Viêm thận Lupus có chữa được không? Chẩn đoán ra sao? Điều trị như thế nào?

Ngọc Lan

01-08-2024

goole news
16

Viêm thận Lupus là bệnh thận do cơ chế bệnh tự miễn sinh ra. Bất thường này được chẩn đoán dựa trên xét nghiệm và sinh thiết thận. Các phương thức điều trị được áp dụng là điều trị bằng thuốc, lọc máu và ghép thận.

Bệnh viêm thận Lupus là gì?

Bệnh viêm thận Lupus (viêm cầu thận Lupus) là tổn thương thận thường gặp ở 50% bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống và thường diễn biến trong vòng 1 năm sau chẩn đoán. Đây là biến chứng gần như chắc chắn sẽ xảy ra với tỷ lệ >90% khi bạn được chẩn đoán mắc Lupus ban đỏ. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận đến từ Lupus ban đỏ hệ thống - bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tự miễn (SLE). Ở những người mắc bệnh tự miễn, thay vì tấn công các tác nhân gây hại cho cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công vào các mô và cơ quan khỏe mạnh, bao gồm cả thận.

Viêm thận LupusBệnh viêm thận do lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Theo WHO, tổn thương mô thận mà bệnh Lupus ban đỏ có thể chia ra thành 6 lớp với các mức độ tổn thương tương ứng như sau:

Cấp độ

Tình trạng tổn thương

Lớp I

Cầu thận bình thường, không có biểu hiện. Kết quả kiểm tra bình thường.

Lớp II

Viêm cầu thận trung mô Lupus. Tổn thương thận đã xuất hiện rõ ràng. Có thể có hội chứng thận hư.

Triệu chứng: đái máu, tiểu đạm lượng ít.

Lớp III

Viêm cầu thận Lupus tăng sinh khu trú. Khoảng 15 - 20% người bệnh bị suy thận và ⅓ có hội chứng thận hư.

Lớp IV

Viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa. 50% mạch máu ở thận bị tổn thương. Bệnh nhân mắc hội chứng thận hư kèm theo suy thận.

Lớp V

Viêm vi cầu thận màng Lupus. Dấu hiệu lâm sàng: Hội chứng thận hư. Chỉ định: lọc máu, ghép thận

Lớp VI

Xơ hoá cầu thận thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử viêm thận. Quan sát lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị suy thận, cao huyết áp, hội chứng thận hư. Hơn 90% các mạch máu ở thận bị mất khả năng hoạt động.

Nhìn chung, viêm thận Lupus là một trong các bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm của Lupus ban đỏ hệ thống. Bởi theo thời gian, sự phá huỷ liên tục các mô thận sẽ dẫn đến phản ứng viêm, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận (suy thận). Hiện nay vẫn các bác sĩ vẫn chưa có cách chữa trị triệt để Lupus ban đỏ hay biến chứng viêm cầu thận. Trong khi đó, viêm thận Lupus phát triển sớm và diễn biến rất nhanh chóng.

Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận Lupus

Các dấu hiệu nhận biết của viêm thận Lupus bao gồm:

  • Tăng cân liên tục
  • Huyết áp bỗng trở nên cao hơn
  • Nước tiểu thường sẽ có màu đậm hơn bình thường
  • Nước tiểu bỗng sủi bọt (do thừa protein trong nước tiểu)
  • Nhu cầu đi tiểu đêm ngày một tăng
  • Xuất hiện tình trạng máu nằm trong nước tiểu
  • Xuất hiện những triệu chứng sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân. Đây là một trong các triệu chứng điển hình của biến chứng thận do bệnh tự miễn.

Nhu cầu đi tiểu đêm tăng

Bệnh viêm thận Lupus khiến người bệnh có nhiều triệu chứng trên khắp cơ thể

Nguyên nhân nào gây ra viêm thận Lupus?

Như đã đề cập ở trên, căn nguyên gây bệnh viêm cầu thận Lupus đến từ bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Được biết, trong số các nguyên nhân gây bệnh tự miễn này, di truyền là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được các gen có liên quan đến tình trạng này. 

Nếu ở người bình thường, hệ miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết trong cơ thể bệnh nhân Lupus ban đỏ vì nhiều nguyên nhân chưa rõ ràng, hệ miễn dịch tự sản sinh ra các kháng thể tấn công các thành phần của cơ thể mình, cụ thể là nucleosome.

Các kháng thể này gắn chặt với nucleosome hình thành nên các phức hợp miễn dịch nội mạch (kích thước cỡ nhỏ ~200bp). Chúng đi vào mạch máu, lắng đọng ở các mô và cơ quan khác nhau, kích hoạt các tế bào miễn dịch bình thường khiến sinh ra phản ứng viêm. 

Khi các mô và cơ quan vị tổn thương cũng là lúc cơ thể người bệnh xuất hiện những triệu chứng điển hình của Lupus ban đỏ hệ thống như viêm khớp, phát ban da, viêm thận, rối loạn thần kinh,...

Di truyềnDi truyền có liên quan đến viêm thận Lupus

Bệnh viêm cầu thận Lupus có nguy hiểm không? Có biến chứng gì?

Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm và chưa thể điều trị dứt điểm. Đặc biệt, viêm thận Lupus ban đỏ hệ thống nếu không được điều trị lâu dài có thể dẫn đến suy thận mạn tính. Bệnh khiến người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế, tâm lý và cơ hội sống còn của bệnh nhân. 

Ngoài ra, các bác sĩ cũng nhận thấy người bệnh bị viêm cầu thận lupus cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như u Lympho tế bào B. Đồng thời, họ cũng dễ mắc các bệnh xơ vữa động mạch như bệnh mạch vành, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh viêm mạch, cao huyết áp, rối loạn lipid máu,...

Chẩn đoán bệnh viêm thận Lupus như thế nào?

Xét nghiệm máu và nước tiểu

  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá nồng độ chất thải như chất creatinine, urê.
  • Thu thập nước tiểu trong vòng 24 giờ: Đo lường khả năng lọc chất thải của thận và xác định chính xác nồng độ protein có trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm nước tiểu bệnh nhân: Kiểm tra chức năng của thận, đo nồng độ protein, các tế bào bạch cầu và các tế bào hồng cầu.
  • Xét nghiệm khả năng của độ thanh thải Iothalamate: Xét nghiệm này sẽ được thực hiện bằng cách tiêm chất Iothalamate phóng xạ vào máu của người bệnh. Sau đó, các bác sĩ chuyên môn sẽ kiểm tra tốc độ lọc chất này ra khỏi máu và khả năng bài tiết vào nước tiểu.

Xét nghiệm máu và nước tiểu là các thủ thuật cơ bản để đánh giá bệnh thận do Lupus ban đỏ gây ra

Xét nghiệm máu và nước tiểu là các thủ thuật cơ bản để đánh giá bệnh thận do Lupus ban đỏ gây ra

Sinh thiết thận

Đây là phương pháp được đánh giá chính xác nhất để dễ dàng chẩn đoán bệnh viêm thận lupus. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim dài đâm qua vùng lưng (hông) rồi tiến vào trong thận dưới hướng dẫn của máy siêu âm, sau đó sẽ lấy một mẫu mô thận để tiến hành phân tích những dấu hiệu gây nên tổn thương. 

Kết quả sinh thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong việc xác định giai đoạn bệnh, từ đó có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Siêu âm

Phương pháp chẩn đoán này sẽ tận dụng những lợi ích đến từ các sóng âm để tạo hình ảnh chi tiết nhất về thận của người bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở thận, nhưng ít có giá trị ở giai đoạn sớm và cũng chỉ có tính chất giá trị tham khảo với bệnh viêm thận Lupus.

Siêu âm phát hiện viêm thận trái

Siêu âm phát hiện viêm thận trái

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trên thực tế, nếu bạn đã được chẩn đoán mình đang bị viêm thận Lupus tức bệnh tình của bạn đang diễn biến xấu, bạn đang điều trị định kỳ hoặc đang chữa bệnh ngoại trú. Việc thăm khám định kỳ và thường xuyên hết sức quan trọng để bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. 

Phác đồ điều trị bệnh viêm thận Lupus

Hiện nay, các phương pháp điều trị bệnh viêm thận Lupus chỉ có tác dụng giúp giảm đi những triệu chứng, làm chậm tiến triển của căn bệnh và hạn chế nguy cơ lọc máu và ghép thận. Nhìn chung bác sĩ sẽ có thể chỉ định sử dụng những loại thuốc như:

  • Thuốc corticoid: Thuốc sẽ có tác dụng giảm tình trạng viêm. Bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng cho tới khi tình trạng viêm của bệnh nhân có phần cải thiện. Tuy nhiên, thuốc sẽ có một số tác dụng phụ có thể gây nên tình trạng nghiêm trọng. Vì thế, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc đúng theo chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên môn.
  • Một số loại thuốc gây ức chế miễn dịch: Azathioprine, cyclophosphamide, voclosporin, mycophenolate… có thể ức chế đến tình trạng hoạt động của hệ thống miễn dịch gây nên các tổn hại đến thận.
  • Thuốc có thể kiểm soát huyết áp: Các loại thuốc gây ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) giúp ngăn ngừa protein bị rò rỉ từ thận vào nước tiểu.
  • Thuốc ngăn ngừa hình thành nên những cục máu đông (nếu cần).

Thuốc Corticosteroid thường được sử dụng cho các bệnh tự miễn

Thuốc Corticosteroid thường được sử dụng cho các bệnh tự miễn

Ngay cả khi đã được bác sĩ điều trị, tình trạng mất đi các chức năng thận vẫn có thể tiếp tục được phát triển. Nếu bệnh nhân điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ đưa ra các chỉ định cho người bệnh tiến hành lọc máu. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ các chất lỏng cũng như chất thải khỏi cơ thể, duy trì hiện trạng cân bằng những khoáng chất trong máu, đồng thời kiểm soát huyết áp.

Ghép thận thường là phương pháp điều trị được sử dụng cuối cùng đối với người bệnh viêm thận Lupus.

Phòng ngừa và kiểm soát bệnh thận do Lupus

Để hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận Lupus hiệu quả, bạn cần phòng ngừa, kiểm soát tốt cho căn bệnh bằng cách áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh như:

  • Uống đủ nước vào mỗi ngày, quy định khoảng 1,5 – 2l.
  • Chế độ ăn phải đảm bảo lành mạnh: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong thực đơn mỗi ngày. Hạn chế ăn những thực phẩm giàu natri đối với người bệnh đang có tình trạng huyết áp cao.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia và hút quá nhiều thuốc.
  • Hạn chế bổ sung các thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với cường độ tập phù hợp.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa hỏi qua ý kiến của bác sĩ.

Chế độ ăn cho người viêm cầu thận lupus

Vậy người bị viêm thận Lupus ăn như thế nào? Chế độ ăn của người bệnh viêm cầu thận Lupus ban đỏ nên có chế độ ăn riêng, ăn nhạt, tránh các thực phẩm nhiều muối, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, rau củ ngâm, khoai tây chiên,... Một số loại thực phẩm mà bệnh nhân đang mắc viêm thận Lupus nên ăn bao gồm:

  • Thịt nạc bao gồm: gia cầm, cá, hải sản,...
  • Đậu như đậu xanh, đậu nành
  • Bơ đậu phộng
  • Trái cây như: dưa hấu, lê, cam, chuối,...
  • Các loại rau quả tươi chẳng hạn như: rau diếp, cà chua, khoai tây,...
  • Cơm
  • Các loại ngũ cốc
  • Đồ ăn nhẹ không ướp muối
  • Phô mai tươi
  • Đậu hũ
  • Sữa
  • Bơ động - thực vật
  • Gia vị ít muối natri, bao gồm: Sốt cà chua, thảo mộc, giấm ăn, nước cốt chanh.

Người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây

Người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây

Khoa Nội Thận Bệnh Viện Đa khoa Phương Đông quy tụ các bác sĩ tay nghề cao được đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát sớm và điều trị các bệnh về thận, trong đó có cả viêm thận Lupus. 

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông phẫu thuật cho bệnh nhân sỏi thận

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông phẫu thuật cho bệnh nhân sỏi thận

Có thể nói, trên đây là tất cả những chia sẻ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông  về căn bệnh viêm thận Lupus. Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân yêu, bạn nên thực hiện thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và duy trì điều trị nếu đang mắc căn bệnh nguy hiểm này.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,037

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám