Trào ngược bàng quang niệu quản: Triệu chứng và nguyên nhân

Thu Hiền

09-08-2024

goole news
16

Trào ngược bàng quang niệu quản là dòng nước tiểu bất thường, chảy ngược từ bàng quang lên các ống niệu quản nối thận với bàng quang. Bệnh lý thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ giới tính nam.

Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?

Trào ngược bàng quang niệu quản, tên tiếng Anh Vesicoureteral Reflux - VUR) là tình trạng nước tiểu chảy ngược lên niệu quản, thậm chí lên cả thận. Theo cơ chế chống trào ngược dạng nắp túi áo, nước tiểu sẽ chảy xuôi theo đường tiết niệu từ thận qua niệu quản gần bàng quang để ra ngoài.

Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu chạy ngược lên vị trí niệu quản

Vesicoureteral Reflux khởi phát do tình trạng nước tiểu bị ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh không được chẩn đoán, điều trị sớm có thể gây tổn thương thận, diễn tiến mạn tính nguy hiểm.

Trào ngược bàng quang thường xảy ra ở đối tượng nào?

Trào ngược bàng quang chủ yếu được phát hiện ở trẻ em, đặc biệt nhóm trẻ sơ sinh và trẻ em, chiếm khoảng 25 - 40%. Chuyên gia giải thích vấn đề này do chức năng bàng quang niệu quản của trẻ bị chi phối bởi hệ thần kinh cơ chưa hoàn thiện.

Có 5 cấp độ trào ngược:

  • Độ 1: Tình trạng trào ngược chỉ dừng lại tại niệu quản. 
  • Độ 2: Tình trạng trào ngược đã lên tới đài bể thận. 
  • Độ 3: Đài bể thận, niệu quản giãn nhỏ, các góc nhọn tại đài thận vẫn còn tồn tại.
  • Độ 4: Phần niệu quản, đài bể thận giãn vừa phải, góc nhọn tại đài thận đã biến mất. 
  • Độ 5: Đài bể thận, niệu quản đã giãn rộng (có hình dạng ngoằn ngoèo), phần đài thận không quan sát rõ hình ảnh.

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhauBệnh trào ngược bàng quang niệu quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhau

Biểu hiện của bệnh trào ngược bàng quang niệu quản thận

Chuyên gia chuyên ngành Tiết niệu cho biết, trào ngược bàng quang niệu quản thận không phải lúc nào cũng có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện khi bệnh đã trở nặng, khó điều trị.

Một số triệu chứng liên quan đến bệnh mà bạn có thể lưu tâm:

  • Tiểu nhiều lần, buồn tiểu thường xuyên, tiểu gấp.
  • Cảm giác bị nóng rát sau mỗi lần tiểu tiện.
  • Tiểu thường xuyên hơn nhưng lượng nước mỗi lần ít.
  • Có máu bên trong nước tiểu, nước tiểu có màu đục và có mùi nồng.
  • Bị sốt nhiều ngày.
  • Đau tại vị trí bên sườn, bụng.
  • Không muốn đi tiểu, thường xuyên nhịn tiểu để tránh đau rát mỗi lần đi tiểu.

Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị trào ngược bàng quang

(Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị trào ngược bàng quang)

Biểu hiện trào ngược bàng quang niệu quản trẻ em có một số triệu chứng đặc trưng hơn như sốt không rõ nguyên nhân:

  • Tiêu chảy kéo dài
  • Đái dầm liên tục
  • Chán ăn
  • Trẻ lớn hơn thường hay táo bón
  • Nghiêm trọng hơn có thể bị suy thận

Nguyên nhân chứng bệnh trào ngược bàng quang

Theo các nghiên cứu y khoa đã công bố, có 2 nguyên nhân gây nên chứng bệnh trào ngược bàng quang, gồm nguyên phát và thứ phát. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân nguyên phát

Trào ngược bàng quang do dị tật bẩm sinh đường tiết niệu như thiếu van ngăn nước, cơ quan ngăn nước chảy ngược từ bàng quang tới niệu quản. Tình trạng này có thể cải thiện sau khi trẻ trưởng thành, niệu quản đạt độ dài và độ thẳng nhất định.

Nguyên nhân nguyên phát do dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu

(Nguyên nhân nguyên phát do dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu)

Một số dị tật khác cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh trào ngược như nhược cơ tam giác niệu, dị dạng niệu quản. Trong đó, dị dạng niệu quản có thể kể đến niệu quản lạc chỗ, lỗ niệu quản rộng, trào ngược niệu quản do túi phình niệu quản phía đối diện,...

Nguyên nhân thứ phát

Trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát do bàng quang không tự đào thải được nước tiểu. Căn nguyên có thể đến từ tình trạng tắc nghẽn, tổn thương cơ hoặc tổn thương thần kinh điều khiển quá trình tiểu tiện.

Trào ngược bàng quang di chuyển lên niệu quản do tắc nghẽn, tổn thương cơ hoặc thần kinh

(Trào ngược bàng quang di chuyển lên niệu quản do tắc nghẽn, tổn thương cơ hoặc thần kinh)

Những bệnh lý như viêm đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, tắc đường tiết niệu dưới cũng là nguyên nhân gây trào ngược bàng quang. Hoặc tình trạng nước tiểu bị ứ đọng tại bàng quang làm tăng áp lực, dẫn tới trào ngược.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh kể trên, những yếu tố nguy cơ khác làm tăng chứng bệnh trào ngược bàng quang như:

  • Thói quen nhịn tiểu, nhịn đi ngoài.
  • Trẻ em nam có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ em nữ.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi.
  • Gia đình có tiền sử mắc chứng trào ngược bàng quang.
  • Rối loạn chức năng bàng quang và ruột.

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

(Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao)

Khi nào cần khám bác sĩ?

Trẻ em nếu có các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời:

  • Tiểu đau, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu nhiều lần, đi tiểu dai dẳng.
  • Đau bụng, đau hông lưng.
  • Tăng thân nhiệt, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, không phát hiện được ổ nhiễm khuẩn.
  • Trẻ sơ sinh bỏ bú, kém ăn, ngủ li bì, khóc nhiều, tiêu chảy, nôn mửa.

Những triệu chứng nghiêm trọng cần khám bác sĩ

(Những triệu chứng nghiêm trọng cần khám bác sĩ)

Biến chứng trào ngược bàng quang niệu quản

Trào ngược bàng quang niệu quản ở người lớn hoặc trẻ em không điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Chuyên gia cảnh báo, những tác hại đi kèm chứng bệnh rất nặng nề, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Sẹo thận

Trào ngược bàng quang lâu ngày khiến các chất cặn bã trong nước tiểu tồn đọng tại đường tiết niệu, kết hợp với vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vấn đề này không điều trị kịp thời có thể hình thành các mô sẹo ở thận, tổn thương thận vĩnh viễn.

Tăng huyết áp

Thận là cơ quan bài tiết chất thải từ máu ra bên ngoài cơ thể, những tổn thương nhỏ này làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Chỉ số huyết áp vượt ngưỡng cho phép làm ảnh hưởng đến các mạch máu, hình thành các cục máu đông, chặn lưu lượng máu lên não.

Siêu âm nhằm quan sát tình trạng thận, phát hiện nguyên nhân gây bệnh

(Tăng huyết áp là một biến chứng nghiêm trọng của trào ngược bàng quang)

Suy thận

Trào ngược bàng quang làm hình thành mô sẹo thận, gây mất chức năng lọc thải của cơ quan này. Lâu dần dẫn đến tình trạng suy thận nhanh chóng, tác động nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng.

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh

Bệnh nhân khi đến bệnh viện tiềm soát bệnh lý sẽ trải qua các bước khám lâm sàng cơ bản, như khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh. Dựa vào kết quả ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp.

Siêu âm

Chỉ định siêu âm để phát hiện những bất thường trong cấu trúc thận và bàng quang. Dưới tác động của sóng âm thanh tần số cao, bác sĩ có thể quan sát tình trạng thận bị sưng hay không, xác định nguyên nhân trào ngược nguyên phát.

Siêu âm nhằm quan sát tình trạng thận, phát hiện nguyên nhân gây bệnh

(Siêu âm nhằm quan sát tình trạng thận, phát hiện nguyên nhân gây bệnh)

Chụp X-quang

Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X, tiến hành chụp bàng quang hoặc niệu đạo, quan sát những bất thường. Với sự hỗ trợ của thuốc cản quang, chuyên viên hình ảnh có thể quan sát các cơ quan này ở nhiều vị trí khác nhau, cho kết quả chính xác nhất.

Chụp bàng quang, niệu quản có phóng xạ

Chụp bàng quang, niệu đạo có chất đánh dấu phóng xạ được thực hiện tương tự như chụp X-quang. Máy quét sẽ phát hiện đồng vị phóng xạ đưa vào cơ thể, cho biết tình trạng hoạt động hiện tại của đường tiết niệu.

Chụp bàng quang, niệu quản kèm chất phóng xạ để kiểm tra hoạt động hệ tiết niệu

(Chụp bàng quang, niệu quản kèm chất phóng xạ để kiểm tra hoạt động hệ tiết niệu)

Động lực học

Phương pháp giúp kiểm tra bộ phận bàng quang có thu thập, giữ và thải nước tiểu như thế nào. Từ đó, giúp đánh giá các vấn đề trong bàng quang có phải do trào ngược bàng quang niệu quản gây ra hay không.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nhằm tìm kiếm, phát hiện protein hoặc máu lẫn trong nước tiểu, hỗ trợ chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Đây là căn cứ giúp bác sĩ đưa phương pháp điều trị phù hợp, cá nhân hóa.

Phương pháp điều trị trào ngược bàng quang niệu quản

Điều trị VUR cần dựa vào bệnh tình thực tế, cấp độ bệnh cũng như sức khỏe hiện tại đáp ứng liệu trình hay không. Trẻ em bị trào ngược bàng quang nhẹ, có thể quan sát và theo dõi thêm vì bệnh có thể tự khỏi sau khi lớn lên.

Những phác đồ điều trị dưới đây thường được áp dụng với tình trạng nặng:

Điều trị nội khoa

Bệnh nhân được chỉ định sử dụng kháng sinh (Bactrim 1/2 - 1/3 liều bình thường vào buổi tối), nhằm ngăn chặn nhiễm trùng đường tiểu, sẹo thận. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm vào bàng quang dạng chất lỏng như gel, tạo khối phồng giúp nước tiểu dễ đào thải ra ngoài.

Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa để chỉnh sửa khiếm khuyết van giữa bàng quang và niệu quản. Ba kỹ thuật được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:

  • Mổ mở là kỹ thuật truyền thống, người bệnh được gây mê toàn thân, rạch vết mổ vùng bụng dưới để điều chỉnh dị tật. Người bệnh cần nằm viện vài ngày để theo dõi sức khỏe, gắn ống dẫn lưu tạm thời vào bàng quang.
  • Nội soi có robot hỗ trợ có kích thước vết mổ nhỏ hơn mổ mở, tuy nhiên tỷ lệ thành công được đánh giá thấp, ít được ứng dụng.
  • Nội soi là kỹ thuật sử dụng ống nhỏ gắn đèn, đi qua niệu đạo đến bàng quang để quan sát bên trong cơ quan. Bác sĩ tiến hành thêm chất độn xung quanh vị trí hở của van, nhằm đóng mở van dễ dàng hơn.

Can thiệp ngoại khoa để điều chỉnh khiếm khuyết giữa bàng quang và niệu quản

(Can thiệp ngoại khoa để điều chỉnh khiếm khuyết giữa bàng quang và niệu quản)

Điều trị tại nhà

Chế độ chăm sóc tại nhà quyết định lớn đến quá trình cải thiện trào ngược bàng quang, phòng bệnh tái phát. Bệnh nhân và gia đình nên:

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự dừng dùng thuốc cũng như tăng/giảm liều khi chưa có yêu cầu. 
  • Bổ sung 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, giúp sạch cho cơ thể loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi đường tiểu. 
  • Tránh uống nước ngọt đóng chai có thể gây kích thích tới bàng quang. 
  • Có thể sử dụng khăn ấm, túi chườm ấm tại vị trí bụng. Nhiệt độ ấm sẽ giúp người bệnh bớt đau và áp lực tới vùng bụng.

Biện pháp cải thiện tình trạng trào ngược bàng quang

Cho tới thời điểm hiện tại chưa có phương pháp dự phòng hỗ trợ, cải thiện VUR. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ hoạt động đường tiết niệu của một cách hiệu quả như sau:

  • Uống đầy đủ nước theo lời khuyên của bác sĩ. 
  • Đi tiểu đều, không nhịn tiểu.
  • Chú ý vệ sinh từ trước ra sau. 
  • Với trẻ nhỏ cần thay bỉm đều đặn, theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Điều trị táo bón (nếu có).

Biện pháp cải thiện chứng trào ngược bàng quang

(Biện pháp cải thiện chứng trào ngược bàng quang)

Trào ngược bàng quang niệu quản là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi. Chứng bệnh không được cải thiện sớm có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sẹo thận, tăng huyết áp, suy thận hoặc đe dọa đến tính mạng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,055

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám