Siêu âm tuỵ: Vai trò trong chẩn đoán và Quy trình thực hiện

Ngọc Anh

01-04-2024

goole news
16

Siêu âm tuỵ là kỹ thuật chẩn đoán tuy đơn giản nhưng mang lại kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao. Tình trạng tuyến tụy và nguy cơ mắc các bệnh lý được đánh giá rõ ràng giúp người bệnh tăng khả năng được điều trị và điều trị khỏi bệnh.

Tuỵ là gì? Chức năng của tuỵ

Tuỵ nằm sau dạ dày và phúc mạc, sát thành sau ổ bụng, vắt ngang qua các đốt sống thắt lưng trên. Tuỵ có màu trắng hồng, nặng khoảng 80 gram. Siêu âm tuỵ được chỉ định để đánh giá những bất thường ở cơ quan này. 

(Hình 1 - Cấu trúc tuyến tuỵ ở kích thước bình thường là dài 15 cm, cao 6cm, dày 3cm)

(Hình 1 - Cấu trúc tuyến tuỵ ở kích thước bình thường là dài 15 cm, cao 6cm, dày 3cm)

Đặc trưng của bộ phận này là tuy thuộc hệ tiêu hóa nhưng vừa có chức năng ngoại tiết và nội tiết, cụ thể như sau:

  • Chức năng ngoại tiết: Tiết ra dịch tụy giúp tiêu hoá thức ăn. Tuỵ tiết ra 20% dịch khi ta nhìn, ngửi, nghĩ và nhai nuốt, 5 - 10% dịch khi tiêu hoá thức ăn ở dạ dày. 70% dịch còn lại được tiết ra khi ruột hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
  • Chức năng nội tiết: Tiết ra nhiều loại hormone vào máu. Đối với tuỵ, nó tiết ra insulin để giảm đường huyết và glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết. 

Siêu âm tuỵ là gì?

Có nhiều phương pháp để khảo sát các bệnh lý ở tuỵ. Trong số đó, có thể kể đến siêu âm. Siêu âm tuỵ là phương pháp sử dụng sóng siêu âm tần số cao để khảo sát hình thái và cấu trúc bên trong tuyến tụy. 

Đầu dò siêu âm sẽ tác động một chùm sóng âm vào vùng bụng bên trái, phía sau dạ dày. Chùm sóng này gặp các mô và tuyến tuỵ sẽ phản xạ lại. Phần dữ liệu thu về được xử lý và hiển thị trên máy siêu âm. 

Qua kỹ thuật này thì siêu âm có thể kiểm tra về kích thước, hình thái, phát hiện các bất thường như phù nề, có tụ dịch, có xuất hiện nang không. Đồng thời, phương pháp này còn hỗ trợ phát hiện các vấn đề về đường mật: sỏi, giun trong đường tuỵ, đường mật. 

Hình ảnh siêu âm tuỵ chẩn đoán bệnh lý gì?

Viêm tuỵ

Trên máy siêu âm, nếu các tuyến to lan tỏa, giảm âm toàn thể và có tụ dịch ở gần tuyến tuỵ thì rất có thể bệnh nhân sẽ được chẩn đoán viêm tuỵ. Ngoài ra nếu viêm tuỵ cấp nặng hơn, trên hình siêu âm, bác sĩ có thể thấy tuỵ phù nề tăng kích thước, dấu hiệu của hoại tử mô, áp xe, nang giả tuỵ. 

Đây là bệnh thường gặp ở khoa cấp cứu của bệnh viện, siêu âm tuỵ có thể giúp các bác sĩ phát hiện kịp thời để tránh các biến chứng suy tạng do viêm tuỵ cấp. 

(Hình 2 - Hình ảnh viêm tuỵ và tràn dịch quanh tuỵ trên siêu âm)

(Hình 2 - Hình ảnh viêm tuỵ và tràn dịch quanh tuỵ trên siêu âm)

Nang giả tuỵ

Nang giả tuỵ là một biến chứng của viêm tuỵ cấp của viêm tụy mạn (ở người lớn) và chấn thương tụy (ở trẻ em). Quan sát trên hình siêu âm, các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng tụ dịch, cấu trúc dạng vỏ bao để chẩn đoán nang giả tuỵ. 

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn, xét nghiệm nồng độ amylase có thể được đưa ra để phân biệt nang giả và bướu tân sinh của tuỵ. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh là chảy máu, nhiễm trùng, vỡ nàng, chèn ép gây tắc mật hoặc tắc ruột. 

(Hình 3 - Nang giả tuỵ ở đuôi tuỵ trước điều trị (a), trong điều trị (b,c). Tuyến tuỵ sau điều trị (d))

(Hình 3 - Nang giả tuỵ ở đuôi tuỵ trước điều trị (a), trong điều trị (b,c). Tuyến tuỵ sau điều trị (d))

Viêm tuỵ cấp và mạn

Bệnh lý này được gợi ý trên hình siêu âm với kích thước tuỵ to bất thường. Nhu mô tuỵ bị viêm hồi âm không đều. Nếu diễn biến nặng có thể nhìn thấy cả mô hoại tử, tổn thương mô mỡ và có tụ dịch. 

Siêu âm tuỵ có thể giúp phòng tránh viêm tuỵ cấp gây suy cơ quan, hoại tử nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Hoặc viêm tuỵ mạn diễn biến thành suy chức năng tuỵ, ung thư tuyến tuỵ,...

(Hình 4 - Hình ảnh viêm tuỵ cấp tính trên siêu âm)

(Hình 4 - Hình ảnh viêm tuỵ cấp tính trên siêu âm)

Giãn ống tuỵ

Nếu bệnh nhân bị viêm tụy mạn sẽ được siêu âm để theo dõi có biến chứng gây giãn ống tuỵ hay không. Giãn ống tụy được mô tả là không đều, nguyên nhân là các đoạn giãn xen kẽ các đoạn hẹp do xơ. 

U tuỵ

Siêu âm có thể phát hiện ra các khối u ở tuỵ do hiện tượng giảm âm to khu trú tuyến và các bờ không rõ. Tuy nhiên nếu vị trí khối u ở đuôi hoặc thân tuỵ thì thường phát hiện muộn hơn do không có triệu chứng.

(Hình 5 - Siêu âm phát hiện các loại u khác nhau trong tuyến tuỵ)

(Hình 5 - Siêu âm phát hiện các loại u khác nhau trong tuyến tuỵ)

U tuỵ là bệnh hết sức nguy hiểm bởi hầu hết các khối u ở bộ phận này là ác tính sẽ phát triển thành ung thư tuỵ. Đặc biệt tuỵ là một trong số các tạng vùng bụng, nếu khối u di căn sang các cơ quan khác thì việc điều trị sẽ trở nên hết sức khó khăn. 

U nội tiết của tuỵ

Siêu âm tuỵ không quá “nhạy” trong phát hiện các u nội tiết của tuỵ. Bởi chúng có thể biến đổi về kích thước, có xu hướng giảm âm và giới hạn rõ. Mặt khác các u này rất nhỏ nên rất khó nhận ra bằng siêu âm thường.

(Hình 6 - Quan sát u nội tiết của tuỵ trên siêu âm 2D và siêu âm Doppler)

(Hình 6 - Quan sát u nội tiết của tuỵ trên siêu âm 2D và siêu âm Doppler)

Tại sao nên siêu âm để chẩn đoán các bệnh về tuyến tuỵ?

Ưu điểm của phương pháp siêu âm tuỵ

  • Trả kết quả nhanh: Siêu âm tuỵ chỉ mất khoảng 15 - 20 phút và trả kết quả trong vòng 25 - 30 phút. Ngoài ra đây cũng là phương pháp hữu hiệu phải chẩn đoán khẩn cấp cho các ca cấp cứu. 

  • Kết quả có giá trị cao: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát rõ ràng các mô để chẩn đoán các tổn thương, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để nâng cao hiệu quả điều trị.

  • An toàn, không xâm lấn, không gây đau đớn. Trong một số các ca cần đè ép khi kiểm tra tuỵ, bệnh nhân sẽ cảm thấy không quá thoải mái.  

Hạn chế khi lựa chọn siêu âm tuyến tuỵ

  • Chẩn đoán trong siêu âm còn phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa.
  • Đối với bệnh nhân béo phì, liệt ruột, vừa phẫu thuật,... thì siêu âm thôi là chưa đủ để đánh giá về bệnh lý của tuyến tuỵ. Các chỉ định chụp CT, MRI, xét nghiệm,... sẽ được bổ sung.  
  • Trong trường hợp bệnh nhân viêm tuỵ cấp nặng, chụp cắt lớp (CT Scan) phù hợp hơn trong chẩn đoán vì cho hình ảnh rõ, không bị ảnh hưởng bởi tình trạng chướng hơi trong ruột.

Khi nào cần đi siêu âm tuỵ?

Nếu cơ thể bạn có các triệu chứng dưới đây thì rất có thể là tín hiệu của các bệnh lý viêm tuỵ. Khi đó, người bệnh nên đi kiểm tra hoặc thực hiện siêu âm tuỵ để được hỗ trợ đúng lúc, hiệu quả:

  • Đau bụng thường xuyên, nhiều lần sau bữa ăn. Ban đầu là đau bụng, sau thành đau vùng thượng vị, lan sang hạ sườn và phần lưng dưới.
  • Buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày, mật hoặc máu loãng.
  • Chướng bụng, có thể bí trung, đại tiện hoặc đi lỏng liên tục.
  • Vàng da, sụt cân nhanh, ngứa nghi ngờ mắc bệnh lý gan - tụy, có chấn thương vùng bụng sau tai nạn cần theo dõi các biến chứng. 

Quy trình siêu âm tuỵ

Bệnh nhân sau khi thay áo choàng của bệnh viện và chuẩn bị xong sẽ bắt đầu được tiến hành siêu âm.

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ nằm lên bàn siêu âm, vén áo để lộ vùng bụng trái - nơi cần siêu âm. Bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn tư thế và người bệnh cần nằm yên trong suốt quá trình kiểm tra. 

Tiếp theo, bác sĩ sẽ bôi gel chuyên dụng lên vùng da ngoài bụng và di chuyển đầu dò để quan sát. Lớp gel sẽ giúp đầu dò di chuyển dễ dàng và ngăn cách không khí với đầu dò để truyền sóng âm tốt hơn.

(Hình 7 - Bác sĩ thực hiện siêu âm ở vùng bụng trái cho bệnh nhân)

(Hình 7 - Bác sĩ thực hiện siêu âm ở vùng bụng trái cho bệnh nhân)

Người bệnh có thể được yêu cầu nằm nghiêng sang một bên và hít - thở theo nhịp để bác sĩ nhìn ảnh siêu âm rõ ràng hơn. 

Kết thúc, bệnh nhân sẽ được phát khăn sạch để lau hết lớp gel trên bụng, ra ngoài để chờ đọc kết quả.

Câu hỏi thường gặp

Kết quả siêu âm có phát hiện ung thư tụy không?

Ung thư tuyến tụy có thể được phát hiện qua siêu âm tuỵ với độ chính xác đạt 94%. 

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp kỹ thuật chưa thể đưa ra kết quả chính xác với tất cả các bệnh nhân. Để chắc chắn về bệnh nhân có/ không mắc ung thư tuỵ, các chỉ định đánh giá chuyên sâu cấu trúc - chụp CT, đánh giá mô mềm - chụp MRI hay sinh thiết kết hợp sẽ được đưa ra. 

Siêu âm có phát hiện viêm tuỵ cấp không?

Qua kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá các bệnh lý của tuyến tụy, trong đó có viêm tuỵ cấp.

Siêu âm tụy có cần nhịn ăn không?

Để đảm bảo độ chính xác cho thủ thuật, bệnh nhân phải nhịn ăn từ 6 - 8 tiếng. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc trước khi thực hiện siêu âm khoảng 1h để tạo điều kiện thuận lợi cho sóng siêu âm xuyên qua. 

Siêu âm tuỵ bao nhiêu tiền? Có dùng BHYT được không?

Siêu âm có chi phí dao động khoảng 150.000 - 500.000VNĐ/ lần. Bệnh nhân có thể thực hiện thăm khám theo Luật để được BHYT hỗ trợ kinh phí.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong các địa chỉ được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn siêu âm tuỵ tại Hà Nội. Tại đây hệ thống máy móc là các thiết bị y khoa hiện đại được nhập khẩu từ các nước Châu Âu cùng đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y khoa dày dặn trong thăm khám và chẩn đoán bệnh lý tuyến tụy.

(Hình 8 - Siêu âm tụy bằng máy siêu âm Affiniti 30 tại BVĐK Phương Đông)

(Hình 8 - Siêu âm tụy bằng máy siêu âm Affiniti 30 tại BVĐK Phương Đông)

Để đặt lịch khám và siêu âm tuỵ, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!

Trên đây là những thông tin về siêu âm tuỵ, các bệnh lý liên quan và quy trình thăm khám mà người bệnh quan tâm. Nếu người bệnh nếu phát hiện có các triệu chứng nào trên đây thì hãy đến ngay các bệnh viện uy tín để được hỗ trợ y khoa hiệu quả.

1,110

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám