Vàng da là gì, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Dương Minh Ngọc

28-07-2022

goole news
16

Vàng da là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Còn đối với người lớn, đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về gan, mật cần được thăm khám và điều trị. Dưới đây là những thông tin khoa học về tình trạng vàng da.

Vàng da là bệnh gì?

Vàng da hay còn gọi là hoàng đản (tên tiếng Anh là Jaundice) - một thuật ngữ y khoa dùng để mô tả tình trạng mắt (niêm mạc hoặc kết mạc mắt) và mô da có màu vàng. Đây không phải là bệnh mà là một triệu chứng được gây ra do hàm lượng bilirubin (chất có màu vàng cam) trong máu tăng cao.

Hiện tượng vàng da và mắtHiện tượng vàng da và mắt

Chỉ số bilirubin trong máu chính là chỉ số cho biết nồng độ bilirubin và thể hiện mức độ màu vàng. Ngoài ra, nồng độ bilirubin lớn hay thấp hơn mức bình thường sẽ gợi ý về các bệnh lý liên quan đến máu, gan mật, bệnh nhiễm trùng và siêu vi. Chỉ số vàng da được đánh giá là bình thường khi có giá trị như sau:

Bilirubin toàn phần:

  • Chỉ số bilirubin ở trẻ sơ sinh là < 10 mg/dl hoặc < 171μmol/L.
  • Trên 1 tháng tuổi là 0.3 - 1.2 mg/dl hoặc 5.1 - 20.5 μmol/L.
  • Người lớn là 0.2 - 1.0 mg/dL hoặc 3.4 - 17.1 μmol/L.

Bilirubin trực tiếp:

  • Chỉ số bilirubin bình thường là 0 - 0.4 mg/dl hoặc 0 - 7 μmol/L.

Bilirubin gián tiếp:

  • Chỉ số bilirubin bình thường là 0.1 - 1.0 mg/dL hoặc 1 - 17 μmol/L.

Tỷ lệ bilirubin trực tiếp/ Bilirubin toàn phần:

  • Bình thường là dưới 20%.

Những người gặp phải tình trạng da chuyển màu có thể dễ dàng nhận biết rõ ràng bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vàng da xảy ra ở cả trẻ em sơ sinh và người trưởng thành.

Các loại vàng da

Hiện tượng vàng da xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Vàng da được chia làm 2 loại sau đây:

Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý thường xuất hiện ở những trẻ em sơ sinh. Trẻ bị tình trạng này do lượng hồng cầu trong máu lớn và chứa HbF nên hồng cầu bị vỡ giải phóng các yếu tố bên trong để thay thế hồng cầu trưởng thành.

Tuy nhiên, lúc này chức năng gan của trẻ chưa hoàn thiện nên không thể lọc hết thải hết bilirubin ra khỏi máu nên lượng bilirubin tích tụ trong cơ thể. Hàm lượng bilirubin tích tụ vượt quá tiêu chuẩn sẽ gây ra tình trạng vàng ở da trẻ sơ sinh mức độ nhẹ.

Hiện tượng vàng da sinh lý 

Với trẻ sinh đủ tháng có sức khỏe bình thường, hiện tượng da và mắt vàng được coi là bình thường khi có đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Xuất hiện từ 2-3 ngày sau sinh.
  • Tự hết trong vòng 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng, 2 tuần đối với trẻ sinh non.  
  • Mức độ vàng nhẹ ở vùng mặt, cổ, ngực và bụng trên rốn.
  • Không xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, li bì, thiếu máu,...
  • Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12 mg/dl ở trẻ đủ tháng và không quá 15 mg/dl ở trẻ sinh non.
  • Tốc độ tăng bilirubin trong máu không quá 5mg/dl trong 24 giờ.

Sau khoảng 2 tuần, khi gan của trẻ phát triển hơn, đủ sức để lọc chất thải có màu vàng thì sẽ hết hiện tượng tăng bilirubin trong máu và không gây bất kỳ nguy hiểm nào. Tình trạng này không cần can thiệp y tế, mẹ chỉ cần cho trẻ bú sữa đầy đủ thì cơ thể trẻ sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng này sẽ biến mất. Khi thấy nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra để tránh trường hợp tình trạng tiến triển thành hội chứng tăng bilirubin do bệnh lý.

Vàng da bệnh lý

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh xảy ra khi hàm lượng bilirubin trong máu trẻ tăng cao hơn mức sinh lý bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (trẻ non tháng). Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng tăng bilirubin do bệnh lý ở trẻ nhỏ là mắc bệnh tan máu, bệnh gan bẩm sinh, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, nhiễm khuẩn virus bào thai hoặc xuất huyết dưới da.

Phụ huynh có thể nhận biết tình trạng da và mắt vàng do bệnh lý trong những ngày đầu sau sinh. Các biểu hiện bất thường của hiện tượng tăng bilirubin do bệnh lý ở trẻ là:

  • Trong 1 - 2 ngày sau sinh, xuất hiện màu da vàng đậm.
  • Các bộ phận bị vàng: Lòng bàn tay, bàn chân, mặt, cổ, bụng, cánh tay, niêm mạc mắt.
  • Các triệu chứng đi kèm: Sốt, bỏ bú, nôn, khóc nhiều, ngủ li bì, phân màu nhạt. Nếu gan có bất thường hoặc lách sưng to thì đây là triệu chứng cảnh báo nguy hiểm.
  • Tình trạng kéo dài hơn 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng, hơn 3 tuần với trẻ sinh non.
  • Hàm lượng bilirubin trong máu tăng vượt quá mức cho phép.

Bilirubin tăng khiến niêm mạc mắt chuyển sang màu vàngBilirubin tăng khiến niêm mạc mắt chuyển sang màu vàng

Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị vàng mắt và da càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nhiễm độc thần kinh. Đối với người trưởng thành, vàng da bệnh lý ở có thể xảy ra trong nhiều bệnh lý về gan, tuyến tụy, túi mật hoặc hồng cầu trong máu.

Nguyên nhân gây ra tình trạng vàng da

Nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng vàng da ở cả người lớn và trẻ nhỏ là do nồng độ bilirubin trong máu tăng đột biến. Bilirubin - một chất có màu vàng cam trong máu - được tạo ra khi các tế bào hồng cầu già phân hủy để tế bào hồng cầu mới được tạo ra thay thế. Đây là quá trình tái tạo tế bào xảy ra liên tục, giúp cơ thể duy trì sự sống. 

Nồng độ bilirubin trong máu tăng đột biến khiến da và mắt bị chuyển vàngNồng độ bilirubin trong máu tăng đột biến khiến da và mắt bị chuyển vàng

Với người bình thường, sau khi bilirubin được tạo ra sẽ lưu chuyển trong máu tới gan, tại đây gan sẽ lọc và biến đổi men gan thành bilirubin liên hợp (dạng có thể hoà tan trong nước). Sau đó, chúng được di chuyển tới ống mật nhỏ để sản xuất dịch mật và tới tá tràng để được thải ra ngoài qua phân. Đây là lý do phân chúng ta có màu nâu vàng.

Đối với người bị bệnh gây rối loạn chuyển hóa bilirubin, nồng độ bilirubin cao và không được thải lọc tốt qua gan mà ứ đọng trong máu, gây ra màu vàng ở vùng kết mạc mắt. Hàm lượng bilirubin trong máu tăng là hậu quả của những rối loạn chuyển hoá trong cơ thể. Nồng độ bilirubin trong máu càng cao thì độ vàng ở da và mắt càng lớn, dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.

Thông thường, hiện tượng này ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do sinh lý. Còn đối với người lớn, nguyên nhân gián tiếp làm da và mắt có màu vàng là do bệnh lý. Thông qua tình trạng tích tụ bilirubin cho thấy cơ thể bạn đang gặp phải các bệnh lý liên quan đến gan, máu, ống mật hoặc thuốc đang dùng. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng điều trị để đảm bảo sức khỏe cũng như loại bỏ tình trạng này.

Các bệnh lý liên quan đến triệu chứng vàng da

Chứng vàng da ở người trưởng thành thường do 4 nhóm bệnh lý dưới đây.

Nhóm bệnh liên quan đến gan (Vàng da tại gan)

Gan là một trong những cơ quan nội tạng lớn của cơ thể, nằm ở phần bụng bên phải. Khi gan bị tổn thương hoặc rối loạn hoạt động của tế bào gan khiến chứng năng thu nhận và xử lý bilirubin trong máu bị ảnh hưởng. Nếu bilirubin bị ứ đọng trong máu sẽ dẫn đến chứng vàng da và mắt. Các bệnh lý liên quan đến gan gồm:

  • Viêm gan cấp: Bệnh này thường không kéo dài nhưng nếu viêm gan cấp lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến mạn tính và sức khỏe của gan bị ảnh hưởng. Người bị viêm gan cấp do vi khuẩn, virus, uống nhiều rượu bia, bệnh tự miễn khiến tế bào gan bị phá huỷ hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
  • Xơ gan: Đây là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương trong thời gian dài và được thay thế bởi các mô sẹo. Khi các mô sẹo xuất hiện dày đặc sẽ ngăn chặn máu lưu thông qua gan, từ đó chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan thường là uống nhiều bia rượu, viêm gan tự miễn hoặc viêm gan mạn tính.

Xơ gan là bệnh lý liên quan đến chứng vàng mắt và da

  • Tổn thương tế bào gan: Các bệnh khiến tế bào gan bị tổn thương: bilirubin tăng và kèm triệu chứng ngứa, nổi mề đay và sốt; viêm gan cấp; men transaminase tăng cao.
  • Ung thư gan: Người bệnh mắc ung thư gan khởi phát hoặc ung thư gan thứ phát đều có biểu hiện vàng mắt và da.
  • Ung thư đường mật trong gan: Triệu chứng tăng bilirubin sẽ xuất hiện từ từ trên người bệnh bị ung thư đường mật trong gian. Ngoài ra, chứng vàng mắt, da còn kết hợp với các bất thường trong đường mật như viêm xơ đường mật, nang ống mật chủ.
  • Hội chứng di truyền: Một số hội chứng di truyền khiến bilirubin tăng như: Hội chứng Gilbert, hội chứng Dubin-Johnson và Rotor, hội chứng Crigler - Najjar,…

Nhóm bệnh liên quan đến hồng cầu (vàng da trước gan)

Khi hồng cầu tăng cao khiến bilirubin được sản xuất dư thừa so với bình thường và lưu hành trong máu, lúc này tế bào gan hoạt động không kịp để chuyển hoá lượng lớn bilirubin này. Từ đó, bilirubin tồn đọng trong máu gây ra triệu chứng vàng da.

Những bệnh lý liên quan đến hồng cầu bao gồm: Tan máu, sốt xuất huyết, sốt rét, hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase hoặc tụ máu ở mô.

Nhóm bệnh liên quan đến ống mật chủ (Vàng da sau gan)

Bilirubin trong máu được chuyển hoá một phần thành dịch mật, dẫn từ ống mật nhỏ tới ống mật chủ. Do đó, các bệnh thuộc nhóm này gây hẹp hoặc nghẽn ống mật chủ, khiến bilirubin tràn vào máu với lưu lượng lớn, gây vàng mắt, vàng da tắc mật. Nhóm bệnh này bao gồm:

  • Tắc nghẽn đường dẫn mật: Dấu hiệu tắc nghẽn đường mật tăng dần bởi các cơn đau quặn ở gan và không kèm dấu hiệu sốt. Các bệnh lý dẫn đến tắc mật là u đường mật ngoài gan, ung thư đường mật, ung thư bóng Vater.
  • Ung thư đầu tụy: Những bệnh nhân ung thư đầu tụy thường có triệu chứng tắc đường mật, cơ thể mệt mỏi, nhất là da chuyển màu vàng đậm.

Sỏi mật là một trong những bệnh lý gây nên vàng mắt và daSỏi mật là một trong những bệnh lý gây nên vàng mắt và da

  • Sỏi mật: Khi mật dịch đông đặc lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi. Lúc này, dịch mật không đi tới ruột mà thấm vào máu, khiến vàng mắt và da.
  • Một số bệnh khác: Viêm đường mật, ung thư túi mật hoặc hẹp đường dẫn mật cũng khiến dòng chảy của dịch mật bị ảnh hưởng, dẫn đến chứng tăng bilirubin.

Nhóm bệnh vàng da do thuốc

Một số thuốc là nguyên nhân gián tiếp gây ra hội chứng da và mắt bị chuyển sang màu vàng: những thuốc cản trở quá trình chuyển hóa trong tế bào gan, thuốc gây vàng da do viêm gan, do ứ mật hoặc gây viêm đường dẫn mật.

Vàng da gây ra những biến chứng gì?

Vàng mắt da không được điều trị kịp thời gây bại não ở trẻVàng mắt da không được điều trị kịp thời gây bại não ở trẻ

Thông thường, hiện tượng tăng bilirubin sinh lý thường sẽ tự hết sau và không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, mắt và da bị vàng do bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh như:

  • Nhiễm độc thần kinh: Hay còn gọi là vàng da nhân. Biến chứng này khiến não bị tổn thương như bại não hoặc tử vong. Đây là trường hợp lượng bilirubin tăng quá cao, vượt quá giới hạn cho phép khiến gan lọc không kịp, rồi tấn công não gây tổn thương vĩnh viễn và không thể hồi phục được.
  • Bilirubin não cấp tính: Biến chứng này cũng do lượng bilirubin quá cao rồi vào não gây ra thương cho não bộ. Biểu hiện của di chứng này là ngủ li bì, sốt cao, chán ăn,...

Chẩn đoán vàng da chính xác

Đối với vàng da sinh lý, phụ huynh dễ dàng theo dõi tình trạng ở trẻ sơ sinh bằng việc quan sát màu da toàn thân của trẻ nơi sáng. Với những trẻ có da đỏ hồng hoặc đen, phụ huynh ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong 5 giây rồi buông ra. Nếu vùng da bị ấn ngón tay xuất hiện màu vàng đậm, rõ rệt thì trẻ đã bị vàng mắt và da.

Ngoài ra, để kiểm tra mức độ bệnh, bác sĩ sẽ dùng máy đo bilirubin qua da (BILI check). Tuy nhiên, kết quả qua máy đo có thể sai số so với kết quả xét nghiệm máu khoảng 3-5 mg/dL. Nếu kết quả chênh lệch nhiều, bác sĩ chỉ định thêm xét nghiệm máu để định lượng bilirubin và tìm nguyên nhân.

Xét nghiệm máu để định lượng bilirubin Xét nghiệm máu để định lượng bilirubin 

Để xác định nguyên nhân người bệnh bị vàng mắt da do bệnh lý, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau dựa trên độ tuổi, triệu chứng và tình trạng bệnh mỗi người:

 

  • Tìm hiểu chi tiết bệnh sử qua các câu hỏi:

 

    • Trước đó bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng giống như cảm cúm không?
    • Màu sắc của nước tiểu và phân có thay đổi không?
    • Người bệnh có uống nhiều hoặc nghiện rượu không?
    • Hiện tại người bệnh có triệu chứng ngứa, đau bụng hay bị sút cân không?
    • Người bệnh có bị viêm gan A không?
    • Người bệnh đã hoặc đang ở vùng có dịch sốt rét hoặc sốt xuất huyết không?
    • Người bệnh đã dùng gần đây hoặc đang dùng loại thuốc nào?
    • Nghề nghiệp của người bệnh có phải tiếp xúc với hóa chất độc hại không?
  • Khám lâm sàng: Để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ sẽ khám lâm sàng ở một số bộ phận. Ví dụ như mắt cá chân hoặc bàn chân sưng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh mắc xơ gan.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phương pháp này để đo lường nồng độ của urobilinogen - một chất được tạo ra khi vi khuẩn phân hủy bilirubin bên trong hệ thống tiêu hóa. Hiện tượng vàng da tại gan hoặc trước gian khi nồng độ urobilinogen cao hơn bình thường.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm chức năng gan là một loại xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, viêm gan C hoặc gan bị tổn thương do rượu. Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng hoạt động của gan bằng cách đo nồng độ của protein và enzyme. 
  • Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng: Bằng cách siêu âm, chụp CT, chụp MRI, nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng để kiểm tra những bất thường ở ống mật và gan. 
  • Sinh thiết gan: Sinh thiết giúp đánh giá tình trạng mô gan. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ trong tế bào gan và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm các bất thường.

Phương pháp điều trị hiện tượng vàng da và mắt

Vàng da là một triệu chứng, không phải bệnh lý, do đó bác sĩ sẽ điều trị dựa trên nguyên nhân đã tìm được. Triệu chứng này có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không có nguy cơ tái phát.

Với trường hợp vàng da sơ sinh, hiện tượng này sẽ hết trong vòng 1 - 2 tuần, không cần điều trị nếu ở mức độ nhẹ. Nếu màu da, mắt vàng ở mức trung bình thì trẻ được điều trị bằng phương pháp quang học ở nhà hoặc tại bệnh viện để loại bỏ bilirubin khỏi cơ thể.

Sóng quang học sẽ được hấp thụ qua máu và da của trẻ, giúp bilirubin chuyển thành chất thải và loại bỏ chúng. Đồng thời, dùng một miếng nhỏ phát quang giống với ánh sáng tự nhiên đặt lên da trẻ. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu này có tác dụng phụ thường gặp là phân trẻ có màu hơi xanh.

Đèn chiếu vàng da cho trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Phương ĐôngĐèn chiếu vàng da cho trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Trong trường hợp vàng da bệnh lý, triệu chứng này thường tự khỏi khi nguyên nhân được điều trị. Việc điều trị nguyên nhân còn tùy theo từng bệnh, có thể điều trị bằng thuốc (nội khoa) hoặc cần can thiệp bằng phẫu thuật (ngoại khoa). Khi bệnh được điều trị kịp thời thì tình trạng bệnh cũng như màu sắc của mắt và da cũng sẽ được cải thiện. 

Ví dụ, bilirubin tăng do sỏi túi mật, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt túi mật bằng phương pháp ngược dòng ERCP. Hoặc trường hợp khác là do hội chứng Gilbert thì sẽ điều trị triệu chứng do chưa có thuốc đặc hiệu hay phương pháp điều trị hội chứng này. 

Nhiều trường hợp được điều trị bằng cách thay máu hoặc truyền máu để loại bỏ bilirubin tồn đọng trong máu. Do đó, khi xuất hiện dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ ngay để tránh bệnh trở nặng. Ngoài ra, bên cạnh điều trị nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra một số chỉ định như hạn chế uống rượu, ngưng sử dụng các loại thuốc nghi ngờ ngộ độc, kết hợp nghỉ ngơi thư giãn.

Cách phòng ngừa vàng da

Để phòng tránh vàng da cũng như giúp quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị các bệnh nguyên nhân gây vàng da.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối: Người bệnh nên bổ sung rau xanh, các loại quả, uống nhiều nước và thực phẩm ít chất béo, ít tinh bột. Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ và nội tạng động vật.
  • Rèn luyện thể lực, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học. Tránh để căng thẳng và lo âu quá mức.

Tiêm phòng vắc-xin viêm gan A rất cần thiết cho cả người lớn và trẻ emTiêm phòng vắc-xin viêm gan A rất cần thiết cho cả người lớn và trẻ em

  • Tiêm vắc-xin phòng viêm gan A, B, C. Người lớn và trẻ em đều cần tiêm vắc-xin này.
  • Phòng ngừa lây nhiễm viêm gan: Bệnh viêm gan không lây qua đường tiếp xúc thông thường. Tốt nhất để người bệnh không bị lây nhiễm viêm gan thì không dùng chung đồ dùng cá nhân (bàn chải, dao cạo râu, kim tiêm,...). Ngoài ra, viêm gan A thường bị lây nhiễm do người bệnh vô tình ăn phải lượng nhỏ chất bài tiết trong thực phẩm bẩn. Vì thế, khi đi ăn ngoài hàng, người bệnh nên thận trọng vì có thể những thực phẩm đó được chế biến chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Không lạm dụng thuốc tây.
  • Khám sức khỏe định kỳ và tái khám đúng lịch hẹn.

Trên đây là những thông tin khoa học về hiện tượng vàng da ở người lớn và trẻ em. Nếu có câu hỏi hay có nhu cầu khám triệu chứng này, Quý khách vui lòng liên hệ Phương Đông theo hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,680

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám