Tiêm kích trứng là một trong những bước cơ bản khi làm thụ tinh nhân tạo IUI hay thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Với mỗi người hay mỗi phương pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ cung cấp những thông tin và giải đáp các vấn đề chi tiết về quá trình tiêm này.
Tiêm kích trứng để làm gì?
Tiêm kích trứng là quá trình dùng thuốc nội tiết bằng đường tiêm để thu được lượng trứng như mong muốn nhằm mục đích thụ thai thành công.
Tiêm kích trứng là bước quan trọng để làm IUI, IVF.
Đây là bước quan trọng đối với những cặp đôi dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống nghiệm (IVF) hay thụ tinh nhân tạo (IUI).
Ở phụ nữ bình thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt chỉ có một nang noãn duy nhất trong buồng trứng phát triển và rụng. Trứng rụng nếu gặp được tinh trùng sẽ kết hợp thành phôi thai.
Những phụ nữ làm IUI hoặc IVF đa số đều có số lượng trứng ít, chất lượng trứng không đảm bảo. Do đó để có được trứng trội, nhiều trứng đẹp để thụ thai, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kích trứng theo quy trình riêng biệt.
Trường hợp cặp đôi thực hiện phương pháp IUI hay canh trứng để quan hệ tự nhiên thì chỉ cần một trứng trội duy nhất. Còn nếu làm IVF thì cần thu được nhiều trứng để đưa vào phòng Lab thụ tinh, tạo phôi. Theo đó liều lượng thuốc tiêm cũng sẽ khác nhau.
Tiêm kích trứng có đau không?
Trước đây, hỗ trợ sinh sản chưa phổ biến và chưa phát triển thì tiêm thuốc kích trứng phải sử dụng các đường tiêm khác nhau như: đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp gây đau và ám ảnh cho chị em phụ nữ.
Hiện nay, hỗ trợ sinh sản được nhiều người sử dụng, cách tiêm thuốc kích trứng được thực hiện dưới da, an toàn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chị em có thể tự tiêm thuốc tại nhà sau khi được bác sĩ hướng dẫn cụ thể mà không cần đến viện hay nhờ sự hỗ trợ của điều dưỡng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các dụng cụ tiêm thuốc nhỏ gọn để đưa thuốc vào cơ thể một cách nhẹ nhàng, đã khiến chị em bớt đi phần nào nỗi lo lắng tiêm kích trứng có ảnh hưởng gì không?
Tuỳ mức độ chịu đau của mỗi người để đánh giá tiêm kích trứng có đau không, nhưng cơ bản việc tiêm thuốc kích thích rụng trứng có thể gây đau nhẹ, sưng, đỏ hoặc hơi ngứa... Các dấu hiệu này sẽ nhanh chóng mất sau vài phút và hầu như không gây ảnh hưởng gì.
Chị em có thể tự tiêm thuốc kích trứng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Quy trình tiêm kích thích buồng trứng
Tuỳ vào tình trạng của mỗi người hay phương pháp hỗ trợ sinh sản chọn lựa là gì, mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc tiêm kích trứng hay thời gian tiêm kích trứng bao nhiêu ngày, liều lượng ra sao. Về cơ bản quy trình tiêm thuốc diễn ra như sau:
- Ngày thứ 2 của chu kỳ kinh: Bạn đến siêu âm và xét nghiệm cần thiết để xác định loại thuốc nội tiết nào phù hợp. Nếu kết quả thuận lợi, bác sĩ sẽ lên lịch bắt đầu tiêm.
- Quy trình diễn ra liên tục khoảng 10-12 ngày, bạn sẽ tiêm thuốc mỗi ngày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong suốt gần 2 tuần thực hiện, bạn được hẹn thăm khám định kỳ khoảng 2-3 lần. Tức là sau khoảng 3-4 ngày sẽ đến thăm khám để đánh giá sự phát triển của nang noãn. Đồng thời bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả để điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp.
- Sau khi siêu âm cho thấy các nang trứng đã đạt đủ kích thước thì chị em sẽ được tiêm mũi rụng trứng.
- 36h sau mũi tiêm rụng trứng nữ giới được tiến hành chọc hút trứng.
Quy trình tiêm được xây dựng phù hợp với từng người.
Nếu bạn đang trong quá trình tìm con và mong muốn thực hiện tiêm kích trứng hãy liên hệ ngay với BVĐK Phương Đông qua đường dây nóng 19001806 hoặc Đăng ký tư vấn miễn phí để được hỗ trợ chi tiêt.
Kỹ thuật tiêm thuốc kích trứng khi làm IUI, IVF
Như đã nói ở trên, việc thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI chỉ cần 1 nang trứng trội nhất. Còn IVF cần lấy nhiều trứng hơn, từ 10-15 noãn nên tiêm thuốc kích trứng làm IUI và tiêm kích trứng IVF có quy trình khác nhau. Cụ thể như sau:
- Đối với IUI: Có thể áp dụng phác đồ ngắn, phác đồ tăng liều dần hoặc phác đồ giảm liều dần. Hiện, phác đồ tăng liều dần an toàn và hiệu quả hơn nhưng chi phí cao, thời gian sử dụng kéo dài.
- Đối với IVF: Bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng phác đồ dài hoặc phác đồ ngắn theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi, tiền sử bệnh lý. Đặc biệt, qua đánh giá sự đáp ứng với thuốc để có những điều chỉnh nhất định.
Tác dụng phụ của tiêm thuốc kích trứng
Tiêm kích trứng có tốt không, tiêm nhiều có hại không? Câu là lời là bạn vẫn có để đối mặt với nhiều vấn đề và nguy cơ có thể xảy ra. Việc kích trứng sẽ gây cảm giác trì nặng ở bụng dưới, căng tức ngực hoặc buồn nôn. Nhưng cảm giác này chỉ xảy ra khoảng 2-3 ngày cuối của chu trình kích trứng và biến mất sau đó. Dưới đây là một số tác dụng phụ của tiêm thuốc kích trứng:
Quá kích buồng trứng
Đây là biến chứng nghiêm trọng của tiêm kích trứng khi làm hỗ trợ sinh sản. Hội chứng này xảy ra khi buồng trứng phản ứng quá mạnh với lượng thuốc nạp vào người, thường gặp ở những người bị buồng trứng đa nang. Với các mức độ nhẹ, vừa, nặng và trầm trọng biểu hiện tương ứng như: chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy đến suy hô hấp, rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.
Sau tiêm kích trứng chị em nên cẩn thận với biểu hiện như đau bụng dữ dội.
Không đáp ứng thuốc kích trứng
Trường hợp này xảy ra do buồng trứng không đáp ứng thuốc kích trứng và hầu như không sản sinh ra bất kỳ nang trứng nào. Như vậy, tiêm kích trứng mà trứng không phát triển có thể bạn phải huỷ cả chu kỳ tiêm kích trứng.
Xoắn buồng trứng
Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm khi xảy ra. Là tình trạng thuốc được đưa vào cơ thể khiến buồng trứng to lên và có thể gây xoắn buồng trứng. Ngoài ra, với những trường hợp thụ tinh nhân tạo IUI có thể làm tăng tỷ lệ mang đa thai. Khi ấy rủi ro thai sản sẽ lớn hơn nhiều so với việc mang thai đơn.
Tiêm kích trứng nên ăn gì?
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống trong quá trình tiêm kích trứng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai khi làm IUI hoặc IVF. Giai đoạn này người vợ cần bồi bổ sức khỏe để nang trứng phát triển tốt, thu về lượng trứng đẹp. Bạn nên bổ sung các nhóm thực phẩm gồm:
- Rau xanh, các loại củ và trái cây tươi
- Ngũ cốc nguyên cám như: Yến mạch, gạo lứt; Các loại hạt như: Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia,...
- Thực phẩm giàu đạm. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều đạm động vật. Thay vào đó, nên chọn nguồn đạm lành mạnh từ cá, trứng hay các loại đậu.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày gồm cả nước lọc, nước trái cây hoặc nước canh từ các bữa ăn hàng ngày.
- Bạn nên chọn thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn này. Bên cạnh đó nên tránh xa đồ chế biến sẵn nhiều muối và nhiều đường, đồ tái sống.
Nên bồi bổ sức khỏe để thu được trứng chất lượng tốt khi tiêm thuốc kích trứng.
Những lưu ý khác khi tiêm thuốc kích trứng
Sau tiêm kích trứng bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, nữ giới cần lưu ý một số điều trong sinh hoạt:
- Bạn vẫn có thể đi làm và sinh hoạt bình thường. Nhưng bạn cần chú ý vận động nhẹ nhàng, cẩn trọng, không bê vác nặng.
- Tránh tập thể dục thể thao quá sức, cường độ mạnh, các động tác cần nhiều sức lực.
- Thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn định kỳ.
- Cần đi bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu bất thường như: Đau quặn vùng bụng dưới; căng tức bụng quá mức, nôn hoặc nôn nhiều; tiểu ít hoặc không tiểu tiện được; tiêu chảy; khó thở, tụt huyết áp,...
Với câu hỏi của nhiều chị em tiêm kích trứng có được quan hệ không? Theo các chuyên gia, các cặp đôi chỉ kiêng quan hệ khoảng 3 ngày trước khi chọc hút trứng. Còn lại thời gian tiêm thuốc, bạn vẫn quan hệ vợ chồng được nhưng không nên thô bạo hay tần suất quá nhiều.
Như vậy tiêm kích trứng là bước quan trọng để thu về trứng đẹp, chất lượng tốt giúp thụ thai thành công. Do đó, để biết quy trình, số mũi tiêm và lượng thuốc tiêm như thế nào bạn cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Việc tiêm kích trứng trong chu kỳ IUI, IVF tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được các chuyên gia, bác sĩ giỏi tại Trung tâm IVF lên phác đồ chi tiết. Bạn hoàn toàn yên tâm để tiến hành các bước giúp đón con yêu về nhà như ý muốn. Hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline 19001806 để được tư vấn.