Đau cột sống lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị bệnh

Phương Loan

21-03-2024

goole news
16

Đau cột sống lưng là một bệnh lý xương khớp, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nên cần tầm soát đều đặn, có phương pháp điều trị phù hợp. Vậy nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và chế độ dinh dưỡng cho người đau cột sống lưng là gì? Cùng theo dõi bài viết để được giải đáp.

Đau cột sống lưng là bệnh gì?

Đau cột sống lưng là tình trạng đau, tê ở cột sống lưng, cơn đau có thể xuất hiện theo dạng cấp tính hoặc mạn tính. Theo nghiên cứu, phụ nữ là đối tượng dễ mắc bệnh đau cột sống lưng hơn nam giới.

Đau cột sống lưng xuất hiện theo dạng cấp tính hoặc mạn tính

(Cột sống lưng đau theo dạng cấp tính hoặc mạn tính)

Những vị trí cột sống lưng thường gặp cơn đau:

Cột sống lưng đóng vai trò quan trọng với cơ thể, nâng đỡ giúp con người có thể đi đứng thẳng. Đây còn là nơi chứa hệ thống dây thần kinh, dây chằng điều khiển, nối liền các xương khớp với nhau.

Hiện tượng đau cột sống thắt lưng thường gặp ở người lớn tuổi, do xương khớp dần thoái hóa tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh do thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống thiếu khoa học.

Nguyên nhân gây đau lưng cột sống

Cột sống lưng có thể xuất hiện các cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc nóng rát, dữ dội đột ngột. Một số người bệnh gặp tình trạng đau lan xuống vùng xương chậu hoặc các chi, gây tê bì tay chân. Nguyên nhân gây nên được phân chia theo hai nhóm sau:

Vấn đề bệnh lý

  • Thoái hóa cột sống là sự thoái hóa tự nhiên của cơ thể, thường gặp ở người cao tuổi hoặc người ăn uống thiếu khoa học, lao động nặng, đi đứng sai tư thế,...
  • Thoát vị đĩa đệm xảy ra do lão hóa tự nhiên hoặc chấn thương do sai tư thế, ngoại lực tác động. Ngoài ra, bệnh phát triển do nhân nhầy đĩa đệm cột sống chệch khỏi vị trí trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hoặc rễ thần kinh, gây đau cột sống.

Thoát vị đĩa đệm gây cơn đau ở vùng cột sống thắt lưng

(Thoát vị đĩa đệm gây cơn đau ở vùng cột sống thắt lưng)

  • Viêm khớp là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mọi vị trí trên lưng, gây cơn đau cột sống thắt lưng. Mức độ đau có thể nhẹ hoặc nặng, kéo dài hoặc đột ngột, kèm theo biểu hiện khớp bị sưng lên.
  • Hẹp ống sống là hệ quả của gai xương thân đốt sống, làm tủy sống bị chèn ép và gây đau.
  • Ung thư, điển hình là ung thư tủy sống khiến cơ thể xuất hiện cơn đau, mức độ dữ dội kèm sốt, nhiễm khuẩn.

Phình động mạch, bệnh thận, lao phổi, lao cột sống, bệnh phụ khoa,... cũng là nguyên nhân gây đau sống lưng. Người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, xác định chính xác tác nhân gây khởi phát.

Nguyên nhân khác

  • Mang thai và hành kinh là hai thời kỳ phụ nữ thay đổi nội tiết tố nhiều nhất, vấn đề này khiến chị em bị đau sống lưng.
  • Thừa cân, béo phì gây áp lực lên cột sống, thậm chí các vị trí khác như cổ, khớp gối cũng bị ảnh hưởng.
  • Chấn thương khi di chuyển qua lại như lao động, thể thao,... khiến cột sống lưng bị tác động, gây đau.

Chấn thương thể thao là gây tác động đến sống lưng

(Chấn thương thể thao là gây tác động đến sống lưng)

  • Đi khom lưng, vắt chéo chân, ngồi xổm,... là những thói quen xấu, tác động đến tình trạng lưu thông máu, dây chằng bị chèn ép và cột sống cong vẹo, làm gia tăng cơn đau.
  • Chế độ ăn không đủ chất, thường xuyên sử dụng chất kích thích, mệt mỏi hoặc căng thẳng trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến đau lưng.
  • Lao động nặng như khuân vác gây áp lực lớn đến cột sống lưng, về lâu dài các khớp cơ bị suy yếu, gây đau đớn.

Dấu hiệu đau cột sống lưng

Để nhận biết chính xác về đau cột sống lưng, không bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác thì bạn có thể quan sát một số biểu hiện lâm sàng sau:

Dấu hiệu của bệnh lý đau cột sống lưng

(Một số dấu hiệu nhận biết cơn đau sống lưng)

  • Cơn đau khởi phát từ phần lưng trên (vùng ngực, lưng có xương sườn gắn vào), cột sống giữa lưng và vùng thắt lưng.
  • Cơn đau thường diễn tiến từ nhẹ đến nặng, nếu đau trong vài ngày đến vài tuần thì là cấp tính, nếu kéo dài trên ba tháng thì xếp vào loại mãn tính.
  • Đau sống lưng xuất hiện nhiều vào buổi sáng hoặc ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, tiền đề gây rối loạn giấc ngủ.
  • Cơn đau lan dọc từ cột sống xuống vùng hông, vùng chậu, khiến hai chân tê bì hoặc mất cảm giác.
  • Nếu ngồi lâu, vận động mạnh có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Khả năng vận động của người bệnh không còn linh hoạt, một số trường hợp không thể đứng thẳng.
  • Tình trạng đau lưng dai dẳng, không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi.
  • Xuất hiện khối viêm hoặc sưng trên lưng.

Ngoài ra, khi cột sống lưng bị đau kèm triệu chứng sốt, ớn lạnh, không kiểm soát được bàng quang hay ruột thì người bệnh cần đến ngay bệnh viện, đây là biểu hiện nghiêm trọng của bệnh lý.

Cách trị đau cột sống lưng

Một số cách chữa đau cột sống lưng tại nhà đơn giản và hiệu quả, tuy nhiên chỉ nên áp dụng với tình trạng bệnh nhẹ, không có yếu tố nguy cơ của các bệnh lý. Cụ thể như sau:

Phương pháp điều trị đau cột sống vùng lưng

(Phương pháp điều trị đau cột sống vùng lưng)

  • Thay đổi thói quen khi ngủ dậy: Bạn không nên ngồi dậy ngay, hãy nằm lại khoảng 1 đến 2 phút để các cơ được thư giãn. Tiếp đến nghiêng người, dùng một tay chống xuống giường rồi từ từ nâng cơ thể lên.
  • Tắm với nước ấm: Nước ấm có tác dụng thư giãn, giúp máu lưu thông, xoa dịu cơ thể và các cơn đau.
  • Nằm ngửa: Ngoại trừ các mẹ bầu, nằm ngửa là tư thế đúng, đảm bảo cột sống cũng như khung xương không bị cong vẹo, đồng thời được thư giãn, nghỉ ngơi sau ngày dài.
  • Nghỉ ngơi điều độ: Cơ xương khớp hàng ngày chịu nhiều áp lực từ những hoạt động sống, vậy nên cần có chế độ làm việc và thư giãn hợp lý, bảo vệ vùng cột sống lưng.
  • Chườm nhiệt: Bạn có thể sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh để xoa dịu cơn đau, tăng lưu thông máu vùng lưng.
  • Thể dục thể thao: Với người bị đau cột sống nên ưu tiên các bài vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, pilates, bơi lội, đạp xe để khắc phục cơn đau.

Đau cột sống lưng nên ăn gì?

Những thực phẩm cần bổ sung cho người mắc bệnh đau cột sống vùng lưng gồm:

Thực phẩm người bị đau cột sống lưng nên ăn

(Những thực phẩm cần bổ sung cho người mắc bệnh đau lưng cột sống)

  • Thực phẩm giàu canxi như sữa chua, sữa hạt, phô mai, rau có màu xanh đậm, cá mòi, cá hồi, cá cơm,... giúp duy trì mật độ xương, xương chắc khỏe hơn làm giảm thiểu bệnh lý về cột sống.
  • Protein thực vật từ các loại đậu, hạt hỗ trợ giảm viêm, sưng đau, ngăn ngừa thoái hóa cột sống.
  • Protein động vật như ức gà, nạc heo, vịt, cừu,... là những loại thịt nạc, ít mỡ giúp bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, cung cấp đủ chất đạm cho hoạt động cơ thể.
  • Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá cơm thúc đẩy sự phát triển của xương và mô, đồng thời kháng viêm nên có thể hỗ trợ cơ xương khớp và đĩa đệm bị tổn thương.
  • Rau xanh là nguồn thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều vitamin K giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm, loãng xương hay thoái hóa.
  • Ngũ cốc chứa vitamin và khoáng chất dồi dào, đồng thời cung cấp chất xơ giúp giảm nguy cơ tim mạch, tiểu đường, ung thư và cột sống.
  • Thực phẩm chứa nhiều magie như quả bơ, các loại hạt, đậu đen, đậu phụ, chuối, rau xanh,... có khả năng chống oxi hóa, ngăn chặn cholesterol xấu, hỗ trợ giảm viêm hiệu quả.

Xem thêm:

Cách chữa đau lưng tại nhà hiệu quả và an toàn

Biện pháp phòng ngừa bệnh đau cột sống lưng

Phòng ngừa đau sống lưng là điều bất kỳ ai cũng cần thực hiện, đặc biệt với nhóm đối tượng trẻ đang có xu hướng mắc bệnh cao. Một số biện pháp có thể áp dụng như sau:

Những cách bảo vệ cột sống lưng khỏi các cơn đau

(Những cách bảo vệ cột sống lưng khỏi các cơn đau)

  • Vận động thường xuyên, đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng sức mạnh các nhóm cơ, làm giảm nguy cơ chấn thương vùng cột sống.
  • Duy trì tư thế đúng chuẩn, làm giảm áp lực đến cột sống, đồng thời tránh ngồi nhiều, hãy đi lại để các cơ được thư giãn.
  • Cân nặng ổn định, béo phì hoặc thừa cân sẽ gây sức ép đến cột sống, khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh.
  • Bổ sung vitamin D, canxi giúp xương chắc khỏe hơn, ngăn ngừa tình trạng loãng xương hoặc đau nhức cột sống.
  • Loại bỏ chất kích thích như rượu bia, thuốc lá là tác nhân hàng đầu gây áp lực đến cột sống lưng, cần hạn chế hoặc không sử dụng.

Như vậy, các bạn đã được chia sẻ về những nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh lý đau cột sống lưng. Để có phương án điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm thì hãy liên hệ về 1900 1806 để đặt lịch với đội ngũ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

66

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám