Thị Lương

17-07-2023

goole news
16

Xì mũi ra máu là tình trạng liên quan đến tổn thương của những mao mạch nhỏ trong niêm mạc mũi do thói quen ngoáy mũi hoặc thời tiết hanh khô. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý mà bạn không nên xem nhẹ.

Xì mũi ra máu là gì?

Xì mũi ra máu là tình trạng trong dịch mũi có lẫn chút máu. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải hiện tượng này trong đời sống, nhất là những người thường xuyên bị viêm mũi hoặc sổ mũi. Bạn không cần quá lo lắng nếu lượng máu ít, không kèm theo các dấu hiệu như đau, sốt, nổi hạch,...

Bất cứ ai cũng bị xì mũi ra máu nhất là vào mùa đông.Bất cứ ai cũng bị xì mũi ra máu nhất là vào mùa đông.

Những triệu chứng khác có thể gặp khi xì mũi ra máu 

Đi kèm với dấu hiệu dịch mũi có lẫn máu thì người bệnh còn có những triệu chứng khác như:

  • Khô mũi và hay kích ứng, ngứa mũi
  • Bị nghẹt mũi
  • Hắt xì liên tục
  • Ho

Những triệu chứng kèm theo này có thể xuất hiện trước khi thấy máu lẫn trong dịch mũi. Điều này chứng tỏ niêm mạc mũi đang bị kích ứng do bị viêm hoặc thời tiết hanh khô.

Nguyên nhân gây xì mũi ra máu 

Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng lẫn máu trong dịch mũi. Có thể do các tác nhân bên ngoài như: thời tiết, chất hoá học, vật thể lạ làm tổn thương trong vách ngăn mũi, do tác dụng phụ của một số loại thuốc hay có khối u trong mũi. Cụ thể như:

Do thời tiết khô lạnh

Thời tiết lạnh vào mùa đông, không khí hanh khô, độ ẩm thấp khiến dịch tiết sinh lí của niêm mạc mũi dễ bay hơi dẫn đến mũi bị khô. Các mao mạch nhỏ trong mũi do thiếu độ ẩm bảo vệ sẽ trở nên rất “giòn” và dễ vỡ. Hơn nữa, mảng dịch tiết trên niêm mạc bị khô sẽ dễ nứt ra, cong vênh làm rách những mao mạch nằm dính ngay dưới nó, gây chảy máu. Xì mũi ra cục máu đông chính là hiện tượng khi các mao mạch nhỏ trong mũi vỡ ra chảy máu, vì thời tiết khô máu sẽ đông khô lại, khi bạn ho mạnh hoặc xì mũi mạnh sẽ thấy có cục máu đông.

Nếu không được làm ấm và ẩm, tình trạng khô mũi kéo dài còn làm chậm quá trình phục hồi của các mạch máu bị vỡ dễ dẫn đến nhiễm trùng. Điều này lý giải vì sao bị ra máu mũi liên tục.

Thời tiết hanh khô mùa đông dễ làm tổn thương các mạch máu trong mũi.Thời tiết hanh khô mùa đông dễ làm tổn thương các mạch máu trong mũi.

Do trong mũi có dị vật 

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Vì mải chơi hoặc tò mò chúng có thể nhét những vật thể nhỏ nằm trong tầm với vào lỗ mũi. Hậu quả dẫn đến tổn thương mũi, chảy máu hoặc nghẹt mũi thậm chí có dịch mủ trong mũi. Nhiều trường hợp phát hiện muộn và phải đến cơ sở y tế để gắp dị vật lạ.

Do thường xuyên ngoáy mũi 

Hành động ngoáy mũi khi ngứa hoặc do thói quen hay gặp ở trẻ nhỏ thậm chí cả người lớn. Vì vậy, dễ làm tổn thương các mao mạch ở phần trước của hốc mũi gây xì mũi ra máu.

Do cấu trúc mũi có bất thường

Xì mũi ra máu là bị bệnh gì? Theo các chuyên gia, tình trạng bất thường trong cấu trúc như: lệch vách ngăn, thủng vách ngăn, gai xương vách ngăn,... có thể gây xì mũi ra máu. Những bất thường này cũng là nguyên nhân khiến người bệnh chảy máu mũi hoặc ho ra máu.

Nguyên nhân gây xì mũi ra máu là do viêm mũi 

Nếu bạn bị cảm lạnh, cảm cúm, bị dị ứng hoặc viêm xoang,... khiến mũi bị viêm, niêm mạc bị phù nề, xung huyết. Bị cảm xì mũi ra máu là do các mao mạch khi mũi bị viêm sẽ giãn ra và trở nên yếu ớt, dễ vỡ. Chỉ cần những động tác như xì mũi hoặc hắt hơi cũng có thể khiến tình trạng máu có lẫn trong dịch mũi. 

Nếu mũi bị viêm cũng khiến máu lẫn trong dịch mũi.Nếu mũi bị viêm cũng khiến máu lẫn trong dịch mũi.

Do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc bạn dùng như thuốc làm chống đông máu aspirin, warfarin và các loại thuốc khác sẽ làm giảm chức năng tự bảo vệ của mao mạch khi tổn thương. Từ đó, có thể dẫn đến chảy máu khi xì mũi mạnh. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid cũng dễ dẫn đến tổn thương các mao mạch.

Tiếp xúc với hóa chất 

Khi bạn sử dụng các loại thuốc như cocaine hoặc hít phải các hóa chất như amoniac... các mạch máu nhỏ trong mũi sẽ bị tổn thương và dẫn đến dịch mũi có máu khi xì mũi. Ngoài ra, bất kỳ một chấn thương hay phẫu thuật ở vùng mũi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ra máu khi hắt hơi hoặc xì mũi.

khối u trong mũi

Mặc dù không phổ biến, nhưng xì mũi ra nhầy máu có thể liên quan đến khối u trong mũi. Tác động của khối u sẽ khiến thay đổi sự phát triển bình thường của các mao mạch. Bên cạnh xuất hiện máu mũi bạn cần lưu ý một số triệu chứng gợi ý khác bao gồm:

  • Đau quanh hốc mắt
  • Nghẹt mũi tăng dần
  • Giảm khứu giác

Trong trường hợp này, bạn cần phải đến gặp bác sĩ để biết khối u là lành tính hay ác tính và được tư vấn, lên kế hoạch điều trị tốt nhất.

Bạn nên đi khám nếu có khối u trong mũi.Bạn nên đi khám nếu có khối u trong mũi.

Khi nào xì mũi ra máu cần đến gặp bác sĩ?

Xì mũi ra máu có nguy hiểm không? Đây là hiện tượng thường gặp và không nguy hiểm nếu do các nguyên nhân như thời tiết khô lạnh, tác dụng phụ của thuốc hay do thói quen ngoáy mũi,... nhưng sẽ nguy hiểm nếu nó là bất thường cấu trúc mũi hoặc có khối u. Bạn nên đi gặp bác sĩ khi có thêm các biểu hiện như:

  • Lượng máu lẫn trong dịch mũi nhiều hoặc chảy máu mũi kéo dài
  • Bị lẫn máu trong dịch mũi tái phát nhiều lần
  • Ho ra máu và sốt
  • Nhức đầu, ù tai, nhức mắt
  • Sưng lồi mắt hoặc có quầng thâm quanh mắt
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng, song thị, liệt vận nhãn
  • Đau sau gáy, nổi hạch ở vùng cổ
  • Mệt mỏi, khó chịu trong người
  • Nôn mửa kéo dài không rõ nguyên nhân

Chẩn đoán xì mũi ra máu

Khi có dấu hiệu lẫn máu trong dịch mũi kéo dài kèm các biểu hiện khác, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán sẽ gồm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch nhầy để xét nghiệm chuyên sâu. Việc nội soi, chụp CT,.. cũng có thể được chỉ định để phát hiện bất thường khác.

Điều trị xì mũi ra máu

Mục đích của việc điều trị là cầm máu và chữa trị các nguyên nhân khiến dịch mũi có máu bằng cách:

  • Nhỏ nước muối sinh lý ấm để làm ẩm lại vùng mũi
  • Dùng thuốc steroid nếu bị viêm
  • Thuốc kháng sinh cũng được cân nhắc sử dụng nếu bị viêm mũi
  • Gắp dị vật nếu nguyên nhân do dị vật
  • Phẫu thuật nếu có bất thường cấu trúc
  • Khám chuyên sâu để được lên phương án điều trị nếu có khối u

Lưu ý, nếu thấy chảy máu mũi nhiều thì bạn hãy ngồi ở tư thế cúi đầu về phía trước và thở bằng miệng, lấy ngón tay cái bóp ép 2 cánh mũi lại với nhau, giữ trong 10-15 phút rồi từ tử bỏ ra. Nếu vẫn còn máu chảy lặp lại thao tác một lần nữa hoặc đến viện ngay nếu không ngừng chảy máu.

Nhỏ nước muối sinh lý ấm cho trẻ vào mùa đông hanh khô.Nhỏ nước muối sinh lý ấm cho trẻ vào mùa đông hanh khô.

Cách phòng ngừa xì mũi ra máu

Để không gặp tình trạng máu lẫn trong dịch mũi khi xì mũi hoặc hắt hơi bạn cần thực hiện theo các cách sau để bảo vệ mũi khỏe mạnh:

  • Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh xa khói bụi, hóa chất độc hại
  • Mùa đông nên nhỏ nước muối sinh lý ấm để tránh hiện tượng khô mũi
  • Tránh ngoáy mũi
  • Không nhét dị vật lạ vào mũi nhất là trẻ nhỏ, người lớn cần quan sát cẩn thận để tránh gặp phải tình trạng dị vật chui sâu vào trong hốc mũi.
  • Có thể dùng máy tạo độ ẩm nếu thời tiết quá hanh khô
  • Uống nhiều nước 

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn biết được nguyên nhân và phải làm gì khi bị xì mũi ra máu. Nếu còn thắc mắc bạn có thể gọi đến số hotline 1900 1806 của bệnh viện Phương Đông để được giải đáp nhanh chóng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
21,167

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

NGUYỄN THỊ THU YẾN

Trưởng Liên Chuyên khoa Mắt - TMH - RHM
19001806 Đặt lịch khám