Tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô dần thu hút sự chú ý của nhiều người, không chỉ riêng giới y học. Bởi, đây là hai loại tế bào gốc có khả năng điều trị ung thư, tái tạo vùng mô hoặc tế bào bị tổn thương nặng, mạn tính. Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu khả năng ứng dụng của chúng trong bài viết này.
Tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô là gì?
Tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô là hai loại tế bào gốc được ứng dụng nhiều nhất trong điều trị ung thư và y học tái tạo. Trong nội dung đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ nêu vắn tắt khái niệm tế bào gốc tạo máu là gì, tế bào gốc trung mô là gì.
Tế bào gốc tạo máu
Tế bào gốc tạo máu, viết tắt HSC, là tế bào nguyên thủy đa năng, có thể biệt hóa thành mọi loại tế bào máu. Trong điều kiện bình thường, chỉ cần một lượng nhỏ HSC cũng có thể tự đổi mới, biệt hóa thành các dòng tế bào máu có chức năng hoàn thiện.
(Tế bào gốc tạo máu là tế bào nguyên thủy đa năng)
Bởi vậy, tế bào gốc tạo máu luôn được ưu tiên hàng đầu trong chữa trị các bệnh về máu. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở máu ngoại vi, tủy xương và máu dây rốn. Hiện đã được sử dụng điều trị một số bệnh lý như tan máu bẩm sinh, ung thư máu thể Lympho B và T, bệnh bạch cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, rối loạn suy giảm hệ miễn dịch,...
Tế bào gốc trung mô
Tế bào gốc trung mô, viết tắt MSC, là những tế bào mô liên kết từ trung bì, có khả năng phát triển và nhân đôi nhanh chóng, hình thành nên các tế bào chuyên biệt khi vào độ tuổi trưởng thành. Loại tế bào gốc này có thể được thu thập từ nhiều nguồn, gồm có tủy xương, mô mỡ và mô dây rốn.
(Tế bào gốc trung mô có thể thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau)
Khác với tế bào gốc tạo máu chỉ tham gia vào quá trình tạo máu, MCS có thể biệt hóa thành nhiều tế bào chức năng khác như mỡ, sụn, xương, gan và thận. Với khả năng hình thành nên đa dạng bộ phận trong cơ thể, tế bào gốc trung mô được ứng dụng điều trị cho không ít bệnh lý, đặc biệt trong y học tái tạo.
Tế bào gốc tạo máu (HSC) đối với y học
Tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô là hai phát hiện quan trọng đối với y học hiện đại, mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị bệnh lý ác tính hay mạn tính. Trong đó, HSC chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ tế bào trong hệ thống tế bào máu và miễn dịch của cơ thể.
Quy trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu
Hiện nay có hai phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu, là ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại. Cụ thể quy trình thực hiện như sau:
|
Tế bào gốc tạo máu tự thân
|
Tế bào gốc tạo máu đồng loại
|
Nguồn gốc
|
Tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn của bệnh nhân.
|
Lấy từ người cho có HLA thích hợp, có thể là người thân hoặc người trong cộng đồng.
|
Quy trình
|
- Bước 1: Lấy tế bào gốc tạo máu từ bệnh nhân.
- Bước 2: Kỹ thuật viên loại bỏ tạp chất và thu thập tế bào gốc từ mẫu máu lấy được từ bệnh nhân.
- Bước 3: Bảo quản lạnh tế bào gốc tạo máu trong nitơ lỏng, nhiệt độ dao động từ -150 độ C đến -196 độ C.
- Bước 4: Hóa trị hoặc xạ trị liều cao đối với bệnh nhân ung thư.
- Bước 5: Rã đông tế bào gốc và truyền cho bệnh nhân.
|
- Bước 1: Lấy tế bào gốc tạo máu từ người hiến.
- Bước 2: Bệnh nhân thực hiện điều trị tiêu diệt tế bào ung thư, chuẩn bị tiếp nhận tế bào gốc.
- Bước 3: Bệnh nhân tiếp nhận tế bào gốc từ người hiến tặng.
|
Hiện nay, chuyên gia y tế khuyến nghị các gia đình khi sinh con nên lưu trữ tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn, an toàn và cho chất lượng tinh khiết nhất. Khi cần sử dụng, có thể lấy ra nhanh chóng để sử dụng mà không cần can thiệp xâm lấn.
Ứng dụng tế bào gốc tạo máu (HSC) trong điều trị ung thư
Dù đều có khả năng điều trị bệnh, nhưng không phải bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể áp dụng tế bào gốc tạo máu tự thân hoặc tế bào gốc tạo máu đồng loại. Theo dõi bảng sau để hiểu rõ hơn:
|
Tế bào gốc tạo máu tự thân
|
Tế bào gốc tạo máu đồng loại
|
Bệnh ác tính
|
- Bệnh đa u tủy (Multiple myeloma).
- Ung thư hạch không Hodgkin (Lymphoma non-Hodgkin).
- Ung thư hạch Hodgkin (Lymphoma-Hodgkin).
- Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (Acute myeloid leukemia).
- U nguyên bào thần kinh (Neuroblastoma).
- Ung thư buồng trứng (Ovarian cancer).
- U tế bào mầm (Germ-cell tumor).
|
- Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (Acute myeloid leukemia).
- Bệnh bạch cầu nguyên bào Lympho cấp tính (Acute lymphoblastic leukemia).
- Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (Chronic myeloid leukemia).
- Hội chứng loạn sản tủy (Myelodysplastic syndrome).
- Rối loạn tăng sinh tủy (Myelodysplastic neoplasms).
- Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính vị thành niên (Juvenile chronic myeloid leukemia).
- Bệnh đa u tủy (Multiple myeloma).
- Ung thư hạch không Hodgkin (Lymphoma non-Hodgkin)
- Ung thư hạch Hodgkin (Lymphoma Hodgkin).
|
Bệnh rối loạn không ác tính
|
- Bệnh tự miễn (Autoimmune disease).
- Bệnh thoái hóa tinh bột (Amyloidosis).
|
- Bệnh thiếu máu không tái tạo (Aplastic anemia).
- Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm (Paroxysmal nocturnal hemoglobinuria).
- Thiếu máu Fanconi (Fanconi’s anemia).
- Bệnh thiếu máu Diamond Blackfan (Diamond-Blackfan anemia).
- Thalassemia major.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm (Sickle cell anemia).
- Bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng (Severe combined immunodeficiency).
- Hội chứng Wiskott-Aldrich (Wiskott- aldrich syndrome).
- Rối loạn trao đổi chất bẩm sinh (Inborn errors of metabolism).
- Hội chứng giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh (Congennital neutropenia syndromes).
|
Giới y học kỳ vọng, trong tương lai có thể nuôi cấy tế bào gốc tạo máu thành các nội tạng cũng như bộ phận cơ thể thành công. Trong đó, tái tạo tế bào tim khỏe mạnh được đánh giá tiềm năng nhất hiện tại.
Tế bào gốc gốc trung mô (MSC) đối với y học
Tế bào gốc trung mô (MSC) là một trong những giải phóng đột phá, thu hút sự quan tâm bên cạnh tế bào gốc tạo máu (HSC). Một số nghiên cứu chỉ ra, MSC có thể điều trị hơn 300 bệnh lý khác nhau, đạt được hiệu quả điều trị cải thiện sức khỏe của người bệnh.
Vai trò của MSC trong cơ thể
Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào và Gen (ISCT) công bố 3 tiêu chuẩn về xác định tế bào gốc trung mô như sau:
- Có khả năng bám dính trên bề mặt nhựa (plastics) với hình dạng fibroblast đặc trưng.
- Biểu hiện các marker CD73, CD90, CD105; không biểu hiện các marker CD14/CD1B, CD45, CD79α/CD19, HLA-DR.
- Có khả năng biệt hóa in vitro thành tế bào xương, sụn, mỡ trong điều kiện thích hợp.
Nếu tế bào trong cơ thể đạt 3 tiêu chuẩn trên thì ta có thể đề cập đến những vai trò chính của chúng trong cơ thể người như sau:
- MSC có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau.
- Chúng tương tác với các tế bào miễn dịch, giúp điều biến miễn dịch.
- Tiết các cytokine, chemokines, exosome.
- Khả năng di chuyển đến những vị trí bị tổn thương, hỗ trợ quá trình làm lành vết thương.
(Những vai trò chính của MCS trong y học tái tạo)
Có thể thấy, vì khả năng di chuyển đến nơi gặp tổn thương và làm lành nên tế bào gốc trung mô thường được ứng dụng trong y học tái tạo. Đây là phát hiện mới, mang tính quan trọng đối với ngành y học nói chung.
Tiềm năng biệt hóa đa dạng
Tế bào gốc trung mô có tiềm năng biệt hóa đa dạng, các nghiên cứu và ứng dụng tái tạo mô cơ quan. Gồm có xương, mỡ, thần kinh, cơ tim, gan, giác mạc, khí quản, da và sụn. Tuy nhiên, loại tế bào gốc này cần được nuôi cấy, tăng sinh trong điều kiện môi trường thích hợp để nâng cao tính biệt hóa.
Công nghệ tế bào gốc trung mô
Công nghệ đầu tiên của tế bào gốc trung mô là sử dụng khối tế bào từ mảnh mô đệm mạch máu, thu nhận mô mỡ điều trị bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp nối. Sau quá trình theo dõi, phương pháp cho kết quả phục hồi tốt ở vị trí khớp tổn thương, cải thiện đáng kể vận động ở người bệnh.
(Công nghệ tế bào gốc trung mô cho kết quả phục hồi tốt ở vị trí khớp tổn thương)
Một công nghệ khác của MSC là sản xuất số lượng lớn tế bào gốc thông qua quá trình nuôi cấy, tăng sinh tế bào trong môi trường và điều kiện thích hợp. Từ đó thu thập số lượng lớn tế bào gốc trong thời gian ngắn, song vẫn bảo tồn đặc tính của quần thể tế bào gốc.
Ứng dụng MSC trong y học tái tạo
Trong y học tái tạo, tế bào gốc trung mô được ứng dụng trong điều trị:
- Chấn thương chỉnh hình: Gãy xương, chấn thương sọ não.
- Bệnh thoái hóa xương khớp: Hoại tử xương, khiếm khuyết tạo xương.
- Bệnh về mắt: Tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, viêm võng mạc sắc.
- Bệnh về tim: Nhồi máu cơ tim.
- Bệnh về thận: Suy thận cấp tính.
- Bệnh gan: Viêm gan, xơ gan.
- Bệnh phổi: Phổi xơ hóa, phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Bệnh đa cơ quan: Tiểu đường, nhiễm trùng huyết.
- Bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
- Bệnh đường tiêu hóa: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
- Bệnh do cấy ghép mô cơ quan: Bệnh mảnh ghép chống vật chủ GvHD.
Kết luận
Tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô là hai loại tế bào gốc quan trọng với cơ thể người, chúng có khả năng tự đổi mới, biệt hóa, tổng hợp và tiết các yếu tố tăng trưởng. Dựa vào đặc điểm của từng loại tế bào gốc cũng như nguồn, nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thực hiện liệu pháp điều trị phù hợp, đạt hiệu quả cao.