Rửa bàng quang là kỹ thuật y khoa nhằm làm sạch bàng quang, bác sĩ bơm trực tiếp một lượng dung dịch vô trùng vào bàng quang để loại bỏ cặn bã và dẫn lưu chất thải ra ngoài. Tuy nhiên trước khi thực hiện, người bệnh cần thăm khám, nhận chẩn đoán và chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Rửa bàng quang là gì?
Rửa bàng quang là kỹ thuật y khoa, đưa dung dịch vô trùng như nước muối sinh lý hoặc dung dịch theo chỉ định của bác sĩ vào bàng quang bằng ống thông. Bàng quang sẽ được làm sạch, giúp nước tiểu thoát ra ngoài dễ dàng, phòng ngừa tình trạng tắc nghẽn ống nối.
Kỹ thuật bơm rửa bàng quang giúp hạn chế tình trạng tắc nghẽn ống nối
Tùy trường hợp cụ thể, tần suất rửa bàng quang ở mỗi người là khác nhau. Số ít bệnh nhân cần lặp lại quy trình rửa 5 lần/ngày, số khác chỉ cần thực hiện 1 lần/ngày. Lưu ý chỉ thực hiện kỹ thuật tại cơ sở y tế, tiến hành bởi kỹ thuật viên chuyên môn.
Khi nào cần thực hiện kỹ thuật rửa bàng quang?
Bơm rửa bàng quang thường được chỉ định với một số đối tượng sau:
- Tích tụ nhiều cặn trong nước tiểu.
- Nước tiểu không thoát ra ngoài đúng cách qua ống dẫn lưu bàng quang, hoặc do ống dẫn lưu bị tắc nghẽn liên tục, hoặc có máu cục trong bàng quang nhưng không muốn thay ống thường xuyên.
- Người đã phẫu thuật bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính.
- Viêm bàng quang kẽ.
- Viêm mủ bàng quang, lấy máu cục.
- Dung tích bàng quang giảm, tiểu tiện thường xuyên.
Những trường hợp chỉ định thực hiện bơm rửa bàng quang
Ngoài ra, rửa bàng quang hoặc bơm hóa chất còn được chỉ định khi điều trị ung thư bàng quang, đái máu sau xạ trị ung thư tiểu khung. Người bệnh cần thăm khám, kiểm tra và đánh giá từ bác sĩ trước khi nhận chỉ định tiến hành.
Lưu ý trước khi bơm rửa bàng quang
Trước khi thực hiện quy trình súc rửa, người bệnh và nhân viên y tế lưu ý một số điều sau:
- Đơn vị y tế chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết, gồm dung dịch rửa, cốc vô trùng, ống tiêm, bể đựng nước tải, găng tay và dung dịch sát khuẩn tay.
- Bệnh nhân vệ sinh khu vực bụng dưới và vùng kín sạch sẽ, đi tiểu trước làm rỗng bàng quang.
- Hạn chế ăn thực phẩm, nước uống làm thay đổi màu sắc nước tiểu.
- Khai báo các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng.
Những lưu ý trước khi làm sạch bàng quang bằng cách bơm rửa
Mỗi bệnh viện sẽ có hướng dẫn rửa bàng quang khác nhau, bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ và tư vấn viên. Việc này đảm bảo quá trình bơm dung dịch vào bàng quang diễn ra thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Quy trình bơm rửa bàng quang
Thông thường, kỹ thuật rửa trải qua các bước cơ bản như sau:
- Nhân viên y tế rửa tay, đeo găng vô trùng trước khi thực hiện.
- Nếu chưa có ống dẫn lưu bàng quang, đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân. Nếu đã có ống dẫn lưu, tiến hành sát khuẩn.
- Chuẩn bị nước muối sinh lý hoặc dung dịch thuốc chỉ định, đựng trong cốc vô trùng.
- Bơm 50 - 60cc dung dịch vệ sinh vào ống tiêm, điều chỉnh liều lượng theo chỉ định bác sĩ.
- Gắn ống tiêm vào ống dẫn lưu, tháo kẹp (nếu có), đẩy nhẹ nhàng dung dịch vào bàng quang. Lưu ý không ép chất lỏng vào bàng quang.
- Sau 10 - 15 phút, kéo ống tiêm ngược lại để lấy chất lỏng ra khỏi bàng quang. Không kéo mạnh về phía sau nhiều hơn mức dung dịch đã tiêm vào.
- Mang chất lỏng đã thu được vào chậu hoặc bồn cầu.
- Trường hợp chất lỏng từ bàng quang chứa nhiều chất nhầy, tiếp tục rửa bàng quang đến khi loại bỏ gần hết chất nhầy.
- Nếu có túi đựng nước tiểu, tiến hành lắp lại.
- Rửa tay, làm sạch dụng cụ y tế đã sử dụng.
Quy trình kỹ thuật rửa thông bàng quang do chuyên viên y tế thực hiện
Trên đây là quy trình rửa mà người bệnh có thể tham khảo trước khi tiến hành, chuẩn bị tâm lý và hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình thực hiện. Kỹ thuật này được lặp lại dựa theo tình trạng bệnh nhân, chỉ định của bác sĩ.
Tác dụng phụ khi thụt tháo bàng quang
Rửa bàng quang là thủ thuật y khoa, một mặt hỗ trợ người bệnh giải quyết tình trạng tắc nghẽn ống nối. Song, kỹ thuật này vẫn có thể xảy ra biến chứng và tác dụng phụ như:
- Nhiễm trùng do ống dẫn lưu đưa dịch ra túi nước tiểu bị tắc nghẽn.
- Chảy máu và xuất hiện cục máu đông nếu thực hiện không cẩn thận.
- Làm hỏng lớp biểu mô của bàng quang.
- Chứng rối loạn phản xạ tự động, thường gặp ở người bị chấn thương tủy sống.
- Mùi khó chịu do sử dụng dung dịch DMSO, mùi như tỏi, thông thường kéo dài vài ngày sau khi rửa.
- Chấn thương hoặc rách niệu đạo trong quá trình rửa.
Những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi thụt tháo bàng quang
Tuy nhiên, tác dụng phụ xảy ra trong và sau khi bơm rửa tương đối hiếm gặp. Người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, đảm bảo nguồn lực thực hiện, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.
Rửa bàng quang bằng dung dịch gì?
Thông thường, nước rửa bàng quang là nước muối sinh lý, ngoài ra chỉ có dimethyl sulfoxide được FDA chấp nhận sử dụng cho kỹ thuật này. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thêm một số loại thuốc khác như heparin, kết hợp làm dịu tổn thương niêm mạc bàng quang.
Chi phí rửa bàng quang
Tùy cơ sở y tế, bệnh nhân cần chi trả mức phí khác nhau, trung bình khoảng 300.000 VNĐ. Trường hợp bơm rửa lấy cục máu đông, giá thành có thể tăng lên 700.000 VNĐ.
Kết lại, rửa bàng quang là kỹ thuật đơn giản nhưng vẫn đòi hỏi nhân viên y tế có kinh nghiệm chuyên môn, hạn chế rủi ro có thể phát sinh. Phương pháp này có thể được thực hiện trong cả chẩn đoán và điều trị vấn đề liên quan đến bàng quang, tùy theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.