Sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi là gì?

Phương Loan

13-03-2024

goole news
16

Tế bào gốc có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể, đảm nhiệm các chức năng chuyên biệt như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hoặc tế bào xương. Trong bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tập trung chỉ ra sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi.

Tế bào gốc trung mô là gì?

Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells - MSCs) thuộc nhóm tế bào gốc trưởng thành, có khả năng biệt hóa trở thành các tế bào chức năng như sụn, mỡ, xương, thần kinh, gan, thận,... Tế bào này còn có thể tăng sinh khi được nuôi cấy bên ngoài cơ thể, điển hình hiện nay là mô dây rốn.

Tế bào gốc trung mô có khả năng tăng sinh khi được nuôi cấy bên ngoài

(Tế bào gốc trung mô có khả năng tăng sinh khi được nuôi cấy bên ngoài)

Có ba loại tế bào gốc trung mô phổ biến, thường được sử dụng nhất hiện nay:

  • Tế bào gốc trung mô thu thập từ tủy xương.
  • Tế bào gốc trung mô thu thập tại mô mỡ.
  • Tế bào gốc trung mô thu thập từ mô dây rốn trẻ sơ sinh.

Với tính sẵn có, dễ thu thập, có độ an toàn cao, ít xâm lấn và chi phí thấp, tế bào gốc trung mô đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Những nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng loại tế bào gốc này bước đầu cho tín hiệu khả quan, đáng kỳ vọng.

Tế bào gốc phôi là gì?

Tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells - ESC) được tìm thấy trong khối tế bào của phôi nang, tức giai đoạn đầu của phôi đang phát triển từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau thụ tinh. ESC được chiết xuất từ tế bào bên trong phôi nang, đem nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và điều kiện thích hợp có thể sinh sôi vô hạn.

Tế bào gốc phôi được tìm thấy trong khối tế bào của phôi nang

(Tế bào gốc phôi được tìm thấy trong khối tế bào của phôi nang)

Theo sự phát triển của phôi bình thường, phôi nang sẽ biến mất sau ngày thứ 7 và bắt đầu hình thành 3 lớp mô phôi. Thực hiện nghiên cứu tế bào gốc phôi nang sẽ phá hủy quá trình phát triển tự nhiên, bởi vậy việc làm này dấy lên các tranh cãi mạnh mẽ về đạo đức.

Sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi theo bảng

Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết những sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ phân biệt nhanh bằng các điểm cơ bản theo bảng sau:

Tế bào gốc trung mô

Tế bào gốc phôi

Tế bào gốc trung mô thuộc nhóm tế bào gốc trưởng thành, là loại tế bào chưa biệt hóa trong các cơ quan hoặc mô đã biệt hóa.

Tế bào gốc phôi được tìm thấy trong giai đoạn phôi nang sớm.

Tế bào gốc trung mô thuộc nhóm tế bào đa năng, có thể phát triển thành các loại tế bào có liên quan chặt chẽ với nhau.

Tế bào gốc là tế bào toàn năng, có thể phát triển thành bất kỳ tế bào nào.

Vị trí: Tủy xương, não, máu, gan, da, cơ xương, mô mỡ.

Vị trí: Phôi nang.

Chi tiết sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi

Bạn đã được cung cấp những thông tin cơ bản về sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi, tiếp theo đây là nội dung chi tiết giúp góc nhìn rõ ràng, cụ thể hơn.

Nguồn gốc

Nếu tế bào gốc trung mô có thể tìm kiếm tại các bộ phận khác nhau trong cơ thể như tủy xương, mô mỡ, dây rốn thì tế bào gốc phôi chỉ có duy nhất ở phôi nang, giai đoạn 5 - 7 ngày sau khi thụ tinh. Vậy nên, xét về góc độ nguồn gốc thì MSC đa dạng hơn ESC, dễ tìm thấy hơn.

Cách thức nuôi cấy

Tế bào gốc trung mô có thể tăng sinh nếu được nuôi cấy trong môi trường thích hợp, thông thường cần thay môi trường từ 2 - 3 ngày/lần. Quy trình nuôi cấy tuân theo 3 bước:

  • Bước 1: Phân lập tế bào bằng phương pháp enzyme hoặc nuôi cấy mảnh mô.
  • Bước 2: Nuôi cấy tế bào đã phân lập trong môi trường đặc hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn lâm sàng.
  • Bước 3: Thu hoạch tế bào gốc trung mô, kiểm tra chất lượng trước khi tiêm hoặc truyền cho người bệnh.

Cách thức nuôi cấy tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi

(Cách thức nuôi cấy tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi)

Vì tế bào gốc phôi vấp phải các tranh cãi về vấn đề đạo đức nên các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo ra tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC), có khả năng tương tự tế bào gốc phôi thai. Cách thức nuôi cấy như sau:

  • Bước 1: Lấy mẫu từ mô trưởng thành hoặc phôi.
  • Bước 2: Đặt mẫu tế bào vào vừa thu vào môi trường nuôi cấy được kiểm soát.
  • Bước 3: Tiến hành thu hoạch.

Tuy nhiên, tế bào gốc đa năng cảm ứng vẫn còn mới, cần được nghiên cứu thêm trước khi đưa vào ứng dụng điều trị lâm sàng. Người bệnh cũng như gia đình cần tìm hiểu kỹ các vấn đề xung quanh trước khi ký kết thỏa thuận.

Nhìn chung cách thức nuôi cấy tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi đều phải diễn ra trong môi trường đạt chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ. Duy chỉ nguồn tế bào tăng sinh có sự khác nhau, MSC lấy từ tủy xương, mô mỡ hoặc dây rốn, còn iPSC lập trình lại các mô trưởng thành hoặc phôi..

Đặc tính

Tế bào gốc phôi có đặc tính là toàn năng, chỉ chúng mới có khả năng biệt hóa thành mọi loại tế bào trong cơ thể. Còn tế bào gốc trung mô thuộc nhóm tế bào gốc đa năng, tiềm năng biệt hóa thấp hơn, tạo ra một số tế bào nhất định như xương, sụn, mỡ, máu, miễn dịch.

Tính ứng dụng

Khi các cơ quan, bộ phận trên cơ thể bị tổn thương, tế bào gốc phôi có thể hỗ trợ sửa chữa cấu trúc theo đúng đặc tính toàn năng. Ngoài ra, ESC có thể hỗ trợ các nhà khoa học tiếp cận tế bào trưởng thành mà không phải lấy từ mô bệnh nhân, tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc phản ứng tế bào đối với loại thuốc mới.

Thế nhưng, tế bào gốc phôi vấp phải tranh cãi về vấn đề đạo đức do phá hủy phôi nang. Bởi vậy, chúng chưa được công nhận, ứng dụng điều trị rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam như tế bào gốc trung mô.

Khả năng ứng dụng điều trị của tế bào gốc phôi và tế bào gốc trung mô

(Khả năng ứng dụng điều trị của tế bào gốc phôi và tế bào gốc trung mô)

Theo trang điện tử clinicaltrial.gov, tế bào gốc trung mô đã được đưa vào điều trị các bệnh rối loạn miễn dịch, chấn thương thần kinh, bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa,... Một số nghiên cứu ứng dụng khác như bệnh tim mạch, tự kỷ, tổn thương tủy sống, xơ gan, xương khớp, tiểu đường,.... cũng cho tín hiệu khả quan.

Vấn đề tranh cãi khi sử dụng

Xuyên suốt bài viết, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã nêu tế bào gốc phôi vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, ngay từ giai đoạn nghiên cứu. Hiện nay, tế bào gốc phôi được lấy từ 3 nguồn phôi thai chính:

  • Phôi thai bị dư thừa sau khi thụ tinh ống nghiệm.
  • Phôi thai được tạo ra trong phòng thí nghiệm, từ trứng và tinh trùng hiến tặng.
  • Phôi thai được tạo ra bởi kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng.

Những tranh cãi xung quanh việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi

(Những tranh cãi xung quanh việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi)

Cả ba nguồn phôi thai trên đều dấy lên tranh cãi, bởi có nhiều quan điểm cho rằng cuộc đời con người được tính từ khi là phôi thai, phá hủy chúng tức là cắt đứt sự sống. Khác với tế bào gốc trung mô, những e ngại xuất phát từ khả năng ứng dụng vào quá trình điều trị bệnh ở người.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh, làm sáng tỏ cơ chế cũng như vai trò của tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh. Nhiều công trình khoa học đã diễn ra và không ghi nhận ca, trường hợp xấu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Kết lại, có nhiều yếu tố để xem xét sự khác nhau giữa tế bào gốc trung mô và tế bào gốc phôi, bao gồm nguồn gốc, cách nuôi cấy, đặc tính, ứng dụng hay vấn đề tranh cãi. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn, phân biệt rõ ràng các loại tế bào gốc trong cơ thể người.

210

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám