Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là tập hợp các triệu chứng lâm sàng của bệnh cầu thận, được đặc trưng bởi protein trong nước tiểu nhiều (> 3,5g/24 giờ), protein máu giảm (<60g/l), albumin máu giảm (<30g/l), lipid máu tăng và phù toàn thân.
Hội chứng thận hư
Nguyên nhân hội chứng thận hư
Hội chứng thận thư được chia ra gồm hội chứng thận hư nguyên phát (hội chứng thận hư tiên phát) và hội chứng thận hư thứ phát (hội chứng thận hư kết hợp).
Nguyên nhân của hội chứng thận hư nguyên phát
- Bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu là nguyên nhân gây hội chứng thận hư ở trẻ em thường gặp.
- Viêm cầu thận màng là nguyên nhân phổ biến ở người trưởng thành tại các quốc gia đang phát triển.
- Viêm cầu thận màng tăng sinh.
- Viêm cầu thận tăng sinh tế bào trung mô.
- Xơ hóa cầu thận ổ – đoạn.
- Các bệnh viêm cầu thận và xơ hóa khác.
Nguyên nhân gây hội chứng thận hư thứ phát
- Bệnh hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh mạch máu hệ thống như: u hạt Wegener, cryoglobulin máu hỗn hợp, viêm thành mạch dị ứng, viêm đa vi động mạch,...
- Bệnh rối loạn chuyển hóa: lắng đọng chất dạng tinh bột (amyloidosis), bệnh đái tháo đường,...
- Sau một bệnh nhiễm trùng: nhiễm vi khuẩn (giang mai, liên cầu khuẩn, áp xe nội tạng…), nhiễm virus (virus viêm gan C, virus viêm gan B, HIV, cytomegalo virus), nhiễm ký sinh trùng (toxoplasma, sốt rét, sán máng…)
- Do dùng thuốc khác viêm không steroid, lithium, catoprin, penicillamin, heroin, probenecid, olbutamid, phenindion, chlopropamid, ripampicin… hoặc thủy ngân, muối vàng và các kim loại nặng khác.
- Dị ứng với nọc ong, nọc rắn, phản ứng quá mẫn.
- Ung thư: bệnh bạch cầu lympho, bệnh Hodgkin và các khối u đặc.
- Các bệnh thận di truyền: bệnh Fabry, hội chứng Alport, hội chứng thận hư bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng móng – xương bánh chè.
- Các nguyên nhân khác: thải ghép cơ quan, liên quan đến sinh nở, bệnh huyết thanh.
Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư thứ phát
Triệu chứng hội chứng thận hư
Người mắc hội chứng thận thư sẽ có các biểu hiện dưới đây:
- Phù: triệu chứng lâm sàng điển hình. Phù trong hội chứng thận hư có đặc điểm là phù toàn thân, tiến triển rất nhanh và có thể tràn dịch đa màng (màng tinh hoàn, màng phổi, màng bụng, thậm chí màng tim hoặc năng có thể phù não). Dịch phù có đặc điểm là dịch thấm, nồng độ albumin thấp và không màu.
- Trọng lượng cơ thể tăng: do lượng nước dư thừa không được đào thải ra ngoài..
- Đi tiểu ít: lượng nước tiểu thường dưới 500ml/24giờ và có thể chỉ vài trăm ml.
- Da xanh, chán ăn và cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Bên cạnh đó, người mắc hội chứng thận hư thứ phát còn xuất hiện các triệu chứng của bệnh nguyên gây ra bệnh như:
- Do bệnh lupus ban đỏ hệ thống: đau nhức khớp, xuất hiện ban đỏ hình cánh bướm ở mặt .
- Do bệnh viêm thành mạch dị ứng: hai cẳng chân bị xuất huyết thể chấm, đau khớp và triệu chứng tiêu hóa.
Hình ảnh phù trong hội chứng thận hư
Nếu có các triệu chứng trên thì vẫn chưa thể chắc chắn bạn bị mắc hội chứng thận hư và điều quan trọng nhất lúc này là cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám và kiểm tra. Đặt lịch khám hoặc liên hệ ngay đến Hotline để đăng ký lịch khám cùng chuyên gia đầu ngành.
Các biến chứng hội chứng thận hư gây ra
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, hội chứng thận hư có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm khuẩn: Nguy cơ nhiễm khuẩn tăng do sức đề kháng giảm. Có thể gặp viêm mô, viêm tế bào, viêm phế quản, viêm phổi, zona, nhiễm khuẩn huyết…
- Suy giảm chức năng thận: Giảm thể tích máu hiệu dụng và rối loạn nước điện giải, thậm chí xảy ra suy thận cấp có vô niệu.
- Tăng huyết áp: do tình trạng ứ muối và dư thừa nước trong cơ thể.
- Suy dinh dưỡng: Nếu lượng protein của cơ thể bị mất qua nước tiểu không được cung đủ protein để bù vào. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em và cả người lớn.
- Calci máu giảm: Do lượng protein trong máu, kéo theo giảm hấp thu Calci từ ruột nên có thể gây ra cơn tetani.
- Nghẽn mạch: Hiếm gặp nhưng dễ gây tử vong. Nguyên nhân do tăng đông, tăng ngưng tiểu cầu, plasminogen giảm, antithrombin giảm. Có thể gặp: tắc động mạch thận, tắc động mạch phổi, tắc động mạch tứ chi, tắc động mạch mạc treo, tắc động mạch não.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thận hư
Chẩn đoán hội chứng thận hư
Khi có bất kỳ một trong số các dấu hiệu của hội chứng thận hư, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để khám, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Hỏi bệnh sử
- Thời gian xuất hiện phù.
- Lượng nước tiểu mỗi ngày.
- Trọng lượng hiện tại và trước đây.
- Các triệu chứng kèm theo: chán ăn, mệt mỏi, sốt, khó thở…
- Hỏi về tiền căn của người bệnh và gia đình: có từng mắc lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường, viêm gan siêu vi B, C, bệnh ác tính,…
Lâm sàng
- Phù toàn thân kèm theo cổ trướng, xuất hiện nhanh và không có dấu hiệu báo trước.
- Cân nặng tăng nhanh, có thể gấp 20% - 25% trọng lượng của cơ thể trước đây.
- Tiểu ít: dưới 500ml/24giờ, nước tiểu vàng, không đái buốt và đái dắt.
- Toàn thân: da xanh, ăn kém và mệt mỏi.
- Tìm các biến chứng của nhiễm trùng: viêm phổi, viêm da…
- Thường không sốt.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm thường quy: huyết đồ, đường huyết, tiền phẫu, BUN, creatinine máu, ion đồ, SGBT, SGOT, siêu âm bụng, X-quang phổi, siêu âm tim (nếu có nghi ngờ tràn dịch màng tim).
Xét nghiệm đặc hiệu hỗ trợ cho việc chẩn đoán:
- Chẩn đoán xác định: Protid máu, albumin máu, bilan lipid (triglyceride, HDL-c, LDL-c, cholesterol), điện di đạm máu, đạm niệu 24 giờ, nội soi nước tiểu.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Sinh thiết thận, Antids DNA, ANA, C3, HbsAg, HIV, Anti HCV, marker ung thư như: AFP, CEA, CA 19.9, CA 125, CA 15-3, BSA, SCC, CA 72- 4, CIPRA 21-1, NSE...
Xét nghiệm là một bước quan trọng để chẩn đoán hội chứng thận hư
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư
Cho đến nay, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng hội chứng thận hư được chẩn đoán dựa theo các yếu tố sau:
(1) Phù.
(2) Protein niệu >3,5g/24 giờ.
(3) Protein trong máu giảm < 60g/và albumin máu giảm < 30g/l.
(4) Lipid máu tăng.
Trong các yếu tố nêu trên thì hai yếu tố có giá quyết định là (2) và (3), các yếu tố còn lại không đạt vẫn được phép chẩn đoán mắc hội chứng thận hư.
Điều trị hội chứng thận hư
Việc điều trị hội chứng thận hư được tuân thủ theo các nguyên tắc:
- Theo dõi, duy trì cân bằng dịch trong cơ thể.
- Bảo tồn chức năng thận.
- Dự phòng, điều trị biến chứng.
Điều trị đặc hiệu
Đối với hội chứng thận hư nguyên phát, tổn thương cầu thận do hợp phức miễn dịch nên phương pháp điều trị cơ bản chính là dùng thuốc ức chế miễn dịch. Đơn trị liệu bằng corticoid là phác đồ được ưu tiên lựa chọn trong trường hợp này. Đối với những trường hợp hội chứng thận hư tái phát hoặc không đáp ứng với corticoid thì sẽ được chỉ định phác đồ phối hợp corticoid với thuốc ức chế miễn dịch khác.
Cẩn thận khi điều trị bằng corticoid
Song song với đó, qua quá trình điều trị hội chứng thận hư bằng thuốc, người bệnh cần theo dõi liên lục để tránh các biến chứng có thể gặp phải:
- Tác dụng phụ của corticoid: đau cơ, teo cơ, loãng xương; viêm hoặc loét dạ dày, tá tràng; tăng huyết áp, suy tim ứ huyết; khởi phát đái tháo đường hoặc làm bệnh nặng lên; suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ em, vô kinh ở phụ nữ; rối loạn tâm thần; gây tăng nhãn áp, đục thể thủy tinh sau; nhiễm khuẩn; suy thượng thận cấp…
- Biến chứng của cyclophosphamid: giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu; gây nôn và viêm bàng quang xuất huyết.
- Biến chứng của clorambucin: giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu; độc với gan, gây xơ hóa phổi, viêm da và dị ứng kèm sốt.
Điều trị các triệu chứng do hội chứng thận hư gây ra
Điều trị phù
- Tiết chế ăn muối (2-3 gam/ngày).
- Thuốc lợi tiểu được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm. Được chỉ định khi phù không đáp ứng với tiết chế muối, phù nặng gây khó thở, phù giác mạc, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và đang bị nhiễm trùng.
- Truyền albumin cho những người bệnh phù nhiều, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến hạ huyết áp tư thế.
Điều trị tăng huyết áp
Người bệnh có tăng huyết áp phải sử dụng thuốc để đưa huyết áp về mức bình thường. Nhóm thuốc ức chế men chuyển và chẹn dòng calci thường được lựa chọn sử dụng trong trường hợp này.
Điều trị lipid máu tăng
Lipid trong máu tăng ở hội chứng thận hư là tăng cả cholesterol cùng triglycerid. Khi hội chứng thận hư thuyên giảm hoặc khỏi thì lipid máu sẽ hồi phần dần về bình thường. Tuy nhiên tăng lipid máu là nguy cơ tăng vữa xơ động mạch nên cần thiết phải hạ lipid máu xuống mức bình thường. Nhóm fibrat thường được bác sĩ lựa chọn như lipavlon, lipanthyl.
Điều trị, dự phòng nhiễm khuẩn
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn phải điều trị kháng sinh mạnh ngay. Đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ cao như trẻ em, người già thì cần dùng kháng sinh dự phòng, tiêm ngừa vaccine hoặc truyền globulin miễn dịch. Trong một trường hợp cần thiết, có thể cần phải giảm liều hoặc ngưng dùng corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch khác nếu tình trạng nhiễm trùng nặng và khó kiểm soát.
Thăm khám, điều trị, dự phòng nhiễm khuẩn ở các trường hợp mắc hội chứng thận hư ở trẻ em
Điều trị, dự phòng biến chứng
Biến chứng nghẽn tắc mạch
Theo thống kế, tỷ lệ bệnh nhân hội chứng thận hư gặp biến chứng nghẽn tắc mạch khá cao (5 - 50%). Trong đó, nghẽn tĩnh mạch thận làm suy giảm chức năng của thận, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi vì nghẽn động mạch chi.
Điều trị phòng ngừa: giảm thể tích tuần hoàn hoặc tránh nằm bất động. Dùng kháng đông dự phòng nếu có tiền sử huyết khối tắc mạch trước đó và có các yếu tố nguy cơ khác. Điều trị huyết khối bằng thuốc kháng đông phải sử dụng lâu dài, cho tới khi hội chứng thận hư được ổn định.
Biến chứng do điều trị bằng corticoid
Trước khi quyết định điều trị phải thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân một cách cẩn thận. Phải loại trừ các trường hợp người bệnh mắc bệnh lao, đái tháo đường, viêm loét đường tiêu hóa, HBsAg dương tính, đã suy thận… Cần lưu tâm tới các biến chứng của corticoid trên xương ở người cao tuổi. Để phòng suy thượng cấp có thể đe dọa tính mạng, người bệnh nên uống thuốc 1 lần vào lúc 8 giờ sáng và không ngừng thuốc đột ngột.
Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư
Làm sao để hạn chế các biến chứng của hội chứng thận hư là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Song song với việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị thì việc chăm sóc người bệnh đúng cách cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Thực đơn cho bệnh nhân hội chứng thận hư tốt nhất?
Bạn có đang thắc mắc bệnh nhân hội chứng thận hư nên ăn gì và nên kiêng gì không, thì theo lời khuyên của các chuyên gia:
- Đối với bệnh nhân chưa suy thận: Chế độ ăn hằng ngày phải cung cấp lượng protein bằng lượng protein theo cầu của cơ thể (1g/kg/ngày) cộng thêm với lượng protein mất qua nước tiểu trong vòng 24 giờ.
- Đối với bệnh nhân đã suy thận: Tùy theo giai đoạn suy thận mà lượng protein cung cấp hằng ngày phải giảm cho phù hợp.
- Lượng Natri: Người bệnh phải ăn nhạt nếu bị phù, lượng Natri ăn mỗi ngày ≤ 3 gam. Nếu không phù thì không cần ăn nhạt tuyệt đối.
- Lượng Kali: Nếu người bệnh có thiểu niệu hoặc vô niệu thì cần giảm lượng kali có trong thức ăn. Nếu người bệnh đi tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu mất kali, khiến lượng kali trong máu giảm thì cần bù kali bằng chế độ ăn hoặc dung dịch kaliclorua 15% hoặc thuốc như kaleorid, panagin.
Ăn ít muối - Thực đơn cho người có vấn đề liên quan đến thận
Chế độ sinh hoạt
- Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường và kê đầu cao, đặc biệt trong giai đoạn thiểu niệu và giai đoạn phù nhiều.
- Giữ ấm cho người bệnh, nhất là vào mùa đông, nhiệt độ hạ thấp.
- Hạn chế di chuyển, vận động khi còn phù nề.
Vệ sinh cho bệnh nhân
- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng và tai mũi họng hằng ngày. Vệ sinh da bằng cách rửa hoặc tắm bằng nước ấm, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân nhẹ hay nặng. Cắt ngắn và làm sạch móng tay, móng chân, tránh các vết gãi gây sây sát da, đặc biệt là những nơi ẩm thấp dễ gây nhiễm khuẩn.
- Quần áo, ga trải giường và các vật dụng khác phải được đảm bảo luôn sạch sẽ.
- Khi phát hiện các vết loét cần rửa sạch bằng nước oxy già, nước muối sinh lý và theo dõi để có kế hoạch điều trị, tránh các biến chứng không đáng có.
Theo dõi tình trạng bệnh lý
Theo dõi bệnh nhân:
- Các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở,...
- Theo dõi nước tiểu: số lượng và màu sắc.
- Tìm và phát hiện các biến chứng của bệnh.
- Chế độ ăn: mỡ và ăn lạt.
- Thực hiện các xét nghiệm kiểm: BUN, ion đồ, creatinin máu, SGPT, SGOT, albumin máu, triglycerid, cholesterol, công thức máu, đạm niệu 24 giờ.
Thực hiện tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, thông thường:
- Không suy thận và triệu chứng nhẹ: Tái khám 1 tháng/lần.
- Suy thận hoặc triệu chứng nặng: Tái khám 1-2 tuần/lần.
Khám sức khỏe định kỳ để theo tình trạng bệnh và có hướng can thiệp kịp thời
Biện pháp phòng ngừa bệnh hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vậy nên việc chủ động phòng ngừa bệnh lý này là điều vô cùng quan trọng:
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc và các chất không có nguồn gốc rõ ràng, có thể gây độc cho thận.
- Tìm hiểu các thông tin về hội chứng thận hư để biết nguyên nhân, triệu chứng, biết cách phát hiện, dự phòng và điều trị bệnh.
Các câu hỏi về hội chứng thận hư
Bên cạnh những nội dung chia sẻ trên, không ít người còn có các thắc mắc khác liên quan đến hội chứng thận hư như:
Phụ nữ mắc hội chứng thận hư có sinh con được không?
Phụ nữ mắc hội chứng thận hư vẫn có thể mang thai được, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ vì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Trong quá trình mang thai, bệnh tiến triển nặng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, sảy thai… Cụ thể như sau:
- Hội chứng thận hư nguyên phát: Nếu người phụ nữ đã khỏi hoàn toàn trên 6 tháng, chức năng thận trở lại bình thường hoặc chỉ suy thận độ I thì có mang thai bình thường. Trường hợp bệnh tiến triển không khả quan thì không nên mang thai.
- Suy thận mạn tính: Nếu mang thai sẽ khiến bệnh diễn tiến xấu đi và thai phụ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Nhiều chuyên gia khuyên có thể mang thai được khi suy thận mạn còn ở giai đoạn I, II nhưng phải điều trị và theo dõi hết sức chặt chẽ. Nếu suy thận đã ở cuối giai đoạn II thì người bệnh không nên có thai.
- Bệnh viêm cầu thận cấp tính: Có thể mang thai nhưng cần theo dõi sát sao và chú ý kiểm soát huyết áp, cân nặng và protein niệu.
- Phụ nữ đã mắc bệnh thận từ trước: bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó, cần cân nhắc ký và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu mong muốn mang thai.
Khá nhiều chị em lo lắng mắc hội chứng thận hư có mang thai, sinh con được không?
Bệnh nhân bị hội chứng thận hư có quan hệ được không?
Bị hội chứng thận hư có quan hệ được không là băn khoăn của hầu hết những người không may mắc phải bệnh lý này.
- Đối với nam giới: Quá trình lưu thông máu đến cơ quan sinh dục bị suy giảm và thường gặp các vấn đề rối loạn cương dương và xuất tinh sớm. Đồng thời, nam giới còn có thể bị suy giảm hormone androgen khiến suy giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, hư thận còn tác động lớn đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Từ đó, gây ảnh hưởng chất lượng đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản của nam giới.
- Đối với nữ: Tuyến thượng thận bị ảnh hưởng, rối loạn các chức năng thải độc, chất cạn bả và sản xuất hormone. Người phụ nữ phải đối mặt với tình trạng tóc dễ gãy rụng, tăng cân nhanh do phù nề, chất lượng giấc ngủ đi xuống và giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, nữ giới có thể gặp tình trạng kinh nguyệt rối loạn, mất cân bằng nội tiết tố và dịch nhầy ở âm đạo ít đi khiến nữ giới bị đau khi quan hệ và thậm chí sợ quan hệ.
Tóm lại, hội chứng thận hư là bệnh có tính chất mạn tính, có thể tái phát lại nhiều lần nền cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Chính vì vậy, người bệnh cần được chuẩn bị càng sớm càng tốt để tránh gặp các biến chứng không mong muốn. Nếu bạn còn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan bệnh lý này hoặc có mong muốn được thăm khám, điều trị cùng chuyên gia hãy bấm máy đến tổng đài 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ.