Điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc: Mục tiêu và kỹ thuật thực hiện

Phương Loan

16-03-2024

goole news
16

Ứng dụng điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc là bước tiến mới của nền y học thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Trong bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ các kiến thức liên quan đến chấn thương tủy sống và tế bào gốc, giúp bạn hiểu hơn liệu pháp này.

Hiểu về chấn thương tủy sống

Trước khi tìm hiểu mục đích, kỹ thuật điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc, bạn cần nắm được chấn thương tủy sống là gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh.

Chấn thương tủy sống là gì?

Tủy sống là một dải mô dài, kết nối não với lưng dưới, mang tín hiệu thần kinh từ não đến cơ thể và ngược lại. Bất kỳ tổn thương nào đối với tủy sống đều có thể ảnh hưởng đến chuyển động hoặc chức năng cảm giác của cơ thể.

Chấn thương tủy sống là gì?

(Chấn thương tủy sống là gì?)

Chấn thương tủy sống liên quan đến tổn thương ở bất kỳ phần nào của tủy sống, là hậu quả của tai nạn không mong muốn hoặc do bạo lực. Tình trạng này gây ra những thay đổi vĩnh viễn về sức mạnh, cảm giác và chức năng khác của cơ thể bên dưới vị trí chấn thương.

Người bị chấn thương tủy sống còn gặp một số tác dụng phụ về tinh thần, cảm xúc hay trở ngại xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu điều trị và phục hồi chức năng đang cho kết quả khả quan.

Nguyên nhân chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Bị tấn công mạnh vào vùng lưng.
  • Tai nạn lao động như ngã từ trên cao xuống.
  • Tai nạn giao thông, điển hình tai nạn xe hơi gây tổn thương đầu, cổ, ngực,...
  • Tai nạn thể thao, chấn thương vùng lưng, cổ hoặc đầu.
  • Phần thân giữa bị vặn xoắn do tập luyện hoặc tai nạn.

Triệu chứng của chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống có thể xuất hiện một số biểu hiện như sau:

  • Mất khả năng vận động.
  • Mất hoặc thay đổi cảm giác nóng, lạnh.
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang.
  • Đau hoặc cảm giác châm chích dữ dội do tổn thương các sợi thần kinh tủy sống.
  • Khó thở, ho.

Khó thở là triệu chứng điển hình của chấn thương tủy sống

(Khó thở là triệu chứng điển hình của chấn thương tủy sống)

Một số triệu chứng cấp cứu của chấn thương tủy sống như:

  • Đau lưng cực độ hoặc áp lực ở cổ, đầu, lưng.
  • Mất phối hợp hoặc mất kiểm soát ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
  • Tê, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở bàn tay, ngón tay, bàn chân hoặc ngón chân.
  • Mất kiểm soát bàng quang, ruột.
  • Khó thở sau chấn thương.
  • Cổ hoặc lưng bị xoắn.

Khi xuất hiện các triệu chứng chấn thương tủy sống nêu trên, gia đình hoặc người thân xung quanh cần lập tức di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tiếp nhận điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc

Trước đây, các nhà khoa học đặt niềm tin ngày nào đó sẽ có nghiên cứu tiến bộ giúp chữa lành chấn thương tủy sống. Ứng dụng tế bào gốc vào điều trị chấn thương tủy sống là một trong số đó, thử nghiệm lâm sàng ban đầu ghi nhận mức độ thành công nhất định.

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là những tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau, đóng vai trò sửa chữa cho cơ thể. Phân biệt tế bào gốc với các loại tế bào bình thường ở ba điểm:

  • Có thể phân chia và làm mới trong thời gian dài.
  • Không chuyên biệt nên không thực hiện chức năng cụ thể.
  • Có thể trở thành các tế bào chuyên biệt như tế bào cơ, tế bào máu và tế bào não.

Tế bào gốc được ví như hệ thống sửa chữa của cơ thể

(Tế bào gốc được ví như hệ thống sửa chữa của cơ thể)

Hiện nay, các nhà khoa học phân loại tế bào gốc theo 2 yếu tố:

  • Nguồn gốc: Tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành, tế bào gốc đa năng cảm ứng.
  • Tiềm năng biệt hóa: Tế bào gốc toàn năng, tế bào gốc vạn năng, tế bào gốc đa năng, tế bào gốc đa năng giới hạn, tế bào gốc đơn năng.

Những năm gần đây có nhiều công trình nghiên cứu về tế bào gốc, các nhà khoa học nhận thấy chúng giúp ích nhiều trong lĩnh vực y tế và sức khỏe. Một số bệnh được đặt kỳ vọng chữa khỏi bằng tế bào gốc như Parkinson, Alzheimer, chấn thương tủy sống, bệnh tim, tiểu đường và viêm khớp.

Cách điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc như thế nào?

Điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc bước đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực, cao hơn cách sử dụng steroid liều cao chỉ kiểm soát được triệu chứng. Các bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp tế bào gốc vào cơ thể người bệnh, từ đây chúng sẽ:

  • Giai đoạn 1: Tự nhân bản thành những tế bào mới.
  • Giai đoạn 2: Biệt hóa để thay thế các tế bào thần kinh bị tổn thương.
  • Giai đoạn 3: Hỗ trợ hệ miễn dịch điều chỉnh những phản ứng khi cơ thể bị tổn thương.

Phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống

(Phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống)

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc, mức độ phục hồi theo tỷ lệ từ thấp đến cao (10 - 50%), tùy thuộc vào thời gian chấn thương và khả năng tái tạo. Theo đó, ở mức độ thấp bệnh nhân có thể cải thiện đường tiểu, xúc giác; mức độ cao hơn là vận động nhẹ, cử động nâng chân tay, vận động có sự trợ giúp và tiến đến tập phục hồi chức năng thay vì liệt hoàn toàn như trước đây.

Mục tiêu điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc

Mục tiêu cuối cùng của ứng dụng tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống là hỗ trợ, tăng cường phục hồi chức năng thần kinh và phần bị tổn thương. Một số kết quả tiềm năng ghi nhận được như:

  • Tăng khả năng kiểm soát cơ, lấy lại cảm giác ở các chi hoặc cơ quan.
  • Cải thiện hoặc phục hồi chức năng vận động, bàng quang, ruột, tình dục,...
  • Giảm chứng co cứng và đau thần kinh.
  • Tăng khả năng đổ mồ hôi.

Ưu nhược điểm điều trị chấn thương tủy sống bằng cấy ghép tế bào gốc

Để có góc nhìn toàn diện hơn về cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ sâu hơn về ưu và nhược điểm của liệu pháp này:

  • Ưu điểm: Tế bào gốc có lợi thế về tính đa năng, cho phép biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, trong đó có tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Yếu tố này giúp chúng có thể giải quyết nhiều khía cạnh của bệnh chấn thương tủy sống, ví dụ như viêm, sẹo thần kinh đệm, apoptosis.
  • Hạn chế: Sử dụng tế bào gốc đi kèm với một số thách thức như nguy cơ hình thành khối u, khả năng đào thải miễn dịch, tranh cãi đạo đức với tế bào gốc phôi.

Hiện nay có nhiều loại tế bào gốc được khám phá về tiềm năng trong điều trị chấn thương tủy sống, mỗi loại mang lợi thế và thách thức riêng. Bằng cách hiểu đặc điểm, khả năng của từng tế bào gốc, các nhà nghiên cứu đang dần tối ưu hóa khả năng sử dụng trong y học tái tạo.

Giới thiệu dịch vụ cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Phương Đông

Phát hiện tế bào gốc là bước đột phá của y học hiện đại, trên thế giới và tại Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Trung tâm Tế bào gốc và các khoa lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang phối hợp chặt chẽ, hướng tới ứng dụng trị liệu:

  • Bệnh xương khớp.
  • Chấn thương thể thao.
  • Nha khoa.
  • Thẩm mỹ.
  • Hỗ trợ sinh sản.
  • Các vấn đề về tóc.

Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị viêm khớp tại Bệnh viện Phương Đông

(Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị viêm khớp tại Bệnh viện Phương Đông)

Bệnh viện Phương Đông là số ít đơn vị tiên phong về công nghệ, chất lượng lưu trữ, nghiên cứu và trị liệu tế bào tại Việt Nam. Ngân hàng mô được trang bị hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, giúp xử lý, phân tích chuẩn xác chất lượng từng mẫu tế bào gốc.

Cùng với đó là đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, từng có thời gian dài công tác tại Bệnh viện 7 Quân khu 3, Bệnh viện TW Quân đội 108, Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Đồng bằng Bắc Bộ,...

Bài viết vừa chia sẻ phương pháp điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc, từ cách điều trị đến mục tiêu đạt được. Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám với bác sĩ, chuyên gia khoa lâm sàng và Trung tâm Tế bào gốc - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

166

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám