Cấy ghép tế bào gốc trong bệnh bạch cầu cấp là gì?
Bệnh bạch cầu cấp là gì?
Bệnh bạch cầu cấp (Lơ-xê-mi cấp) hay còn được gọi là bệnh máu trắng là một dạng của bệnh ung thư máu. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh của loại tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương. Sự tăng sinh và tích luỹ của tế bào blast có thể làm:
- Giảm sinh các tế bào máu bình thường (hồng cầu, tiểu cầu) khác dẫn đến thiếu máu, chảy máu
- Các tế bào ác tính lan ra máu ngoại vi, xâm nhập vào các cơ quan khác gây tăng kích thước cơ quan đó (thường gặp ở gan, lá lách, phì đại lợi,...)
Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu cấp hiện chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Tia xạ, virus HTLV 1 và HTLV 2, tổn thương di truyền, hội chứng Down,...
Một số triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh bạch cầu cấp gồm:
- Thiếu máu, người xanh xao, mệt mỏi, hay chóng mặt,...
- Xuất huyết: Xuất hiện các nốt, chấm xuất huyết trên da hoặc sau va chạm. Thậm chí có thể chảy máu trong tạng như chảy máu tiêu hoá, xuất huyết màng não,...
- Nhiễm trùng: Gây sốt, môi khô, viêm loét kéo dài,...
- Hội chứng thâm nhiễm: Gan to, lách to, hạch to, đau xương,...
Bệnh bạch cầu cấp là một dạng của bệnh ung thư máu
Cấy ghép tế bào gốc trong bệnh bạch cầu cấp là gì?
Tế bào gốc được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu là tế bào gốc tạo máu (HSC). Bởi vì chúng có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào máu nào trong ba loại như: hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
Thông thường, các tế bào được sử dụng có thể thu từ ba nguồn:
- Máu ngoại vi
- Tuỷ xương
- Máu cuống rốn
Cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu cấp là phương pháp điều trị tiêu chuẩn để khôi phục khả năng tạo máu và các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị liều cao sẽ dẫn tới tổn thương nghiêm trọng đối với các tế bào tạo máu trong tủy và xương xốp. Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp sau khi điều trị hoá trị hoặc xạ trị liều cao có thể cấy ghép tế bào gốc để khôi phục tế bào.
Các phương pháp ghép tế bào gốc để chữa ung thư máu gồm:
- Ghép tự thân: Đây là phương pháp dựa trên việc lấy tế bào gốc từ chính người bệnh, nguồn thu có thể từ máu ngoại vi hoặc dịch tuỷ xương. Trước khi thực hiện ghép tế bào gốc, người bệnh cần phải trải qua liệu pháp hoá chất hoặc xạ trị để loại bỏ những tế bào ác tính trong cơ thể. Sau đó, các tế bào gốc sẽ được truyền vào cơ thể để phục hồi hệ thống tuỷ xương và rút ngắn giai đoạn suy tuỷ.
- Ghép đồng loài: Đây là phương pháp sử dụng tế bào gốc được lấy từ người hiến có sự tương đồng kháng nguyên bạch cầu (HLA) với người bệnh. Người hiến có thể là anh, chị, em ruột, bố mẹ hoặc người không cùng huyết thống. Tế bào gốc có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như: máu ngoại vi, dịch tuỷ xương và từ máu dây rốn của người hiến tặng.
Có thể điều trị bạch cầu cấp bằng tế bào gốc tự thân và tế bào gốc đồng loại
Mặc dù ghép tế bào gốc điều trị bạch cầu cấp có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng chúng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giai đoạn bệnh và sự tương đồng của nguồn hiến tặng. Khi quyết định điều trị bằng phương pháp này, tốt nhất nên trao đổi và đánh giá kỹ lưỡng với đội ngũ y tế chuyên gia.
Tác dụng của phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp bằng tế bào gốc
Cấy ghép tế bào gốc giúp điều trị bệnh bạch cầu bằng cách thay thế các tế bào máu bị tổn thương bằng các tế bào khỏe mạnh. Tế bào gốc có thể biến thành nhiều loại khác nhau từ đó thực hiện chức năng vốn có của chúng:
- Tế bào hồng cầu thực hiện nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể.
- Tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng.
- Tiểu cầu giúp máu đông khi bị chảy máu.
Khi được ghép tế bào gốc, cơ thể sẽ bắt đầu tạo ra tế bào máu mới. Sau khi loại bỏ các tế bào ác tính bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị, quy trình này có thể chữa khỏi hoặc làm thuyên giảm bệnh bạch cầu trong thời gian dài. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Xem thêm:
Quy trình ghép tế bào gốc trong bệnh bạch cầu cấp
Đối tượng có thể thực hiện ghép tế bào gốc
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân phù hợp với việc cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu cấp gồm:
- Tuổi còn trẻ
- Đang ở giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu
- Không mắc những bệnh lý nghiêm trọng khác.
Người có độ tuổi cao và mắc các tình trạng bệnh khác như bệnh tim, thận,... có thể không đủ điều kiện để thực hiện phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Trong một vài trường hợp, có thể thực hiện cấy ghép không nguyên bào tuỷ.
Đối tượng có thể ghép tế bào gốc chữa trị bệnh bạch cầu cấp nên trong độ tuổi còn trẻ
Quy trình cấy ghép tế bào gốc điều trị bệnh bạch cầu cấp
Bước 1: Thăm khám và xét nghiệm trước khi cấy ghép
Trước khi thực hiện quá trình cấy ghép, người bệnh cần thực hiện khám và xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Trong thời gian nằm viện, bác sĩ sẽ đặt ống catheter vào tĩnh mạch lớn ở ngực của bệnh nhân. Ống catheter máu sẽ giúp dễ dàng truyền dịch hoặc lấy mẫu máu để thực hiện xét nghiệm.
Bước 2: Hoá trị/xạ trị liều cao trước khi cấy ghép
Để chuẩn bị cấy ghép, bác sĩ sẽ loại bỏ các tế bào tổn thương bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị liều cao. Ngoài ra, phương pháp cũng giúp ức chế hệ miễn dịch của cơ thể để không tấn công các tế bào gốc mới sau khi cấy ghép. Một số bệnh nhân được thực hiện nhiều chu kỳ điều trị trước khi cấy ghép.
Cần thực hiện hoá trị hoặc xạ trị liều cao để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ác tính
Bước 3: Thực hiện thủ thuật cấy ghép tế bào gốc
Quá trình cấy ghép tế bào gốc tương tự như truyền máu. Trong khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiêm tế bào gốc vào tĩnh mạch trung tâm của người bệnh. Khi các tế bào gốc vào cơ thể, chúng sẽ di chuyển đến tủy xương và bắt đầu tạo ra hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu mới.
Phương pháp ghép tế bào gốc trong bệnh bạch cầu cấp sẽ góp phần:
- Phục hồi tuỷ xương sau khi điều trị diệt tủy để loại trừ ung thư.
- Thay thế tủy xương bất thường bằng tủy xương bình thường ở các rối loạn huyết học không ác tính.
Bước 4: Theo dõi sau khi cấy ghép
Sau khi ghép tế bào gốc, người bệnh sẽ được theo dõi trong vòng 6 tháng để phòng tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh ghép chống chủ. Người bệnh sẽ cần dùng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch để ngăn tế bào T của người cho khỏi phản ứng với hợp tử HLA người nhân. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ khi cấy ghép tế bào gốc cần được theo dõi sát sao vì hệ thống miễn dịch cơ thể chưa ổn định, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Theo dõi sau khi cấy ghép tế bào để tránh tình trạng nhiễm trùng và thải ghép
Một số rủi ro có thể gặp phải sau khi ghép tế bào gốc
Sau khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc, người bệnh có thể gặp một số rủi ro như:
- Nhiễm trùng: Quá trình điều trị bệnh bạch cầu và sau khi cấy ghép tế bào gốc, hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Do đó, người bệnh rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, nấm và virus.
- Chảy máu: Vì cơ thể không thể tạo ra tiểu cầu trong quá trình điều trị nên có thể bị chảy máu quá mức nếu bị thương. Người bệnh có thể bị chảy máu răng, chảy máu cam. Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định truyền tiểu cầu nếu tình trạng bầm tím và chảy máu trở nên nghiêm trọng.
- Bệnh ghép chống chủ: Thường xảy ra khi tế bào của người hiến tặng tấn công người nhận, gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Phản ứng có thể gây ảnh hưởng ngắn hạn hoặc dài hạn.
- Viêm phổi: Tình trạng này có thể xảy ra trong khoảng 100 ngày đầu tiên sau khi cấy ghép. Chúng có thể xảy ra do ảnh hưởng của hoá trị, xạ trị hoặc bệnh ghép chống chủ.
Một số rủi ro có thể gặp sau khi ghép tế bào gốc để điều trị bệnh
- Vô sinh: Đây là biến chứng của hoá trị và xạ trị liều cao làm tổn thương cơ quan sinh sản gây vô sinh. Hầu hết những người trải qua cấy ghép tế bào gốc không thể mang thai một cách tự nhiên. Tuy nhiên, mọi người có thế sử đông lạnh trứng hoặc tinh trùng trước khi làm thủ thuật.
- Tái phát: Đối với một số người, cấy ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, ung thư cũng có thể tái phát. Có tới 80-90% người lớn mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho sẽ thuyên giảm hoàn toàn vào một thời điểm nào đó trong quá trình điều trị, một nửa ung thư có thể quay trở lại.
- Ung thư thứ hai: Xạ trị và hoá trị liều cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển một loại ung thư khác trên cơ thể người, ngay cả khi cấy ghép tế bào gốc thành công.
- Thải ghép: Có thể xảy ra khi cơ thể không chấp nhận tế bào gốc của người hiến tặng. Tình trạng này không phổ biến, một số trường hợp bác sĩ có thể truyền một lượng tế bào gốc khác. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, người bệnh có thể tử vong.
- Rối loạn tăng sinh bạch huyết sau ghép: Hiện tượng này có thể phát triển sau khi một người nhận được tế bào gốc hiến tặng, các tế bào bạch huyết phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tình trạng này khá hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng.
Nếu gặp tình trạng thải ghép có thể được chỉ định truyền tế bào gốc khác
5. Tầm quan trọng của việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn
Việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn giúp bảo đảm sức khỏe của bé và gia đình của bé trong tương lai. Đây là nguồn “tế bào thuần khiết”, có khả năng phù hợp miễn dịch cao phù hợp cho:
- Điều trị bệnh cho chính em bé trong cả cuộc đời.
- Điều trị cho các thành viên trong gia đình (anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà,...) và cho cộng đồng khi có phù hợp chỉ số sinh học.
Tế bào gốc máu cuống rốn được coi là phao cứu sinh để điều trị nhiều bệnh nhờ vào khả năng biến đổi của tế bào gốc máu cuống rốn thành các loại tế bào máu.
Đặc biệt, tế bào gốc máu cuống rốn được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư máu, thay thế tủy xương và sửa chữa các rối loạn do di truyền. Một số bệnh lý thường được chỉ định điều trị cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn như: Bạch cầu cấp dòng lympho, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu mạn tính dòng tủy, suy tủy nặng, suy tủy dòng hồng cầu,...
Tế bào gốc máu cuống rốn có khả năng tái tạo các tế bào máu khỏe mạnh với tốc độ nhanh chóng hơn so với tế bào gốc từ nguồn thu khác. Chính vì vậy, sử dụng tế máu gốc từ máu cuống rốn đem lại nhiều kết quả khả quan hơn. Ngoài ra, thu thập máu cuống rốn khá đơn giản, dễ dàng và không gây rủi ro đối với mẹ và bé. Tuy nhiên, mỗi cuộc đời con người chỉ thu thập được một lần duy nhất nên các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về quá trình thu thập và lưu trữ máu cuống rốn cho bé.
Lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn hỗ trợ điều trị các bệnh lý nguy hiểm
Lưu trữ tế bào gốc tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Tế bào gốc - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang thực hiện triển khai lưu trữ tế bào gốc với các dịch vụ:
- Lưu trữ tế bào gốc từ mô dây rốn
- Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn
Với mục đích đảm bảo điều trị đạt hiệu quả cao nhất, Trung tâm Lưu trữ Tế bào gốc luôn tuân thủ những quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế trong lưu trữ, nuôi cấy và đánh giá chất lượng của tế bào gốc trước khi thực hiện điều trị cho bệnh nhân bạch cầu cấp.
Lưu trữ tế bào gốc tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là đơn vị thực hiện xử lý mẫu mô bằng quy trình tự động hoàn toàn giúp đảm bảo không xảy ra sai sót, lưu trữ trong môi trường Nito lỏng trong thời gian dài từ 18-20 năm. Đặc biệt, khi lưu trữ tại Phương Đông, khách hàng sẽ được thông báo kết quả kiểm định chất lượng tế bào gốc định kỳ hàng năm.
Ngân hàng mô ở Bênh viện đa khoa Phương Đông
Quý khách hàng có thể chủ động đăng ký dịch vụ thu thập và lưu trữ tế bào gốc - “bảo hiểm sinh học” cho bé và gia đình tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông với quy trình đơn giản, nhanh chóng.
Để đặt lịch lưu trữ và tư vấn chuyên sâu, quý khách có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!