Tìm hiểu về u bàng quang
U bàng quang là sự tăng trưởng bất thường của tế bào trong cơ quan chứa nước tiểu. Đây là loại u thường gặp ở đường tiết niệu. Về tính chất khối u, tình trạng này được chia ra thành:
U bàng quang lành tính
Đây là tình trạng các tế bào tăng sinh mất kiểm soát khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Chúng cũng có thể bị phù nề, phình to và bị mất nguyên sinh chất. Các loại u lành tính ở bàng quang bao gồm:
- U nhú ngược: Các tế bào niêm mạc bàng quang phát triển bất thường rồi lan đến thành bàng quang
- U nhú bàng quang: Từ tế bào biểu mô tăng sinh mất kiểm soát, lan vào trong lớp lót trong bàng quang rồi choán chỗ của các tế bào ở trung tâm bàng quang. Các u nhú bàng quang này được phát hiện dưới dạng u nhú nhỏ.
- U mềm cơ trơn: Các tế bào bất thường phát triển từ cơ trơn bàng quang, sau đó xâm lấn vào mô lân cận hoặc phát triển đến các vị trí khác.
- U xơ đơn độc: Tương tự u mềm cơ trơn nhưng các tế bào bất thường khởi phát từ mô liên kết sợi ở thành bàng quang
- U sợi thần kinh: U nhỏ nằm phía trong dây thần kinh bàng quang
- U máu: Bất thường xuất hiện ở mạch máu trong bàng quang
- Lipoma: Hình thành từ chất béo quanh bàng quang

(Hình 1 - U lành tính và ác tính đều có thể tìm thấy ở bàng quang)
U bàng quang ác tính
U ác tính hay còn được gọi là ung thư bàng quang. Đây là ung thư ở cơ quan tiết niệu - sinh dục thường gặp thường gặp, chỉ sau K tiền liệt tuyến, K phổi và K đại trực tràng. Bệnh hay gặp ở người bệnh từ 50 - 70 tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh của nam giới gấp 3 lần nữ giới.
Xem thêm: Ung thư đại trực tràng: Dấu hiệu và đối tượng dễ mắc bệnh
Các tế bào ác tính thường xuất phát từ lớp lót của mặt trong bàng quang rồi bắt đầu nhân đôi mất kiểm soát, xâm lấn trực tiếp sang các mô xung quanh hoặc di chuyển sang các bộ phận khác. Đa số ung thư bàng quang đều xuất phát từ tế bào biểu mô (98%), Trong đó 90% là tế bào biểu mô đường bài tiết, 6% tế bào vảy, 2% tế bào biểu mô tuyến. 2% còn lại là ung thư của tổ chức liên kết.

(Hình 2 - Hình ảnh K bàng quang trên nội soi)
K bàng quang dễ tái phát ở cùng một vị trí hoặc khác vị trí trong bàng quang và có xu hướng di căn đến gan, phổi, xương và các hạch bạch huyết.
Các nguyên nhân dẫn đến khối u ở bàng quang
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, u ở bàng quang có thể do ba nhân tố chính: giải phẫu, môi trường và gen gây ra. Cụ thể như sau:
- Môi trường và nghề nghiệp: Một số đối tượng như công nhân sản xuất hoá chất, nhà khoa học, kỹ sư nghiên cứu hoá học, công nhân thu gom, vận chuyển rác thải,.... Những người này thường xuyên tiếp xúc với bêtanaphtilamine và benzidine, hấp thu bằng đường tiêu hoá và hô hấp, sau đó được đào thải qua đường tiết niệu dễ mắc u bàng quang biểu mô đường tiết niệu ác tính
- Thuốc lá: Theo thống kê ⅓ số bệnh nhân mắc K bàng quang liên quan đến thuốc lá. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra 50% bệnh nhân nam và 35% bệnh nhân nữ có khối u ở đường tiết niệu đều có thói quen hút thuốc
- Các nguyên nhân khác: Thuốc Phenacetin, Bệnh sán bàng quang, yếu tố cơ địa,... cũng là những nhân tố tăng nguy cơ mắc u bàng quang.

(Hình 3 - Những người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ mắc các bệnh về đường bàng quang lớn hơn)
U bàng quang có nguy hiểm không?
Nếu khối u lành tính thì tương đối an toàn và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tất nhiên, hiệu quả điều trị khối u sẽ phụ thuộc vào diễn biến bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Đối với các khối u còn nông, chưa xâm lấn thì nên cắt bỏ khối u.
Tuy nhiên, nếu khối u của bạn đã được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán là ác tính thì tiên lượng xấu hơn. Người bệnh cần nhập viện và tiếp nhận điều trị ngay, tránh để nó phát triển lớn và di căn sang các cơ quan xung quanh.
U bàng quang có triệu chứng không? Nhận biết như thế nào?
Đối với u lành tính ở bàng quang, bạn có thể nhận biết bằng các dấu hiệu sau.
- Tiểu khó: Bạn thường xuyên có cảm giác đi tiểu không sạch. Dòng nước tiểu yếu, đi tiểu ra ít nước hoặc tiểu ngắt quãng. Một số người phải rặn tiểu
- Tiểu đau, tiểu són và tiểu không kiểm soát
- Bất thường ở nước tiểu: Nước tiểu màu vàng cam, nước tiểu màu hồng hoặc đôi khi quan sát thấy có cục máu đông trong nước tiểu

(Hình 4 - Bất thường nước tiểu màu vàng cam cũng có thể báo hiệu các bất thường ở bàng quang)
Bạn nên lưu ý, u lành tính có diễn biến chậm, mặc dù ít gây đau đớn nhưng khi phát triển đến kích thước nhất định sẽ khiến sức ép bàng quang giảm đi, chèn ép lên tử cung của phụ nữ hoặc tuyến tiền liệt và niệu đạo của nam giới. Khi đó, mặc dù là khối u lành tính nhưng chúng có biểu hiện tương tự như ung thư bàng quang.
Đối với ung thư bàng quang (u ác tính) thì đái máu là biểu hiện thường gặp nhất. Đến 80 - 90% ca bệnh đều có dấu hiệu đái máu nhiều toàn bãi, đái máu về cuối bãi,... Bệnh nhân bị đái máu có thể tự phát, tự cầm rồi tái phát. Bên cạnh đó, một số ca bệnh ghi nhận các bệnh cảnh:
- Rối loạn tiểu tiện: đái rắt, đái buốt… Các cơn đau tức vùng dưới rốn, đau lưng, phù nề vùng bẹn bìu
- Gầy gò, thiếu máu,...
Cách chẩn đoán tình trạng khối u
Để chẩn đoán tình trạng bệnh lý, bác sĩ cần xem xét và thực hiện thăm khám theo các trình tự như sau:
- Khám lâm sàng để khai thác tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt, đồng thời kiểm tra vùng bậu, chậu xem có khối u không.
- Xét nghiệm nước tiểu với mục đích tìm kiếm các dấu hiệu bất thường của khối u
- Siêu âm bàng quang: Bác sĩ sẽ quan sát lòng bàng quang và thành bàng quang để phát hiện xem có khối u hay không. Đồng thời, các cơ quan xung quanh như thận, bể thận, tiền liệt tuyến,... cũng có thể được đánh giá thêm.
- Soi tê bàng quang có gây tê hoặc không: Bác sĩ sẽ dùng ống mềm gắn camera để quan sát bên trong bàng quang, tìm kiếm tổn thương, đánh giá kích thước, hình thái và vị trí của u hoặc những vùng niêm mạc viêm đỏ (nghi ngờ ung thư).

(Hình 5 - Hình ảnh u bàng quang trên siêu âm)
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được yêu cầu thực hiện
- Sinh thiết: Thu thập tổ chức u sâu dưới lớp cơ để xác định tính chất khối u.
- Chụp CT hoặc chụp MRI đánh giá mức độ xâm lấn, phát hiện sự di căn của khối u trong vùng tiểu khung
- Chụp cản quang thận (UIV)
- Chụp xạ hình xương

(Hình 6 - Hình ảnh u bàng quang 6m qua các phương pháp chẩn đoán)
Các cách điều trị khối u bàng quang
Nếu khối u của người bệnh là lành tính, không quá lớn thì không cần điều trị. Nhưng nếu kích thước lớn chiếm nhiều diện tích, gây chèn ép lên các cơ quan xung quanh và chảy máu thì cần phẫu thuật loại bỏ. Đối với u bàng quang ác tính thì người bệnh sẽ tuỳ diễn biến bệnh, người bệnh có thể được chỉ định điều trị ngoại khoa, hoá chất, xạ trị và các phương pháp khác.
Phẫu thuật nội soi
Đa số các trường hợp bệnh nhân gặp các bất thường về bàng quang sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi. Các bác sĩ sẽ can thiệp vào bàng quang qua đường niệu đạo, đưa dụng cụ vào lỗ niệu đạo để đi tới bàng quang, tim và loại bỏ khối u.
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ phải cắt sâu tới tận lớp cơ để loại bỏ hoàn toàn và lấy hết chân của khối u. Nếu khối u nhỏ và lành tính thì bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật 1 lần là được. Với khối u kích thước lớn hơn thì bạn phải phẫu thuật nội soi thêm một lần nữa.
Đối với các trường hợp bệnh nhân K bàng quang thì sẽ được cân nhắc cắt khối u, loại bỏ một phần hoặc cắt bỏ hoàn toàn bàng quang. Ở giai đoạn 1 - 3, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ vùng tổn thương. Nếu khối u đã xâm lấn sau có thể chỉ định thêm nạo vét hạch chậu, tạo hình bàng quang, dẫn lưu niệu quản.

(Hình 7 - Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi cho các trường hợp mắc u bàng quang)
Tuy nhiên nếu K bàng quang đã tiến triển đến giai đoạn cuối, khối u chèn ép hai lỗ niệu quản, suy thận thì bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, buộc phải xạ trị và điều trị bằng hóa chất.
Hoá trị và xạ trị
Hai biện pháp này sẽ được áp dụng cùng với phẫu thuật nội soi bàng quang cho người bệnh có khối u ác tính, Mục đích của hai phương pháp này là ngăn ngừa sự tái phát của khối u, điều trị tổn thương tại chỗ để bệnh không diễn biến nặng hơn.
Tuy nhiên, K bàng quang được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng sống khá tốt. Thời gian sống sau 5 năm đối với u nông là 82 - 100%, đối với u sâu là 0 - 22%.
Chi phí mổ u bàng quang bao nhiêu tiền?
Phẫu thuật nội soi bàng quang cắt u gây mê có giá dịch vụ là 13,400,000 VNĐ. Nếu bạn có Bảo hiểm y tế thì áp dụng còn 4,735,000VNĐ. (Chưa tính các chi phí khác và thủ thuật kèm theo)(nếu có).
Lưu ý: Chi phí trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi dựa vào nhiều yếu tố!
Có thể nói, các bệnh lý về bàng quang mặc dù rất nguy hiểm và thường gặp nhưng vô cùng khó phát hiện ra. Để chủ động phòng tránh và chữa bệnh hiệu quả, bạn cần chủ động thăm khám sức khỏe thường xuyên.
Khoa Nam học Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hiện là địa chỉ thăm khám được nhiều anh em trên địa bàn Hà Nội lựa chọn bởi:
- Được trực tiếp thăm khám từ các bác sĩ có kinh nghiệm làm việc tại các Bệnh viện TW, thành công điều trị cho nhiều anh em và thấu hiểu tâm lý người bệnh
- Thăm khám theo quy trình chuẩn của Bộ Y Tế nhưng tinh gọn hơn để tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi, có thể ra về trong ngày
- Hỗ trợ xét nghiệm, chẩn đoán từ hệ thống máy móc, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng đủ tiêu chí chính xác, chuyên sâu và không bỏ sót mọi bất thường dù là nhỏ nhất
- Giảm nhẹ nỗi lo chi phí, tối đa quyền lợi khi được áp dụng các chương trình ưu đãi theo tuần, tháng, quý, kết hợp cùng giảm trừ với BHYT, BHBL

(Hình 8 - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông trong ca tán sỏi bằng laser cho bệnh nhân)
Như vậy, u bàng quang là bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ phù hợp. Chính vì vậy, nếu phát hiện bạn có các triệu chứng tiểu rắt, tiểu ra máu, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, hãy đến Bệnh viện ngay để được thăm khám và kiểm tra sức khoẻ kịp thời!