Thông liên thất có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Thao Tran

04-09-2023

goole news
16

Đa số các trường hợp thông liên thất có thể tự khỏi nhưng với những ca mức độ trung bình và nặng thì sẽ có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Mặc dù là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhưng vẫn nhiều người chưa biết đến. Chính vì vậy, trong bài viết ngày hôm nay, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ gửi đến bạn đọc các thông tin liên quan đến bệnh lý này.

Tìm hiểu về thông liên thất

Thông liên thất là gì?

Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất (chiếm khoảng 1/4 các bệnh tim bẩm sinh) do trên vách liên thất bị huyết một hoặc nhiều nơi gây thông giữa 2 tâm thất. Bệnh này thường được chẩn đoán sớm từ khi người bệnh còn nhỏ thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và các biến chứng sớm của nó. Bên cạnh đó, thông liên thất có thể được phát hiện từ khi còn trong thai nhi, bằng phương pháp siêu âm tim.

Thông liên thất ở trẻ sơ sinhThông liên thất ở trẻ sơ sinh - Mối lo đáng ngại của hầu hết các bậc phụ huynh

Phân loại thông liên thất

Dựa theo vị trí giải phẫu, thông liên thất được chia thành 4 loại, gồm:

  • Thông liên thất phần quanh màng: Đây là loại hay gặp nhất chiếm khoảng 70- 80%, lỗ thông nằm ở phần màng ngoài của vách liên thất, vị trí nối giữa van 3 lá và van động mạch chủ, có tỷ lệ tự đóng khá cao.
  • Thông liên thất phần cơ: Lỗ thông nằm ở bất kỳ vị trí nào của phần vách liên thất cho đến mỏm tim, chiếm khoảng 5 - 20% các trường hợp bệnh và cũng có khả năng tự đóng tương đối cao.
  • Thông liên thất phần buồng nhận (còn được gọi là thông liên thất kiểu ống nhĩ thất chung) chiếm khoảng 5 - 8%. Lỗ thông ở các vị trí cao của vách liên thất, rộng và ít có khả năng tự đóng lại, hay kèm theo tổn thương của các van nhĩ thất.
  • Thông liên thất phần phễu (hay còn được gọi là thông liên thất dưới van động mạch chủ và van động mạch phổi) hiếm gặp hơn, chiếm khoảng 5 - 7%. Lỗ thông nằm phần cao nhất trên vách liên thất nơi có tiếp giáp với van động mạch chủ và van động mạch phổi, thường phối hợp với tổn thương lá van động mạch chủ.

thông liên thấtHình ảnh so sánh trái tim của người bình thường và người bị thông liên thất

Triệu chứng của thông liên thất

Đối với các trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ thì hầu như không có triệu chứng cơ năng. 

Đối với các trường hợp thông liên thất lỗ to, các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ gồm:

  • Mệt khi chơi hoặc ăn.
  • Không tăng cân.
  • Màu da xanh, nhất là xung quanh môi và móng tay.
  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Chân, mắt cá chân và bàn chân bị sưng phù.

Ở người lớn tuổi, hay gặp nhất là tình trạng khó thở và mất khả năng gắng sức. Các triệu chứng thường có liên quan đến mức độ của luồng thông trái - phải và áp lực, sức cản của động mạch phổi.

Nguyên nhân gây ra thông liên thất

Phần lớn nguyên nhân của các trường hợp thông liên thất vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ sinh con ra bị khuyết tật tim, trong đó cao thông liên thất:

  • Mẹ bị nhiễm Rubella trong thời gian mang thai, dẫn đến làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Virus Rubella qua nhau thai, lây lan qua hệ tuần hoàn mạch máu thai nhi gây tổn thương đến cơ quan và bao gồm cả tim.
  • Tiền sử bệnh gia đình có người thân trực hệ mắc bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất.
  • Bệnh tiểu đường khó kiểm soát: Thai phụ mắc bệnh tiểu đường và không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu cũng như sự phát triển của thai nhi.
  • Cha hoặc mẹ hay cả 2 có sử dụng thuốc ma túy hoặc nghiện rượu hoặc tiếp xúc với chất độc, phóng xạ thì trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Mẹ bầu bị nhiễm Rubella trong thai kỳ có nguy cơ sinh con bị tật tim bẩm sinhMẹ bầu bị nhiễm Rubella trong thai kỳ có nguy cơ sinh con bị tật tim bẩm sinh

Biến chứng của thông liên thất

Thông liên thất lỗ nhỏ thường ít khi có biến chứng, trẻ có thể sinh hoạt cũng như phát triển bình thường.

Thông liên thất lỗ lớn hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng hoạt động của tim phổi, gây ra các biến chứng như:

  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ xảy ra khi kèm suy tim, nhiễm trùng tái phát và ăn uống kém.
  • Viêm phổi: Trẻ có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp tái phát và đánh lo nhất là viêm phổi. 
  • Suy tim ứ huyết: Đây là tình trạng tim co bóp không hiệu quả, dẫn đến không đảm bảo lượng máu nuôi các cơ quan trong cơ thể, gây nên hiện tượng ứ máu ở hệ tĩnh mạch ngoại biên.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Đây là trạng nhiễm trùng trên bề mặt nội mạc của tim.
  • Hội chứng Eisenmenger (còn được gọi là tăng áp động mạch phổi và đảo shunt).
  • Một số biến chứng khác của bệnh thông liên thất có thể gặp: loạn nhịp tim, tắc mạch não, áp-xe não… 

Cách điều trị thông liên thất

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thông liên thất phù hợp. 

Điều trị nội khoa

Phương pháp nội khoa chỉ có thể hỗ trợ tạm thời như ngăn ngừa hay làm chấm tiến triển tình trạng tăng áp động mạch phổi dẫn đến đảo shunt hoặc điều trị các biến chứng như suy dinh dưỡng, suy tim, nhiễm trùng… 

  • Nên nhập viện điều trị, giảm thiểu lượng nước  60-80 ml/kg/ngày, giảm thiểu sang chấn (stress) do bứt rứt, sốt cao với bệnh nhi cho thông liên thất lỗ lớn.
  • Oxy thường được dùng trong các trường hợp suy tim có phù phổi, nhưng cần lưu ý đến tác dụng giãn mạch phổi của oxy có thể làm tăng luồng thông trái - phải. Nên sử dụng hô hấp hỗ trợ khi có biểu hiện suy hô hấp rõ rệt theo chế độ áp lực  dương  liên tục hoặc áp lực dương cuối thì thở ra.
  • Thuốc lợi tiểu nên sử dụng cùng với digoxin, có tới nay đã được ghi nhận có hiệu quả, dù vai trò của digoxin với cơ tim chưa trưởng thành so với các thuốc co sợi cơ khác chưa được rõ ràng.
  • Thuốc ức chế men chuyển dãn mạch giảm hậu tải.
  • Ức chế men chuyển và lợi tiểu có thể dùng thay thế digoxin trong điều trị khởi đầu, phác đồ này có thể duy trì khi điều trị ngoại trú.
  • Sử dụng các thuốc giãn mạch phổi như bosentan, tadalafil, sildenafil đối với trường hợp tiến triển đến bệnh lý Eisenmenger.
  • Chế độ ăn uống cũng rất cần thiết vì suy dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố chỉ định can thiệp phẫu thuật sớm.

Điều trị phẫu thuật

Ngoại khoa là phương pháp điều trị triệt để, có thể nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhi.

Chỉ định phẫu thuật tùy theo biểu hiện lâm sàng và độ tuổi của bệnh nhân:

Dưới 6 tháng

Nếu không thể khống chế được suy tim

6-24 tháng

Nếu có tăng áp động mạch phổi hoặc có triệu chứng lâm sàng

Trên 2 tuổi  

Nếu QP/QS > 2

phẫu thuật thông liên thất ở trẻ sơ sinh

Mổ thông liên thất ở trẻ sơ sinh nếu không khống chế được suy tim

Chống chỉ định

Tuyệt đối

Khi KLĐMP/KLĐMHT > 1/1

Tương đối

Nếu KLĐMP/KLĐMHT > 0,75/1

Phẫu thuật sẽ sớm thực hiện trong 6 tháng đầu nếu tình trạng suy tim ứ huyết không khống chế được hoặc bội nhiễm phổi tái phát và không tăng trưởng. Phẫu thuật trong vòng 1 - 2 năm đầu với các trường thông liên thất lỗ lớn có thể không chế được suy tim nhưng áp lực động mạch phổi còn cao. Còn đối với trẻ lớn hơn thì cần xem xét lưu lượng phổi còn tăng nhiều hay không (QP/QS > 1,5-2).

Trong những ca khó quyết định như áp lực động mạch phổi tăng cao và KLĐMP > 0,75 KL ĐMHT (khoảng 8-10 đơn vị WOODS) cần thực hiện thông tim đo kháng lực mạch máu phổi và làm các test oxy, NO để đánh giá đáp ứng động mạch phổi trước khi quyết định.

Thông liên thất kèm hở van động mạch chủ cần can thiệp sớm để tránh động mạch chủ xấu đi theo thời gian.

Điều trị thông tim can thiệp đóng lỗ thông

Phương pháp điều trị này được chỉ định cho các trường hợp như:

  • Thông liên thất cơ bè lớn: còn shunt trái - phải và gây lớn thất trái hoặc nhĩ trái hoặc tỉ số Qp/Qs > 2:1 và rìa động mạch chủ > 4 mm.
  • Thông liên thất phần màng lớn: còn shunt trái - phải và gây lớn thất trái hoặc nhĩ trái hoặc tỉ số Qp/Qs > 2:1, rìa động mạch chủ > 2 mm, cân nặng > 10 kg.
  • Thông liên thất lỗ nhỏ: cơ bè (rìa động mạch chủ > 4 mm) hoặc phần màng (rìa động mạch chủ > 2 mm), nhưng không còn khả năng tự đóng (> 8 tuổi) hoặc có tiền căn viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Cách phòng ngừa thông liên thất

Cho đến nay, chưa có cách phòng ngừa hoàn toàn thông liên thất và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh là cách giúp giảm thiểu nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh tim ở trẻ sơ sinh. Do đó, nếu bạn có kế hoạch mang thai thì nên tuân thủ lối sống lành mạnh để tạo tiền đề chào đón con yêu khỏe mạnh:

  • Tiêm phòng đủ các mũi trước mang thai (cúm, sởi – quai bị – rubella, viêm gan B, thủy đậu, bạch hầuho gàuốn ván).
  • Không hút thuốc lá, sử dụng rượu kia và học các kiểm soát lo lắng, căng thẳng, trầm cảm trước và trong khi mang thai.
  • Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ khoáng chất, vitamin, đặc biệt là sắt, canxi và axit folic.
  • Khám thai đúng lịch và thực hiện đủ các xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi cũng như các bệnh di truyền.
  • Thông báo với bác sĩ khi bạn hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh.

Qua những chia sẻ nêu trên, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng rằng đã cung cấp những kiến thức bổ ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh thông liên thất ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của trẻ và gia đình.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác hoặc nhu cầu Đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện Phương Đông, vui lòng liên hệ đến Hotline 1900 1806 để được hỗ trợ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,241

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám