Viêm túi mật là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau bụng dữ dội, sốt, và buồn nôn. Nhiều người khi được chẩn đoán viêm túi mật đều lo lắng liệu có cần phải phẫu thuật hay không. Thực tế, không phải trường hợp nào cũng yêu cầu can thiệp ngoại khoa. Điều trị viêm túi mật có thể linh hoạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về chủ đề này, giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn về quá trình chữa trị bệnh lý này.
Tổng quan về viêm túi mật
Túi mật là một cơ quan của cơ thể, có chiều dài khoảng 80-100mm, chiều ngang 30-40mm, hình quả lê ở phía bên phải của bụng, nằm dưới gan chứa dịch mật dạng lỏng được tiết ra từ gan, sau đó đổ vào ruột non đóng vai trò hoà tan chất béo và tiêu hoá thức ăn.
Các bộ phận của túi mật bao gồm: thân, ống và cổ túi mật.
Hình ảnh về túi mật bình thường và viêm túi mật
Viêm túi mật là hiện tượng túi mật bị nhiễm khuẩn, xảy ra khi bị tắc nghẽn ống dẫn, cản trở sự lưu thông bình thường của mật vào ruột non gây nên sự ứ đọng mật trong túi mật, dần sẽ dẫn đến viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị thủng túi mật vô cùng nguy hiểm.
Các vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng ở túi mật như E.coli, Klebsiella, Bacteroides, Staphylococcus,...
Phân loại mức độ viêm túi mật
Mức độ viêm túi mật cấp tính
Viêm túi mật cấp do sỏi: Chiếm tới 90% các trường hợp bị viêm túi mật. Bởi nếu dòng chảy trong túi mật bị tắc nghẽn, chúng sẽ làm cho túi mật bị ứ đọng và sưng to. Lâu dần sẽ khiến cho dịch mật thấm ra ngoài thành túi, lan ra cơ quan và cấu trúc xung quanh dẫn đến các triệu chứng cảm ứng phúc mạc hay co cứng thành bụng.
Viêm túi mật không do sỏi: Là tình trạng viêm túi mật mà không có sự hiện diện của sỏi trong ống dẫn mật, chiếm khoảng 5 – 10% tổng số ca bệnh. Tình trạng này có liên quan đến nguy cơ tử vong cao và thường xảy ra ở những người đang mắc bệnh nặng, như những bệnh nhân nam vừa trải qua phẫu thuật không chấn thương. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố như viêm mạch máu, chấn thương, bỏng nặng, hoặc do điều trị hóa trị liệu.
Các triệu chứng của viêm túi mật không sỏi tương tự như viêm túi mật do sỏi, bao gồm đau bụng, sốt và buồn nôn. Tuy nhiên, tình trạng vàng da có xu hướng xảy ra nhiều hơn. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để kiểm tra sự bất thường và khả năng di động của túi mật.
Viêm túi mật mãn tính: Tình trạng này xảy ra do viêm túi mật cấp tính lặp đi lặp lại, với nguyên nhân chính là sỏi. Chúng có thể không xuất hiện triệu chứng, cũng có thể biểu hiện như một trường hợp nghiêm trọng hơn cấp tính. Một số biến chứng nguy hiểm có thể phát sinh bao gồm hoại tử, thủng túi mật hoặc sự hình thành lỗ rò.
Nguyên nhân và triệu chứng viêm túi mật cấp
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng viêm túi mật chính là sỏi. Chúng chặn đường ống dẫn mật đến ruột non, gây ứ đọng mật. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là:
- Bùn túi mật: Là một dạng hạt tích tụ trong túi mật, xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc giảm cân nhanh chóng.
- Khối u: Chèn ép, ngăn chặn mật thoát ra khỏi túi mật tạo thành sự tích tụ dẫn đến viêm túi mật.
- Nhiễm trùng: AIDS và một số bệnh do nhiễm virus khiến mật bị trào ngược trở lại.
- Các vấn đề về mạch máu: làm giảm lưu lượng máu gây viêm túi mật.
Triệu chứng
Viêm túi mật có hai dạng: Cấp tính (xảy ra đột ngột) và mãn tính (bị nhiều lần trong 1 tháng/năm)
Đối với từng trường hợp sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, viêm túi mật sẽ có thể gây hiểu lầm với triệu chứng của các bệnh lý khác vì thế, nếu gặp dấu hiệu bất thường người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám.
Dấu hiệu của bệnh viêm túi mật cấp
Triệu chứng của viêm cấp tính:
- Đau dữ dội ở bụng trên phía bên phải
- Đau vùng vai phải hoặc lưng
- Buồn nôn, sốt
- Trường hợp tệ hơn có thể làm thủng túi mật, làm mật tràn vào gan nguy hiểm tới tính mạng con người.
Triệu chứng của viêm mãn tính:
- Buồn nôn & nôn
- Sốt
- Đau vùng bụng trên bên phải
- Đau bụng giữa khi chạm vào
Các triệu chứng thường xảy ra nhiều và mạnh nhất sau khi ăn, vì lúc này cơ quan cần tiêu hoá thức ăn. Sau hơn 6 tiếng, cơn đau không giảm, có thể sốt 38 - 38,5 độ.
Một số trường hợp khá còn xuất hiện thêm tình trạng vàng da. Lúc này cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề viêm túi mật có kèm theo sỏi mật và viêm túi mật do sỏi gây tắc nghẽn đường mật (hay còn gọi là hội chứng Mirizzi) là một tình trạng nghiêm trọng khi sỏi mật chặn ống mật, dẫn đến viêm và nhiễm trùng.
Đối tượng có khả năng bị viêm túi mật
Các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm túi mật cấp tính thường liên quan đến lối sống, tuổi tác và tình trạng sức khoẻ. Chẳng hạn như:
- Phụ nữ mang thai do sự thay đổi của hormone, đặc biệt là progesterone, làm chậm quá trình bài tiết mật. Bên cạnh đó, đối với nữ giới qua 40 tuổi tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới do hormone estrogen tăng khả năng hình thành sỏi mật.
- Người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) do chức năng tiêu hoá và gan mật suy giảm theo thời gian, khả năng hình thành sỏi mật cũng tăng cao ở nhóm tuổi này.
- Người có chế độ ăn uống không lành mạnh như giàu chất béo và cholesterol, ăn ít chất xơ có nguy cơ dẫn đến bệnh lý túi mật.
- Người thừa cân hoặc béo phì do có nồng độ cholesterol trong máu cao hơn, làm tăng nguy cơ tạo thành sỏi mật và dẫn đến viêm túi mật.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh sỏi mật thì khả năng người đó cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này do yếu tố di truyền.
- Người giảm cân nhanh hoặc chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt có thể làm rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Người bị bệnh gan như xơ gan hoặc các bệnh lý khác liên quan đến gan thường gặp vấn đề với việc sản xuất và bài tiết mật, từ đó dẫn đến viêm túi mật.
Phác đồ điều trị viêm túi mật cấp
Viêm túi mật cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa có trì hoãn và bệnh nhân cần được theo dõi tại khoa Ngoại
Điều trị nội khoa
Nguyên tắc điều trị:
- Nhịn ăn, có thể đặt thông mũi - dạ dày để tránh kích thích túi mật và tuỵ.
- Truyền dịch để cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ sức khỏe
- Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm: NSAIDS, Perfalgan,...
- Thuốc giảm co bóp hoặc ức chế phó giao cảm: Atropin, nospa, alverin,..
- Kháng sinh theo khuyến cáo của Sanford
Những trường hợp viêm túi mật cấp tính mức độ nhẹ - trung bình, khởi đầu vùng kháng sinh đơn trị. Khuyến cáo chọn lựa các loại kháng sinh sau: Piperacillin/tazobactam, ampicillin/sulbactam, carbapenem,...Trong trường hợp viêm nặng có thể đe doạ tính mạng, Sanford khuyến cáo dùng đến kháng sinh imipenem/cilastatin.
Điều trị viêm túi mật có thể kết hợp kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ III với metronidazole.
- Việc theo dõi công thức bạch cầu nên được thực hiện mỗi 6 giờ, kèm theo đo nhiệt độ và khám lại định kỳ mỗi 2-3 giờ. Tốt nhất là theo dõi dưới sự giám sát của một bác sĩ hoặc nhóm trực chuyên nghiệp. Mặc dù đa phần các trường hợp viêm túi mật có thể thuyên giảm, bệnh nhân giảm đau cần được sắp xếp phẫu thuật theo kế hoạch.
- Tuy nhiên, khoảng 25% các trường hợp sau điều trị nội khoa có thể tiến triển thành viêm túi mật hoại tử hoặc viêm phúc mạc, đòi hỏi phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức.
Điều trị ngoại khoa
- Điều trị ngoại khoa nên bắt đầu sớm trong vòng 72 giờ đầu sau khi dùng kháng sinh hoặc sớm hơn nếu có bằng chứng viêm túi mật bị biến chứng.
- Trong trường hợp túi mật viêm, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được khuyến cáo thực hiện khi điều trị nội đã ổn định và nên được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Tỷ lệ hậu phẫu nội soi chuyển mổ hở trong cắt túi mật chương trình vào khoảng 5%. Tỷ lệ này cao hơn hẳn trong trường hợp mổ cấp cứu khoảng 30%.
- Kết quả chẩn đoán biến chứng xuất hiện ở viêm túi mật cần mổ ngay (nội soi hoặc mổ hở), hoặc mở túi mật ra da nếu bệnh nhân nặng, không chịu nổi cuộc kéo dài.
- Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mổ thông túi mật ra da cao gấp 5-10 lần bình thường do đa số bệnh nhân đều đã trở nặng và nguy kịch.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)là phương pháp cần được thực hiện khi có nghi ngờ về sự hiện diện của sỏi ống mật chủ hoặc tắc nghẽn đoạn cuối của ống mật mà chưa rõ nguyên nhân.
- Tùy theo tình trạng bệnh, ERCP và phẫu thuật nội soi cắt túi mật có thể được tiến hành đồng thời hoặc chia thành hai giai đoạn riêng biệt. Tuy nhiên, nội soi ERCP thường được khuyến nghị tiến hành trước khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Biến chứng của phẫu thuật.
- Tổn thương đường mật là tai biến nặng và đáng sợ nhất. Do đó phẫu thuật nội soi cắt túi mật cần bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm và chuyên môn cao, phân tích tốt vùng tam giác Calot trước khi cắt, cần chụp đường mật trong mổ hoặc chuyển qua mổ hở cho an toàn nếu nghi ngờ.
- Chảy máu đa số từ giường túi mật hay từ một nhánh nhỏ của động mạch túi mật, thường phát hiện trong vòng 12 tiếng sau mổ. Những bệnh nhân này nên được mổ lại để giải quyết vấn đề chảy máu và lấy máu đông.
- Xuất hiện nhiễm trùng, apxe tồn lưu, nhiễm trùng vết mổ.
Như vậy điều trị viêm túi mật có cần phẫu thuật hay không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong các trường hợp nhẹ, điều trị không phẫu thuật có thể đủ để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, nếu viêm túi mật cấp tính do sỏi, viêm nặng hoặc có biến chứng, phẫu thuật cắt túi mật là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa tái phát và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
Cách chăm sóc bệnh nhân viêm túi mật hậu phẫu
Chăm sóc bệnh nhân viêm túi mật sau phẫu thuật rất quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng và tránh các biến chứng. Dưới đây là các bước chăm sóc hậu phẫu cần thiết:
Chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu theo lời khuyên của bác sĩ
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn: Kiểm tra thường xuyên nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và nhiệt độ cần được theo dõi để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hoặc biến chứng nào. Đảm bảo không bị nhiễm trùng, chảy máu hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Chăm sóc dinh dưỡng: Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên ăn các món ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, và uống nước nhiều. Tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Khi bệnh nhân hồi phục tốt hơn, có thể dần dần quay trở lại chế độ ăn uống bình thường với thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ.
- Khuyến khích vận động nhẹ: Như đi bộ nhẹ nhàng xung quanh phòng giúp cải thiện tuần hoàn máu và ngăn ngừa cục máu đông. Trong ít nhất 4-6 tuần, bệnh nhân cần tránh bất kỳ hoạt động nào gây áp lực lên vùng bụng, đặc biệt là nâng vật nặng.
- Theo dõi lịch tái khám: Để bác sĩ kiểm tra tình trạng hồi phục và theo dõi sự lành vết mổ. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, buồn nôn kéo dài, đau bụng dữ dội hoặc vàng da, cần báo ngay cho bác sĩ.
Khách hàng cần thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện Phương Đông, vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được hỗ trợ.
Kết luận
Qua bài viết này, đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về bệnh viêm túi mật. Như vậy, quyết định có nên phẫu thuật hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Do đó, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ là vô cùng quan trọng.