Viêm đài bể thận là gì? Có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Hoàng Hải

28-08-2024

goole news
16

Viêm đài bể thận là bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới do vi khuẩn lội ngược dòng gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm, cần phát hiện và điều trị kịp thời trước khi tình trạng áp xe, hoại tử, suy thận,... đe doạ trực tiếp tính mạng của bệnh nhân diễn ra. 

Viêm đài bể thận là gì ?

Viêm đài bể thận là hiện tượng nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập ở khu vực đài thận và bể thận. Trong đó, viêm do vi khuẩn gram âm gây ra là phổ biến nhất. Bệnh được chia ra thành viêm bể thận cấp tính và viêm bể thận mãn tính cụ thể như sau:

Viêm đài bể thận cấp

Bệnh lý khởi phát đột ngột, xảy ra do đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn. Bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết vi khuẩn thường đi ngược từ bàng quang lên niệu quản đến đài bể thận, sau đó xâm nhập vào máu đi tới đài thận, bể thận.

Vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên có thể gây viêm đài bể thận

Vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên gây viêm đài bể thận

Đây là bệnh lý nguy hiểm, cần được chữa trị kịp thời bởi triệu chứng của nó rất đột ngột, nghiêm trọng. Đặc biệt là đối với trường hợp do nhiễm khuẩn huyết thì mức độ tiến triển của bệnh sẽ cực kỳ chóng vánh đối với người bệnh. Đi kèm với đó là nguy cơ biến chứng cao cho người bệnh. Vì thế, cấp cứu kịp thời với người mắc viêm bể thận cấp là hết sức cần thiết. 

Viêm đài bể thận mạn

Viêm đài bể thận mạn thường gặp ở những người có tổn thương mãn tính ở nhu mô và kẽ thận. Đây cũng chính là diễn biến tiếp theo của quá trình nhiễm khuẩn từ đài bể thận vào thận, gây xơ hoá tổ chức thận và dẫn đến suy thận.

Trái ngược với viêm đài bể thận cấp, bệnh nhân bị mạn tính không có triệu chứng gì nên khá khó phát hiện. Bệnh cũng hiếm gặp hơn, thường gặp ở những người bị tắc nghẽn đường tiểu hoặc bẩm sinh. Nguy hiểm ở chỗ tình trạng mạn tính thường tái đi tái lại nhiều lần. Một số có biểu hiện thoáng qua như đau vùng lưng và sườn hay sốt nhẹ…

Việc chẩn đoán bệnh phụ thuộc chính vào hình ảnh siêu âm, cấy nước tiểu hoặc sinh hóa nước tiểu. Viêm đài bể thận mạn không được điều trị một cách đúng lúc có thể dẫn đến suy thận, tổn thương thận vĩnh viễn.

Viêm đài bể thận mạn triệu chứng đau vùng lưng và sườn

Tình trạng mạn triệu chứng đau vùng lưng và sườn

Nguyên nhân gây ra viêm đài bể thận

Viêm đài bể thận là bệnh nhiễm trùng ở đường tiết niệu dưới. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu mắc bệnh là do vi khuẩn gram âm, phổ biến nhất là khuẩn E-coli xâm nhập và gây hại cho đường tiết niệu của con người. 

Ngoài ra, trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, Klebsiella, Enterobacter hay Proteus mirabilis, tụ cầu, liên cầu… cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh viêm đài bể thận. Các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào niệu đạo và bắt đầu sinh sôi, di chuyển lên bàng quang và trào ngược qua niệu quản đến thận.  

Vi khuẩn có thể tấn công qua đường hạch bạch huyết, đường máu lên thận

Vi khuẩn có thể tấn công qua đường hạch bạch huyết, đường máu lên thận

Có 3 con đường tấn công của vi khuẩn gây viêm đài bể thận là:

  • Nhiễm trùng ngược dòng: Vi khuẩn sau khi xâm nhập các bộ phận của đường tiết niệu dưới đó là niệu đạo, bàng quang, niệu quản… sẽ di chuyển ngược lên phía trên, gây hại cho đài bể thận và tấn công sâu vào thận của người. Đây là con đường tấn công phổ biến nhất. 
  • Nhiễm trùng đường máu: Đây là trường hợp hiếm gặp nhất trong ba trường hợp nhưng lại có mức độ nguy hiểm cao nhất. Có thể hiểu rằng, máu đi đến đâu thì vi khuẩn sẽ lây lan đến đó với tốc độ vô cùng nhanh chóng, trong đó có cả thận. Nếu như không kịp thời chữa trị, không chỉ ảnh hưởng đến thận mà còn đe dọa lớn đến tính mạng người bệnh.
  • Nhiễm trùng đường bạch huyết: Mỗi người đều có mạng lưới bạch huyết rải rác khắp cơ thể, nó có tác dụng bảo vệ các tế bào, ngăn chặn sự tấn công của các tác nhân gây hại. Khi hệ thống bạch huyết bị vi khuẩn xâm nhập, chúng sẽ rất nhanh lây lan sang các bộ phận khác, trong đó có đài bể thận.

Triệu chứng viêm đài bể thận

Dấu hiệu viêm đài bể thận cấp

Như đã đề cập đến ở trên, người ở tình trạng cấp tính có các triệu chứng điển hình hơn bệnh viêm mạn tính như sau:

  • Sốt cao 39-40 độ kèm rét run, ớn lạnh.
  • Môi bị nứt nẻ, lưỡi trắng bẩn mặc dù được vệ sinh thường xuyên hàng ngày.
  • Cảm giác mệt mỏi, rệu rã, suy sụp chỉ sau một thời gian ngắn.
  • Đau tức hố sườn đằng sau lưng và hông.
  • Bất thường tiểu tiện: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hoặc mủ, mùi nước tiểu rất khó chịu hơn bình thường.
  • Chướng bụng, đau bụng dưới, buồn nôn và cảm giác không muốn ăn dù đói.

Một trong số các biểu hiện của hội chứng là sốt cao 

Một trong số các biểu hiện của hội chứng là sốt cao 

Dấu hiệu viêm đài bể thận mạn

Đối với trường hợp mạn, bệnh không có những biểu hiện rõ ràng như trên mà chỉ có các triệu chứng thoáng qua nhưng tái đi lặp đi lặp lại nhiều lần như:

  • Huyết áp cơ thể tăng cao
  • Da dẻ người xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt. Chân tay run rẩy, hoa mắt chóng mặt… do thiếu máu trầm trọng
  • Cơ thể tích nước sưng phù

Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Mọi bất thường làm gián đoạn dòng tiểu đều có thể gây ra tình trạng viêm bể thận. Tuy nhiên, nếu người bệnh có các yếu tố sau khả năng mắc viêm bể thận cấp sẽ cao hơn gấp nhiều lần:

  • Mắc bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang hay các bệnh ở thận, bàng quang
  • Người cao tuổi
  • Người mắc các bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch như: HIV, lupus ban đỏ…
  • Bệnh nhân bị trào ngược bàng quang khiến nước tiểu chảy ngược vào thận gây nhiễm trùng.
  • Người đang điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Người bị tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu cao

Người bị tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu cao

Ngoài ra, các nhân tố sau cũng khiến bạn dễ mắc bệnh như sau:

  • Đã từng đặt stent niệu quản, đặt ống thông tiểu.
  • Đã thực hiện nội soi bàng quang
  • Đã trải qua phẫu thuật tiết niệu
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Bị tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống 

Viêm bể thận có nguy hiểm không?

Có. Đây là bệnh nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Áp xe thận: Các ổ mủ sẽ xuất hiện quanh thận nếu như các mô mềm xung quanh thận bị nhiễm trùng lâu ngày. 
  • Suy thận cấp: Đây là một trong các biến chứng nguy hiểm của tình trạng viêm đài bể thận. Các biểu hiện điển hình là tiểu ít, tiểu rắt hoặc không tiểu được, nồng độ ure /creatinin tăng cao. Bất thường này có thể khiến huyết áp tăng cao, phù phổi và gây nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân. 
  • Hoại tử nhú thận: Tình trạng viêm bể thận kéo dài sẽ khiến các nhú thận bị chết một phần hoặc toàn bộ. Bệnh sẽ khiến nhú thận bong ra rồi theo nước tiểu gây tắc nghẽn niệu quản hay niệu đạo. Nếu hiện tượng này thì bạn có thể bị ứ mủ bể thận khiến người bệnh có nguy cơ mắc suy thận cấp rất cao.
  • Kháng kháng sinh: Do bản chất loại vi trùng đa đề kháng và do sử dụng kháng sinh không phù hợp, không đủ liều và không đủ lâu.
  • Suy thận mạn: Nếu người bệnh bị tái viêm thường xuyên và không được điều trị đúng cách thì rất có thể bệnh nhân bị viêm đài bể thận mạn hoặc suy thận mạn.

Phương pháp chẩn đoán viêm đài bể thận

Khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm hỏi các biểu hiện lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Nhân viên y tế sẽ cần xác nhận xem người bệnh có các biểu hiện dưới đây hay không:

  • Biểu hiện nhiễm trùng: Rét run, sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, lưỡi bẩn, môi khô,...
  • Biểu hiện bàng quang cấp: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, tiểu đục, tiểu mủ,...
  • Biểu hiện đau: Đau hông lưng, mạn sườn nhiều, thường đau một bên, hiếm khi hai bên

Khám cận lâm sàng

Sau khi khám lâm sàng, bạn sẽ được thực hành các kỹ thuật sau:

  • Xét nghiệm sinh hoá nước tiểu giúp phát hiện tế bào mủ, tế bào hồng cầu, bạch cầu, nồng độ protein niệu… trong nước tiểu người bệnh.
  • Xét nghiệm công thức máu để đánh giá chỉ số bạch cầu tăng, tình trạng tăng bạch cầu đa nhân trung tính
  • Cấy máu có tác dụng tương tự như cấy vi khuẩn niệu, nhằm xác định chính xác vi khuẩn đang ở đâu.
  • Cấy vi khuẩn niệu được thực hiện với những ca có triệu chứng khá phức tạp hoặc không điển hình để đánh giá nhóm vi khuẩn và đưa ra kháng sinh đồ phù hợp với người bệnh.
  • Siêu âm, chụp CT, chụp MRI giúp phát hiện các bất thường như giãn đài bể thận, giãn niệu quản, u, sỏi… và tìm nguyên nhân gây bệnh lý.
  • Xạ hình chức năng thận: đây là phương pháp dùng để đánh giá khả năng hoạt động và mức độ tổn thương của thận.

Siêu âm là một trong số các chỉ định thăm khám dành cho người bệnh 

Siêu âm là một trong số các chỉ định thăm khám dành cho người bệnh 

Các phương pháp điều trị viêm đài bể thận

Các cách điều trị viêm đài bể thận được áp dụng bao gồm:

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân

Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân

Nếu bệnh nhân bị viêm đài bể thận mức độ nhẹ thì có thể chỉ cần dùng thuốc kháng sinh trong 1 - 2 tuần tại nhà. Một số các thuốc kháng sinh thường được chỉ định bao gồm:

  • Aminopenicillins: Dùng đơn độc hoặc phối hợp Acid clavulanic.
  • Aminoglycosides: Dùng đơn độc hoặc phối hợp Aminopenicillins.
  • Aztreonam, Cephalosporins thế hệ 2 hay thế hệ 3.
  • Cotrimoxazol và Fluoroquinolones.

Nếu sau khi uống thuốc, bạn vẫn bị nhiễm trùng rõ, sốt, tiểu đục, đau, mất nước,... thì sẽ được chuyển vào điều trị nội trú.

Điều trị nội trú

Nếu tình trạng viêm đài bể thận của bạn được đánh giá nặng hoặc người bệnh đang trong trạng thái đặc thù như thai phụ, người có tiền sử bệnh lý phức tạp. Đối với sản phụ, bệnh nhân buộc phải điều trị nội trú bằng kháng sinh để phòng tránh sinh non. 

Điều trị ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa sẽ được bác sĩ cân nhắc nếu bệnh nhân đang bị tắc nghẽn ở thận hoặc gây sốc nhiễm khuẩn. 

Đồng thời, nếu bác sĩ chuyên khoa phát hiện sỏi làm ứ đọng, tắc nghẽn dòng chảy gây nhiễm trùng thì biện pháp xử lý đầu tiên chính là tiến hành phẫu thuật để loại bỏ sỏi. Các thủ thuật cũng được cân nhắc nếu bạn bị áp xe hoặc không đáp ứng với thuốc kháng sinh. 

Các trường hợp nhiễm trùng huyết thì bệnh nhân buộc phải lọc máu. Trường hợp xuất hiện các biến chứng khác như suy thận, xơ hóa thận bắt buộc phải ghép thận để duy trì sự sống hoặc cắt bỏ một bên thận.

Can thiệp ngoại khoa sẽ được đưa ra nếu dùng thuốc không hiệu quả

Can thiệp ngoại khoa sẽ được đưa ra nếu dùng thuốc không hiệu quả

Các biện pháp phòng tránh viêm đài bể thận

Mặc dù đây là bệnh nguy hiểm nhưng bạn có thể phòng ngừa được bằng các cách phòng ngừa bệnh đơn giản, hiệu quả như sau:

  • Vệ sinh cơ quan sinh dục - tiết niệu sạch sẽ, đầy đủ, đặc biệt là sau hành kinh, sau khi quan hệ tình dục, tắm biển,...
  • Uống nước nhiều và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều canxi
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các nhiễm trùng tiềm ẩn

Khoa Nội Thận Bệnh viện Đa khoa Phương Đông quy tụ đội ngũ các bác sĩ tay nghề cao, chuyên môn tốt chuyên tầm soát, phát hiện sớm và điều trị các bệnh về thận. Hệ thống phòng khám nội khoa chất lượng cao, phòng nội trú tiện nghi, hiện đại, khuôn viên xanh ở Bệnh viện,... giúp khách hàng có trải nghiệm khám chữa bệnh trọn vẹn, an tâm, nhẹ nhàng. 

Mổ mở lấy sỏi thận ở Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Mổ mở lấy sỏi thận ở Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Có thể nói, trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh viêm đài bể thận. Để chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân và những người thân yêu, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ và kịp thời ngay khi cơ thể có các triệu chứng bất thường.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,522

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám