Bệnh chàm tổ đỉa là gì? Có nguy hiểm không?

Nhật Mai

19-10-2022

goole news
16

Chàm tổ đỉa là một bệnh lý ngoài da thường gặp ở tất cả đối tượng và độ tuổi. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị dứt điểm bệnh có thể xuất hiện dai dẳng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và cuộc sống của người mắc.

Bệnh chàm tổ đỉa là gì?

Bệnh chàm tổ đỉa hay có tên gọi khác là bệnh tổ đỉa, thuộc viêm da cơ địa đặc biệt. Bệnh được nhận biết rõ rệt với hàng loạt mụn nước hình thành ở lòng bàn tay, bàn chân, các kẽ ngón tay, chân, mọc thành từng cụm lớn hoặc rải rác.

Các mụn nước có kích thước khoảng 1-2mm, đôi khi sẽ có chứa dịch bên trong, do đó bên ngoài thường phồng rộp và có thể bị vỡ. Đây là một loại bệnh khởi phát đột ngột và có xu hướng tiến triển thành mãn tính, dai dẳng, dễ tái phát.

Chàm tổ đỉa thường xuất hiện ở lòng bàn tay, ngón tay, mu bàn tay, lòng bàn chân, ngón chân.

Chàm tổ đỉa thường xuất hiện ở lòng bàn tay, ngón tay, mu bàn tay, lòng bàn chân, ngón chân

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm tổ đỉa

Có nhiều nguyên khiến bệnh nhân mắc phải tổ đỉa, trong đó phải kể đến các yếu tố sau:

  • Yếu tố di truyền, nếu gia đình có người thân bị tình trạng viêm da cơ địa thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
  • Người có chứng rối loạn thần kinh giao cảm có nguy cơ mắc các bệnh viêm da.
  • Người làm việc trong môi trường có điều kiện khắc nghiệt, nóng ẩm, da thường tiết nhiều mồ hôi dễ xảy ra các vấn đề về da.
  • Người tiếp xúc nhiều với hóa chất, chất tẩy rửa có thể mắc bệnh tổ đỉa.
  • Người có cơ địa dễ bị dị ứng với thực phẩm, đặc biệt là các món ăn lạ hoặc hải sản.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm tổ đỉa

Bệnh chàm tổ đỉa thường xuất hiện theo đợt và có thể kéo dài vài tuần. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh lý này bao gồm:

  • Xuất hiện mụn nước: Mụn nước có kích thước nhỏ khoảng 1-3mm, ăn sâu dưới lớp thượng bì làm da nổi gồ lên, có kết cấu hình tròn, rải rác hoặc thành chùm, hay xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và các rìa ngón tay, ngón chân.
  • Ngứa ngáy, đau rát: Một số người bệnh sẽ cảm thấy ngứa và đau nhẹ xung quanh vùng da mọc mụn nước.
  • Hình thành bóng nước: Mụn nước nhỏ có thể kết hợp với nhau hình thành những bóng nước có kích thước lớn, gây ngứa nhiều và mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Bệnh chàm tổ đỉa thường có các biểu hiện như nổi mụn nước, ngứa ngáy, da bong vảy…

Bệnh chàm tổ đỉa thường có các biểu hiện như nổi mụn nước, ngứa ngáy, da bong vảy…

  • Nhiễm khuẩn mụn nước: Mụn nước bị nhiễm khuẩn sẽ chuyển sang màu đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng lân cận.
  • Bong vảy: Các mụn nước đa phần sẽ khô lại, tại vị trí từng có mụn sẽ xuất hiện điểm sừng hóa vàng đục, kèm theo hiện tượng tróc da, bong vảy.
  • Đổ nhiều mồ hôi: Người bệnh có thể bị đổ nhiều mồ hôi xung quanh vùng da mọc mụn nước.
  • Móng tay, chân bị biến dạng: Mụn nước của bệnh tổ đỉa có thể khiến biến dạng các móng tay, móng chân khi xuất hiện tình trạng hạch bạch huyết có kích thước to.

Giải đáp bệnh tổ đỉa có lây không? Có nguy hiểm không?

Bệnh chàm tổ đỉa có lây không là thắc mắc chung của nhiều người. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, căn bệnh được hình thành trên cơ địa của từng người. Các nốt mụn có thể lây lan theo vùng da trên cơ thể, nhưng bệnh không lây từ người sang người thông qua giao tiếp bình thường.

Mặc dù đây là bệnh ngoài da, nhưng nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh sẽ gây ra tình trạng ngứa, sưng đỏ da có thể vỡ ra dịch làm người bệnh đau rát. Trong trường hợp khi vỡ nốt mụn, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nốt mụn có thể nhiễm trùng và làm quá trình điều trị kéo dài, mất nhiều thời gian tạo ra tâm lý chán nản cho bệnh nhân.

Điều trị chàm tổ đỉa bằng cách nào?

Hiện nay, bệnh tổ đỉa chưa có cách điều trị dứt điểm ngăn chặn bệnh không xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt, để đẩy lùi các triệu chứng cũng như hạn chế tối đa khả năng bệnh tái phát. Dưới đây là các cách điều trị bệnh tổ đỉa hiện nay:

Điều trị bệnh tổ đỉa theo kinh nghiệm dân gian

Trong dân gian có vô số các cách chữa bệnh tổ đỉa rất hiệu quả và dễ thực hiện với nguồn nguyên liệu tự nhiên an toàn, lành tính và dễ sử dụng. Có thể sử dụng các loại lá, thảo dược sau: Lá trầu không, muối biển, lá khế, tỏi tươi, lá đào, chanh tươi, gừng tươi, cây vòi voi, dây đau xương, củ ráy, lá lốt, rau răm…

Điều trị theo phương pháp dân gian rất hiệu quả trong chữa tổ đỉa

Điều trị theo phương pháp dân gian rất hiệu quả trong chữa tổ đỉa

Điều trị theo kinh nghiệm dân gian sẽ cho tác dụng tốt hơn với tình trạng bệnh mới khởi phát.

Sử dụng thuốc bôi ngoài da

Một số dung dịch, thuốc bôi ngoài da dưới đây, có thành phần kháng khuẩn giúp hỗ trợ điều trị tổ đỉa:

  • Dung dịch sát khuẩn: Gồm dung dịch Jarish, cồn BSI 1 – 3%, Milian, thuốc tím pha loãng, xanh methylen 1%.. dùng chấm vào các nốt mụn, chưa vỡ hoặc có dấu hiệu rỉ nước nhẹ.
  • Corticoid bôi ngoài: Các Corticoid để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh lan rộng như Flucinar, Dermovate, Eumovate…
  • Thuốc chống nấm ngoài da: Gồm các loại thuốc mỡ như Griseofulvin, Neomycin…

Sử dụng thuốc bôi để kiểm soát triệu chứng ngứa trên da

Sử dụng thuốc bôi để kiểm soát triệu chứng ngứa trên da

Sử dụng thuốc uống

  • Thuốc kháng sinh: Nhóm kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị bệnh tổ đỉa chủ yếu là Penicillin, Erythromycin, Clarithromycin, …
  • Thuốc kháng Histamin H1: Các loại thuốc kháng Histamin như Loratadin, Cetirizin, Fexofenadin, Clorpheniramin,...
  • Thuốc kháng nấm: Các loại thuốc chống nấm thường được sử dụng là Griseofulvin, Ketoconazol, Fluconazol,...
  • Corticoid đường uống: Các Corticoid đường uống như Prednisolon, Hydrocortison, Dexamethason, Betamethason,...

Sử dụng liệu pháp ánh sáng

Khi các biện pháp dùng thuốc không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể cân nhắc người bệnh sử dụng tia tử ngoại có bước sóng ngắn và trung bình (UVC, UVB), chiếu trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, tránh bệnh lan rộng ra các vùng xung quanh.

Phòng ngừa chàm tổ đỉa tái phát như thế nào?

Việc sử dụng thuốc bôi, thuốc uống trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ. Để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày theo một số gợi ý sau:

  • Sử dụng găng tay cao su khi dùng các sản phẩm làm sạch có chất kích ứng như nước rửa chén, bột giặt,…
  • Hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, nấm mốc, nước bẩn, lông động vật,…
  • Tránh các thức ăn có chứa thành phần Niken và coban, vì nó nguyên nhân khiến bệnh tổ đỉa bùng phát.
  • Không gãi, chà mạnh lên vùng da tổn thương.

Đeo găng tay khi sử dụng chất tẩy rửa để tránh gây kích ứng đến da

Đeo găng tay khi sử dụng chất tẩy rửa để tránh gây kích ứng đến da

Chàm tổ đỉa hay bệnh tổ đỉa là một vấn đề da liễu thường dễ gặp trong cộng đồng. Việc phòng bệnh là cực kỳ cần thiết để giảm thiểu tối đa những biến chứng, ảnh hưởng tới cuộc sống. Liên hệ trực tiếp tới số hotline 19001806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn phác đồ điều trị khi không may mắc bệnh.

5,638

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

ThS.BS

LÊ THỊ HẰNG NGA

Khoa Khám Bệnh
19001806 Đặt lịch khám