Trẻ em bị gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phương Loan

20-02-2024

goole news
16

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến, trở thành vấn đề đáng lo ngại trong toàn xã hội hiện nay. Xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa đã gây tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ.

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em là gì?

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ được xếp vào nhóm gan nhiễm mỡ không do rượu, viết tắt tên quốc tế là NAFLD. Đây là tình trạng chất béo dư thừa ứ đọng tại gan, làm cản trở trình tự phát triển thông thường của trẻ.

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em là tình trạng chất béo dư thừa tích tụ tại gan

(Gan nhiễm mỡ ở trẻ em là tình trạng chất béo dư thừa tích tụ tại gan)

Có 2 thể gan nhiễm mỡ ở trẻ em:

- Gan nhiễm mỡ nhẹ không do rượu, trẻ bị tăng mỡ trong gan nhưng phần trăm viêm và tổn thương rất ít, thậm chí không xuất hiện. Ở thể này, bệnh không tiến triển xấu gây ra các biến chứng cũng như tổn thương gan vĩnh viễn.

- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, ở thể này trẻ bị viêm gan và tổn thương tế bào gan. Tình trạng này kéo dài có thể gây xơ hóa tạo sẹo ở gan, dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Xác định gan nhiễm mỡ khi lượng mỡ tích tụ vượt quá 5% tổng trọng lượng gan, trẻ em dù không uống rượu bia cũng có thể mắc căn bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt, chế độ ăn thiếu khoa học.

Những tác nhân khiến trẻ em bị gan nhiễm mỡ

(Những tác nhân khiến trẻ em bị gan nhiễm mỡ)

Một số nguyên nhân chủ chốt khiến trẻ em bị gan nhiễm mỡ:

- Thừa cân, béo phì: Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị gan nhiễm mỡ, cha mẹ cần thực hiện những biện pháp giảm cân an toàn, lành mạnh để đưa trẻ về mức cân phù hợp, tránh xa những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường, chất béo bão hòa, chất bảo quản làm rối loạn quá trình chuyển hóa mỡ, khiến gan phải hoạt động quá mức dẫn tới tình trạng tổn thương và tích tụ mỡ.

- Sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng không đúng cách: Khi đưa bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng vào cơ thể, cha mẹ cần tìm hiểu và nhận tư vấn kỹ để tránh gây hại cho gan, làm gia tăng tình trạng ứ đọng mỡ tại tế bào gan.

- Di truyền: Đây là nhóm nguyên nhân nguyên phát, có thể do di truyền từ đời trước hoặc đột biến gen. Trong trường hợp gia đình có ông bà, bố mẹ từng mắc bệnh, trẻ cần được thăm khám để tầm soát và phát hiện kịp thời.

- Bệnh lý: Những bệnh lý như đái tháo đường, thận hư hoặc các vấn đề liên quan khiến trẻ chán ăn, gây rối loạn tiêu hóa, giảm cân đột ngột. Khi cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, mỡ sẽ phân giải thành các axit béo chuyển tới gan, trường hợp không tiêu thụ hết sẽ ứ đọng lại trong gan.

Có thể thấy, nguyên nhân trẻ em bị gan nhiễm mỡ tương đối đa dạng, trừ yếu tố di truyền thì tất cả các vấn đề còn lại, cha mẹ hoàn toàn có thể cùng con giải quyết, đặc biệt là chế độ sinh hoạt và ăn uống.

Khi nào cần sàng lọc gan nhiễm mỡ ở trẻ em?

Những trẻ béo phì và thừa cân trong giai đoạn 9 - 11 tuổi cần thực hiện sàng lọc gan nhiễm mỡ. Việc sàng lọc sớm giúp trẻ tránh được những nguy cơ xơ gan, ung thư gan, đây là biến chứng nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Trong trường hợp trẻ béo phì nặng, thế hệ trước trong gia đình từng bị gan nhiễm mỡ do rượu hoặc không do rượu, suy tuyến yên có thể thực hiện sàng lọc trước 9 tuổi. Cha mẹ khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để tầm soát và điều trị kịp thời.

Triệu chứng trẻ em bị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em không có biểu hiện rõ ràng hay triệu chứng đặc trưng, thế nên cha mẹ rất khó nhận biết. Thông thường, chỉ phát hiện khi bệnh lý tiến triển nặng hoặc khi thăm khám sức khỏe định kỳ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị gan nhiễm mỡ

(Dấu hiệu nhận biết trẻ bị gan nhiễm mỡ)

Một số triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ bị gan nhiễm mỡ:

- Trẻ có thể bị đau sườn phải khi tình trạng gan nhiễm mỡ còn nhẹ.

- Bệnh nặng hơn khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, sưng bụng, khó tăng cân.

- Hệ tiêu hóa có những bất thường như khó tiêu, đầy hơi.

Để phát hiện bệnh kịp thời, cha mẹ có thể nói chuyện với con về những dấu hiệu nêu trên, động viên và khích lệ con chia sẻ những vấn đề bất thường của cơ thể. 

Phương pháp chẩn đoán trẻ em bị gan nhiễm mỡ

Bước đầu tiên trong chẩn đoán trẻ bị gan nhiễm mỡ, các bác sĩ sẽ khai thác thông tin về tiền sử gia đình, thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định thực hiện xét nghiệm. Trẻ có thể thực hiện một hoặc cả ba xét nghiệm:

- Xét nghiệm máu cho biết chỉ số men gan tăng hay không, bên cạnh đó là các chỉ số liên quan để đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe của trẻ.

- Chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm, siêu âm đàn hồi hoặc chụp MRI, cho phép nhìn thấy các dấu hiệu bất thường của gan, theo dõi tình trạng chất béo trong gan.

- Sinh thiết gan là phương pháp có thể chứng minh chẩn đoán, giúp bác sĩ đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Phát hiện trẻ em bị gan nhiễm mỡ bằng các xét nghiệm

(Phát hiện trẻ em bị gan nhiễm mỡ bằng các xét nghiệm)

Thực hiện các phương pháp nêu trên sẽ giúp bác sĩ xác định trẻ bị gan nhiễm mỡ hay không, đồng thời tìm ra được nguyên nhân gây để có phác đồ điều trị phù hợp, hạn chế gia tăng lượng mỡ trong gan cũng như tính mạng bị đe dọa.

Cách điều trị gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ phải làm sao? Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo trẻ béo phì, thừa cân cần giảm cân để quá trình điều trị gan nhiễm mỡ đạt hiệu quả. Để làm được điều đó, cha mẹ cần tham gia và hỗ trợ con xuyên suốt quá trình.

Trẻ bị gan nhiễm mỡ nên ăn uống như thế nào?

(Trẻ bị gan nhiễm mỡ nên ăn uống như thế nào?)

- Hạn chế hoặc dừng việc sử dụng đồ uống có đường, ga cho trẻ, đây là nguyên nhân chính khiến trẻ em hiện nay tăng cân quá mức và béo phì.

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng thực phẩm chứa chất béo không bão hòa, bổ sung chất xơ từ rau củ quả và trái cây tươi.

- Thể dục thường xuyên, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày có thể giảm đáng kể lượng mỡ trong gan. Ngoài ra, thể dục còn giúp trẻ thư giãn đầu óc, sảng khoái tinh thần và tăng cường sức khỏe thể chất.

- Giám sát thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tối đa 2 tiếng/ngày. Việc để trẻ thỏa thích sử dụng thiết bị điện tử gây tác động lớn như ăn uống mất kiểm soát, lười vận động, một số có thể ảnh hưởng đến tinh thần.

Song song với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống và sinh hoạt tại nhà, cha mẹ cần đều đặn đưa trẻ đến khám để theo dõi diễn biến bệnh lý gan nhiễm mỡ.

xem thêm:

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, kéo dài tình trạng có thể tạo điều kiện cho những biến chứng phát triển, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

Gan nhiễm mỡ gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời

(Gan nhiễm mỡ gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời)

- Trong trường hợp trẻ bị bệnh viêm gan nhiễm mỡ có thể gặp các biến chứng như xơ gan, suy gan và ung thư gan, một số trẻ phải thực hiện phẫu thuật ghép gan.

- Gan nhiễm mỡ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Nếu bệnh trở nặng, trẻ có thể bị bệnh tim, đột quỵ hoặc xơ cứng động mạch khi trưởng thành.

Như vậy, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã thông tin đến bạn trẻ em bị gan nhiễm mỡ là gì, nguyên nhân, triệu chứng và chế độ ăn uống dành cho trẻ. Hy vọng thông qua bài viết, cha mẹ đã có những nhận định đúng đắn và kịp thời về bệnh lý gan thoái hóa mỡ ở trẻ.

779

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám